Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung
21/08/2010 15:44



Thế phả dòng họ Tây Sơn tại Bảo tàng Tây Sơn - Bình Định - Ảnh: Hồ Xuân Hà

Sau loạt bài Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly trên Báo Thanh Niên, chúng tôi nhận được phản hồi của nhiều bạn đọc muốn giải thích thêm về lai lịch họ Hồ của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm). Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số tài liệu theo yêu cầu trên.

Manh mối xuất hiện của dòng họ Hồ (Tây Sơn) trên đất Quy Nhơn - Bình Định xưa kia liên quan đến cuộc nội chiến khốc liệt trong lịch sử nước ta thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thế kỷ 17. Bấy giờ quân Trịnh chiếm Đàng Ngoài, quân Nguyễn ở Đàng Trong. Hai bên giành đất, tranh dân, đánh nhau 7 lần trong khoảng 45 năm, tính từ trận đầu tiên năm 1627 đến trận cuối vào 1672. Khoảng thời gian này, họ Hồ đã có mặt trên đất Nghệ An (thuộc chúa Trịnh) từ 700 năm trước, mà ông tổ khai sáng là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.

Chúng tôi đã tiếp xúc với một số bà con họ Hồ ở miền Trung, miền Bắc, cũng như tại TP.HCM, và được cho xem nhiều tài liệu về gia phả, một số sử liệu và các tác phẩm liên quan. Trong số đó có cuốn Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam do Hồ Sĩ Giàng biên soạn đã tái bản đến lần thứ 7 bởi NXB Văn hóa thông tin và NXB Tổng hợp TP.HCM, được Ban liên lạc họ Hồ toàn quốc xem là “tiếng nói chính thức” phổ biến trong mỗi kỳ họp mặt. Trong cuốn sách có viết rõ: “Họ Hồ là họ lâu đời ở xứ Nghệ. Kể từ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật lập nghiệp ở hương Bào Đột (thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đến nay đã trên 1.000 năm (…). Hồ Hưng Dật người Triết Giang. Triết Giang xưa (Ngô Việt) nằm trong dải đất Bách Việt, bị Hán tộc tràn xuống Hán hóa (là tộc Việt cuối cùng bị Hán hóa). Dân tộc Việt Nam là Lạc Việt (và là dân tộc) duy nhất không bị Hán hóa. Các nhà khảo cổ học, sử học đều xác nhận tổ tiên xa xưa của người Bách Việt và Lạc Việt có quan hệ mật thiết với nhau. Vậy Hồ Hưng Dật nguồn gốc là người tộc Việt thuộc phương Nam Trung Quốc (…) đã đặt chân đến Bào Đột (khoảng năm 947-951) xây dựng nền móng đầu tiên của dòng họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Ông là “một trí thức lớn của thời đại ấy, đã đậu trạng nguyên, đã làm quan, nhưng đã lui về trở thành một nhân sĩ ẩn dật, gắn bó với nhân dân, không tranh bá đồ vương. Con cháu ông phát triển ở hai châu Hoan và Diễn (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay - NV) và nhiều nơi trên đất nước”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Hưng Dật được cử sang làm thái thú ở châu Diễn, song: “cũng có thuyết cho rằng ông sang Giao Châu (Việt Nam) lánh nạn và được cử làm quan. Quốc sử triều Nguyễn viết ông trôi dạt và được làm quan ở châu Diễn. Thuyết này xét ra có phần hợp lý hơn”. Ông vốn đồng liêu với Đinh Công Trứ (thân sinh Đinh Bộ Lĩnh), vì thế Đinh Bộ Lĩnh có biết ông. Khi Đinh Bộ Lĩnh muốn dấy binh dẹp các sứ quân đã đến gặp Hồ Hưng Dật thăm dò xem ông có ý dấy quân hay không. Ông đã thổ lộ với Đinh Bộ Lĩnh chỉ mong làm tròn phận sự của người dân, “để cho Đinh Bộ Lĩnh yên lòng, ông giơ kiếm lên thề “Vạn đại vi dân”, nghĩa là vạn đời làm dân, hay vạn đời vì dân. Ông lo việc cày ruộng, chiêu mộ dân phiêu tán, lập ấp trại”.


