Tòa thành Vô băng xây năm 1805 ở Hà Nội
26/08/2010 0654

- Tòa thành xây năm 1805 vốn có tên là Thăng Long (Hưng Thịnh), năm 1831 đổi là thành Hà Nội.

Thành mới trên nền cũ

Trên mảnh đất của Thăng Long, từ năm 1010 đã tồn tại một tòa thành lấy tên là Thăng Long, xây xong từ mùa thu Canh Tuất (1010). Tòa thành bị phá đi xây lại nhiều lần nhưng vẫn theo quy mô cũ và nó chỉ bị phá tan sau khi kinh đô dời vào Huế.

Năm 1805, Gia Long cho xây lên đó một tòa thành tuy gọi là Thăng Long, nhưng Thăng Long ở đây là Hưng Thịnh. Tòa thành không giữ vị trí kinh đô đất nước, mà là trấn sở của Bắc thành tổng trấn (trung tâm của các trấn từ Hà - Nam - Ninh trở ra).

Thành xây theo thiết kế của thành phòng ngự - pháo đài ở các góc thành, rất tiện cho việc bảo vệ tòa thành nếu bị tấn công bằng quân sự và các pháo đài có thể uy hiếp chung quanh một cách thường trực.




Cửa Bắc nằm trên phố Phan Đình Phùng được xây năm 1085.



Vị trí của tòa thành với dấu vết để lại nay có thể xác định được một cách rõ ràng, nó bao trùm lên toàn bộ lô đất thuộc Hoàng thành Thăng Long trước thế kỷ XIX. Phía bắc trùng với phố Phan Đình Phùng (vốn là đại lộ Carnot cũ), từ phố Hàng Cót đến phố Mai Xuân Thưởng, dài 1.400m, phía tây là đường Hùng Vương (đại lộ Briere de L’isle) từ Quán Thánh - Thanh Niên đến Nguyễn Thái Học dài 1.700m, phía nam theo phố Nguyễn Thái Học (vốn là đường 206B) dài 1.700m, phía đông trùng với phố Phùng Hưng (vốn là đại lộ Henri d’Orleans) dài 1.250m.

Bốn con phố này nằm ở hào thành, các tường thành lùi vào, lùi ra chút ít, không hoàn toàn đúng như chiều dài đã dẫn ở trên, như vậy diện tích tòa thành xấp xỉ 2km2.

Tòa điện chính của thành Hà Nội không phải điện Kính Thiên

Vấn đề được các giới nghiên cứu lâu nay quan tâm, đó là tòa điện chính của Bắc thành tổng trấn xây trong tòa thành Vô băng, mà người ta quen gọi nhầm là điện Kính Thiên nằm ở đâu so với điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long trước thế kỷ XIX? Ở đây cần gọi lại cho đúng, vì gọi là điện Kính Thiên phải là nơi làm việc của hoàng đế, Thăng Long không còn là kinh đô không thể có tòa điện nào được gọi là Kính Thiên nữa. Đó là nơi làm việc của tổng trấn Bắc thành. Vị trí của tòa điện chệch về phía đông của tòa điện Kính Thiên của thành Thăng Long cũ.

Hiện nay đã xác định được trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long, với tiến án là Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở phía chính nam và hậu chẩm là khu Quán Thánh (khi xưa rộng đến phố Hàng Bún) ở phía bắc.

Chiều rộng của trục chính tâm là từ phố Chu Văn An ở phía tây sang phố Hoàng Diệu ở phía đông (rộng từ 350 - 450m), mà khu khai quật khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu - 1 Hoàng Văn Thụ đã chứng minh rằng nằm ở trục chính tâm của Hoàng thành cũ.

Như vậy, rõ ràng trục của thành xây năm 1805 là Cột cờ - Đoan Môn - Điện Chính - Hậu Lâu, là đường trục khác, cách phía đông đường trục cũ đến 100m chắc chắn không thể là tòa điện Kính Thiên cũ trên nền tòa điện mới được gọi là "Kính Thiên" này! Có người lấy chứng cứ là 2 bậc đá chạm rồng vốn là của điện Kính Thiên cũ nằm trên hai bậc thềm lên điện mới là thiếu cơ sở, vì các cấu kiện cũ có thể được sử dụng lại ở các kiến trúc mới là thường tình. Nhà Nguyễn đã từng dỡ gỗ ở các tòa điện lớn đưa vào Huế xây dựng công trình mới.

Từ năm 1894 (tháng 2) cho đến cuối năm 1897, thành Hà Nội bị phá hoại hoàn toàn, hào xung quanh bị lấp hết, 4 mặt tường thành bị san phẳng, 5 cửa thành chỉ còn lại cửa chính Bắc, còn Cột cờ, Đoan Môn, nền điện chính và toàn bộ mặt bằng trong thành bị đào xới nham nhở.

Tòa thành bị tàn phá, để lại nuối tiếc cho muôn đời.

Bùi Thiết