Luyện võ để nâng cao thần khí và trí tuệ dân tộc
Tác giả: Huỳnh Phan (thực hiện)

1Chúng ta cần nhớ rằng dân tộc này đứng vững được cả ngàn năm trước sức mạnh gấp bội của giặc ngoại xâm cũng nhờ tinh thần thượng võ, nhờ ý chí, nghị lực và sự dẻo dai. Việc luyện võ, ngoài nâng cao sức khỏe, còn nâng cao cả thần lực của một dân tộc nữa. Con người, đó chính là nguyên khí quốc gia. Và chính sách "xây dựng con người" tại sao không bắt đầu từ việc giáo dục thể chất?

LTS: Gặp gỡ và Đối thoại thứ Năm tuần này là cuộc trò chuyện với võ sư Ngô Xuân Bính. Năm 1992, ông Bính lên đường sang Belarus, theo một hợp đồng dạy võ cổ truyền Việt Nam ký với Liên đoàn võ thuật nước này. Vì những khó khăn và nhạy cảm nhất định, ông đã phải bất đắc dĩ "mang chuông đi đánh xứ người", sau 9 năm phục hồi môn võ cổ truyền này tại Việt Nam với hàng ngàn môn sinh.

Sau gần 20 năm bôn ba trời Tây, chủ yếu là ở Nga, ông đã đạt được tất cả những gì mà một người Việt ở đó chỉ có thể mơ. Cùng với học trò, ông đã kịp phát triển môn phải Nhất Nam ra hầu hết 15 nước cộng hòa của Liên Xô với hàng chục ngàn môn sinh. Ông đã được phong Giáo sư Y học cổ truyền của Nga, sau khi chứng tỏ được sự ưu việt của võ y Nhất Nam.

Và, trong cái bộn bề của công việc truyền bá võ thuật và chữa bệnh cứu người đó, người cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Yết Kiêu vẫn có thời gian dành cho họa và thơ. Ông đã được Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga trao bằng chứng nhận thành viên danh dự, tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tranh và đoạt không ít giải thưởng. Ông cũng xuất bản được một số tập thơ.

Vào dịp Tết năm nay, ông cùng học trò trở lại Việt Nam để tổ chức hội nghị tập huấn Nhất Nam lần đầu tiên, và chuẩn bị cho việc thành lập liên đoàn Nhất Nam quốc tế.

Mục đích huy chương làm méo mó võ thuật

Hiện nay, ở Nga, Belarus và Litva liên đoàn Nhất Nam đã được thành lập. Lý do tại sao cho đến giữa năm ngoái, các ông mới thành lập ban vận động thành lập Liên đoàn Nhất Nam ở Việt Nam - xuất xứ của môn phái này?

- Thứ nhất, đây thuộc vấn đề hoạch định chiến lược. Có một thời gian quá dài chúng ta bận bụi với cái ăn cái mặc, nên gạt bỏ bớt nhiều thứ khác mà chúng ta coi là chưa thật cần thiết. Tôi bỏ qua Nga từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cũng một phần vì lý do như vậy.



Võ sư Ngô Xuân Bính chỉ đạo môn sinh luyện tập, Ảnh Huỳnh Phan



Nhưng đến khi có điều kiện quan tâm đến những thứ khác của cuộc sống, trong đó có thể thao - võ thuật, thì chúng ta lại quá quan tâm đến các cuộc thi đấu để kiếm tìm thành tích, huy chương. Chính vì mục đích này mà sự quan tâm và đầu tư vào thể thao lại chỉ dành cho một nhóm nhỏ những người phục vụ mục đích kiếm huy chương, mà quên đi cả một cộng đồng rất cần được luyện tập. Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam cũng chẳng phải là một ngoại lệ.

Thứ hai, trong suốt thời gian đó, khi muốn bàn bạc triển khai việc phát triển võ cổ truyền, chúng tôi lại bị cản trở bởi các trợ lý, thư ký của các vị lãnh đạo phụ trách mảng đó. Có nhiều lý do tôi không tiện nói ở đây, nhưng có một điều tôi có thể nói là xin gặp họ còn khó hơn gặp các sếp của họ.

