'Trái tim du khách ngoại dành trọn cho ẩm thực Việt'
Cập nhật lúc 11:45, Thứ Ba, 29/06/2010 (GMT+7)

,Quá ấn tượng với các món ăn độc đáo của Việt Nam, tác giả Mia Stainsby đã kể trên báo Vancouver Sun về hành trình của cô tới ba miền đất nước hình chữ S và thưởng thức các đặc sản của từng địa phương.


Một góc chợ ở Hà Nội. (Ảnh: Mia Stainby/Vancouver Sun)

Mùa thu năm ngoái tôi tới Hongkong, Campuchia và Việt Nam. Nhưng phải thú thật, trái tim tôi đã dành trọn cho Việt Nam, đặc biệt là các món ăn tuyệt vời ở đất nước này.

Tôi luôn muốn được thưởng thức các món ăn Việt ngon hơn nữa ở Vancouver nhưng tôi biết, muốn như vậy tôi phải tìm đến nguồn cội của chúng. Tới Việt Nam, tôi mới thấy rằng đồ ăn thức uống nơi đây cũng giống như con người bản địa - năng nổ, vui vẻ, đáng yêu và... khá hài hước.

Vì một lý do nào đó, trạng thái tự nhiên đã tồn tại trong con người và thực phẩm nơi đây xuyên xuốt những cuộc chiến tranh đẫm máu.

Một bà già cười tươi phô hàm răng to. Người phiên dịch nói với tôi rằng bà ấy hỏi liệu chúng tôi có hiểu đứa cháu nội bé bỏng của bà đang bập bẹ nói gì không? Tôi cảm thấy thực sự ấn tượng.

Và tôi chắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam, ngay cả khi giao thông đô thị ở nước này có thể nói là giống như một sự liều chết: xe máy, xe đạp, ôtô, con người... lao như tên bắn từ mọi hướng. Ngõ ngách thì chẳng theo một trật tự nào.

Đi từ Hà Nội tới miền trung Việt Nam rồi đến Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Mekong sẽ thấy thực phẩm thay đổi theo từng vùng địa lý và khí hậu.

Các nhà hàng Việt Nam ở Vancouver chỉ gọi là điểm lướt qua bề nổi các món ăn của đất nước này. Chúng tôi không thấy mùi vị độc đáo của rau thơm hoặc nước mắm đậm đà như nhiều món ăn ở tận xứ xở này.

Tại Hà Nội, chúng tôi tới Chả Cá Lã Vọng để thưởng thức. Món ăn nơi đây được gọi là Chả Cá, cá nhám chiên dòn ăn với thì là, nghệ, bún và lạc rang. Họ mang cả một lò nướng bằng than ra bàn và bạn tự nấu cá với rau xanh. Được biết, nhà hàng này đã trải qua mấy thế hệ và nổi tiếng đến mức có nhiều nơi khác cũng bắt chước làm món chả cá này.

Sẽ là điều đáng tiếc nếu tới đây mà không thử thức ăn đường phố. Chúng tôi đi tìm những hàng quán mà một người hàng xóm của tôi đã ở Việt Nam từ một năm trước gợi ý, chẳng hạn như phở.


Một hàng phở vỉa hè Hà Nội. (Ảnh: Mia Stainby/Vancouver Sun)

Một buổi tối, tôi tới một hàng bán bánh bao nhân thịt và chả nem. Thật là vui, chúng tôi ngồi xuống cạnh một chiếc bàn nhựa và thưởng thức món ăn tuyệt vời đến khi no căng bụng. Tuy vậy, chồng tôi vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món phở mà người bạn tên là Karen giới thiệu. Anh nhất quyết đi tìm và rất tự nhiên khi ngồi xuống bên cạnh những người dân địa phương, xì xụp chén hết một tô phở đầy. Người mẹ và cậu con trai chuyển những lát thịt mỏng cho nhau và cho vào các tô nước bốc khói. Mọi người xung quanh tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi với bát phở của chồng và làm một đũa lớn vì họ tưởng tôi là một người lạ. Quả thật, phở quá ngon.

Nhà hàng Wild Lotus ở Hà Nội nằm trong một tòa nhà tráng lệ có từ thời Pháp thuộc. (Khi Pháp rút khỏi nơi đây, họ để lại nhiều tòa nhà đẹp và một phần văn hóa ẩm thực của mình, không giống người Mỹ chỉ để lại những hố bom). Chúng tôi đi lên một cầu thang bằng cẩm thạch tới nhà hàng trên tầng hai. Các nhân viên nữ dáng người mảnh mai (họ đều rất nhỏ nhắn và xinh đẹp) mặc áo dài còn nhân viên nam mặc đồng phục. Thật ngạc nhiên khi các món chính ở đây chỉ có giá 6 đôla Canada.

Ở miền Trung, chúng tôi tới thăm Hội An, chúng tôi ăn ở rất nhiều quầy thực phẩm dọc sông Thu Bồn. Chúng tôi ăn sáng tại khách sạn và ở Hội an, chúng tôi có thể ăn buffet Việt Nam thoải mái vào các sáng. Một cặp đôi trẻ mà chúng tôi gặp ở London dẫn chúng tôi qua những ngõ ngách ở Hội An và tới nơi họ mới khám phá: một nhà hàng có tên Khu vườn Bí mật, không có tên trong sách hướng dẫn.

Ở TP.HCM, vào mỗi buổi sáng, tôi thường đứng cạnh cửa sổ trên tầng 4 khách sạn, nhìn xuống phía dưới có một phụ nữ lòng vòng trên xe đạp lỉnh kỉnh những túi hàng, trứng, cá và thịt. Những người phụ nữ ở các cửa hàng bước ra một cách thong thả, xem xét giá cả và mua thứ này một ít thứ kia một chút. (Toàn là đồ tươi, không phải đông lạnh). Sau đó, người phụ nữ đạp xe rời đi, các túi ni lông kêu sột soạt.

Ở Việt Nam có rất ít siêu thị. Thực phẩm được mua bán ở các chợ hoặc bán dạo trên đường phố. Những chợ nổi trên sông mới thật là thú vị.




Một quầy nấu trong Quán Ăn Ngon ở Việt Nam. (Ảnh: Mia Stainby/Vancouver Sun)

Ở TP.HCM, điểm đến ưa thích nhất của tôi là Quán Ăn Ngon, một ý tưởng cực kỳ sáng tạo. Các quầy men vòng quanh một nhà hàng kiểu thuộc địa pháp, mỗi quầy phục vụ các món ăn từ khắp nơi ở Việt Nam. Bạn có thể dạo quanh, nếm thử các đặc sản của từng vùng miền. Không biết họ có muốn mở một quán tương tự ở Vancouver không?

Còn một trong những món không thể nào quên trong truyền thống ẩm thực của Việt Nam là cà phê. Nó rất thơm, pha bằng phin và nhỏ lách tách xuống chiếc ly đặt bên dưới. Nếu không muốn cà phê đen, bạn có thể pha thêm chút sữa.

Chúng tôi mang theo vài gói cà phê Việt Nam khi về nước. Nhưng tôi nghĩ phải là người Việt thì mới biết cách pha thế nào cho ngon. Và tôi dám chắc rằng cả nấu ăn cũng vậy.

•Thanh Hảo (gt)