Đơn Hùng Tín chào đời

TTO - Thời Pháp thuộc, đồng bào ở miền Tiền Giang, Hậu Giang đều nghe danh... Đơn Hùng Tín. Anh ta thuộc vào hàng “đại ca”, điều khiển một số tay em giết người cướp của không gớm tay.

Lời nói và việc làm của Đơn Hùng Tín luôn luôn đi đôi. Trước khi đánh cướp, Đơn Hùng Tín báo trước ngày giờ để cho gia chủ đề phòng. Khi quân cướp rút lui, chẳng ai dám hó hé, tố cáo hoặc truy nã. Du đãng Đơn Hùng Tín thường vượt ngục phá khám hoặc được quan trên... tha bổng. Vì vậy, có dư luận cho rằng nhiều ông hương chức hội tề hoặc ông cò Tây đã bí mật làm tay chân cho Đơn Hùng Tín vì sợ anh ta, vì tham của hoạnh tài.

Xưa kia, Đơn Hùng Tín chưa lấy biệt danh ấy. Anh ta còn là kẻ vô danh, đọc truyện Đường, nuôi chí lớn và chờ thời...

Vùng núi Tà Lơn nổi danh là nơi trú ẩn của lắm tay siêu phàm. Lúc phiêu bạt đến đó Đơn Hùng Tín chỉ là một hột cát bé bỏng. Anh ta thường dạo khắp mấy hang đá cheo leo, hôm ấy gặp một thanh niên ốm o gầy mòn. Thanh niên hỏi:

- Anh là ai?

Đơn Hùng Tín hỏi ngược lại:

- Còn anh... anh là ai?

Chàng thanh niên bèn mời Đơn Hùng Tín vào hang đá mà nói:

- Ở đây, người nào cũng như người nấy. Đứng về võ nghệ mà phê phán thì có hơn chục người sành sỏi, bóp viên đá nát ra như cám hoặc nhảy như bay qua miệng hố. Chẳng hay anh bạn giỏi về môn nào?

Để che giấu cái tài hèn đức kém của mình, Đơn Hùng Tín lại dùng thủ đoạn cũ, nghĩa là hỏi vặn:

- Còn anh bạn?

Thanh niên mỉm cười:

- Tôi mới biết sơ qua vài “ấn”. Nè, anh bạn tới thăm tôi trễ, gặp dịp, tôi “triệt” bà cố cho bạn xem mãn nhãn.

Đơn Hùng Tín đâm ra nghĩ ngợi: “bà cố” là vị nữ thần mạnh nhứt, huyền diệu nhứt so với các cô, các cậu đang bay bổng, phiêu du khắp cõi càn khôn. Người biết bắt ấn, triệt được bà cố hẳn phải là tay dày công luyện. Thanh niên nọ cứ day mặt vào vách đá, miệng đọc bùa chú lâm râm. Để tỏ rằng mình đầy đủ bản lĩnh. Đơn Hùng Tín có ý khuấy rối sự yên tĩnh:

- Anh bạn hơi đâu mà luyện tập thứ ấn thấp kém đó. Tôi đây biết bùa phép và thường triệt bà cố. Chẳng hay anh bạn triệt kiểu nào?

Theo danh từ nhà nghề, “triệt” tức là kéo níu. Bà cố hay phiêu diêu như chiếc xe mạnh hàng chục mã lực. Triệt bà cố, chẳng khác nào kẻ vận dụng sức lực để níu lại một chiếc xe đang mở máy phóng tới. Thanh niên nọ vẫn mỉm cười đưa chân mặt ra phía trước rồi cong lưng, dùng tay trái mà nắm lấy một ngón chân:

- Đại để... tôi làm như vậy. Bà cố thường vân du, như bánh xe xoay tròn, muôn màu muôn sắc. Lúc tôi bắt ấn, tức khắc bánh xe ấy ngừng lại. Nhưng sau mỗi lần bắt ấn, mình mẩy tôi rêm nhức, đầu óc nóng bừng bừng... Gần đây, còn một lão tổ sư khác thường tới lui thăm tôi, lão chê tôi làm trò chơi kiểu con nít.

