Bãi Gió Cồn Trăng
Tác Giả: Hồ Trường An

Tìm Kiếm:
Hôm nay ông Nam Tảo đi lên Tân Ngãi đặt làm ba cái bài vị cho ông bà nội mình và cho bà đích mẫu của cha mình để thờ tại trung đường. Ông không ngại tốn kém, đặt làm bài vị sơn son thế vàng rực rỡ.
Nhà ông mái ngói móc, vách ván, gồm ba gian hai chái. Gian giữa, ông thờ bức tranh A Di Đà Tam Tôn. Gian bên trái ông thờ cha mẹ mình. Gian bên mặt ông thờ ông bà nội và bà tổ đích mẫu. Còn chái bên trái ông đặt các hộc tủ chứa dược thảo cùng kệ sách. Chái bên mặt ông kê hai chiếc tủ kiếng bày đồ cổ ngoạn. Trước bàn thờ cha mẹ, ông bà, là bô ngựa bằng gỗ giáng hương. Nơi gian giữa ngoài bàn thờ Phật là chiếc bàn dài bằng gỗ nu nổi vân, hai bên có hai chiếc trường kỷ chạm chim, sóc, trái nho.
Bà Năm Tảo đang soạn một mâm cơm nho nhỏ để cúng cô em nhà chú dù hôm nay không phải là ngày giỗ của cô. Cô n ày từ trần cách đây mười năm. Số là cô chị bị gã sở khanh dụ dỗ đến mang bầu. Hắn hứa cưới cô và khuyên cô dưỡng thai. Ai dè chén thuốc hắn ân cần đứa cô uống, nói là thuốc dưỡng thai đó, thật sự là Càn Nguơn sắc đặc, chuyên dùng phá thai. Cô uống vào, thai ra cùng lúc với cơn băng huyết. Mất máu nhiều nên cô vong mạng. Đêm qua trong cơn chiêm bao, bà Năm thấy cô hiện hồn về mách bảo:
- Tuổi em hạp với con Ba Tây Nguyệt. Từ nay em sẽ là vong cô phù hộ cháu gặp duyên ưa phận đẹp. Còn bà đích mẫu của anh Năm là vong cô của con Hai Túy Ngọc đó.
Mười năm qua rồi, tên sở khanh kia đã trải hai đời vợ nhưng người em gái yểu mạng bạc phước của bà vẫn chưa đi đầu thai. Tía má bà người gốc Quảng Nam, còn cha mẹ ông Năm gốc Quảng Ngãi. Mâm cơm cúng phải có một món ăn ở hai tỉnh đó.
Hôm nay cô Hai Túy Ngọc mua được một mớ cá đối. Cá này kho lạt, rắc hành và chan mỡ xát hột lựu ngon phải biết! Ông Năm thích ăn bánh bèo Quảng Nam chan nước cá nục kho với ớt gừng sừng trâu. Không có cá nục, dùng cá đối thay thế cũng được. Món bánh béo quê hương của bà làm bằng bột gạo, lớn cỡ miệng chén đựng trôi nước, trắng mềm, thoa mỡ hành coi thiệt ngon. Ngoài món bánh béo ăn cặp với cá đối kho, bà còn làm thêm món bánh bèo lục tỉnh lớn cở đồng xu, trét nhưng đậu xanh và rắc tôm bằm nhuyễn. Mâm cơm cúng có thêm một canh sườn heo nấu với củ cải muối rắc ngò gai xắt nhuyễn, dĩa dưa kiệu xé tơi xào tôm thịt và tộ cá bống cát kho nước đặc sánh..
Ông Năm Tảo là một thầy lang giỏi, nhờ nghề xem mách hốt thuốc mà dư ăn đư để. Nhưng đối với người xung quanh, ông là kẻ trái đời. Vào những thập niên đầu thế kỷ, vợ không sanh con trai mà ông không nạp thiếp, nạp hầu. Chẳng những vậy, ông còn dùng những chữ huê mỹ đặt tên cho các con, và cho con học thêm chữ nho, chữ nôm, làm thơ làm phú ngoài việc học bếp núc, vá may.
Cô Hai Túy Ngọc trắng da dài tóc, nhan sắc bóng bẫy, phẩm cách cao sang. Cô Ba Túy Nguyệt nước da tuy mởn nhưng không trắng bằng chị, dung nhan mặn mòi, ăn nói có duyên.
Bà Năm Tảo nhìn bóng nắng nơi ngạch cửa, gọi hai cô con gái cưng đang xới líp huệ bên hông nhà:
- Trời sắp đúng ngọ rồi, bay liệu mà vô nhà đi!
Cô Hai vừa bước tới ảng nước điểm loáng thoáng bông cau rụng bởi trận gió đêm qua, vừa giục em gái:
- Thôi chớ. Tạm nghỉ để ăn cơm cái đã. Chiều mát, chị em mình làm tiếp.
Bà Năm bưng mâm cơm từ bếp lên chái bên trái, đặt trên bàn hột xoài bằng gỗ thao lao quang dầu bóng lộn. Bà ngó qua tấm phên mắt cáo, thấy con gái còn lảng vảng ngoài nắng, liền hét:
- Mau vô nhà nghe chưa! Bây còn làm giống gì ở ngoài vậy? Giờ đúng ngọ là giờ cực dương. Hễ cực dương thì hóa âm. Tao nói ít bây phải hiểu nhiều.
