Giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân


- Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH chia sẻ tại phiên họp bàn dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh sáng nay, rằng thế hệ ông thời đi học tuy không được bồi dưỡng bài bản nhưng ai cũng hiểu rất rõ về quốc phòng an ninh đất nước qua các bài học lịch sử, văn học.

Việc ban hành dự án luật được cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá là “hết sức cần thiết” trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

“Luật ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói.

Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho học sinh phải thông qua các bài học lịch sử, văn hóa. Ảnh minh họa: Kiên Trung


Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Luật nên tập trung vào đối tượng dưới 50 tuổi. Việc giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở phải theo hướng vừa học vừa chơi, không nên nặng nề”.

Đại diện ban soạn thảo, Trung tướng Hoàng Châu Sơn lý giải, nội dung giáo dục kiến thức về quốc phòng, an ninh hiện đã được lồng ghép vào các bộ môn như văn, sử, giáo dục công dân. Nay được luật hóa để định hướng xây dựng chương trình và thực hiện nhuần nhuyễn hơn, không làm tăng thời lượng, cũng không làm tăng số giáo viên.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý, phải xác định rõ mục tiêu, đặc biệt với đối tượng học sinh, sinh viên. Bởi hiện nay, do chạy theo các nhu cầu “học để đi thi, để được đề bạt” nên nhiều cơ sở giáo dục đưa ra ngoài chương trình các tiết học công dân cũng như giáo dục quốc phòng. Việc bồi dưỡng ý thức công dân, tâm hồn, nhân cách còn bị xem nhẹ.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ thêm, thế hệ ông thời còn đi học tuy không được bồi dưỡng bài bản nhưng ai cũng hiểu rất rõ về quốc phòng an ninh thông qua các bài học lịch sử, văn học.
“Thời kháng chiến chống Pháp, không ai tuyên truyền kiến thức gì nhưng ai cũng hiểu rõ các giai đoạn và các chiến lược kháng chiến. Chúng ta sẽ cầm cự thế nào, phòng ngự ra sao... Như hiện nay, nên cẩn thận kẻo lại hành chính hóa việc học quốc phòng an ninh, tránh tình trạng học rất nhiều mà không hiểu gì”, ông Hiển e ngại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, nên làm rõ nội dung kiến thức cần trang bị cho người dân, sau đó chọn lọc phù hợp theo độ tuổi, đối tượng nhằm bảo vệ toàn vẹn an ninh chủ quyền lãnh thổ.
Một vấn đề khác là quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo.

Tờ trình của Chính phủ nhận định, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc, trên toàn quốc hiện nay có 12 tôn giáo và khoảng 30 tổ chức tôn giáo được chính quyền công nhận với hơn 22 triệu tín đồ, trong đó có trên 80.000 chức sắc, nhà tu hành.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội đánh giá, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản... là những người có uy tín, ảnh hưởng lớn với tín đồ và cộng đồng dân cư, nếu tranh thủ được sự tham gia của họ vào công tác phổ biến kiến thức cho toàn dân sẽ có tác dụng tích cực.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng thực hiện bồi dưỡng kiến thức với những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, còn cụ thể sẽ do văn bản dưới luật quy định tùy theo tình hình thực tế.

Theo nghị trình, dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận rộng rãi tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Lê Nhung