Một chuyện cổ tích buồn trong cuộc tình ngắn ngủi

2:32, 06/07/2010

--------------------------------------------------------------------------


Chân dung Andersen thời trẻ.



"Mười năm sau, tôi lấy sách ra đọc lại thì bỗng thấy rõ rằng Andersen rất cô đơn. Cô đơn lắm! Tôi không biết thân thế ông ra sao. Hình như ông sống lang thang, đi đây đi đó rất nhiều. Nhưng điều đó chỉ xác nhận thêm cảm giác của tôi, ông sống rất cô đơn. Chính vì vậy, ông ấy mới nói chuyện với trẻ con!..."



Lev Tolstoy quả là rất tinh khi "nhìn" ra sự cô đơn len lỏi trên từng trang sách của nhà viết truyện cổ tích lừng danh. Tuy nhiên, không thể khẳng định vì cô đơn nên Andersen mới tìm cách "nói chuyện" với trẻ con, mà ngược lại, để "nói chuyện" được với trẻ con, ông đã buộc phải hứng chịu cho riêng mình sự cô đơn ấy...

Hans Christian Andersen sinh năm 1805 tại Odense, một thành phố cổ của Đan Mạch, xứ sở thơ mộng mà sau này chính ông đã ca ngợi: "Là một đất nước nên thơ, có rất nhiều cổ tích thần thoại phương Bắc, nhiều tập tục, nhiều điệu hát. Những rừng sến um tùm, những cánh đồng cỏ và đồng lúa mì phì nhiêu phủ kín các mặt đảo".

Cụ thân sinh ra Andersen vốn là thợ đóng giày. Con người làm nghề chăm chút cho đôi bàn chân thiên hạ này hẳn không thể nào ngờ rằng, chính bởi sự quan tâm săn sóc đặc biệt của ông cho việc mở mang trí tưởng tượng của con trai, mà sau này Andersen đã trở thành người lữ khách của muôn phương, đã đặt bước chân tới bao miền đất, đã thu nạp trong kho chứa của tâm hồn mình bao điều kỳ thú, để rồi từ đó viết nên những trang truyện cổ tích làm say lòng bao thế hệ độc giả.

Năm 23 tuổi, Andersen cho xuất bản cuốn sách đầu tay, một tập thơ có cái tên rất gợi thú phiêu lưu "Dạo chơi ra đảo Amaghe". Nhờ nhuận bút của cuốn sách, Andersen có điều kiện làm một chuyến du lịch hàng loạt các nước châu Âu, khởi đầu là Đức, sau đó là Thụy Sĩ, Pháp... rồi cuối cùng đến Italia.

Từ đó, cuộc đời Andersen trải dài triền miên theo các chuyến đi. Đến đâu ông cũng được các bậc tài danh của xứ sở ông đặt chân đón tiếp nồng hậu. Hugo, Dumas của Pháp, Dickens của Anh, Haine của Đức... tất cả đều không tiếc lời bày tỏ sự cảm mến của mình đối với tác giả của những câu chuyện cổ tích tuyệt vời, "cha đẻ" của những "Nàng tiên cá", "Công chúa tuyết", "Chú lính chì dũng cảm"... Trẻ em háo hức chờ đón ông như chờ đón ông già Noel!


Theo xác định của một số nhà nghiên cứu, phải có đến dăm bảy phụ nữ thuộc hàng "danh giá" đã đem lòng yêu thương Andersen! Trong đó, câu chuyện tình lãng mạn giữa ông và một thiếu phụ Italia đã trở thành nguồn cảm hứng giúp nhà văn Nga Paustovsky viết nên thiên truyện "Chuyến xe đêm"- một truyện ngắn trang nhã, xúc động, ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của tình yêu. Truyện này đã được dịch in ở Việt Nam ta từ hơn năm mươi năm nay và được tái bản nhiều lần. Mặc dù có một số yếu tố "sáng tác", song bạn đọc vẫn có thể tìm thấy ở đó những dữ liệu liên quan đến cuộc đời thực của Andersen...

Đêm ấy - một đêm xuân rạo rực, Andersen theo chuyến xe ngựa rời thành Venice để đến Verona, tiếp tục chương trình ngao du một số địa danh ở miền Bắc Italia.