Cô Ba Túy Nguyệt lật đật xách chiếc cuốc vào nhà. Cô Hai Túy Ngọc cũng đã rửa tay chưn xong, nối ót em.
Khắp xóm lặng ngắt. Cây cỏ thiêm thiếp say nắng rực rỡ màu vàng ròng. Thỉnh thoảng có tiếng gà gáy lẻ tẻ vọng lên từ trong xóm. Đây là xóm Chuồng Gà nằm bên mặt con lộ Trần Minh Tại, ngoại ô tỉnh Vĩnh Long. Con lộ này từ dốc cầu Thiềng Đức đưa tới làng Long Thành, băng qua xóm Thiềng Đức, xóm Bánh Phồng, xóm Chuồng Gà, xóm Cầu Kè. Bắt đầu từ cuối xóm Thiềng Đức, con lộ đã xuyên vào vùng miệt vướn rợp bóng mát.
Nhà bà Năm Tảo ở đối diện với khu vườn làng nằm kế vùng tha ma mộ địa. Tuy mồ mả nơi bãi tha ma này làm bằng vôi trộn nhựa cây ô đước rất xưa, tròm trèm cả trăm năm chớ không ít, và người chết chắc đã đi đầu thai cả rồi, nhưng lúc chạng vạng tối cũng chẳn mấy ai dám băng qua con lộ trải đá xanh để qua bên kia vườn làng. Vườn làng đây là khu vườn công cộng của làng, do ban hương chức hội tề cai quản. Mấy ông đó chẳng nghĩ gì tới việc khẩn hoang, đốt lau sậy, bứt dây mây dây choại để trồng cây ăn trái. Khắp vườn mọc đầy cây đủng đỉnh, cây dầu, cây sao, cây thị, cây giá tị, bụi tre gai, cụm tầm vông, khóm nứa. Lác đác có vài cây dâu miền dưới, cây phù quân, cây cốc, cây ô môi, vài bụi chuối hột mà tụi chăn trâu thường ghé vô hái trái, cạp ăn nghe rào rạo.
Ven đường là những cây còng lớn cỡ vòng ôm, các loại chùm gởi bám đầy, thân phủ rêu xanh. Tàn cây còng tỏa bóng mát thâm u cả một khúc lộ. Trong bóng mát như chập chờn ẩn hiện bón u linh.
Sau nhà bà Năm là bên sông Long Hồ, cạnh cây da xà sống trên tám chục năm rồi. Thân cây cao vút, tàn là tỏa rộng, rễ phụ buông xuống như những con rắn lớn cỡ cườm tay. Dưới gốc cây, cà ràng cũ, ông táo, hỏa lò, nồi, ơ, trách, trả, vịm, chậu lủng, bể...bày la liệt.
Bà Năm lấy chén gạo lưng thay thế bát nhang đặt lên bàn, cắm cây nhang huyền đàn vừa mới thắp. Bà vái van:
- Ưng ai, vong hồn dì nó sống khôn thác thiêng, nghĩ tình máu mủ mà phù hộ cho hai con cháu gái của dì.
Đúng ngọ, thời khắc ma quỉ xuất hiện cho tới đầu giờ mùi tức khoảng một giờ trưa. Ai sao không biết chờ cô Hai và cô Ba đã có lần gặp ma vào lúc đúng ngọ. Cách đây ba năm, khi ông bà Năm Tào mới dọn về khu này, hai chị em sau khi dùng cơm trưa xong, vô vườn làng câu cá. Ở đây có một bàu nước trong vắt lớn cỡ hai sào đất. Giữa bàu là những khóm ông súng, lá lớn cỡ cái dĩ a bàn trải trên mặt nước. Ven bàu, chỗ nước sâm sấp là những cọm bèo cánh tròn xinh xinh. Cả hai ngồi dưới bóng cây dâu miền dưới, buông cần câu, chăm chú nhìn vào mặt ao. Ngồi mãi, không hiểu vì sao hôm ấy cà không chịu cắn câu. Thời tiết nòng nực, chung quanh hoang vằng, cô Ba Túy Nguyệt cởi áo, kéo chiếc quần lá nem rộng đáy lên tới ngực, với chiếc rổ nhảy xuống bàu để xúc cá tép. Trời đang nắng chang chang bỗng đâu một cơn gió thổ tới, xua áng mây đen che khuất mặt trời. Cơn trốt nổi lên làm kẻ trên bờ, người dưới nước cảm thấy rát mí mắt. Đến khi con trốt thoảng xa và dịu lại, thì cả hai thấy trong bàu nước có một bà già tuổi ngoài sáu mươi cũng đang xúc cÿ tép. Sự xuất hiện đột ngột của bà làm hai chị em xững vững. Cô Hai Túy Nguyệt lễ phép hỏi:
- Thưa bác, bác từ đâu tới?
Bà già nét mặt xanh xao, da dùn, tóc bạc dã dượi, cái nhìn lộ vẻ lãnh đạm, thờ ơ và đặc biệt có một nút ruồi đen, lớn bên mép. Bà nhìn kẻ trên bờ, người dưới nước, ấp úng:
- Tui hả? Tui ở đây, cạnh cái bàu này.