Còn bây giờ là thời điểm thuận lợi để chúng tôi có thể thuyết phục các nhà hoạch định chính sách phát triển võ cổ truyền. Tại sao người nước ngoài với biết bao sự lựa chọn, lại chọn một môn phái võ cổ truyền của Việt Nam để tập luyện, trong khi bản thân chúng ta lại đang định chối bỏ nó?

Sự có mặt của các võ sinh Nhất Nam mang quốc tịch nước ngoài trong cuộc tập huấn mang tính toàn quốc của Nhất Nam tại Hải Dương hồi đầu năm cũng mang ý nghĩa như vậy, thưa ông?

- Tất nhiên, đó là điều đáng để tất cả chúng ta cùng phải suy nghĩ. Tuy nhiên, cuộc hội nghị lần này mang tính thống nhất giáo trình nhiều hơn. Bởi, với sự phát triển khá nhanh của các lò võ ở các nước, tôi đã nhận thấy có những vấn đề không ổn về tính thuần nhất. Ở một số môn phái khác của nước ngoài đã xảy ra chuyện này.

Yoga xuất phát từ Ấn Độ. Nhưng ở những nước tôi đã đi qua, tôi thấy đã có khá nhiều dị bản.

Wushu của Trung Quốc là một ví dụ dưới góc độ khác. Ban lãnh đạo ban đầu của họ không phải là những người giỏi võ nhất, mà chỉ nổi trội ở năng lực tổ chức, hay vị trí xã hội. Vì vậy, Wushu đã được đưa vào các chương trình thi đấu biểu diễn để tranh huy chương, để rồi cho tới giờ đó là một môn tạp kỹ với một phần võ, một phần thể dục nghệ thuật và một phần nhào lộn. Bây giờ, người Trung Quốc muốn khôi phục lại Wushu nguyên gốc cũng khó, bởi thế giới đã quen với cái Wushu biểu diễn hiện tại rồi.

Còn ở Việt Nam, người ta lấy võ Tây Sơn (Bình Định) làm gốc của võ thuật Việt Nam. Đây là một sự lầm lẫn lớn, bởi cái gốc đó mới có vài trăm năm gắn cùng với một vùng đất mới. Sử sách đã ghi chép rõ ràng là võ thuật Bình Định là do các thầy ở Lưỡng Quảng sang dạy. Nếu muốn nói đến gốc võ thuật Việt Nam chắc chắn phải lùi về ít nhất là thời Lý - Trần.

Người Việt phải biết lúc nhu, lúc cương

Thế còn nguồn gốc phái võ Nhất Nam thì sao, thưa ông?

- Rất tiếc là trong sử sách chẳng có dòng nào ghi lại về các lò võ nổi tiếng của chúng ta, kể cả về các vị hoàng thân, quốc thích giỏi võ nghệ. Tuy nhiên, có hai câu chuyện tôi cho là có tính xác thực cao.

Thứ nhất là trong trận đánh Ải Chi Lăng, đội quân tiên phong của tướng Lê Sát, bao gồm những người giỏi võ nghệ nhất của phái Nhất Nam do chưởng môn Ngô Phan chỉ huy đã bất ngờ đột nhập vào trại quân Minh, và bắt sống được Liễu Thăng, các phó tướng và toàn bộ vệ sĩ của y. Câu chuyện này chính tôi được nghe từ ông tôi, bác tôi và cha tôi, và kiểm chứng lại từ gia phả của dòng họ Ngô ở nhiều địa phương khác nhau.

Thứ hai, sử sách có ghi lại rằng Quang Trung trên đường tiến ra Bắc đã dừng lại ở Nghệ An để tuyển quân. Chính đội quân tiên phong này, bao gồm những môn sinh của phái Nhất Nam, đã tạo ra một mũi nhọn có sức tấn công khủng khiếp, đánh suốt từ Ngọc Hồi tới Đống Đa. Trong trận Đống Đa, đội quân này đã hy sinh gần hết, xác quân địch và quân ta chồng chất lên nhau. Chính vì vậy, ngày chiến thắng Đống Đa được coi là ngày giỗ tổ của phái Nhất Nam.



Võ sinh Nhất Nam tập luyện, Ảnh Huỳnh Phan


Sự độc đáo của võ Nhất Nam nằm ở đâu, thưa ông?

