Bỏ lương triệu đô đi sửa lỗi chính tả
29/08/2010 0922

- Theo TS Nguyễn Ái Việt, vấn đề chính tả đang ở mức báo động. Theo "Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt" đánh giá văn bản của 177 đơn vị bằng một tập các lỗi chính tả tiếng Việt phổ biến, tỷ lệ lỗi chính tả phổ biến hiện nay là 7,79% trong khi sai số cho phép là dưới 1%.

Nhà khoa học "ấm đầu"

Người ta nói rằng ông là nhà khoa học "ấm đầu" vì đã bỏ mức lương triệu đô ở Siemens để về Việt Nam chỉ để sửa lỗi chính tả tiếng Việt?

Tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng lại học tập và làm việc nhiều năm ở nước ngoài. Mãi đến năm 2004 tôi mới trở về nước làm việc ở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). Lý do là bởi tôi muốn được làm khoa học, được cống hiến sức mình cho đất nước.

Thời điểm đó tôi đang làm kỹ sư trưởng của Tập đoàn Siemens (Mỹ) với mức lương khá cao. Nhưng tôi là người Việt Nam. Tôi đam mê khoa học. Vì thế, tôi phải về nước. Tôi quá bức xúc với việc người Việt mà sử dụng tiếng Việt sai chính tả triền miên, phổ biến, sai có tính hệ thống, sai từ các cơ quan truyền thông đến các bộ, ngành... Và tôi nung nấu ý định phải làm điều gì đó.

Phải làm điều gì đó? Cụ thể là gì vậy?

Phần mềm soát lỗi tiếng Việt đã ra đời. Từ khi còn làm ở Bộ TT&TT, được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án internet cộng đồng, tôi đã nghĩ đến điều này. Và trong suốt 3 năm nay tôi cặm cụi đi làm những việc tưởng như "ngớ ngẩn" là tìm lỗi và soát lỗi trên hệ thống văn bản của cả nước nói chung, từ các bộ, ngành, cơ quan truyền thông đến các đơn vị hành chính sự nghiệp khác.

Phần mềm soát lỗi chính tả ra đời để cảnh báo thực trạng đó và cũng góp phần làm tiếng Việt trong sáng hơn.



"Người Việt Nam hay nói linh tinh, không nói chuẩn" - TS Nguyễn Ái Việt

Phần mềm đó soát lỗi, phát hiện và thống kê lỗi theo cơ chế nào?

Tôi chọn ra các lỗi gồm một tập lỗi gồm các từ hay dùng sai như bổ sung, xử lý, sử dụng, tham quan, xán lạn... rồi đưa vào hệ thống soát. Phần mềm sẽ tự động dựa trên các từ đó để soát tất cả các văn bản của các cơ quan, tổ chức. Các chỉ tiêu gồm dùng từ đó bao nhiêu lần, trong đó bao nhiêu lần sai và đưa ra kết luận. Có rất nhiều cơ quan sử dụng sai. Kết quả không nói lên sự dốt hay giỏi của đội ngũ đó nhưng hiện trạng chính tả là hoàn toàn có thật và đối với toàn xã hội thì con số đó rất đáng báo động.

Nói 100 lần sai 8 lần - kinh hoàng

Theo ông, sai lỗi chính tả nói chung có nguyên nhân từ đâu?

Lỗi chính tả trong xã hội ta rất nặng. Một xã hội mà có tới 8% lỗi chính tả thì không phải là bình thường. Một xã hội nói 100 lần mà sai đến 8 lần thì không phải là chuyện đùa. Điều này quả đáng báo động. Kinh hoàng!

Tình trạng lộn xộn của xã hội ngày nay có liên quan gì đến tình trạng lộn xộn của tiếng Việt hay không?

Chắc chắn là có. Vì ngôn ngữ là thể hiện tư duy, có tư duy mới có hành động. Ngôn ngữ lộn xộn thì tư duy lộn xộn. Tư duy lộn xộn thì nảy ra tà tâm, từ đó hành động lộn xộn.

Đây là tình trạng chung hay chỉ là nét "văn hóa" riêng của Việt Nam?