Câu trả lời có vè kỳ cục, bí mật. Cô Ba Túy Nguyệt hỏi nà:
- Bác tới hồi nào mà cháu không thấy? Bác xuống nước cách nào mà cháu không hay?
Bà già lãnh đạm:
- Làm sao cô thấy được! Nhưng thôi, tui không thể ở đây lâu. Mình xúc cả thôi kẻo trễ.
Bà cầm chiếc rổ xúc một cái, được ngay một con cá bông lớn, vảy ửng xanh lè, một mớ tôm càng và hai con cÿ sặt bướm. Lúc nãy nước trong bàu âm ấm vì nhốt hơi nóng suốt ba ngày nắng liên tiếp, giờ đây bỗng giá lạnh. Ham bắt cá nên cô Ba cứ xẩn bẩn bên bà. Cô cũng xúc được ba con cá lóc bằng cườm tay, bốn con cá rô mề và một mớ tép bạc cùng tôm trứng. Đôi lúc bà già xáp lại gần cô, hơi thở của bà lạnh như gió tháng chạp.
Bỗng một con chim thằng chài lông xanh bay lướt qua bên kia đám điên diển trổ bông vàng sát mé nước. Bà già bảo hai chị em:
- Tui phải đi, đã tới giờ có người kêu tui đó! Vậy tui cho mấy cô mớ cá tôm này.
Bà trút cá tôm vô giỏ cá của hai chị em. Và trong nháy mắt, bóng dáng bà đâu mất biệt. Hai chị em sững sốt nhìn nhau, da thịt mọc ốc. Cô Hai hỏi em:
- Hồi bà bước lên bờ, sao tao không nghe thấy tiếng khuấy nước, tiếng lau sậy khua động?
Cô Ba rùng mình:
- Bả biến đi thiệt lẹ. Hay là...
Cô không dám nói tiếp, hối hả bước lên bờ mặc áo vào. Bỗng cô nhìn vô giỏ cá, ré lên:
- Chị Hai! Chị coi đây nè! Trời ơi, sao lạ như vầy!
Cô Hai Túy Ngọc dán mắt vào đáy giỏ. Cá tôm đâu không thấy, chỉ có rác rến và vài cánh bèo mà thôi.
Hai chị em vội vã về nhà, thuật lại cho mẹ mình nghe. Lúc đó bà Năm Tảo đang ngồi nói chuyện với bà Chín Thẹo ở bộ ngựa giáng hương. Bà Chín Thẹo vụt hỏi:
- Có phải hai đứa bay gặp bà già có mụt ruồi bên mép không?
Hai chị em gật đầu xác nhận. Bà Chín Thẹo vỗ đùi một cái bép:
- Vậy là hai con nầy gặp ma rồi! Hồn ma bà Bảy Cúc đó! Số là hồi năm Nhâm Tuất gì đó, quan Tây Bô- na đem quân đánh chiếm thành Vĩnh Long, đội hỏa pháp vô thành. Quan tổng đốc cho đốt trại lính rồi rút lui. Tây đuổi theo. Một số quân mình vừa chống cự vừa chạy tháo thân tới rạch Nước Lạnh, bỏ mình hàng chục người. Con rạch đó ở sau vườn làng, cách bàu một đám sậy rộng cỡ hai mẫu. Trong số nghĩa quân liệt sĩ đó có ông Hai Phụng. Ổng chưa lấy vợ, nhà chỉ có một mẹ một con. Bà mẹ sau cái chết của con, đau đớn quá nên tới rạch Nước Lạnh khóc lóc than thở. Bà phải mượn rượu giải sầu. Một đêm nọ bà uống say rồi toan tới rạch khóc than với vong hồn con. Ai dè mới tới bàu nước, bà té quị, nhiễm sương mà chết. Dân trong xóm bèn chôn cất bả vẫn chưa siêu sanh, còn lẩn quẩn bên bàu.
Vụ quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, sau đó hai cô Túy được cha thuật lại như sau: Tháng hai năm Nhâm Tuất (1862), thiếu tướng Bonard đem 11 chiếc pháo hạm lẫn tuần dương đĩnh gồm một ngàn quân đậu phía trên đồn Vĩnh Long, đổ bộ sát lũy. Thế giặc rất mạnh, trúc chẻ ngói tan. Đồn Vĩnh Tùng thất thủ. Nghĩa quân ta tử thương rất nhiều. Lãnh binh Tôn Thất Thoan, Quyền Lãnh Binh Nguyễn Thái. Chánh quản cơ Lê Đình Cửu phải dồn tất cả vào đồn Thanh Mỹ. Quân Pháp dội hỏa hổ (trái nổ để phá và đốt) vào thành. Tổng đốc Trương Văn Uyển túng thế phải đốt doanh trại, đốt kho lương rồi rút về huyện Duy Ninh, không kịp thủ tiêu kho võ khí. Lãnh binh Hồ Lực tiếp ứng mặt trận chạy sau. Một cánh quân của ông do Phó lãnh binh Ngô Thành Riêng điều động bị tản lạc vào ven rạch Nước Lạnh và bị bắn gục tại đây.
