Hát múa sắc bùa rời làng lên phố
15:28' 17/07/2005 (GMT+7)

(NetCoDo) Trong dịp lễ hội Festival tôn vinh nghề truyền thống do thành phố Huế tổ chức vào các ngày 15 - 17 tháng 7 năm 2005, những người đến với lễ hội đã có dịp thưởng thức một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc: Hát múa sắc bùa do các lão nghệ nhân tuổi từ 75 - 85 của làng Phò Trạch biểu diễn tại sân khấu cộng đồng ở phía trước công viên trường Đại học sư phạm Huế, bên cạnh bến Tòa Khâm. Đây là lần đầu tiên tiết mục này được tái hiện trên sân khấu sau hơn 60 năm vắng bóng.



Hát múa sắc bùa do các lão nghệ nhân tuổi từ 75 - 85 của làng Phò Trạch biểu diễn tại sân khấu cộng đồng ở phía trước công viên trường Đại học sư phạm Huế


Sắc bùa làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền là một hình thức lễ hội dân gian đặc sắc đã có từ lâu đời, thể hiện chủ yếu là phép bắt quỹ, đóng bùa trấn trạch nhằm yểm quỷ trừ tà cho nhà ở và các nơi nhằm mang lại sự bình an cho dân chúng trong làng. Trải qua hơn 60 năm, do những biến cố về lịch sử nên dân làng không có điều kiện tổ chức lại lễ hội này trên quê hương. Không khí rộn rả của lễ hội sắc bùa ngày xưa chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người lớn tuổi với một nổi niềm luyến tiếc không nguôi. Ngày xưa, sắc bùa Phò Trạch được tổ chức theo định kỳ 12 năm một lần (Tí tập Sửu sắc, theo vòng con giáp). Cứ vào cuối năm các năm Tí, hội sắc bùa của Phò Trạch lại rộn rịp bổ sung lại hàng đội, chuẩn bị phục trang, đạo cụ, luyện tập lại các câu chú, bài xướng sao cho nhịp nhàng, đều đặn, đặc biệt là đối với các nhân vật chính như Chánh cai sắc, phó cai sắc, ông tróc quỹ. Ngoài ra còn có bộ phận lo việc in ấn các lá bùa (bùa Thiên Bồng) để dán vào các cột nhà ở các gia đình có đội sắc bùa đến sắc.


Nhân vật của đội sắc bùa gồm có: Ông chánh cai sắc (thường do một ông có chức sắc trong thôn đóng vai), Ông phó cai sắc, Ông tróc quĩ, ông cai bạch,nhân vật quĩ (do trẻ em từ 13 đến 15 tuổi đóng) hàng đội (tuổi trung niên) từ 10 đến 15 người, có cử người cầm đuốc và người đánh trống, não bạt, thanh la...


Về phục trang đạo cụ: ông chánh cai sắc mặc áo mã tiên có vẽ hình long phụng, đầu đội mũ pháp sư, tay cầm huyền trượng hoặc phương thiên họa kích. Ông phó cai sắc mặc áo thụng xanh, tay cầm ngu". Huyền và ngù là hai vật dùng để khai môn trừ tà của đạo giáo. Cả hai đều có treo lục lạc, nên khi nện xuống đất hoặc rung đều phát ra âm thanh. Cái "ngù" dùng trong sắc bùa của làng Phò Trạch giống như cái Tăng- gát của đồng bào dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế dùng trong các buổi lễ cúng để xua đuổi tà ma. Ngày nay, Tăng- gát được xem như một nhạc cụ truyền thống dùng trong lễ hội của đồng bào dân tộc. Phải chăng ở đây đã có mối quan hệ trong các tập tục, lễ nghi giữa người Việt và cư dân bản địa.


Khởi đầu của lễ hội sắc bùa, toàn đội kéo đến đình làng làm lễ cáo trình với các vị tiên linh, mong sự giúp đỡ để họ làm nhiệm vụ diệt trừ ma quỷ, tai ương cho dân làng. Đồng thời để cho các vị biết rằng dân làng vẫn gìn giữ các tập tục lễ nghi cổ truyền, giữ cái bản sắc văn hóa vốn có của làng quê mà các vị khai canh, khai khẩn đã dày công dựng lập. Sau đó toàn đội đến sắc ở đình thôn, nhà thờ các họ, phái rồi mới đến các tư gia ở trong làng. Nếu được mời, họ sẵn sàng đến các làng lân cận để sắc.


Nội dung sắc bùa ở các tư gia được chia thành 4 phần: trước hết là phần tróc quỷ. Toàn đội đến từng nhà, ông cai sắc xướng lớp xưng tụng quyền uy, cung thỉnh chư vị thần linh, thiên tướng giúp sức.


"Đệ tử phụng mệnh an phù,
thỉnh thiên bồng thiên du,
thỉnh thiên lình huyền đàng thượng tướng.
Tức tốc ứng ngô khẩu.
Tức tốc ứng ngô thanh.
Thỉnh thiên linh huyền đàng
Tốc nhập tộ sơn đáo hải.
Sát vạn quỷ trừ tà,
Trị quốc gia an trấn.
Lôi kim hắc điện thần linh tá trợ,
ngô kim phụng hành.
Thỉnh Thái thượng lão quân
Thần phù cấp sắc.


