MP đọc bức thư của Nguyễn Phú Vân gởi cho Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thấy cũng hay hay, có nhiều điều suy nghĩ, xin được chia sẻ thông tin này đến tất cả Anh, Chị trong diễn đàn cùng suy gẫm và tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
http://www.dohongngoc.com/web/lom-bo...nam/#more-2959


Kính gởi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Thỉnh thoảng tôi gặp tên của bác sĩ trên một số bài báo. Gần đây nhất là hình của bác sĩ và Bạch Tuyết trên báo Saigon tiếp thị. Rồi cách đây mấy ngày bổng nhiên một người bạn tặng tôi cuốn “Gươm Báu Trao Tay”. Tưởng của nhà văn nào, hóa ra ….Bạn bảo: “Hay lắm, đọc đi !”. Tôi mới đọc lướt qua và thú thật cũng chưa hiểu gì lắm. Bổng nhiên tôi cảm thấy nên viết một bức thư cho bác sĩ tuy chưa một lần gặp mặt.
Năm nay tôi 50 tuổi; gia đình lâu nay thờ Phật nhưng tôi không hay đi chùa. Kinh sách ở nhà cũng được vài cuốn do Ba tôi để lại nhưng tôi đọc chẳng tới đâu, có lẽ vì quá khó hiểu và đôi khi có vẻ huyền hoặc như các tôn giáo khác. Do vậy, hiểu biết của tôi về đạo Phật thì cũng loanh quanh ở mức “nhân nào quả nấy”, “ở hiền gặp lành” hay “luân hồi quả báo” mà thôi.
Tôi viết thư này đến bác sĩ vì tâm đắc ý “thầy thuốc chỉ làm hết đau chứ không làm hết khổ”. Tôi hiểu nôm na là có hai loại “bệnh”: thân bệnh và tâm bệnh. Đa phần thầy thuốc bây giờ chỉ quan tâm tới thân bệnh. Tâm bệnh hầu như bị bỏ quên có lẽ vì bây giờ thân bệnh tràn lan … Hơn nữa, như lời bác sĩ nói, các thầy thuốc đâu có được đào tạo để trị “khổ”. Đọc qua tập sách, tôi lại nhớ tới hai người mà tôi biết khá rõ. Tôi xin dài dòng một chút miêu tả hai nhân vật có thật này để cùng quan sát cách mà họ muốn “hết khổ”.
Tuổi họ đều xấp xỉ 60; gia đình kinh tế thuộc loại khá giả.
Người đầu là một nữ trí thức đã sớm tự ý thôi việc khi chưa tới tuổi hưu và nay dành rất nhiều thì giờ để đi chùa, tụng kinh, ngồi Thiền và nhất là hay thuyết giảng cho hầu như bất cứ ai mà bà gặp. Thậm chí bà còn tặng tôi một lô kinh sách Phật giáo mới có, cũ có (khoảng 200 cuốn), chất đầy hai kệ ! Tôi chưa đọc quyển nào vì có lẽ như bác sĩ nói là “duyên” chưa tới. Một lần tôi tới thăm, thấy bà đang đeo tạp dề, lui cui trong bếp; lại có tiếng đàn ông. Thì ra trên cái bàn gần bên là một cái máy cát-xét đang mở khá lớn: bà đang vừa nấu ăn vừa nghe kinh ! Nghe người nhà kể lại thì bà bây giờ gần như ăn chay trường. Một con gián hay chuột quanh quẩn trong bếp bà cũng không giết, chỉ tìm cách xua đi mà thôi. Bà hay né tránh các lời mời tiệc tùng, cưới hỏi …một phần vì lý do ăn chay, một phần có lẽ bây giờ bà không muốn “vướng” vào chuyện thế gian nữa. Bà hay đi chùa; có khi giao nhà cho chồng con lên chùa này chùa nọ ở cả nửa tháng mới về; hay mua kinh sách, dĩa CD, hình ảnh … tặng những người chung quanh. Bà lại tham gia hoạt động hộ niệm, hay đi đọc kinh cho những người đang hấp hối để, theo lời bà kể, họ được “thanh thản, nhẹ nhàng ra đi”. Có lần, bà kể cho tôi nghe là bà hùn tiền với mấy người bạn mua một xe cá rồi kêu tài xế chở ra một con sông, phóng sinh hết. Khoảng mười năm nay, cách nói chuyện của bà nghe như thể bà đã tìm ra chân lý của đời mình; chủ yếu lo tu tập, mà phải tu gấp chứ không tu đủng đỉnh. Để chi ? Sau này được “vãng sanh”. Đôi khi tôi có cảm giác bà nhìn những người chung quanh (chồng con, gia đình, bạn bè …) như một lũ u mê – dĩ nhiên trong đó có tôi, mà có lẽ vì lý do lịch sự bà không nói ra. Có lần thuyết mãi mà thấy tôi có vẻ còn lù mù, chưa hiểu chuyện tu hành giống như sóng thần sắp đổ bộ tới nơi mà tôi còn dại dột đứng ở bờ biển ngắm cảnh, bà ví dụ như bà hiện tại là một học sinh trong một trường học loại “thường”. Bà đang phấn đấu để được vào trường “chuyên”, có “chất lượng” hơn. Hóa ra bà đang muốn xa lánh cái “cõi tạm” chất lượng thấp này để kiếp sau thăng lên một cõi khác tốt đẹp hơn….