Vừa vào nhà, bà Năm Tảo bắt hai cô xức dầu cù là ngay. Tiết trời viêm nhiệt, bịnh thơi khí xảy đến biết đâu mà lường, cho nên bà phải đề phòng, không cho cả nhà uống nước mưa chứa trong lu bầu, trong mái đầm để ngoài hành ba phải uống nước trà huế pha gừng, quế.
Bà nhắc nhở:
- Con Hai ăn cơm xong nhớ khuấy bột trứng sam cho tía bây đùng. Con Ba thì nấu cho má nồi chè đậu xanh khổ tai bột bán.
Vừa từ bép đi lên, tay bưng dĩa bàn đựng rau sam luộc và chén mắm nêm giã tỏi ớt, thì bà nghe cô Ba Túy Nguyệt kêu nhỏ, giọng run rẩy, nặt tái xanh:
- Má, chị Hai coi kìa!
Bà Năm Tảo đật dĩa rau và chén mắm cạnh mâm cúng rồi cùng cô Hai bước ra hàng ba ngó về phía cây da xá. Quỉ thần thiên địa ơi! Cô em con nhà chù của bà hiện về đó chăng? Cô ta nằm vắt vẻo trên hai nhánh cây da, tóc buông xõa phất phơ trong gió, mặt xanh chành như lúc lâm chung. Cô ta ôm một đức con trai cỡ ba tuổi mập mạp xinh xắn. Đứa bé bú tay, áp đầu vào ngực mẹ.
Bỗng cô Út Thoại Huê, tên cô em nhà chú của bà Năm Tảo, ngóc đầu ngồi dậy, ngoắc bà Năm:
- Chị và hai cháu lại gần đây cho em bày tỏ câu chuyện. Tới giờ mùi hai mẹ con em phải trở về cõi âm.
Bà năm Tảo ngó hai con rồi cả ba bước lại gần gốc cây da. Nắng bên ngoài chang chang như đổ lửa, nhưng vũng bóng mát cây da sao mà rờn rợn, gây gây lạnh! Bà Năm ấp úng:
- Dì về ở luôn hay ghé chơi một chút rồi đi?
- Thân em đây vốn vô định sở, nhưng vẫn ở trong cuốc đất Vãng nầy. Chỗ nào trong đất nầy cũng là nhà của em, vì bởi nghiệp lực oan trái em không ở một chỗ lâu dài. Thằng Hai Luyện khốn nạn dụ dỗ em cho tới mang bầu. Má con nhà nó còn bày mưu lập kế phá thai khiến em phải băng huyết mà vong mạng. Trót nười năm nay cái ác quả của gia đình nó chưa chín mùi nên ác báo chưa hiện hành. Ai gieo mạ tháng ba thì tháng chạp sẽ gặt lúa. Riêng dòng họ mình tu nhơn tích đức nhiều, anh chị ăn ở hiền lương sẽ gặp nhiều sung sướng về sau. Em về thăm chị và cầu xin chị một điều: Cây da nầy hạp với vong hồn các sản phụ chết trong lúc lâm bồn và các thai nhi lỗi giờ sanh. Xin chị lập dưới gốc da một miếu nhỏ cao hai thước, ngang một thước rưỡi, dài hai thước, có hướng án bên trong, liễn đối bên ngoài. Mỗi kỳ rằm Vu Lan nhớ cúng kiếng cho các vong hồn được hưởng. Có vậy em mới theo con Ba để phù hộ cho nó.
Bà Băm Tảo suýt soa khấn vái:
- Dì nó đã dạy thì mẹ con tui xin vưng. Chỉ mong rồi đây không lâu, vong linh mẹ con dì mau được tiêu diêu siêu thoát.
Cô Út Thoại Huê bảo:
- Chị nên giữ kín chuyện này, đừng để lối xóm hay biết. Thôi, chị và các cháu vô nhà đi. Em và các bạn ở đây vui chôi chốc lát rồi sẽ về cõi u linh.
Mẹ con bà Năm ngậm ngùi quay vô nhà. Cả ba nhìn qua tấm vách, về hướng cây da. Trên ngọn cây, khắp các cành, vài chị đàn bà xỏa tóc chuyền qua chuyền lại. Còn lũ con nít thì bay lượn như chim, cười nói líu lo nhưng âm vang chỉ văng vẳng mơ hồ, lẫn trong tiếng gió xôn xao từ cánh đồng bên kia con lộ đá thổi tới.
Cô Út Thoại Huê cất tiếng hát:
- Nắng lên cho là héo hon
Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy nghĩa xưa
Một chị đàn bà ru theo:
- Thuở xưa quả báo thời chầy
Thời nay quả báo một giây nhãn tiền...
Những lúc hát những câu trách móc đó, cơn giận làm mặt họ xanh như chàm đổ, răng nanh dài ra, mắt sáng quắc như hai cục than ngún lửa. Rồi đám trẻ nít dần dần biến mất, sau đó mới đến lượt các chị đờn bà. Sự yên tĩnh rờn rợn phủ xuống.
