Ghi ở nơi chôn các tử tội

Bên này pháp trường Long Bình là nơi chôn cất hàng trăm tử tội. Ở nơi được xem là điểm dừng của tội ác, sự quạnh vắng và những tấm bia ghi rõ tội ác, ngày thi hành án có liên quan đến người nằm dưới mộ tạo cảm giác rờn rợn với bất kỳ ai đặt chân đến nơi đây, kể cả thân nhân của các tử tội.


Lực lượng Công an triển khai việc thi hành án một tù nhân phạm tội giết người.

Cũng ở nơi ai nghe cũng sợ ấy, bóng dáng gầy guộc của những người mẹ hiện diện khắp nơi, trên bia đá, trên từng nấm mồ vừa được đắp đất và những nén nhang cháy dở… Nỗi thương nhớ chưa nguôi nên có người mẹ chọn cách mưu sinh bên bãi rác cạnh trường bắn để được gần gũi, chăm sóc mộ phần những đứa con tội lỗi.

Điểm dừng của những… kẻ gây tội ác

Cách TP HCM hơn 30km với nhiều cung đường cua quẹo, nơi chôn cất của những kẻ từng gây tội ác, nợ máu với xã hội um tùm cỏ dại với mộ phần nhấp nhô, có ngôi mộ chỉ là mô đất lở lói không bia, chứng tỏ người nằm phía dưới mộ hoặc không có người thân, hoặc có nhưng có lẽ vì họ quá ghê sợ tội ác của con em nên xa lánh. Hay cũng có thể vì quá đau buồn, hoặc quá nghèo khổ mà họ không thể làm cái việc nghĩa tận với người đã khuất.

Dưới gốc một thân cây hoai mục, chúng tôi bắt gặp cái tên quen thuộc Nguyễn Hữu Thành, tướng cướp từng một thời nổi tiếng cướp - hiếp - giết có biệt danh "Phước tám ngón". Lúc này mộ Phước nghi ngút khói nhang. Qua trò chuyện với những người đang nhặt phế liệu tại bãi rác trường bắn, chúng tôi được một người phụ nữ bật mí: "Cứ 3 tháng một lần, lại thấy mẹ thằng Phước lầm lũi đến nhổ cỏ, thắp nhang cho nó".

Hỏi lấy cơ sở gì khẳng định đó là người mang nặng đẻ đau Nguyễn Hữu Thành thì chị nọ biện giải: "Người hay đến thắp nhang mộ thằng Phước khoảng 70 tuổi. Nếu là người dưng hoặc không mấy thân thích thì chẳng ai dám xăm mình vào đây làm việc ấy cả". Chị nọ bỏ nhỏ: "Ngoài mẹ thằng Phước thi thoảng tôi còn gặp mẹ của một số tử tội khác cũng ra đây hương khói mộ phần cho con đấy".

Rảo quanh nơi trường bắn, chúng tôi bắt gặp nhiều anh tài tội ác từng vì lòng tham tiền bạc mà giết người không gớm tay, để rồi phải trả giá cho hành vi tội lỗi bằng mạng sống của chính mình. Đó là mộ phần của hung thủ Hà Văn Tự, vì thua cờ bạc mà nợ nần chồng chất và để có tiền trả nợ, Tự rắp tâm sát hại 2 người chạy honda ôm đặng cướp của.

Rồi Nguyễn Hoàng Anh Tú (ngụ huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Hồ sơ tội ác của Tú bắt đầu vào ngày 27/12/2003, trên chuyến xe khách từ Lâm Đồng về TP HCM, thấy bà Vòng Ửng Múi đeo nhiều nữ trang vẻ giàu có nên Tú lân la làm quen để cướp của. Xe đỗ tại khu vực quận 5, Tú nhiệt tình gọi xe ôm chở mình và bà Múi đến xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tìm người quen.

Trong lúc nghỉ tạm tại một căn nhà hoang, bà Múi đang rửa tay chân, Tú bất ngờ dùng gạch đập mạnh vào gáy khiến bà Múi té xuống nền nhà. Không chịu buông tha, Tú chồm lên người nạn nhân dùng gạch đập thẳng vào trán nạn nhân rồi lột 1 vòng cẩm thạch, 2 chiếc nhẫn vàng lấy số tiền 400.000 đồng. Ngày 30/12/2003, Tú bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Sau đó Tú bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình vì hai tội danh Giết người và Cướp tài sản.


Một góc nơi chôn các tử tội.