Người thứ hai là đàn ông, tuổi gần 60, khá giả, có con gái gả cho Việt kiều bên Mỹ. Khoảng hai năm trước, ông cất một căn nhà một trệt hai lầu; nội thất tạm gọi là sang, có nhiều phòng và mỗi phòng đều có máy lạnh.. Ông dẫn tôi vào phòng ngủ khoe cái ti vi màn hình phẳng đáng giá vài chục triệu đồng. Tầng trên là bàn thờ Phật và bên dưới là nơi ông tập ngồi Thiền. Nhà ông trang bị máy lạnh tận phòng khách, nơi ông hãnh diện giới thiệu một tượng Phật Di Lặc bằng gỗ to hơn người thật, trị giá vài chục triệu mà ông đã thỉnh về …Trên tường là bốn bức tranh mai, lan, cúc, trúc biểu tượng cho nhân cách của người quân tử… Ông sắm xe hơi, thuê tài xế riêng, trả lương tháng ba triệu … Lúc mới mua xe, ông đi Mộc Bài để mua hàng giá rẻ ở siêu thị …. gần biên giới ở Tây Ninh. Ông chỉ mớ hàng mua được để trên kệ: xà bông, dầu gội, thuốc lá …. và đặc biệt là rượu Tây mấy chai để phòng khi có “chiến hữu” tới nhà. Có xe hơi, ông rủ tôi hôm nào cùng đi Mộc Bài, còn chỉ vẽ thêm là có thể bỏ thêm ít tiền thuê thêm khoảng chục cái chứng minh nhân dân (của dân địa phương) để mua hàng nhiều hơn … Tôi biết ông khoảng mười năm nay. Nói chuyện với ông là hay nghe nào là “pháp”, “tướng”, “tam bảo” và những chuyện thuộc loại khó tin nhưng có thật như khả năng của nhà ngoại cảm X, có thể nhìn thấu tâm can người đối diện hay chuyện sư phụ của ông ở chùa Y (nơi ông đã quy y) nhận xét, biết cả ruột gan ông như thế nào … Đôi lần, ông cũng rủ tôi đến chùa này chùa nọ, nơi mà ông đóng góp rất nhiều công sức để lo “Phật sự”. Tôi chưa đi lần nào … Có lần tôi điện thoại đến nhà ông để hẹn qua nhà thăm. Tôi đang chuẩn bị ra khỏi nhà thì ông gọi điện thoại tới, xin cáo lỗi vì phải “đưa Thầy …. đi có việc”.
Nhìn chung và xét về mức sống thì rõ ràng hai nhân vật nói trên thuộc loại ấm no, khá giả. Về tư cách thì cũng rất đàng hoàng, gia đình có thể gọi là nề nếp, ai cũng tốt nghiệp đại học, con cái cũng biết lo học hành. Họ hay giảng cho tôi nghe điều này điều nọ vì hay đọc kinh sách, đi chùa và đều đã quy y. Tôi nghe thì nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu, chỉ vâng dạ hay ậm ừ cho qua chuyện. Một phần vì tôi ngại mếch lòng và tính tôi cũng không hay tranh luận hơn thua. Thường khi tôi không hỏi nhiều vì càng được hỏi, họ càng thuyết giảng liên miên, cứ như là một đại sư đang đăng đàn thuyết pháp vậy.
Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi thấy họ có vẻ bệnh hoạn về tâm thần hoặc ít ra cũng bị một hình thức lệch lạc nào đó về tâm lý. Tôi không đủ trình độ để nói chuyện “duy tâm” hay “duy vật” mà chỉ bình tâm quan sát. Với họ, công việc tu hành (đọc kinh sách, ấn tống, đi chùa, bố thí, phóng sanh, tụng niệm, mua máy nghe kinh, ngồi Thiền, ăn chay …) chẳng qua chỉ là phương tiện. Vậy, thực ra họ muốn gì ? Quen biết lâu ngày, tôi nghiệm ra : Bề ngoài có vẻ nhẫn nhịn, hơi khắc khổ, đạo mạo nhưng bên trong họ là cả một lòng tham vô bờ bến. Trong khi người nghèo chỉ mong cơm áo gạo tiền, nhà ở, sức khỏe … thì họ, kiếp này tuy chưa phải đại gia nhưng so ra, họ đã và đang có quá đầy đủ nhưng vẫn chưa vừa ý. Họ “tu” để kiếp sau được “sướng” hơn nữa hay được lên một cõi khác, cao hơn và và dĩ nhiên được tận hưởng nhiều phúc đức hơn so với cái cõi tạm đầy phiền phức này. Nói cách khác, họ cũng là một dạng doanh nhân, nhưng họ không kinh doanh, kiếm lời bằng việc mua bán cổ phiếu, chứng khoán ở sàn giao dịch… Họ đầu tư vào một mặt hàng vô hình nhưng cao cấp hơn nhiều: phước đức. Họ đầu tư phước đức trong kiếp này để kiếp sau họ hy vọng thu được cổ tức – đây mới là mục đích tối hậu. Họ hay nhường nhịn, bố thí, khuyên răn điều lành và giúp đỡ những người chung quanh…. Những điều nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Có thể ai đó sẽ cho rằng dù với động cơ gì đi nữa, họ cũng đang làm điều “tốt” trong khi xã hội đang đầy dẫy những chuyện thuộc loại đạo đức xuống dốc như hiện nay. Được vậy là quý lắm rồi !
Nhưng, không biết là tôi có hiểu đúng nghĩa của chữ “giải thoát” trong Phật giáo hay không chứ tôi thấy về mặt tư tưởng, hai vị này rõ ràng là chẳng được giải thoát chút nào cả. Cuộc đời này, cũng như cuộc đời sau, với họ cũng chỉ là một bài toán. Mà đã là “toán” thì phải “tính” : Họ đến chùa với những suy nghĩ thực dụng. Chính họ mới là nạn nhân của lòng tham không đáy, là con rối của lòng dục. Tôi hiểu rất ít về đạo Phật, có thể nói là lõm bõm nên không dám nói cao siêu. Nhưng nếu như Phật dạy là nên “diệt dục” thì hai nhận vật nói trên mới nhìn qua thì có vẻ diệt dục, nhưng thật ra họ nuôi dưỡng lòng dục của họ một cách kín đáo và ghê gớm. Hay nói cách khác thì chính “dục” đang “diệt” họ.
Vậy, làm sao mà họ “giải thoát” cho được, nếu như cứu cánh tối hậu của đạo Phật là giải thoát ? Tư tưởng của họ còn quẩn quanh với những tính toán thiệt hơn, không những trong kiếp này mà còn kéo dài tận kiếp sau. Cũng giống như một người ăn chay, mà lại dùng những món giả mặn như “thịt quay chay” để thỏa mãn cái tâm vọng mặn của mình thì rõ ràng họ đang diễn xuất ! Họ đang đóng kịch với chính họ ! Với một cái ta đầy mâu thuẫn và đặc biệt vô cùng tham lam như vậy thì cho dù họ có mua hết cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long để phóng sinh thì thiết tưởng cũng vô ích.
Trên đây là vài cảm nghĩ của tôi về hai nhân vật đang “tu” tại gia mà tôi khá thân thiết lâu ngày. Tôi không quơ đũa cả nắm nhưng hiện nay, những mẫu người như thế này không phải là ít. Họ là người tốt, thậm chí rất tốt. Trở lại chuyện “tâm bệnh” như đã nói ở đầu thư, tôi thấy hai vị này “bệnh” quá nặng.
Bác sĩ thấy họ như thế nào ? Hay chính tôi mới là người bệnh ?
Kính chào bác sĩ, và rất mong được hồi âm, dù chỉ đôi dòng.
Chiều cuối năm 13/2/2010
Nguyễn Phú Vân.