Kết có hậu của vụ “cướp dâu“ phố biển ly kỳ như phim

Cập nhật 19/08/2012 08:07 (GMT+7)

.

Đám rước dâu đang rình rang khoe mẽ sự giàu sang của gia đình chú rể bên bờ biển thì gặp vật cản. Sau trận ẩu đả của đám thanh niên, cô dâu biến mất như bốc hơi. Vài năm sau, cô dâu của đám cưới ngày nào trở về với người chồng là anh chàng tình đầu mà gia đình hai bên ra sức ngăn cản…

Mối tình trắc trở

Dọc bờ cảng của thị trấn biển là một khu dân cư đông đúc. Gia đình anh Lê Minh Tiến sống ở đó, anh làm thuyền viên cho một tàu cá lớn, một tháng thì nửa tháng lênh đênh trên biển. Trong một đợt gió, thuyền nghỉ ở nhà lâu ngày, anh Tiến và các bạn rủ nhau vui chơi ở trung tâm thị trấn, những ngày ấy, qua bạn bè giới thiệu, anh quen với chị Nguyễn Thị Thuỷ, gia đình bán tạp hoá trong chợ.

Từ đó họ nảy sinh tình cảm, rồi yêu nhau tha thiết. Mối tình ấy gắn bó được hai năm trời, nhưng vẫn chưa dám công khai với gia đình hai bên, nhất là bên nhà chị Thuỷ, vì ba mẹ chị vẫn đang "nhắm" cho con gái những mối ngon lành trong thị trấn, để cô êm ấm tấm thân. Còn gia đình anh Tiến cũng muốn anh cưới một cô gái hàng xóm làm nghề vá lưới, vì mẹ anh đi coi thầy bói, thầy phán cả hai hợp tuổi, lấy nhau dễ đổi đời, ăn nên làm ra.




Hình chỉ mang tính minh họa


Yêu nhau mãi cũng đến lúc tính chuyện hôn nhân, nhưng khi dắt nhau về ra mắt hai bên gia đình, họ vấp phải sự phản ứng quyết liệt dù đã lường trước. Cha mẹ chị Thuỷ coi thường anh Tiến ra mặt vì là thuyền viên tàu cá, lại sống ở "cái xóm biển phức tạp", không xứng với con gái họ.

Trong khi đó nhà anh Tiến, mọi việc có dễ chịu hơn, cho đến lúc mẹ anh hỏi tuổi, biết chị tuổi Dần, liền sa sầm mặt, nói: "Vậy thì hai đứa lấy nhau chỉ có mạt. Thầy bói nói thằng Tiến nhà này kị nhứt lấy con gái tuổi Dần, tuổi Mùi. Lấy thì một là đau bịnh, hai là nghèo cả đời".

Phản ứng của hai gia đình không làm hai anh chị nản lòng. Với tình yêu thương quá lớn dành cho nhau, họ đã nhờ đến bạn bè, tranh thủ tình cảm và sự đồng tình của cô chú, họ hàng hai bên gia đình. Nhờ người chú làm người gắn kết, hai bên gia đình,cuối cùng đã có một cái hẹn ngày gặp nhau để "nói chuyện xem sao".

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ hoá ra tồi tệ, vì hai bên gia đình đều giữ nguyên thái độ của mình. Bên nhà chị Thuỷ thì cho rằng chịu gặp như vậy là "hạ cố" lắm rồi, vì con gái mình xứng với những gia đình ngon lành hơn, còn nhà anh Tiến lại bảo, con trai họ không cần con gái nhà giàu, tiểu thư làm biếng, chỉ cần hợp tuổi để cùng nhau làm ăn.

Kết cục, hai bên gia đình tức giận ra về, với tuyên bố là "đừng mong gả con". Cuộc khẩu chiến của họ còn kéo dài nhiều ngày sau, khi cha mẹ chị Thuỷ cho người xuống nhà anh Tiến yêu cầu gia đình này không được để con trai đến "dụ dỗ" con gái mình, để rồi người đưa tin bị cha anh Tiến vác gậy đuổi khỏi nhà.

Từ đó, cả hai bên gia đình kiên quyết cấm hai người đến với nhau. Nhất là nhà chị Thuỷ, họ canh chừng con gái mình sát sao, chị Thuỷ muốn đi đâu luôn phải có dì ruột hoặc em gái đi kèm. Sau đó, gia đình chị Thuỷ ép gả chị cho con trai một gia đình kinh doanh xe khách khá giàu có, người này đã theo đuổi chị từ lâu nhưng chị Thuỷ không đồng ý vì anh ta có tiếng ăn chơi, hư hỏng.