.................................................. ..


Sau khi xưng tụng xong, hai ông chánh phó cai vừa gõ ngù, huyền trượng hoặc xuống đất xướng các bài khai môn, hàng đội đọc chú, ông cai sắc làm phù phép một hồi rồi xướng.


Huyền đàng thượng tướng,
Sai xuống đây hỏa tốc khai môn,
Mở cửa nhà này,
Vạn vạn muôn muôn đô lực sĩ.
Bao nhiêu thằng qủy,
Phải bắt ra đây.
Thằng ngay thằng vạy,
Thằng nào chạy khỏi tay ông.
Tay ông là tay Thiên bồng thiên tướng,
đốt lửa sang sông.
Đầu ông đội lá đa,
Má ông má sành,
nanh ông nanh sắc.
Ông bắt thằng quỹ ông chém làm ba.
"Thỉnh Thái thượng lão quân thần phù cấp sắc"


Hàng đội tiếp tục đọc chú, sau đó ông cai sắc xứng tiếp:


"Nào... thẳng quỷ là chúng tà ma,
Mày ở làm chi trong xó nhà.
Có lệnh Ngọc hoàng sai xuống bắt,
Bắt thằng quỷ chém làm ba - làm ba"

Ông tróc quỷ tay cầm kiếm quỷ giơ cao và hô lớn:

"Phụng ngọc quỷ như lôi điện xuyết,
Khóa môn tiền nã tróc quỷ tà."

Túc này nhân vật quỷ (trốn từ trước trong xó nhà) mới lên tiếng:

"Dạ dạ, âu âu là kíp kíp,
này tôi là chúng quỷ tà,
ai có sự gì đem quảy tôi ra.
Trăm lạy phép quan ngàn lạy phép quan
Xin tha chớ giết.
Thiên thiên vạn vạn mở cửa cho chúng tôi ra.

Nhân vật quỷ xuất hiện trên mặt có mang mặt nạ quỷ.

Đây là phần mang kịch tính hấp dẫn nhất, vì khi đôi sắc bùa đến, người đi xem rất đông, nhất là trẻ em. Lợi dụng lúc đông người không ai để ý, nhân vật quỷ tìm cách lẻn vào nhà nấp ở chỗ kín không ai trông thấy. Đến đoạn ông tróc quỷ hô lớn: "Phá môn tiền nã trói quỷ tà" thì nhân vật quỷ mới xuất hiện. Có lần, một phú hộ ở làng bên cạnh mời đội sắc bùa của làng Phò Trạch đến và ra điều kiện nếu nhân vật quỷ lẻn được vào nhà mà không ai biết thì sẽ được thưởng lớn. Ông ta cho gia nhân canh gác cẩn thận nhưng đến phần tróc quỷ thì vẫn có quỷ xuất hiện từ một chỗ rất kín đáo ở trong nhà mà không ai hay. Đây chính là bí mật của đội sắc bùa, vì quỷ là nhân vật trung tâm tạo phần hấp dẫn nên được bố trí đến hai người đóng vai. Trường hợp khó khăn trên đây, nhân vật quỷ được phân công vào nhà ông phú hộ trước đó một ngày đã giả bộ đến xin cắt cỏ ở trong vườn ông phú hộ để rồi vào nhà xin nước uống để điều nghiên tình hình đột nhập khi tiến hành sắc bùa. Hôm sau, đội sắc bùa đến, trước khi vào sắc nhà ông phú hộ họ đã tiến hành sắc bùa cho nhà bên cạnh. Lợi dụng lúc gia nhân của ông phú hộ mất cảnh giác vì nghĩ là quỷ đang ở nhà bên cạnh, trong vai đứa trẻ đi xem sắc bùa, nhân vật quỷ thứ hai đã đột nhập vào nhà lấy mặc nạ mang vào và lộn trái chiếc áo đang mặc (vì trong phía trái áo có trang trí một số hình thù vẽ bằng giấy dán vào cho ra hình nhân vật quỷ). Kết cuộc ông phú hộ phải thán phục tài đột nhập của quỷ nên đã thưởng tiền cho đội và thưởng riêng cho nhân vật quỷ. Vì vậy, diễn viên đóng vai quỷ phải là một cậu bé tinh khôn và linh lợi, phải được luyện tập thành thục các động tác và diễn ca được các làn điệu trong vai diến. Trong múa hát sắc bùa có khá nhiều các tiết tấu và làn điệu cổ của tuồng và dân ca. Người viết bài này đã tiếp cận với người diễn viên cuối cùng là ông Nguyễn Đức Doản ở giáp Tây Phú làng Phò Trạch nhưng chỉ ghi lại một ít vì ông ta quá già yếu và đã mất vào cuối năm 1997 thọ 80 tuổi. Ví dụ như khi nhân vật quỷ bị bắt kéo ra sân đã theo điệu hát Nam hai câu:

