Điểm cuối cuộc đời


Cái bắt tay cuối cùng của Mao Trạch Đông với Chu Ân Lai
Mao Trạch Đông đã dự đoán về cái chết của mình trước một năm - Mao Trạch Đông truyện, bản mới nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, có kể rằng: “Trưa 1-10-1975, Mao Chủ tịch lặng lẽ ngồi tựa vào đầu giường rất lâu. Bỗng nhiên ông tự thán: “Có lẽ đây là ngày lễ quốc khánh cuối cùng, ngày 1-10 cuối cùng của ta”
Lần hội kiến với Thủ tướng Pakistan Ali Bhutto vào ngày 27-5-1976 cũng là lần gặp gỡ ngoại giao cuối cùng trong đời của Mao Chủ tịch. Kể từ sau trận động đất khủng khiếp ở Đường Sơn cuối tháng 7-1976, sức khỏe của Mao Chủ tịch đã suy sụp trầm trọng. Tuy hằng ngày vẫn xem sách nhưng ông thường rơi vào trạng thái hôn mê. Ông vốn luôn tin rằng sức đề kháng của bản thân có thể chiến thắng bệnh tật, vì thế thường không chịu tiêm hay uống thuốc.




Lực bất tòng tâm




Trong những ngày cuối đời, Mao Chủ tịch vẫn kiên trì lòng tin rằng: Trị bệnh là phải dựa vào “tự lực cánh sinh”, còn dùng thuốc men chỉ là “ngoại viện”. Nhưng cơ thể ngày càng suy nhược khiến cho niềm tin ấy thất bại. Mao Chủ tịch hầu như không ăn uống gì nổi. Bác sĩ nhiều lần khuyên cắm ống dẫn thức ăn nhưng ông không nghe. Mãi đến khi Tiểu Mạnh nói: “Chủ tịch, xin hãy nghe lời bác sĩ. Ngài Lưu Bá Thừa không khỏe bằng Chủ tịch, sau dùng ống dẫn thức ăn qua mũi mới khỏe hẳn lên. Chủ tịch cứ nói là dựa vào sức đề kháng của chính mình, nhưng không có dinh dưỡng thì làm sao có sức đề kháng được”.




Cuối cùng, Mao Chủ tịch mới đồng ý dùng ống đút thức ăn qua mũi. Loại ống cắm này rất nhỏ, được nhập từ nước ngoài, có thể cắm thẳng từ mũi vào dạ dày. Cắm được 2 ngày thì Mao Chủ tịch thấy khỏe hẳn ra, khen Tiểu Mạnh rằng: “Cô quả là hiểu biết hơn tôi, tôi phải nghe lời cô thôi”.




Một ngày giữa tháng 6-1976, Tiểu Mạnh xin phép về nhà, thăm người chồng đã rất lâu không gặp. Nhà cô ở số 102 phía Tây phố Phủ Hữu, chỉ cách Trung Nam Hải một con đường nhưng quả là “nghìn trùng xa cách” do tính chất công việc đặc biệt của cô. Hơn 5 giờ chiều Tiểu Mạnh mới về nhà, 7 giờ 15 phút đang hàn huyên cùng chồng thì bỗng có người của Trung ương đến yêu cầu Tiểu Mạnh trở về Trung Nam Hải ngay.




Về đến phòng ngủ của Mao Chủ tịch, Tiểu Mạnh mới biết Chủ tịch vừa lên cơn đau tim rất nguy hiểm, mặt xám vàng, môi tím tái, hơi thở đứt quãng. Các bác sĩ của Mao Chủ tịch và người của Bộ Chính trị đều có mặt. Sau hơn 30 phút dốc sức cứu chữa, Chủ tịch mới qua cơn nguy hiểm, tim đập từ 110 lần/phút xuống còn 80 lần/phút. Đến lúc thấy Chủ tịch mở mắt, các ủy viên Bộ Chính trị mới lần lượt bước lên thăm.




Vương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Hoa Quốc Phong, Ngô Quế Hiền, Nghê Chí Phúc, Hứa Thế Hữu đều lần lượt bước qua trước mặt Mao Chủ tịch. Ông nhìn từng người với ánh mắt vô hồn, không biểu lộ gì. Nhưng khi nguyên soái Diệp Kiếm Anh bước qua, Mao Trạch Đông cố đưa tay lên, ngón tay rung rung mấy lượt, môi mấp máy rất nhẹ.