Gốc của họ Hồ là ở đất Bào Đột (Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với hai tông phái. Một tông phái ở châu Diễn (trưởng) và một ở Thanh Hóa (thứ). Và cháu 15 đời của tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật có: Hồ Quý Ly, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Quản lĩnh hầu Hồ Hân, Hoan quận công Hồ Nhân và cháu 27 đời có hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tư nhân hầu Hồ Phi Tử và anh hùng dân tộc: vua Quang Trung (tức Hồ Thơm - Nguyễn Huệ). Theo Tạ Chí Đại Trường: “Có một điều chắc chắn là tổ tiên Tây Sơn gốc ở Nghệ An. Đại Nam nhất thống chí cho biết Nghệ An có những chi nhánh họ Hồ, đỗ đại khoa làm quan lớn. Chiến tranh 1945-1954 còn may mắn giữ được Hồ tôn thế phả để biết thêm được một Hồ Xuân Hương trong dòng dõi danh gia ấy (...): “Vậy thì khoảng 100 năm sau khi vào Nam, họ Hồ Nhân Sơn có thể đã được an sáp tại làng Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, qua các đời thì sinh ra Nhạc và hai người em là Bình (tức Hồ Thơm - Nguyễn Huệ) và Lữ”.




Chính khoảng thời gian khói lửa tương tàn Trịnh - Nguyễn đang bốc cao ấy (1655 - 1657), hạt giống họ Hồ đã theo ngọn gió ly loạn bay tản về phía Nam. Trong số người bị quân Nguyễn đưa đi khai khẩn ruộng đất tại ấp Tây Sơn có Hồ Phi Khanh, là ông tổ 4 đời của anh em nhà Tây Sơn. Một tài liệu lịch sử ghi: “Lúc bấy giờ ở huyện Phù Ly, đất Quy Nhơn có người tên là Nguyễn Nhạc khởi binh (…). Nguyên ông tổ 4 đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly ngày trước, người ở huyện Hưng Nguyên, đất Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc đất Quy Nhơn. Đến đời ông thân sinh là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc, thứ là Lữ, thứ ba là Huệ”. Trần Đình Kỳ trong bài Quê mẹ nhà Tây Sơn viết rõ: “Các tài liệu đã công bố cũng đều cho rằng tổ tiên của các thủ lĩnh Tây Sơn vốn họ Hồ ở Nghệ An. Đến giữa thế kỷ 17, ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ bị chúa Nguyễn bắt vào Đàng Trong cùng với nhiều tù binh khác đưa đi khai hoang lập ấp ở vùng Tây Sơn thượng đạo (phủ Quy Nhơn). Đến đời ông Hồ Phi Phúc lấy vợ là Nguyễn Thị Đồng (sinh các anh em Hồ Thơm), chuyển về ở quê vợ tại làng Phú Lạc thuộc Tây Sơn hạ đạo, ký ngụ tại quê vợ, quê mẹ (nay thuộc Bình Định). Theo Đại Nam nhất thống chí, đây là tục lệ phổ biến của người Bình Định xưa (…). Phú Lạc trở thành quê hương thứ hai của dòng họ Hồ ở Đàng Trong”.

Rất nhiều tác giả khác như Hoa Bằng, nhà gia phả học Nguyễn Đức Dụ, nhà sử học Nguyễn Phương, nhà văn Văn Tân, nhà thơ Lê Minh Quốc (qua bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam), nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, Phạm Văn Sơn (với các bài khảo về Tây Sơn) đều nhắc đến lai lịch họ Hồ (gốc Nghệ An) của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vậy tại sao anh em họ Hồ lại đổi sang họ Nguyễn (là họ mẹ)?