Đơn Hùng Tín bắt đầu e ngại. Trên dãy núi Tà Lơn này, anh ta rõ ràng là bất tài, chưa xứng đáng làm đệ tử của chàng thanh niên, nói chi đến lão tổ sư. Chàng thanh niên hiểu rõ nhược điểm của người bạn đang ngồi trước mặt.

Đơn Hùng Tín trố mắt như lao vào một thế giới vô hình. Từ đây tới điện Cán Dù, mỗi khi trời mưa lắc rắc, ngoài dấu chân heo rừng hoặc hươu nai, đôi khi thiên hạ gặp những dấu chân nho nhỏ của một người con gái. Nàng là ai? Càng khó hiểu hơn là những bước chân ấy được in trên cát xa cách nhau. Dấu chân mặt và dấu chân trái nàng giống hệt của kẻ đi với đôi hài... bảy dặm.

Mưa bắt đầu rơi, Đơn Hùng Tín rùng mình, hỏi kỹ:

- Thật vậy không?

Chàng thanh niên đáp:

- Nhiều tay sư tổ lập đàn để “triệt” vong hồn kẻ khuất mặt nhưng nàng vẫn chưa chịu về. Anh bạn mà triệt được nàng, ắt nổi danh.

- Tôi chưa học tới thứ ấn đó... - Đơn Hùng Tín đáp.

Chàng thanh niên đắc ý, hiểu rằng người khách lạ có thân hình to lớn ấy đã lọt vào cạm bẫy tâm lý của mình. Chàng nói tiếp:

- Ở đàng kia, còn một ông lão tài ba lỗi lạc. Lão ta đang nắm giữ bộ sách “Thiên thư bí quyết”. Anh bạn đọc qua bộ đó chưa?

Đơn Hùng Tín đáp:

- Tôi nghe sơ qua cái tựa chớ chưa đọc.

Chàng thanh niên cố ý giữ thể diện giùm cho người khách lạ. Theo lời thuật của anh ta thì ông lão kia học được vài phép màu nhiệm trong bộ “Thiên thư bí quyết”. Lão nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho khỉ uống một lá bùa. Uống đến lá bùa thứ bảy thì con khỉ nọ tự nhiên ngã lăn ra chết. Lão đem xác con khỉ bỏ trong cái hộp bằng cây trầm hương. Đúng trăm ngày, lão mở hộp ra, cho con khỉ uống lá bùa thứ tám. Khỉ mở mắt, bắt đầu chạy nhảy lanh lẹ như xưa. Và mỗi ngày khỉ chạy đến chân núi, ăn cắp đúng hai đồng xu đem về nạp cho ông lão.

Động lòng tham, Đơn Hùng Tín nói:

- Mưu kế đó màu nhiệm nhưng mỗi ngày có hai xu, ít quá. Con khỉ tuy khôn lanh ngặt nó hành động theo thói tiểu nhơn, trộm cắp lén lút. Tôi đây muốn làm cách nào... lấy của giữa ban ngày.

- Nghĩa là... ăn cướp?

Đơn Hùng Tín gật đầu:

- Nhưng ăn cướp đâu có nghĩa là làm chuyện bất nhơn thất đức. Mình ăn cướp đường đường, bắn súng cho chủ nhà bị cướp hay tin trước. Mình ăn cướp tiền bạc của Tây tà, đem phân phát cho kẻ bần hàn...

Luận điểm dối trá, giả nhân giả nghĩa ấy bỗng nhiên được chàng thanh niên tán đồng. Thật ra, từ bốn năm trường nay, chàng thanh niên lên núi với hy vọng lập nghiệp. Hồi ở Châu Đốc, chàng ta làm nghề dạy học rồi bị sa thải vì tội cờ bạc và hút thuốc phiện.

Lên ở ẩn trên núi, chàng ta không đủ can đảm để luyện phép, tu tiên nhưng vẫn nuôi mộng được làm quân sư cho một kẻ anh hùng. Hôm nay, gặp kẻ anh hùng “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” như kẻ đang viếng động, chàng mừng khấp khởi.

Năm sáu ngày ròng rã, Đơn Hùng Tín ăn ngủ tại nhà chàng thanh niên. Chàng ta giới thiệu:

- Tôi là Giáo Phép, “đại ca” cứ gọi tôi bằng em.