Ông Năm Tảo tác người roi roi. Nhờ ông dượt võ Bình Định đều đặn, cũng như chịu khó làm vườn cuốc đất mỗi khi rỗi rảnh nên thân thể cường tráng, bụng săn chắc chia làm sáu múi. Mặt ông bặm trợn nhưng hòa huỡn, cằm vuông, mày sắc. Ông lớn hơn vợ một tuổi nhưng không giữ nét trẻ trung bền dai bằng vợ. Gần tới tuổi năm mươi mà tóc bà Năm vẫn đen láng như huyền, mặt không một vết nhăn, vóc mình hơi mập, tươi mát. Thương yêu vợ nên dù vợ không có con trai, ông vẫn không chịu nạp hầu, nạp thiếp. Nhớ ơn đó, bà chiều chuộng, săn sóc ông từng chút.
Trong khi cô Ba xuống bếp lấy đường cát mỡ gà và bột huỳnh tinh khuấy trứng cá cho cha thì bà Năm Tảo thuật lại giấc chiếm bao đêm trước và vận sự các oan hồn hiển diện cho chồng nghe. Ông cứ gật đầu chấm câu, không hề ngắt lời vợ. Nghe xong câu chuyện, ông nói:
- Má nó thấy tui có lý hay không? Hồi tui tính dọn về đây ở, má nó cứ cằn nhằn tui sao chọn nhà gần chốn tha ma mộ địa. Nay má nó rõ rồi đó: đức trọng quỉ thần kinh. Tui noi gương ông bà, giữ vững khí tiết. Má nó thì giữ dạ hiền lương, lại dạy con cái hiếu thảo, tiết trinh. Vậy thì ma quỉ nào nỡ lòng khuấy phá, hãm hại mình.
Bà Năm Tảo hạ thấp giọng:
- Để rồi ông coi, gia đình ông Bang biện Huỡn sẽ trả quả!
Ông Bang biện Trần Văn Huỡn là cha của cậu Hai Luyện, nhà ở xóm Cầu Đào, gần chùa Bảy Phủ. Ông nội của ông Bang biện vốn là bạn đồng hương với ông nội ông Năm Tảo, quê làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Cả hai ông cùng vào Nam lập nghiệp. Nhưng trong khi ông nội ông Năm Tảo sống bằng nghề xem mạch hốt thuốc thì ông nội ông Bang biện theo tên Việt gian trần Bá lộc chuyên đánh dẹp, bắt bớ các nghĩa quân chống Pháp ở vùng Tiền Giang.
Vào năm 1862, trong trận đánh chiếm Vĩnh Long, nhờ ông nội ông bang Biện Huỡn điềm chỉ mà quân Pháp đã tiêu diệt đám nghĩa quân của Lãnh binh Hồ Lực. Để trả ơn, ông ta được Pháp cho làm tri huyện tại huyên Duy Ninh. Cha ông Bang biện Huỡn là con trai duy nhứt, thừa hưởng một gia tài khổng lồ, ruộng đất cò bay thẳng cánh, trong tủ có trên ba trăm lượng vàng. Ông Bang biện Huỡn là thứ nam, không được coi sóc nhà thừa tự và hưởng ruộng đất hương hỏa. Nhưng ông thọ hưởng được tánh gian ác của ông nội cung như quyền biến và biển lận của tía ông nên ông lập cơ nghiệp to tát chẳng mấy chốc.
Nhà ông bang biện Hưỡn ở sâu trong rạch Cầu Đào, giữa khu vườn trồng cây ăn trái. Nhà lợp ngoái lưu ly màu ngọc thạch, nền đá da qui cao tới ngực, tường đúc, nền nhà lót gạch bông, sân trước, sân sau, sân bên đều lót gạch tàu. Trong nhà bàn ghế bằng ỗ nu, gỗ cẩm lai. Bàn thờ bằng gỗ trắc khảm ốc xa cừ lóng lánh. Các gian bầy đầy đồ ngoạn khí: chậu, chóe, đôn đều bằng sứ quí giá. Đó là chưa kể hai chiếc tủ kiếng, đĩa, độc bình cổ thời Gia Tĩnh, Khương Hy, Càn Long... Đáng kể nhựt là cái lẫm lúa ba gian dài 12 thước đập vào mắt lối xóm, chứng tỏ ông là bực đại điện chủ có tới 300 mậu ruộng tốt.
Ông bà Bang biện Hưỡn tuy giàu có nhưng cư xử rất khắc bạc với tôi tớ, tá điền tá thổ. Bà cho vay ăn lời cắt cổ. Hễ con nợ túng hụt, không kịp trả tiền lời đúng hạn là bà mắng nhiếc chửi bới. Có lần bà dám nhảy lên bàn thờ ông bà của một con nợ tá điền. Ông khoái ngủ với những đờn bà có chửa mà dân sành việc gối chăn gọi là "núp gò mối đâm heo".
Cậu Hai Luyện trải qua hai đời vợ. Người vợ trước của cậu chết trong buồn rầu, thất vọng vì lấy phải người chồng bạc bẽo, ưa đào đĩ. Người vợ sau vốn là con ông tri huyện, tánh bướng bỉnh. Khi về làm dâu, mợ ta gây gổ với cha mẹ và hai cô em chồng. Hễ cậu vắng nhà lâu là mợ ó ré chửi mắng. Nếu cậu cự lại là mợ xách dao rượt cậu chạy vắt giò lên cổ. Cô Ba Cẩm Tú, em kế của cậu, có trổi giọng chảnh lỏn là mợ lập tức ghịt đầu, vả lịa lịa vô miệng. Sau đó, mợ mượn cớ về thăm nhà rồi ở luôn. Cậu qua rước, mợ chẳng những không về còn đon ren chửi xéo cha mẹ chồng.