- Chúng ta cứ hình dung rằng qua cả ngàn năm, để chống lại các đạo quân vừa đông, lại vừa thiện chiến, từ phía Bắc, chắc chắn người Việt phải có một cái gì đó rất riêng. Cái riêng này chính là lối đánh cận đòn, xuất phát từ thể chất nhỏ bé của người Việt. Khác với võ Tàu, võ Tây, trong võ Việt nói chung khó đánh trường đòn, bởi đơn giản chân tay của đối thủ đều dài hơn của ta, nên khiến họ dính đòn là rất khó.

Nhưng khi đánh cận đòn, khó có thể vung rộng chân tay được. Chính vì vậy phải có thủ pháp liên hoàn, chuyển đòn rất nhanh mới phát huy uy lực. Hơn nữa, tính không chính qui, tùy tiện trong việc luyện tập võ nghệ của người Việt, kể từ các đội vệ sĩ của hoàng gia đến các võ đường, cũng là một lý do khác. Các võ đường của chúng ta đều khá nhỏ, và nhiều khi chỉ một góc vườn, mảnh sân cũng có thể là nơi luyện võ được.

Trong Nhất Nam, các bài quyền chủ yếu là nhại công, tức là tất cả những gì có thể nhại được từ các con vật là các cụ nhại hết. Chẳng hạn, hổ quyền, báo quyền, xà quyền, hầu quyền... Các cụ không dồn toàn bộ thủ pháp vào trảo quyền đâu.

Như vậy, quyền của Nhất Nam, dường như là một loại nhu quyền?

- Đúng như vậy. Bởi thủ thuật của người yếu sức hơn là phải mượn lực của đối phương để làm lệch hướng đánh của đối phương đi, làm cho đối phương bị mất tấn, lỡ trớn. Trong Nhất Nam, các thế nhu quyền như vậy chiếm đến tám phần mười.

Nhưng, cho đến nay khá nhiều người vẫn lầm lẫn rằng dùng nhu quyền có thể thắng được cương quyền, như câu nói "lấy nhu thắng cương". Thực ra, nếu sử dụng nhu quyền đơn thuần thì chỉ có khả năng tự vệ. Còn muốn kết liễu đối phương, ắt phải có cương quyền ẩn trong đó. Giống như cái kim nằm giữa nắm bông. Cương công trong nhu quyền tuy không mạnh như cương công trong cương quyền, nhưng lại đánh đối phương ở trạng thái đã mất thế, đã bị động, nên phát huy uy lực rất mạnh.

Học trò của ông có kể rằng để chinh phục đội cận vệ của Tổng thống Putin, và chứng tỏ uy lực của Nhất Nam, ông đã đánh ngã mấy cao thủ hàng đầu của họ. Cuộc đấu đó diễn ra như thế nào, thưa ông?

Nói chung, họ kể có những phần rất đúng. Chỉ có điều, nói chi tiết quá thì khó cho tôi, bởi trong hợp đồng huấn luyện có những qui định ràng buộc nhất định. Tôi chỉ có thể nói rằng, người châu Âu, nhất là dân luyện võ, bao giờ cũng yêu cầu rất cụ thể. Anh bảo anh tài, anh giỏi, vậy xin hãy thể hiện cho chúng tôi xem, chúng tôi mới bái phục.

Trong các kỹ thuật về ôm nắm, quăng quật, Nhất Nam thể hiện khá mạnh ưu thế của mình. Mà cũng có thể do họ chủ quan, vì nhìn thấy ông thầy Nhất Nam quá nhỏ bé so với họ (cười), nên khi đã lăn quay ra rồi họ vẫn chưa tin. Chứ nếu họ cảnh giác hơn từ đầu, chắc cũng khó kết thúc cuộc đấu nhanh như vậy.



Võ sư Ngô Xuân Bính cùng các môn sinh quốc tế, Ảnh Huỳnh Phan


Võ thuật và y học giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam

Sau gần 20 năm sang Nga để lập nghiệp và phát triển môn phái, ông đã đạt được những kết quả gì?