Đơn Hùng Tín đáp:

- Gặp được chú Giáo, tôi mừng như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Xem qua truyện Tống, truyện Đường, tôi thích có một người.... Đó là Đơn Hùng Tín, người tận trung với chúa. Mai chiều mình làm giàu, cùng nhau chia cơm xẻ áo.

Giáo Phép nói rỉ vào tai Đơn Hùng Tín, mặc dầu chung quanh hang đá chẳng có người thứ ba rình nghe trộm:

- Mấy ông già tiên ở trên núi... nhứt định họ đâu thèm làm đệ tử cho anh em mình. Muốn lập đảng cướp, mình nên qui tụ bọn người đốn củi dưới chân núi.

Đơn Hùng Tín cau mày:

- Làm sao thu phục họ được? Mình không biết “triệt” bà cố, ngồi đàn bắt buộc cô gái ma xuất hiện hoặc... nuôi khỉ?

- Dễ quá. Đời vật chất văn minh, Tây cai trị nước mình được là vì Tây có súng. Mình nên dùng súng để trị súng!

Đơn Hùng Tín lắc đầu:

- Làm sao lập đạo binh chống với Tây tà được? Thú thiệt với chú Giáo, tôi có mang lên đây một khẩu súng “mút cơ tông” với ba viên đạn mà thôi.

Giáo Phép mừng quýnh, nói rỉ vào tai Đơn Hùng Tín ba điều bốn chuyện rồi xin phép “đại ca” xuống núi vài ngày để mua sắm vài thứ “bùa phép” cần thiết, chờ khi phất cờ gióng trống, chiêu quân mãi mã. Nghe qua, Đơn Hùng Tín cười giòn, vỗ đùi bôm bốp...

Giáo Phép từ Châu Đốc trở về núi Tà Lơn.

Đơn Hùng Tín mừng rỡ sau khi nghe giải thích vài chi tiết trong quyển sách khá dày, đóng bìa da:

- Thiệt vậy hả, chú Giáo? Ngày mai chú xuống chợ Cần Giọt truyền rao, ngày mốt tôi xưng vương, chánh thức ra mắt. Mười ngày sau nữa, tôi... làm giàu, công ơn của chú, chẳng bao giờ tôi quên.

Giáo Phép đắc ý, lật qua lật lại mấy trang sách:

- Đúng là bộ “Thiên thư bí quyết”, viết bằng chữ Tây. Bên Tây họ thí nghiệm nhiều lần rồi, ở hội chợ phiên... thiên hạ kéo tới đông nghẹt, nhiều người ngất xỉu vì ngột hơi thở, vì quá sợ sệt. Huống gì ở xứ Tà Lơn khỉ ho cò gáy này.

Từ đó đến chiều, Đơn Hùng Tín uống rượu khá nhiều. Anh ta đem khẩu súng ra chùi cho bóng láng và đếm tới đếm lui mấy viên đạn. Với chiếc kềm sắt, anh ta tháo đầu đạn, ráp vào rồi lại tháo ra... Hồi lâu, như chưa vừa ý, anh ta đốt đèn sáp để lấy chất khói đèn...

Giáo Phép xuống núi, truyền rao với các anh hùng tứ chiếng:

- Sáng mai, mời anh em tới điện Cán Dù xem Đơn Hùng Tín... thổi bùa.

Ai nấy tỏ vẻ lạnh lùng:

- Chán bùa phép quá rồi. Tụi tôi muốn tìm thứ bùa phép nào... đem lại cơm gạo tiền bạc để nuôi vợ nuôi con. Chẳng lẽ tụi tôi lưu lạc tới xứ này để học bay nhảy trên gành đá, tranh tài với loài khỉ, loài vượn.

Giáo Phép đáp:

- Bùa phép của Đơn Hùng Tín nhứt định đem cơm gạo vàng bạc cho tất cả các đệ tử.

- Làm bạc giả à? Liệu Đơn Hùng Tín ăn thua với lính mã tà được không? Đơn Hùng Tín là ai? Ở xứ núi non, tụi tôi nghe nhiều cái danh hiệu điếc con ráy, rốt cuộc gặp toàn những “đại ca” thuộc vào hàng “khôn nhà dại chợ”.