Trong bóng đêm, Andersen như chỉ nhìn thấy được hàm răng trắng của các cô gái cùng đi trên xe. Để góp vui, Andersen bèn thể hiện cái tài "bịa chuyện" của mình. Trước nhất - như một thầy bói - ông thử trò "tưởng tượng" về các cô gái trên xe. Nào là cô này có mắt màu xanh bí ẩn, cô kia có những bím tóc thơm thơm, rồi thì những đôi môi hồng thắm, những cặp mi cong... Andersen còn tiên đoán cả về tương lai, hạnh phúc của các cô, khiến cho có cô thì bẽn lẽn mỉm cười, cô thì cảm động đến sa nước mắt... Cuối cùng một cô mạnh bạo lên tiếng đề nghị ông "tự tả về mình".

Andersen không thuộc dạng những người đẹp trai: trán cao, hơi ngả về đằng sau, người cao ngổng, tay chân lòng thòng "như tay chân con rối dưới những sợi dây treo". Tuy nhiên, như trong thế giới cổ tích, ông đã cho phép mình được vẽ vời hoa lá chút ít. Ông tả với các cô gái như thể ông là một chàng trai trẻ hấp dẫn và đáng yêu.

Các cô gái nghe nhà thơ kể như bị bỏ bùa mê, đến độ xe đã dừng mà chẳng cô nào nhúc nhích. Khi người đánh xe nhắc, các cô mới chợt bừng tỉnh, choàng dậy. Họ lần lượt chia tay và cảm ơn Andersen bằng những cái hôn đầy quyến luyến.

Trên chuyến xe cùng đi hôm đó còn có một thiếu phụ. Dường như suốt lộ trình, nàng chỉ im lặng lắng nghe và nghiền ngẫm lấy từng lời của nhà thơ, rồi kín đáo thở dài hoặc cúi đầu trầm tư. Thi thoảng nàng cũng tham gia vào câu chuyện của ông, nhưng chỉ là để góp thêm vài ba câu "lấp lửng"...

Andersen đã nhanh nhạy đọc ra trong những câu "lấp lửng" ấy bao nhiêu ngụ ý. Hơn thế, khi thiếu phụ cởi mở lòng mình mà giới thiệu với cô gái đi cùng chuyến xe: "Tôi là Elena... Tôi hiện ở Verona. Cô cứ hỏi nhà tôi thì người Verona nào cũng biết, họ sẽ chỉ cho cô... Hãy đến với tôi, ở cùng tôi đến tận cái ngày hạnh phúc mà ông bạn đường thân yêu của chúng ta (tức Andersen) đã tiên đoán cho cô"- thì Andersen hiểu ngay: Lời nói đó còn có ý nghĩa như một lời mời kín đáo dành cho chính bản thân mình.

Buổi tối hôm sau, có một người đàn ông ngoại quốc đã đến đứng trước ngôi nhà của một thiếu phụ trong phố hẹp dẫn tới pháo đài.

Sau hồi chuông kêu, đích thân Elena ra mở cổng. Hôm ấy, nàng mặc bộ quần áo bó sát người nên càng tôn vẻ hấp dẫn. Nàng vô cùng mừng rỡ khi nhận ra qua ánh nến gương mặt người khách cùng đi trên chuyến xe đêm qua.

Nàng nắm chặt tay Andersen, đưa ông vào phòng. Những câu nói thốt lên ngay từ giây phút đầu chứng tỏ non một ngày nay nàng đã phải sống trong khắc khoải chờ đợi!

Điều này làm cho Andersen thấy lo sợ. Bẩm sinh ông là một người luôn mặc cảm về hình thức của mình. Một triết gia đã có những nhận định độc đáo và chính xác về Andersen: "Đó là một nhân vật đáng buồn cười trong một trường ca nào mới sống lại, bất ngờ hiện ra từ những trang thơ và quên mất bí quyết trở lại giá sách đầy bụi của thư viện". Là một con người của thế giới cổ tích, Andersen thường tỏ ra lúng túng trước thực tại, nhất là khi xảy đến với ông những trạng huống "phức tạp". Không phải Andersen chưa một lần biết đến cái gọi là "tình yêu". Nhưng chẳng khó khăn gì mà ông không hình dung ra: Chỉ ít ngày nữa thôi, cái "giây phút nhất thời" của Elena sẽ qua đi, bấy giờ trước mắt nàng, ông chỉ còn là một người đàn ông xấu xí, một nhân vật vô duyên và lạc lõng. Liệu đến khi ấy ông có còn giữ được sự thuần phác của tâm hồn, giữ được cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, để rồi tiếp tục cầm bút thêu dệt nên những câu chuyện cổ tích thơ mộng dâng tặng bạn đọc khắp thế gian?