Mao Trạch Đông tại Đại lễ đường




Chỉ có Tiểu Trương (hộ lý thứ hai) phát hiện và hiểu những cử động của Mao Chủ tịch. Tiểu Trương đến bên Diệp Kiếm Anh thưa: “Diệp nguyên soái, có lẽ Chủ tịch muốn nói gì đó với ông”. Diệp Kiếm Anh gật đầu đến bên cúi đầu sát xuống bên mặt Mao Chủ tịch. Ánh mắt của Chủ tịch đột nhiên sáng hẳn lên, ông cố mở miệng nhưng chỉ phát ra những thanh âm đứt quãng, rất khó nghe. Diệp Kiếm Anh nắm chặt tay Chủ tịch, liên tục gật đầu. Lúc này, Diệp Kiếm Anh cố níu tay Mao Chủ tịch, nhưng dù thế nào cũng không thể níu được sinh mệnh của Chủ tịch.




Mao Trạch Đông từng đánh giá về Diệp Kiếm Anh rằng: “Lữ Đoan làm việc lớn cẩn trọng, không hồ đồ”. Tại rất nhiều thời khắc mấu chốt của cách mạng Trung Hoa, Diệp Kiếm Anh giữ vai trò rất quan trọng, không thể thay thế. Có lẽ biết rằng mình sắp lìa thế gian, Trung Quốc lại sắp bước vào một thời điểm mấu chốt mà chỉ có người như Diệp Kiếm Anh mới cáng đáng nổi nên Mao Trạch Đông muốn dặn dò, ủy thác? (Quả nhiên sau này, Diệp nguyên soái đã có công rất lớn trong việc đập tan “bè lũ bốn tên” do Giang Thanh cầm đầu).




Lặng lẽ một ánh sao băng




Từ cuối tháng 8 cho đến khi tạ thế, Mao Chủ tịch nhiều lần bị hôn mê sâu, trong quá trình hôn mê và được cứu, Chủ tịch đã dần dần đi về một thế giới khác...




7 giờ tối 8-9-1976, Tiểu Mạnh trực ban. Các ủy viên thường trực Bộ Chính trị cũng luân phiên trực. Nhân viên y tế luôn túc trực quanh Mao Chủ tịch, liên tục xem xét bệnh tình, đo huyết áp, đo mạch, đo nhịp tim, dẫn nước tiểu, thông ống thở...




Lúc này Giang Thanh cũng đến. Lần này bà ta đến không cần Mao Chủ tịch phê chuẩn, Chủ tịch cũng không còn sức để phê chuẩn hay không phê chuẩn nữa. Giang Thanh đến thăm nhưng không bao giờ đứng trước mặt Mao Chủ tịch mà luôn đứng từ phía sau, vì trước đó Mao Chủ tịch từng phản ứng rất gay gắt sự có mặt của bà ta.




7 giờ 10 phút, hơi thở của Chủ tịch trở nên gấp, Tiểu Mạnh xoa bóp vùng ngực cho ông, ông nói rất nhỏ: “Tôi khó chịu quá, gọi bác sĩ gấp”. Bác sĩ vội cắm ống thở vào mũi Chủ tịch, nhưng ông đã hôn mê sâu, cấp cứu liên tục hơn 4 tiếng nhưng Mao Chủ tịch vẫn hôn mê, và lần này không bao giờ tỉnh lại. Câu nói cuối cùng của Chủ tịch với Tiểu Mạnh là “Tôi khó chịu quá, gọi bác sĩ gấp”.




0 giờ ngày 9-9-1976, bên ngoài hành lang đường thông từ phòng khách đến phòng ngủ của Mao Chủ tịch đặt một màn hình huỳnh quang hiển thị điện tâm đồ của Chủ tịch. Một đường gấp khúc hình sóng đang nhấp nhô, run rẩy. 0 giờ 10 phút, đường gấp khúc trên màn hình huỳnh quang đột nhiên trở thành một đường thẳng, một đường thẳng rung động yếu ớt, mọi người bất giác cùng ồ lên. Mấy phút sau, vẫn là đường thẳng trên màn hình, một đường thẳng bất động. Một hộ lý từ trong bước ra, nói rất nhẹ: “Chủ tịch đã đi rồi”...




Một vĩ nhân qua đời cũng lặng lẽ như một ánh sao băng, chẳng có cuồng phong nổi dậy, chẳng có gió táp mưa sa, chẳng có núi sập biển trào, chẳng có trời long đất lở.


Thượng Văn trích dịch