Người Việt Nam hay nói linh tinh, không nói chuẩn. Người phương Tây ít cãi nhau hơn người Việt Nam là bởi vì trong một tình huống họ chỉ có một ngôn ngữ thể hiện, nên không thể nảy ra dị tâm gì. Nhưng người Việt thì khác, hay nói những câu linh tinh, rồi lại thích suy luận.

Ông có phải là người giỏi về ngôn ngữ?

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nhưng tôi được rèn giũa về ngôn ngữ từ nhỏ.

Ông dự định sẽ làm gì để góp phần làm trong sáng tiếng Việt?

Định kỳ vài tháng một lần, tôi sẽ cho công bố bảng xếp hạng văn bản tiếng Việt mới nhất để mọi người ý thức hơn trong việc sử dụng đúng tiếng Việt. Các kết quả chi tiết được công bố trên trang web www.xephangvanban.com. Sau đó sẽ là những công cụ soát lỗi văn phong, ngữ pháp... ra đời.

Say mê... không bình thường

Ông từng giữ một số chức danh khá quan trọng ở Bộ TT&TT, giờ ông lại trở về làm một nhà khoa học đơn thuần, ông thích làm việc ở vị trí nào hơn?

Nếu anh chỉ là một nhà khoa học đơn thuần, không tham gia làm quản lý thì sẽ có rất nhiều hạn chế. Ở vị trí người quản lý, việc anh hiện thực hóa ý tưởng của mình, giúp đỡ người khác hiện thực hóa ý tưởng thì dễ dàng hơn nhiều so với khi anh là một nhà khoa học đơn thuần.

Quản lý những ngành khó như công nghệ thông tin, viễn thông, giáo dục, KHCN... lại càng cần người có tri thức khoa học. Tất nhiên, tôi vẫn thích làm một nhà khoa học hơn là làm "quan", bởi thế tôi mới xin về Viện Công nghệ Thông tin để được làm một nhà khoa học theo đúng nghĩa.

Nhưng làm khoa học thì nghèo lắm!

Tôi không quan điểm như thế, nếu vì tiền thì tôi đã không về nước làm việc. Tôi tham gia công tác ở Bộ TT&TT 5 năm, công tác quản lý khiến cho mình không thể tập trung làm khoa học được. Như tôi đã nói, ở Bộ thì tôi là "quan" chứ không phải là nhà khoa học, mà tôi thì mong muốn khác.

Ông có để lại dấu ấn gì trong quãng thời gian làm "quan"?

Có lẽ dấu ấn lớn nhất của tôi để lại với bác bảo vệ là việc tôi là người tắt điện ở cơ quan. Tôi luôn là người tắt điện sau cùng. Một vài lần bác ấy lên phòng tôi tắt điện, tôi ngồi trong kêu toáng lên. Lâu dần thành quen và tôi trở thành người tắt điện của cơ quan. Tôi thích làm cái gì cũng phải có đam mê, kể cả làm quản lý hay làm nhà khoa học.

Số người làm "quan" mà say mê như ông có nhiều không?

Tất nhiên là có, nhưng mỗi người say mê một cách. Tôi say mê việc tôi làm, có người say mê quản lý người khác, say mê quyền chức. Làm quản lý nếu làm hay thì hay lắm, nhưng khó!

Khó?

Làm quản lý có nhiều cái sợ. Nhiều người vì sợ mà không quyết đoán, cả đời không dám quyết định cái gì. Sợ trách nhiệm, người kia sợ liên đới, sợ sai... Không làm thì không sai. Thế nên những ông lờ mờ không bao giờ làm hay quyết cái gì thì trụ được. Những người say mê làm như tôi được coi là thần kinh không bình thường.

Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này.

TS Nguyễn Ái Việt sinh ra trong ra đình văn chương. Lên phổ thông học chuyên toán. Năm 1973, ông học đại học chuyên ngành vật lý ở Nga. Năm 1978, ông về nước làm ở Viện Vật lý. Năm 1987 - 2004, ông và gia đình sinh sống ở nước ngoài. Năm 2004, ông về nước làm Viện phó Viện Chiến lược, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin của Bộ TT&TT. Từ cuối năm 2009 là Viện phó Viện CNTT, ĐHQG Hà Nội.

Tô Hội (thực hiện)