Để chứng tỏ mình là kẻ khiêm tốn, Giáo Phép ngồi xuống, nghe đám anh hùng tứ chiếng thuật lại những trận “hô phong hoán võ” thất bại, lỡ cười lỡ khóc. Nào là Tiết Đinh San... chạy bò càn khi đánh cướp, bị chủ nhà vây bắt. Chủ nhà nào có tài ba gì đâu cho cam? Đám gia nhân chỉ hò hét, đốt pháo tre, liệng chai đựng đầy nước mắm. Miếng ve chai bể, dính nước mắm, mà ghim vào da thịt thì phải biết! Nó gây thương tích, nhức nhối vô kể.

Lại còn chuyện Tiết Nhơn Quí tự xưng biết “thăng thiên độn thổ” nhưng khi biểu diễn thì “thăng” lập tức! Một người trong đám cử tọa đưa ra “cây dao con chó”, yêu cầu Tiết Nhơn Quí ghim vào da thịt. Tiết Nhơn Quí bèn ngáp rồi ụa mửa, đôi mắt ngơ ngác, hẹn sẽ lóc từng miếng thịt của mình cho cử tọa xem... vào dịp khác thuộc ngày lành hơn, tháng tốt hơn và giờ khác linh thiêng hơn.

Giáo Phép lắc đầu:

- Xưa nay, người giả thì nhiều mà người thiệt thì ít. Tôi là người có ăn học, anh em dư biết... Tôi chẳng bao giờ sùng bái ai vậy mà tôi đành thọ giáo với Đơn Hùng Tín. Ông này ghê lắm...

Bọn anh hùng tứ chiếng đáp:

- Ghê tới mức nào? Ông thuộc vào hạng người siêu phàm, súng bắn vào không nổ chớ gì?

- Ông giỏi hơn một bậc. Súng bắn nổ rầm rầm không chết!

- Súng gì?

- Súng “mút cơ tông” của Tây!

- Tại sao ổng không chết?

- Nhờ đọc bộ “Thiên thư bí quyết”, ổng luyện tập... mười mấy năm trường ròng rã. Sau khi súng nổ, ổng cười “hề hề”. Ngày mai đúng vào giờ Ngọ, tại điện Cán Dù... Bà con nhớ tới xem cho biết.

Nguồn tin Đơn Hùng Tín sắp hạ san khiến bọn anh hùng tứ chiếng xôn xao. Họ nói chuyền miệng, kéo tới điện Cán Dù. Đã từng lưu lạc giang hồ, sống ngoài vòng pháp luật, họ dư hiểu: nếu phò tá cho một kẻ súng bắn không chết dĩ nhiên họ sẽ làm giàu. Đơn Hùng Tín sẽ kéo... toàn đảng dạo khắp đó đây, từ thôn quê tới thị thành, tha hồ bao vây nhà mấy ông cai tổng, chận xe đò... hoặc bắt cóc, thủ tiêu vài ông Tây cho biết mặt.

Đơn Hùng Tín mặc quần cụt ở trần, mình mẩy xăm toàn... rồng và chim phụng hoàng. Ngay giữa ngực anh ta, còn có hàng chữ Pháp, nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc phá khám Bách Ti 1789 ở mẫu quốc xa xôi... Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái.

Anh ta đứng sẵn trên miệng hố:

- Nếu chết thì tôi bỏ xương dưới cái hố oan nghiệt này để đền tội nói láo với bà con. Tôi biết bà con chưa tin.

Rồi anh ta khoát tay:

- Chú Giáo! Đem cây súng với viên đạn cho bà con coi trước. Xưa nay, bà con thường gặp nhiều vụ bắn súng giả, nào họ dũa “con cò” súng hoặc xài súng giả, đạn giả.

Giáo Phép trao cây súng “mút cơ tông” bóng láng cho từng người xem. Và điều này rất quan trọng, chàng ta đưa ra một viên đạn bằng đồng. Đầu đạn sáng choang nhọn lễu. Bọn anh hùng tứ chiếng rất kiêng oai loại súng “mút cơ tông”. Nghe đâu hồi giặc Âu Châu đại chiến 1914-1918, Pháp quốc thắng Đức quốc nhờ loại súng thần tốc này. Và anh hùng Phan Xích Long đòi phá khám Sài Gòn cũng đã bó tay chịu phép khi nhà cầm quyền Pháp cho nổ chỉ thiên vài phát.