Đám cưới được chuẩn bị tiến hành mặc dù chị Thuỷ phản đối, khóc lóc. Nhiều lần, anh Tiến tìm mọi cách để gặp chị, thậm chí nửa đêm trèo qua hàng rào sau nhà, nhưng vô ích, cha mẹ chị Thuỷ thuê hẳn một người canh giữ, có lần anh Tiến bị bắt được, nhận một trận đòn tơi tả.

Ly kỳ vụ "cướp dâu"

Ngày cưới chị Thuỷ, nhà trai huy động dàn xe của gia đình, người thân đi rước dâu. Đám rước sẽ có lộ trình là xuất phát từ nhà chủ rể, đến nhà cô dâu sau đó đi vòng quanh thị trấn để "khoe sự giàu sang", và cuối cùng đưa cô dâu đến nhà chú rể. Đoàn xe gồm 5 chiếc đi ngang con đường biển. Khách khứa, nhất là những bà con từ xa tới rất thích thú, cho xe chạy chậm lại tranh thủ ngắm biển.

Bỗng từ trước mũi đoàn xe có một chiếc ba gác máy đang vận chuyển đồ biển từ cảng ra chợ chết máy nửa chừng, chắn ngang đường. Người lái xe gây gổ với người chạy xe máy, rồi cả hai lao vào ẩu đả, kéo theo một nhóm thanh niên đến xem rất đông, sau đó số thanh niên này cũng bị kéo vào đám đánh nhau. Cát bụi mịt mù, người lộn xộn nhốn nháo, đoàn xe rước dâu bị ách lại, tài xế, chú rể và nhiều người mở cửa chạy xuống can thiệp, dẹp loạn để xe đi tiếp.

Khi đám đánh nhau vừa tan, có người la lên: "Cô dâu đi đâu mất tiêu rồi". Mọi người giật mình nhìn lại, thì cô dâu đã biến mất khỏi xe, đám thanh niên cũng lặn mất tăm. Cả đoàn người nhốn nháo, lục lọi tìm kiếm khắp nơi, song cô dâu dường như biến mất không dấu vết. Đám cưới tan tành...

Tôi không được gặp vợ chồng họ, vì giờ họ sống tận Gia Lai xa xôi, nhưng được nghe người chú ruột anh Tiến kể lại câu chuyện. Đau khổ vì sắp mất người yêu, nhưng quyết không bỏ cuộc, anh Tiến bàn với đám bạn kế họach "cướp dâu". Nhờ sự hậu thuẫn của em họ chị Thuỷ, vốn là người yêu của bạn thân anh Tiến, họ liên lạc được với chị, nắm lộ trình và vạch kế hoạch hành động.

Trong đám đông nhốn nháo, chị Thuỷ đã mở cửa xuống xe chạy vào ngôi nhà bán nước mía gần đó, anh Tiến chờ sẵn, dẫn chị đi vòng ngõ sau thoát thân. Cả hai trốn về nương náu tại nhà một người bạn, sau đó được bạn bè hỗ trợ ít tiền, họ lên xe đi Ninh Thuận, lưu lạc ra Quy Nhơn và sau cùng thì định cư tại Gia Lai.

Người chú kể: "Tụi nó không dám đưa tin về nhà. Cách đây năm năm mới dám dẫn nhau về "thú tội", lúc này đã ba mặt con, gia đình còn làm gì được nữa".

Gia đình chị Thuỷ mất con rồi, rất hối hận nên khi con gái dắt chồng, con trở về họ không dám mắng mỏ gì, thậm chí còn vui mừng đón nhận cháu. Về phần gia đình anh Tiến, đã thấy rõ cái mê muội của mình khi nghe lời ông thầy bói, vì dù hai vợ chồng phạm vào "đại kị" như “thầy” phán, nhưng đến nay, hai vợ chồng anh Tiến sinh ra ba đứa con đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn.

Anh chị trồng cà phê trúng hai vụ liên tiếp, đã xây được một căn nhà khang trang đẹp đẽ, mua thêm miếng đất ở thị trấn An Khê để dành. Nghe đâu, thời gian ở Quy Nhơn, chị Thuỷ ở nhà đi phụ người ta bán quán, anh Tiến tiếp tục theo tàu đánh cá.

Dành dụm ít tiền, họ lên Gia Lai mua rẫy trồng cà phê. "Tụi nó hạnh phúc lắm, làm ăn cũng ngon lành. Bây giờ hai nhà hết thù nhau. Ông anh tui, tức cha thằng Tiến còn nói: May mà hồi xưa nó cướp được dâu", chú anh Tiến vui vẻ kết câu chuyện “ly kỳ như phim”.

Trân Trân