Võ Việt phải vượt trở ngại để “lên đai“ quốc tế

Cập nhật 18/08/2012 09:53 (GMT+7)

.

Võ cổ truyền Việt Nam trở thành môn võ quốc tế là khát vọng cháy bỏng bao lâu nay của các thế hệ những người suốt đời tâm huyết với môn võ đặc sắc này. Đây là một khát vọng hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa khi võ cổ truyền Việt Nam hiện đã có mặt tại 35 nước với hàng vạn võ sinh, hàng trăm trường luyện tập. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng để võ cổ truyền Việt Nam thật sự phát huy tinh hoa, phát triển lên tầm quốc tế còn rất nhiều điều phải làm, rất nhiều trở ngại phải vượt qua.



Các võ sinh tham gia biểu diễn võ thuật tại liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV. Ảnh: Uyên Thu.


Đã thành thông lệ, cứ 2 năm một lần, những anh tài của võ cổ truyền Việt Nam (gọi tắt là võ Việt) trên thế giới lại hành hương về vùng đất võ Bình Định để chiêm bái tổ đường, tranh tài, trao đổi, học hỏi lẫn nhau những đường quyền, để bày tỏ lòng mong mỏi phát triển môn võ độc đáo này của dân tộc. Ở đó, những người đam mê môn võ Việt được sống trong những tiếng trống trận tưng bừng, được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn võ thuật hừng hực khí thế.

Thế rồi, những ngày ngắn ngủi ấy cũng qua mau, những người tâm huyết với môn võ này lại trở về và đem theo những trăn trở, suy tư về những câu hỏi: Làm sao để võ cổ truyền thực sự được nâng lên tầm quốc tế?. Làm sao để những tinh hoa của di sản văn hóa này ngày càng lan tỏa ra thế giới?.

Ông Phạm Đình Phong - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Trung tâm UNESCO về bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao dân tộc Việt - vừa xuất bản cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam” rất có giá trị.

Phân tích cái đẹp, tính độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam, ông Phong nói rằng võ Việt chính là võ tổ. Đây không chỉ là một môn võ thuần túy mà đã trở thành hồn thiêng sông núi của người Việt. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, võ Việt liên tục thể hiện sức mạnh của mình với 18 lần chiến thắng những đế chế xâm lược hùng mạnh. Đến thời Tây Sơn, võ Việt thực sự lên đến đỉnh cao với đầy đủ những học thuyết mà hiếm nền võ học nào có được sự hoàn chỉnh như thế. Đó chính là sự phát triển khép kín của võ lý, võ lễ, võ đạo, y võ, võ nhạc, võ kinh, võ cử, võ miếu...

Cũng theo ông Phong, một đặc điểm khác khiến võ cổ truyền Việt Nam được nhiều người trên thế giới say mê theo đuổi chính là tính chiến đấu với những đòn thế đặc biệt. Một trong những nét độc đáo nhất của võ cổ truyền Việt Nam là ở việc sử dụng hai bộ ngựa (chân) và bộ chỏ (cẳng tay).

“Tuy nhiên, cùng với sự biến chuyển của lịch sử, võ Việt cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm. Sau thời kỳ Tây Sơn rực rỡ, võ cổ truyền Việt Nam bước vào giai đoạn thử thách khắc nghiệt khi Gia Long có hành động trả thù hèn hạ là đốt hầu hết những tài liệu liên quan tới võ học Việt Nam. Tiếp đó, Việt Nam trải qua những năm dài chiến tranh chống Pháp và Mỹ nên không có điều kiện để phát triển mạnh nền võ học trong nước”, ông Phong phân tích.

Ngoài ra, tác giả cuốn “Lịch sử võ học Việt Nam” còn đưa ra nhìn nhận: Một lý do khác khiến võ cổ truyền Việt Nam ngày càng mai một là rất ít võ sư sống được với nghề. Từ xưa đến nay, phần lớn các võ sư của các võ đường nổi tiếng, những người gắn bó cả đời với võ nghiệp đều chấp nhận cuộc sống thanh bần, nếu không nói là nghèo khó. Chính vì thế, đã có không ít võ sư đành ngậm ngùi bỏ nghề, bỏ cả đam mê để lao vào cuộc tìm kiếm mưu sinh.

Thậm chí, gần đây nhiều võ sư võ Việt còn chấp nhận chuyển sang dạy các môn võ mới như Taewondo, Karate...

Ông Phong cho rằng, với vị thế và tinh hoa của mình, võ cổ truyền Việt Nam xứng đáng được Nhà nước đưa ngay vào trường học hay quân đội trên diện rộng.

Dẫu còn nhiều khó khăn và trở lực như vậy nhưng trong những ngày hội ngộ ngắn ngủi ở Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam vừa qua tại Bình Định, hầu hết các võ sư, giới chuyên môn đều bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng võ cổ truyền Việt Nam sẽ không bao giờ chết bởi nó là tinh hoa văn hóa của người Việt.

Một trong những bước đi được giới võ Việt xem là đột phá để đưa võ cổ truyền Việt Nam lên tầm quốc tế là biến di sản văn hóa này trở thành một kênh xây dựng hình ảnh văn hóa của dân tộc, đất nước. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - khẳng định bản thân võ cổ truyền Việt Nam đã mang trong mình một bề dày văn hóa đặc sắc, đó là tinh thần thượng võ, tính đại nghĩa, sự bao dung cao cả trong mỗi đường quyền.

Chính vì thế, võ cổ truyền là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam, được tạo dựng bởi một nền võ học lâu dài. Võ được xây dựng, phát triển trong suốt tiến trình dựng nước, giữ nước của người Việt.

Ông Phạm Đình Phong đề xuất: Muốn phát triển võ, phải đặt nó như một di sản văn hóa của dân tộc để có giải pháp bảo tồn, phát huy lâu dài, phải coi võ cổ truyền là một di sản văn hóa có bề dày, chiều sâu lịch sử chứ không phải là một dạng văn hóa quần chúng bởi nếu thế thì chỉ phát triển được về chiều rộng chứ không phát triển được chiều sâu, nghĩa là chưa phát huy được tinh hoa của võ Việt.

“Cần sớm có một tổ chức nghiên cứu, xây dựng bản đồ võ học gồm tiến trình phát triển của tất cả các trường phái và phải trân trọng tất cả các võ sư trên khắp thế giới, bất kể môn phái nào. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát triển các võ đường bởi đây chính là linh hồn của võ cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra, cần đầu tư giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về nguồn cội của võ học Việt Nam để có cái nhìn thấu đáo hơn về lịch sử, để cảm nhận mạnh mẽ được sự tự hào của dân tộc mình. Có như thế, võ cổ truyền Việt Nam mới có thể được nâng đúng tầm, được lan tỏa, đón nhận như một tinh hoa quý báu”, ông Phong nói những lời tâm huyết.

Uyên Thu