Giáo Phép xin lại cây súng rồi nói

- Súng thứ thiệt, đạn thứ thiệt. Bà con còn thắc mắc gì không? Và đằng kia là Đơn Hùng Tín đang ở trần.

Đơn Hùng Tín quát to:

- Cứ bắn cho mau. Tôi đứng cách họng súng chừng năm thước. Bà con cứ xáp lại gần, cách tôi chừng một thước.

Giáo Phép nạp đạn vào lòng súng trong khi hàng chục cặp mắt đổ dồn về mấy chữ Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái... Lồng ngực của Đơn Hùng Tín phồng lên, xẹp xuống...

Đơn Hùng Tín nhép nhép miệng như đọc thần chú....

- Đùng!

Mùi khói thuốc bay nồng nặc.

Cử tọa rú lên?

Đơn Hùng Tín vẫn đứng sững, sống nhăn. Và anh ta đang nhe răng cắn viên đạn đồng!

Ai nấy im lặng...

Đơn Hùng Tín nhả ra, viên đạn đồng rớt xuống đá nghe tiếng “bốc” lăn tròn...

Giáo Phép chạy tới lượm viên đạn, trao cho cử tọa:

- Thấy chưa! Đơn Hùng Tín... đớp viên đạn. Viên đạn còn nguyên không móp!

Trong đám cử tọa, có kẻ... như đang hồ nghi điều gì. Kẻ ấy cầm viên đạn, đưa qua đưa lại để quan sát.

Nhanh như chớp Giáo Phép nạp viên đạn thứ nhì, nhắm ngay đầu kẻ ấy mà bắn:

- Chát!

Máu tuôn ra từng giọt trên vách đá. Kẻ ngạo mạn ấy nghiêng đầu, từ từ ngã gục. Giáo Phép chỉ tay vào mặt hắn:

- Tao bắn... cái vong hồn của mày cho mày thấy! Kìa! Trên vách... mấy giọt máu tươi của mày. Mày chưa chết đâu! Day mặt mà xem...

Từ đây, oai danh Đơn Hùng Tín nổi như cồn. Bọn đệ tử vững bụng rằng “đại ca” của mình thuộc vào hàng “súng bắn không chết”. Đơn Hùng Tín trở thành vị hung thần của đất Nam Kỳ thuộc địa, gây nhiều sự bận rộn cho nhà cầm quyền Pháp.

Là kẻ sanh sau đẻ muộn, người viết bài này chỉ nghe thuật giai thoại kể trên. Bộ “Thiên thư bí quyết” là loại sách gì? Tại sao anh ta cắn được viên đạn vào miệng?

Lão quân sư Giáo Phép bây giờ ở đâu để giải đáp?

Tình cờ, chúng tôi đọc được quyển sách ảo thuật của Yvon Yva, một người Pháp. Sách ấy giải đáp toàn vẹn kỹ thuật súng bắn không chết của các tay gian đạo sĩ Âu Châu đang áp dụng.

Đại khái, họ nạp vào nòng súng một viên đạn có cái đầu “ban” giả, đúc bằng sáp. Đầu đạn sáp ấy nhuộm khói đèn nên giống màu đồng đen. Súng nổ, đầu đạn sáp chảy ra. Và Đơn Hùng Tín đã ngậm sẵn trong miệng một đầu đạn thứ thiệt, trưng ra sau khi súng nổ. Phát súng thứ nhì... đổ máu. Đó cũng là viên đạn có đầu “ban” bằng sáp, trong lòng đầu “ban” chứa son tàu, giống hệt máu.

Có điều chắc chắn là Đơn Hùng Tín và quân sư Giáo Phép chẳng bao giờ đọc sách của Yvon Yva, sách này mới xuất bản từ vài ba năm nay. Có thể là Giáo Phép đọc một quyển sách khác rồi nghiệm thêm, đem ra thực hành với sự góp ý của Đơn Hùng Tín.

Quả thật những người sống “nhàn cư” ở núi Tà Lơn là những kẻ lợi hại, thông minh hơn... người Pháp.

SƠN NAM