Bởi vậy, ý định của Andersen đến gặp thiếu phụ là để chia tay, chia tay vĩnh viễn. Ông nói:

- Tôi đến đây để từ biệt bà - Đoạn ông hạ giọng lẩm bẩm - Tôi sắp "trốn" khỏi Verona!

Thật ra, có những điều Elena đã linh cảm được từ trước. Chẳng qua nàng không muốn xác nhận nó. Bởi thế, khi nghe Andersen tiết lộ điều "đáng sợ hãi" ấy, nàng khẽ khàng nói:

- Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Christian Andersen, nhà thơ và người viết truyện cổ tích danh tiếng. Nhưng hóa ra, trong cuộc đời ông lại sợ truyện cổ tích. Đến nỗi ông cũng chẳng có đủ nghị lực và can đảm, thậm chí cho một cuộc tình ngắn ngủi.

Andersen thú nhận rằng đó chính là "định mệnh" của đời mình.

- Vậy thì nhà thơ phiêu lãng thân yêu của em - Nàng chua chát nói và đặt tay lên vai Andersen - Anh hãy chạy đi. Chạy cho thoát! Chúc cho đôi mắt anh mãi mãi tươi cười. Đừng nghĩ gì đến em... Nhưng nếu một ngày kia, tuổi già, nghèo nàn và bệnh tật có làm anh đau khổ thì anh chỉ cần nhắn cho em một lời, em sẽ đi bộ vượt qua những núi tuyết và những sa mạc khô cằn để tới an ủi anh (ở đây Elena đã dụng ý nhắc tới nội dung câu chuyện tình cao cả mà Andersen đã kể lại cho các cô gái quê nghe trên chuyến xe ngựa đêm trước).

Thiếu phụ nói và gieo mình xuống ghế bành, hai bàn tay thon thon che mặt. Andersen nhận thấy những giọt nước mắt rỉ qua kẽ tay nàng. Ông vội quỳ xuống trước mặt Elena, áp mặt vào đôi bàn chân mềm mại, ấp áp của nàng...

Cuộc chia tay của họ diễn ra tức tưởi, vội vã như ma đuổi, xen kẽ với những giọt nước mắt...

Từ đó, không bao giờ hai người còn gặp lại nhau nữa, tuy kỷ niệm về một cuộc tình ngắn ngủi vẫn được họ nâng niu gìn giữ trong ký ức!

Ra đi ở tuổi bảy mươi, Andersen mãi mãi được xem là một người "trong trắng” (dùng chữ của Paustovsky thì Andersen "cho đến khi chết vẫn nguyên vẹn là một đứa trẻ"). Nhận định này không chỉ đúng nếu nhìn từ góc độ hôn nhân, mà từ thực tế đời tư của ông (gần đây, trong cuốn "Andersen và những người bạn gái", nhà nghiên cứu Bush Kinbai cũng đã khẳng định lại điều đó. Theo tác giả phân tích: Nếu quả thực Andersen từng có - dù chỉ một lần trong đời - quan hệ tình dục với phụ nữ, thì điều đó ít nhiều cũng sẽ để lại "dấu ấn" trên trang viết của ông).

Vì một sứ mệnh cao cả, Andersen đã buộc phải quay mặt, chối bỏ tình yêu! Nỗi đau ấy ông đã ghìm sâu trong lòng, chỉ đến khi sắp giã biệt cuộc đời ông mới thổ lộ với một nhà văn trẻ:

Tôi đã trả bằng một giá đắt, có thể nói vô cùng đắt cho những truyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra tôi được hưởng...




Trần Trọng Nghĩa