- Trong giáo trình của nhiều chương trình đào tạo võ thuật, chẳng hạn đào tạo vệ sĩ, kể cả cho các yếu nhân, họ đưa nhiều phần của Nhất Nam vào. Hay trong giáo trình của các cơ quan an ninh, quân đội, khi lật ra khó có thể chối cãi là yếu tố Nhất Nam khá nhiều. Thậm chí, có nơi còn chép nguyên xi giáo trình của Nhất Nam.

Còn ở cấp đại trà, tại nhiều câu lạc bộ võ thuật Á Đông chung chung bên đó, trừ các câu lạc bộ Taikwondo hay Karatedo ra, hình hài của Nhất Nam thể hiện rất rõ. Hiện nay, khí công của Nhất Nam là một trong bốn môn được chọn trong chương trình rèn luyện sức khỏe toàn dân của nước Nga.

Theo báo chí đưa tin, cuối năm ngoái, ông đã được Hiệp hội Y học dân tộc Nga trao tặng danh hiệu "Giáo sư Y học dân tộc" Nga, và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu này. Học trò ông thì kể rằng ông đã hai lần châm cứu chữa bệnh cho chính Tổng thống Eltsin. Xin ông cho biết cụ thể về quá trình chinh phục giới y học dân tộc Nga.

- Do sự phát triển quá nhanh của Tây y trong mấy trăm năm trở lại đây, người ta đã lầm tưởng về ưu thế tuyệt đối của Tây y so với y học cổ truyền, có bề dày lịch sử tới hàng ngàn năm. Chỉ tới khi Tây y cảm thấy sự hạn chế của mình, người ta mới tìm lại những giá trị của y học cổ truyền, như chữa bệnh bằng cỏ cây, day ấn huyệt, châm cứu, hay trường sinh điện...

Chính sự quan tâm đến y học cổ truyền của người Nga cũng giúp tôi bước dần vào lĩnh vực y học hàn lâm, chứ lúc đầu tôi chỉ chữa bệnh giúp người thôi, chủ yếu là bạn bè, người quen. Tôi không tiện nêu tên, nhưng sự quan tâm đến võ y Nhật Nam đã lên tới cấp lãnh đạo cao nhất. Hiện nay, tôi qua chữa bệnh ở bên Nga hoàn toàn do Văn phòng Tổng thống Nga lo thủ tục.

Khi những nhà lãnh đạo cấp cao của Nga bị bệnh, họ được hội chẩn ở cấp độ rất cao, mời các giáo sư bác sĩ giỏi nhất khắp thế giới. Tôi cũng có trong số đó. Chính sự cọ sát như vậy đã khiến họ nhận ra rằng tri thức phương Đông không thể coi thường. Bởi nhiều khi phác đồ điều trị của họ bất lực, thì tôi lại đóng góp được những giải pháp có hiệu quả.

Tôi nghĩ, cá nhân tôi chỉ là một đại diện, hay thậm chí chỉ là một sự lộ diện thôi. Chứ còn nền y học cổ truyền của Việt Nam chúng ta hiện vẫn là một kho tàng quí báu và đầy bí ẩn đối với thế giới.

Nếu biết phát huy tốt, ngoài việc truyền bá y học, hay võ học, chúng ta còn đóng góp cho việc làm thay đổi hình ảnh của Việt Nam, của người Việt ở nước ngoài, nhất là ở những nước như Liên bang Nga.

Việc phổ biến Nhất Nam ở Nga và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã giúp thay đổi hình ảnh nước Việt Nam như thế nào?

Thứ nhất, điều không cần bàn cãi càng nhiều môn sinh Nhất Nam thì càng nhiều người biết đến Việt Nam. Không ít người trong số đó lại muốn tìm đến quê hương của môn võ này để tìm hiểu, và qua đó họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Và có khi họ sang Việt Nam chơi cùng gia đình và bạn bè. Đó là chưa nói đến chuyện đã học võ Việt thì lại muốn mua những đồ của Việt Nam để trưng bày, hay sử dụng, như một nét văn hóa.

Tôi cứ nói đùa là tôi dạy võ Việt mà hóa ra lại giúp phát triển thương mại và du lịch Việt Nam.