Cô Ba Cẩm Tú chơi thân với một cô bạn học cùng lớp trường Áo Tím. Thấy cô nọ có ông thầy thuốc tốt nghiệp trường y khoa Hà nội đi hỏi, cô tìm cách rù quyến vị lang tây kia khiến cô bạn thất vọng uống á phiện trộn dấm tự tử.
Cô Tư Cẩm Lệ, con gái út của ông Bang biện, nhảy vô làm bé một ông thầy kiện ở Sài gòn rồi lấn quyền vợ lớn khiến bà kia buồn rầu mà chết. Khi nắm quyền chủ phụ trong nhà, cô đối xử với con ghẻ tàn tệ còn hơn đối với kẻ thù.
Ông Bang biện Hưỡn và ông Năm Tảo vốn là đôi bạn thơ ấu. Dù tánh khí khác nhau, nhưng cả hai vẫn giữ tình giao hảo. Lý do thứ nhứt là bởi ông Năm coi mạch hột thuốc mát tay. Lý do thứ hai cũng là lý do chánh, ông Bang biện cần có người để khoe khoang. Riêng bà Năm và hai cô Túy chưa hề đặt chưn tới nhà ông Bang biện bao giờ! Hễ vô tình đụng đầu nhau ngoài đường, hai cô Túy chỉ chào hỏi lễ phép, nói vài câu rồi đường ai nấy bước.
Cơm nước xong, ông Năm Tảo sao khử thổ hột muồng thơm, lá hắc phàn diệp, thân, cành và rễ cây mật nhãn. Bà Năm cũng không quên nấu món thang trị ho gồm bách bộ, gừng khô, bông sứ cùi phơi khô, rau tần dầy lá cho mình.
Cô Hai Túy Ngọc mở nắp thố sứ, múc bột huỳnh tinh khuấy trứng sam vào cài chén sứ nhỏ bày lên mâm rồi mời ông Năm Tảo dùng. Bên ngoài, trời vừa tắt nằng. Ông Năm vừa ăn bột, vừa lắng nghê tiếng bìm bịp vẳng ngoài bến sông. Ông bảo cô trưởng nữ:
- Tía phải qua bên xóm Lò Rèn để trị bệnh cho cô Bảy Thược, con ông Hương bộ Hành, cuối canh hai tía mới về.
Cô Hai Túy Ngọc không nói gì. Ba tiếng "Xóm Lò Rèn" như vọng một ấn tượng có một thoáng bàng hoàng. Nói là xóm Lò Rèn, nhưng ở đó chẳng có một cái lò rèn nào. Muốn rèn dao, mác, xuổng, cuốc... dân xóm Cầu Kè nầy phải bơi xuồng vào tận làng Long Thanh.
Bà Chín Thẹo kể rằng, cách đây bảy năm, có gia đình người thợ rèn gồm hai vợ chồng tuổi cở 30 và thằng con trai tuổi chừng 13. Hằng ngày, vợ thụt ống bể, chồng rèn dao mác. Đứa con trai xẩn bẩn bên cha để học nghề. Ai dè một hôm trời mưa, sét đánh chết cả ba. Chòm xóm và họ hàng những người bất hạnh đó chôn họ trong miếng đất, cạnh lò rèn. Trải qua hai mùa mưa nắng nền lò rèn mọc đầy cỏ ống, cỏ đuôi chồn, cây ké, cây vòi voi, dây choại, dây nhãn lồng. Nhưng đêm đêm, những người neo xuồng bên kia bến Lò Rèn để câu tôm thường thấy cảnh lò rèn hiện ra, đèn thắp leo lét, lửa đỏ rực. Người vợ vẫn thụt ống bể, người chồng vẫn đập búa lên thỏi sắt nung đỏ đặt trên đe, còn đứa con trai vẫn ngồi chồm hổm bên cha. Tiếng búa nện không chan chát như tiếng búa thường, nó chỉ văng vẳng mơ hồ, vọng vào cõi âm u từng loạt mong manh rời rạc. Cảnh lò rèn ma và ba chiếc bóng u lin cứ sinh hoạt như thế tới lúc gà gáy hiệp hai mới tan.
Mỗi khi nớ tới vận sự gia đình người thợ rèn, cô Hai Túy Ngọc nao nao tấc dạ. Cái chết giáng xuống thình lình biến hai vợ chồng và đứa con kia thành ba oan hồn uổng tử, tâm thần hoang mang mờ mịt. Bởi họ không biết rằng họ đã bước vào cõi chết, họ không hay xương thịt họ đã vùi trong lòng đất và đã vữa nát, hư hoại. Cho nên, nhiều đêm họ tái diễn cảnh sinh hoạt mà họ vẫn làm thuở còn sanh tiền. Có ai tụng cho họ bài chú vãng sanh và kinh cầu siêu để vong linh họ nhận biết được tình trạng của mình hầu sớm đầu thai kiếp khác!