Để trả lời, một số sự kiện lịch sử và bối cảnh thời trước đã được người họ Hồ thời nay dẫn chứng. Như chúa Nguyễn, hẳn nhiên phải để mắt chú ý đến các lưu dân đưa từ đất chúa Trịnh vào khai khẩn phía Nam. Quân Nguyễn không khỏi đề phòng tâm lý thù nghịch của các lưu dân bị đày xa xứ, bị đưa đi khai hoang ở chốn núi rừng xa lạ, vắng vẻ kia. Để tránh cặp mắt tập trung dò xét, nên khi khởi nghĩa, anh em Tây Sơn phải lấy họ mẹ (Nguyễn) thay vì họ gốc “mang sẵn” từ Nghệ An vào (Hồ). Việc thay tên đổi họ xét ra cũng chẳng lấy gì làm lạ, như Hồ Sĩ Giàng giải thích: “Có nơi, có lúc vì bị o ép, một số người phải đổi sang họ khác. Tuy vậy, chỉ có một số người thay tên đổi họ ở từng nơi, từng lúc, họ Hồ về cơ bản vẫn đứng vững. Có người đổi họ, gặp buổi hanh thông đã trở lại họ Hồ như Hồ Quý Ly (trước lấy họ Lê: Lê Quý Ly). Có người biết là dòng dõi họ Hồ nhưng vì nhiều lý do nên vẫn giữ họ mới đổi như trường hợp vua Quang Trung. Ngay cả gần đây, có một số người vì lý do chính trị phải đổi sang họ khác; nay đã trở lại họ Hồ như trường hợp ông Hồ Văn Phúc - con ông Hồ Văn An (ông An tham gia phong trào yêu nước của Nguyễn Thái Học, để trốn tránh sự truy lùng của thực dân Pháp đã đổi sang họ Nguyễn, nay hơn 50 năm, con ông đã lấy lại họ Hồ). Ngược lại, cũng có một số trường hợp vốn là họ Nguyễn, họ Hoàng… làm nghĩa tử cho họ Hồ (cháu ngoại) vì ơn sâu nghĩa nặng nên qua bao nhiêu đời vẫn giữ nguyên họ mẹ (Hồ). Một số người gốc họ Hồ, hoặc làm nghĩa tử, hoặc vì một lý do nào đó, đổi sang họ Nguyễn, họ Hà, họ Bùi, họ Mai, họ Vũ, họ Lê… nay vẫn giữ nguyên họ ấy”.

Riêng Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) đổi họ đổi tên để tránh sự dò xét của quân Nguyễn vì đã từng là học trò cưng của một nhân sĩ có tư tưởng phản kháng đương thời là giáo Hiến. Giáo Hiến có người bạn rất thân, thuộc hàng “tứ trụ đại thần” (Nội hữu) dưới triều Võ Vương là Trương Văn Hạnh. Trương Văn Hạnh lúc bấy giờ chống lại sự lộng quyền của Trương Phúc Loan (cậu vua). Sau Trương Phúc Loan giết Trương Văn Hạnh, giáo Hiến thương tiếc người bạn tri kỷ, lại ngại sẽ có ngày đến lượt mình bị hại, nên đã bỏ Phú Xuân (Huế) vào sống ở ấp Yên Thái (Quy Nhơn), mở lớp dạy học. Trong số học trò có 3 anh em nhà Tây Sơn. Để tránh sự dòm ngó của quân Nguyễn lúc ban đầu khi thanh thế chưa lớn, có thể bất lợi, anh em Tây Sơn đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Điều này Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược nhận xét anh em ông Nhạc lúc đầu chiêu quân “mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam thời ấy vẫn là đất của chúa Nguyễn!”.


Theo Bảo tàng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nguồn gốc gia tộc anh em Nhạc - Huệ - Lữ vốn dòng dõi họ Hồ ở Quỳnh Đôi, con cháu Hồ Thế Anh (còn gọi là Hồ Sĩ Anh, sinh 1618) trúng hội thi tam trường (tương đương phó bảng triều Nguyễn). Năm Vĩnh Thịnh thứ nhất đời Lê Thần Tông (1658) làm quan đến Hộ bộ Tả Thị Lang tước Diễn trạch hầu. Hồ Thế Anh sinh được 5 người con trai là Hồ Thế Viêm (sinh đồ), Hồ Phi Cơ (hội thi tam trường), Hồ Danh Lưu, Hồ Phi Tích (hoàng giáp) và Hồ Phi Đoan. Hồ Thế Viêm sinh Phi Khang.

Phi Khang sinh được 5 người con trai là Hồ Phi Trù, Hồ Phi Phú, Hồ Phi Thọ, Hồ Phi Phúc, Hồ Phi Huống. Từ Quỳnh Đôi, Hồ Thế Viêm dời nhà lên Nhân Lý (tức Nhân Sơn thuộc Quỳnh Hồng - Quỳnh Lưu Nghệ An), rồi lại đôn vào thôn Thái Lão, phủ Hưng Nguyên, Nghệ An. Từ Thái Lão, Hồ Phi Khang (nhiều sách chép là Hồ Phi Khanh), Hồ Phi Phúc di cư vào Đàng trong. Bước đầu làm ăn ở huyện Tuy Viễn (nay là huyện An Nhơn). Sau đó Hồ Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng ở Tây Sơn hạ sinh ra Nhạc, Huệ, Lữ và một gái út. Mộ của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng còn di tích ở núi Long Cương thuộc làng Kiên Mỹ, Bình Khê, Bình Định.

Trích tài liệu của Hồ Sĩ Giàng




Giao Hưởng