Vọng Đông lĩnh tầm phương tỵ tử,
Chỉ sơn đầu bộ bộ bôn ba
Chỉ sơn đầu bộ bộ bôn ba)

Và khi ông tróc quỷ hô lần cuối:

Aïi ... ái ... Mạc thần kiếm phân ba
Chẳng dung loài yêu quái

Lúc đó quỷ vừa chạy vừa lạy vừa ca 4 câu theo điệu Tẩu mã:

Ngàn lạy phép quan
(Ngàn lạy phép quan)
Xin tha chớ giết
Mở cửa cho chúng tôi ra
Mở cửa cho chúng tôi ra

Sau phần tróc quỷ là đến phần cầu an trong gia đình, bao gồm nhiều nội dung: Cầu an thổ công, thổ chủ, ăn tằm, ăn táo, an sàng.... Rồi đến phần khám nhà, trấn mộc, đóng bùa (dán bùa ở các cửa, nơi chăn tằm, chuồng trâu....)

Đóng bùa cửa tằm, tằm ăn dâu.
Đóng bùa cửa trâu, trâu sinh đàn sinh nái.

Tiếp theo là phần tróc cột, ông tróc quỉ thay nhau cầm kiếm vừa múa, vừa chỉ vào các cột cái theo hương vị Đông, Tây, Nam, Bắc và trung ương (ở giữa), xướng bài tróc cột:

- Tróc cột phía đông:
Quỷ quỷ đông phương,

Sắc cột này cột trấn đông phương Thanh Đế.

Từ rày diệt mộc ương,
Thằng quỷ xuống đông quy hải ngoại.
Tuần này trạch chủ thọ thiên đường.

Phần cuối của tróc bùa là phần phong bạch: Ông chánh cai và phó cai sắc đóng vai Bạch đế, Huỳnh đế... cùng hàng đội xướng, họa, ngâm phú... với nội dung chúc tụng toàn gia năm mới an khang thịnh vượng, chúc gia chủ trường thọ, sinh con tốt, vật chất sung túc....

Bạch đế là min mới đến đây,
Bấy lâu làm chúa trị phương Tây
Chúa có sự gì mời min đến,
Nên min biết đến hộ nhà này.
Min là Huỳnh đế trị trung ương đời đời.
Ngày này chúa có tiếng mời,
Chúng min biết đến muôn đời vinh quang

..................

Đăng trà quả thực hương hoa,
Bàn thờ tiên tổ ông bà chiêu đăm.

..................

Nhà tôi thừa lệnh sắc bùa,
Thỉnh ông Hoàng là thần chủ,
Trừ ác quỷ tà ma
An táo, an cửa, an nhà.
An sàng, an tịch, an hòa thổ công.

...................

Sắc bùa ở Phò Trạch chủ yếu tập trung ở hai giáp Tây Phú và Triều Quý để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong làng và các làng lân cận, họ tổ chức từ ba đến bốn đội và tổ chức sắc bùa trong nhiều ngày. Qua nghiên cứu văn bản sưu tầm được ở cả hai khu vực, chúng tôi đã phát hiện ở Phò Trạch có đến hai dòng sắc bùa khác nhau. Nội dung sắc bùa minh họa trên đây là dòng sắp bùa của giáp Tây Phú. Sắc bùa của giáp Tây Phú có phần ảnh hường màu sắc Lão giáo. Ngôn ngữ sắc bùa của giáp Tây Phú làng Phò Trạch có vẽ "bác học", sử dụng nhiều ngôn từ Hán, nhưng vẫn còn một số chữ Nôm cổ như: "Min" có nghĩa là ta, "Chúng min": chúng ta, hoặc "Chiêu đăm " (trái phải). Về văn bản sắc bùa của giaïp Triều Quý thì chân chất và mộc mạc hơn.

.......
Ngũ lôi là tôi Ngọc hoàng,
Có năm thằng mạnh mẹ (mạnh mẽ)
Đều khỏe chân tay,
Thằng vào cửa sổ, thằng túm cổ lôi dây.
Thằng xâu chỉ cờ, thằng vơ tay đánh.
Thằng tránh cửa sau, thằng vào cửa trước.

Lễ hội Sắc bùa Phò Trạch được tổ chức chính thức từ đêm trừ tịch (đêm 30 tết) cho đến ngày 14 tháng giêng là chấm dứt để chuẩn bị cho các lễ hội và trò chơi ngày xuân bắt đầu từ rằm tháng giêng.

Việc phục hồi những lễ hội và trò chơi dân gian ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền trong thời gian qua là một cố gắng lớn của nhân dân và các cấp chính quyền ở địa phương mà đặc biệt là ngành Văn hóa. Vì việc đánh mất những lễ hội văn hóa dân gian chính là đánh mất những giá trị văn hóa tinh thần và tính cố kết cộng dôöng làng xã mà bao thế hệ cha ông đã dày công gìn giữ. Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của văn nghệ dân gian hiện nay đang là một việc hết sức cần thiết để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước ta trong quá trình hội nhập cùng văn hóa trong khu vực và thế giới.

Nguyễn Thế