------------
Chương 2
Bên nhà ông bà Bang biện Hưỡn tôi hôm đó đang chộn rộn. Chiếc đèn măng- sông thay thế chiếc đèn năm ngọn treo ở trung đường tỏa ánh sáng trắng như nước suối.
Ông Bang biện Hưỡn thả dài trên ghế xích- đu đọc quyển Đông Châu Liệt Quốc. Bà Bang biện ngồi trên bộ đi- văng chơn quỳ ăn trầu. Trước mặt bà, khay tần khảm xa cừ đựng chiếc bình vôi và chiếc chén ngâm cau khô bằng sứ nước men trắng in bông chầm đậm. Phía bộ ván cẩm lai, cô Tư Cẩm Lệ đang đạp máy may rột rột. Giữa trung đướng là bộ xa lông khảm xa cừ gồm chiếc bàn hình hột xoài, một chiếc trường kỷ và bốn cái ghế dựa. Cầu Hai Luyện ngồi trên trường kỷ đọc tờ Nam Phong tạp chí.
Bà Bang biện Hưỡn ngó về phía nhà bếp, phàn nàn:
- Cái thằng Bửu là thứ đò làm biếng nhớt thây! Trưa hôm qua nó quên bẻ cau, báo hại tối nay phải ăn trầu với cau khô ngâm nước như vầy!
Bà Bang biện đã ngoài năm mươi, vóc vạc cau lớn, thân mình phóp pháp, nước da ngâm đen. Kể ra trong bốn cái tướng đáo để của con người là nhứt lé nhì lùn, tam hô, tứ lộ thì bà chiếm hai cái chót. Răng hàm trên của bà hơi dài nên miệng ba hô, không khép kín được. Cặp mắt bà lớn, tròng trắng húng hiếp tròng đen, mu mắt nổi cộm. Nếu ai đó nhìn bà hơi chăm chú là bà vội khép kín miệng lại, mắt trở nên lim dim để không ai thấy cái lộ trao tráo của mình. Bà nhờ ăn trầu vén khéo nên răng cỏ của bà hãy còn chắc. Nói nào ngay, hồi còn trẻ bà không thuộc hạng xấu gái. Bà chỉ có tướng dữ tợn. Đồi với kẻ quyền thế giàu sang, bả lễ phép, mềm mỏng, ngọt ngào; nhưng đồi với người thấp thỏi, cái miệng đó trở nên thô lỗ, hỗn hào, rổn rảng.
Ông Bang biện hơi nhỏ n gười, mặt lưỡi cày, mắt láo liên rất nhanh, miệng luôn luôn nở một nụ cười cầu tài.
Hôm nay tiết trời oi bức nên bà Bang biện mặc chiếc áo túi bằng xuyến trắng, quần lụa trắng. Dù ở trong nhà, bà vẫn vàng đeo ngọc khảm những nữ trang thuộc kiểu xưa. Tai bà đeo đôi bông cẩm thạch khoét lỗ giữa đẻ nhận cập hột xoàn ba ly rưỡi. Cổ bà đeo dây chuyền vàng, miếng mề đay cẩm thạch tạc hình trái lựu nút vỏ lòi hột. Hai cườm tay bà đeo đôi neo quai chảo. Hai ngón tay trỏ bà là cặp cà rá cửu khúc liên huờn. Búi tóc bà hình trái cam hồng mật giắt chiếc trâm hình trăng khuyết nhận hột xoàn lấp lánh.
Ông Bang biện mặc bộ pyjama màu cà phê sữa sọc đen, tóc hớt ca- rê, sợ tóc cứng chĩa thằng lên trời như lông bàn chải tắm ngựa. Ông đặt tờ báo xuống bắp đùi, bảo vợ:
- Ờ tui quên nói cho bà biết, kỳ tới tui sẽ úng cử hội đồng quản hạt. Anh Huyện có hứa giúp tui. Anh Huyện đây là ông Huyện Ngô Văn Toại, anh kế của bà Bang biện. Bà không nói không rằng, miệng nhai trầu rau ráu nhưng nét mặt lộ vẻ suy nghĩ lung lắm. Bà vốn thích chồng mình có quyền cao tước trọng, nhưng ra ứng cử thì phải tốn kém. Vả lại anh kế của bà chỉ là một ông huyện hàm, không có thực quyền dù ông ta thuộc loại "ăn cơm bảy phủ, dạo đủ mọi nơi", quen biết nhiều chốn quyền môn.
Ngày một nhà có đám giỗ cụ bà thân mẫu của ông Bang biện Hưỡn. Thiệt ra, cụ không phải là chánh thất của cụ Cai tổng Nhiều, cha công Bang biện Hưỡn, cho nên người trưởng nam dòng đích không chịu thờ phụng cụ ở ngôi tứ đường. Phần giỗ chạp do ông Bang biện Hưỡn đảm nhiệm từ khi ông ra riêng, cưới vợ và lập nghiệp.