Muốn phát huy trí tuệ cần phải có sức khỏe

Trong số các võ sinh Nhất Nam biểu diễn ở Hải Dương, có khá nhiều các em học sinh, đặc biệt là tiểu học. Tôi cảm thấy dường như còn có câu chuyện nào khác, ẩn đằng sau câu chuyện võ thuật thuần túy. Có đúng vậy không, thưa ông?

Tôi rất muốn muốn lôi học sinh khỏi màn hình máy tính ra sân tập. Bởi, nói chung, nếu học sinh dành thời gian cho thể thao, võ thuật, hay nghệ thuật, chúng sẽ đỡ dành toàn bộ thời gian rỗi cho cái thế giới ảo trên Internet. Và hoạt động thể chất sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện và cân bằng hơn.



Võ sinh Nhất Nam tập luyện, Ảnh Huỳnh Phan

Thứ nhất, trong không ít trò chơi trên Internet, tôi không nói tất cả, anh chỉ sống cho anh, cho những gì quan hệ trực tiếp đến anh, và mọi cách ứng xử đều vì anh. Vì thế, con người anh sẽ mất dần tính cộng đồng, và lâm vào căn bệnh tự kỷ. Chứ còn chơi thể thao, tập võ... là có sự cọ xát giữa những con người thực, khiến anh phải kiểm soát và tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình.

Thứ hai, về mặt y học, cứ ngồi lỳ như vậy hàng giờ, hết ngày này qua ngày khác, hệ tiêu hóa, cơ mông, cơ đùi của anh sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, với sự tập trung vào cơ quan thị giác, tính đồng bộ, tính hài hòa trong cơ thể anh sẽ mất đi. Dần dần, mọi đánh giá, cư xử của anh đều thông qua thị giác.

Thứ ba, nếu anh cứ ngồi mãi ở một góc phòng không thay đổi, thì tác động của trường bó, hay trường đen, đó sẽ giết chết con người. Cái tương tác của cuộc sống là tương tác của trường mở, và thế giới phát triển được nhờ sự tương tác đó.

Tóm lại, những con người không có nhiều không gian hoạt động về thể lực, những con người ngồi phòng giấy, máy lạnh, ngồi xe máy, ôtô nhiều hơn đi bộ, không còn gần gũi với thiên nhiên, có thể nói là hoàn toàn đánh mất cơ chế hoạt động.

Tức là ông lo rằng thế hệ trẻ Việt Nam có xu hướng suy giảm về thể chất, dẫn đến sự yếu kém về tinh thần?

- Không sai. Chúng ta cần nhớ rằng dân tộc này đứng vững được cả ngàn năm trước sức mạnh gấp bội của giặc ngoại xâm cũng nhờ tinh thần thượng võ, nhờ ý chí, nghị lực và sự dẻo dai. Việc luyện võ, ngoài nâng cao sức khỏe, còn nâng cao cả thần lực của một dân tộc nữa. Con người, đó chính là nguyên khí quốc gia. Và chính sách "xây dựng con người" tại sao không bắt đầu từ việc giáo dục thể chất?

Ai cũng biết rằng người Việt chúng ta khá thông minh, nhanh nhẹn, nhưng sức bền tư duy không cao, và khó có khả năng làm việc tập trung trong một thời gian dài. Như vậy, rất cần phải luyện tập thể chất, không cứ là võ thuật, để phát huy tốt nhất những phẩm chất trí tuệ.

Sau gần 30 năm khôi phục lại môn phái Nhất Nam, bắt đầu từ Việt Nam, điều gì khiến ông hài lòng nhất? Sự phát triển của Nhất Nam ở gần hai chục quốc gia với mấy chục ngàn môn sinh, và liên đoàn Nhất Nam quốc tế sắp ra đời?

- Không hẳn như vậy. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là gặp được những học trò cũ, cả người Việt lẫn người nước ngoài, thành đạt ở những lĩnh vực khác. Họ có thể là nhà khoa học, bác sĩ, nghệ sĩ, hay doanh nhân. Họ đã nói với tôi rằng nhờ luyện tập võ mà họ rèn luyện được ý chí, nghị lực, và đặc biệt là một tinh thần mạnh mẽ, luôn tỉnh táo trước mọi khó khăn, thách thức. Tôi nghĩ đó chính là sự khẳng định rằng võ Nhất Nam đã đi sâu vào đời sống xã hội.