Những hình ảnh nhói lòng

Tại đây, mộ phần của những hung thủ giết người ghê rợn như Tự, Tú... lởn vởn khắp nơi. Đó là Vũ Hồng Hà (sinh năm 1977, ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) vì muốn thể hiện hào khí mà vô cớ cầm dao giết người. Đó là hai chị em ruột Trần Huệ Mẫn (sinh năm 1975) và Trần Huệ Bình (sinh năm 1970), bị thi hành án vào ngày 17/6/2005 vì tội ác rắp tâm hợp tác giết chết một phụ nữ người nước ngoài để lấy tiền vàng…

Ông Huông, người chuyên chôn xác tử tội sau khi họ bị thi hành án, khẽ thở dài: "Lúc còn dọc ngang giữa đời, với tiền bạc rủng rỉnh có được từ các vụ cướp-giết, nhiều tử tội có lắm chiến hữu, anh em và tình nhân. Nhưng khi bị bắt giam và bị thi hành án tử hình, những kẻ từng cắt máu ăn thề "có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia" ấy bặt tăm. Chỉ có những người mẹ bần hàn, còm cõi với nhiều ưu tư trĩu nặng vẫn nén đau, lặng lẽ đến nghĩa trang trường bắn chăm sóc, trò chuyện với đứa con tội lỗi".

Dừng lại bên ngôi mộ của tử tội Nguyễn Hoàng Anh Tú với tấm bia ghi rõ dòng chữ "Nguyễn Hoàng Anh Tú, tự Sò, hưởng dương 23 tuổi, mẹ lập mộ", ông Huông giọng trầm ngâm: "Như những tử tội khác, ngày bị giải ra pháp trường thi hành án, thằng Tú run như cầy sấy, bước đi không nổi nên mấy anh Công an phải kè hắn ra cọc bắn. Nếu biết trước ngày này và nếu nhìn thấy cảnh mẹ già queo quắt ra ôm mả mồ khóc hết nước mắt trong sương trong nắng, chắc thằng Tú và các tử tội khác sẽ không dám phạm tội ác đâu".

Tiến đến điểm dừng tội ác của tử tội Ngô Văn Ba (đại bàng trại giam, vào tù vẫn xưng hùng xưng bá và nhẫn tâm giết chết bạn tù), tử tội Nguyễn Nghĩa (cướp của, giết người) với những tấm bia do mẹ lập, ông Huông, trầm ngâm: "Với xã hội và luật pháp, Nghĩa, Ba… là những tử tội cần phải loại khỏi đời sống nhưng trong con mắt người mẹ, chúng vẫn là những đứa con cần được chở che. Thế nên thi thoảng tôi vẫn bắt gặp những cụ bà ra ngồi bên nấm mồ tử tội khóc thương hàng giờ đồng hồ với nỗi đau khôn xiết".

Xin đừng làm đau lòng mẹ

Xuyên suốt trường bắn, chúng tôi nhận thấy chẳng mộ phần nào của các tử tội ghi "bạn lập mộ". Số tử tù được người tình, hoặc vợ lập mộ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Ở đây những dòng chữ đỏ "Mẹ lập mộ" là đậm nét nhất. Có những người mẹ do hoàn cảnh nghèo khó mà sau khi con bị thi hành án đến 3 năm mới gom góp đủ tiền dựng bia đá cho con.

Cũng có những người mẹ, như trường hợp mẹ của Thành chừng như quá nghèo khó nên không thể tạo lập được mộ phần cho con. Thường thì đến tiết thanh minh hằng năm, tôi thấy bà cụ ra đây lập cập thắp mấy cây nhang cho mộ phần đứa con tội lỗi với tấm bia có dòng chữ rợn người "Nguyễn Tấn Thành, sinh năm 1982, ngụ phường 18, quận 4, ngày bắt 27/2/2004, tội Giết người - Cướp của, thi hành án 4-7/2006. Mỗi lần thấy dáng bà cụ, tôi xót lắm" - ông Huông bỏ lửng câu nói với ánh mắt đỏ hoe.

Phải trả giá bằng mạng sống, tử tù từ đây khép lại chuỗi hành trình tội ác nhưng họ vĩnh viễn không bao giờ xóa được tội bất hiếu trước những người mẹ nay đau mai yếu đang sống trong cảnh nghèo khó, khốn cùng cần được phụng dưỡng. Tiếc rằng những đứa con tội lỗi đang nằm dưới mấy tấc đất kia không những không làm được điều đó mà còn mang đến nhiều nỗi đau cho đấng sinh thành.

Rời trường bắn, chúng tôi băn khoăn, liệu những bi kịch tội lỗi ấy có thức tỉnh lương tri của những đứa con lạc loài đã và đang sống ngoài vòng pháp luật… biết dừng lại, để nỗi đau của những người mẹ không phải chìm sâu nơi nghĩa trang tử tội!
Gửi vào 28/03/10 02:02
st