Cô Tư Cẩm Lệ từ khi gá nghĩa với thầy kiện Trần Hảo Hiệp thì cô đóng đô ở Sài gòn. Cô vốn son sẻ nên khi về viếng cha mẹ không có con bồng, con dắt. Cả cô Ba Cẩm Tú, từ khi kết hôn với thầy thuốc Lê Thạnh Mậu cũng không chửa nghén gì ráo. Được một cái là chồng cô Ba mở phòng mạch gần Cầu Lầu nên cô thường về thăm tía má cô.
Cậu Hai Luyện kỳ hè nấy tốt nghiệp trường Kinh lý đạt điền ngoài Hà Nội, được nhà nước cấp bằng kinh lý, đem danh giá rỡ ràng cho gia đình, cha mẹ. Bà Bang biện bằng bụng lắm. Thằng con bà sau khi đậu bằng thành chung, cứ ở nhà làm công tử bột, chơi bời thả giàn. Từ khi con vợ kế về nhà cha mẹ, cậu buồn nên mới quyết chí học thêm và đỗ đạt như vậy.
Bà Bang biện tằng hắng, bảo::
- Thằng Hai, con Tư, luôn cả con Ba bấy lâu nay xưng hô coi không ổn chút nào! Giờ đây má yêu cầu các con phải chỉnh đốn cách xưng hô. Con Tư không nên gọi anh mầy bằng anh Hai suông trơn mà phải gọi anh Hai kinh lý. Còn thằng Hai phải kêu hai đứa em mầy là cô Ba thầy thuốc, cô Tư thầy kiện. Vậy mới là trọng phép nhà.
Ông Bang biện Hưỡng ngẩng mặt, bắt bẻ vợ:
- Còn bà, bà cũng phải bỏ cách kêu thằng Hai, con Ba, con Tư chớ?
Bà Bang biện têm cho mình một miếng trầu, chậm rãi bảo:
- Từ rày, ông và tui nên kêu tụi nó bằng thằng Hai kinh lý, con Ba thầy thuốc, con Tư thầy kiện, kẻo thiên hạ chê cười nhà mình bội ơn xã hội làng nước!
Ông Bang biện Hưỡn cười cười trước cách xưng hô giỡn nhột của vợ, nhưng thấy bà lộ vẻ trang nghiêm thành khẩn lắm nên ông không dám chế giễu.
Cô Tư đang may chiếc quần đáy giữa bằng cẩm nhung đen, bảo mẹ:
- Anh Ba thầy thuốc có khuyên chị em con nói Tây y đầu hàng thì đi tìm thầy thuốc ta hoặc đi đến chùa cầu tự chớ lẽ nào tụi con chịu cảnh hiếm muộn hay sao?
Cô Tư Cẩm Lệ giống cha ở nước da mởn, giống mẹ ở vóc mình cao lớn, cái miệng hô và cặp mắt hơi lộ. Nhưng cái miệng cô hô duyên, răng cô đều đặn khít khao, cặp môi cô ửng hồng tự nhiên. Cặp mắt cô chỉ hơi lộ, tròng trắng tròng đen không lấn át nhau. Đã vậy sóng mắt cô còn ướt rượt, sáng ngời, linh hoạt. Kể ra cô đẹp trên trung bình. Tối hôm nay cô bận đồ xẩm bằng cẩm phụng trắng, áo tay cụt, quần ngắn lòi mắt cá. Tóc cô không bới như đa số phụ nữ thị thành thời đó mà cuốn tóc bánh tay rế theo kiểu mấy bà đầm, giắt lược đồi mồi phía trên tai, sống lược nạm hột trân châu. Cô đeo nữ trang nạm hột xoàn chấp chới, xức dầu thơm nực nồng nhưng không tô son dồi phấn.
Bà Bang biện thở dài, giọng than thở:
- Dòng họ tao, đàn bà đẻ sai như cá lóc, như chuột bạch. Bà nội bây và các cô bây cũng đẻ ít nhất ba trự. Vậy mà hai chị em bây sượng ngắt, không đẻ đái gì hết! Còn thằng Hai kinh lý, con vợ mầy hỗn hào, chê bai khinh khi mày, lộn nài bẻ ống về nhà cha mẹ nó. Giờ đây mầy có chức tước quan quyền, mầy nên đề phòng, không cho nó trở về leo lên địa vị bà Kinh lý. Đẻ tao nhờ thằng Ba thầy kiện lo thủ tục ly hôn cho mầy. Có vậy mầy mới rảnh chưn rảnh tay cưới con vợ khác để tao có cháu nội với người ta!
Cậu Hai buông tờ báo, ngửng đầu lên:
- Con đã chọn vợ rồi. Cổ là dân Bắc kỳ.
Ông Bang biện giựt mình, buông tờ báo, ngó thằng trưởng tử của mình trân trối. Bà Bang biện cùng cô Tư Cẩm Lệ, kẻ quên nhai trầu, người ngừng đạp máy may, sửng sốt nhìn cậu Hai Luyện lom lom. Cậu ở trần trùi trụi, chỉ bận khăn xà rông đen lộn chỉ đỏ, chỉ trắng. Vóc cậu vừa tầm, hơi mập mạp. Mặt cậu tròn, má phính, khi gặp điều không vừa ý là sưng lên chù bự. Điểm linh hoạt duy nhất trên khuôn mặt cậu là đôi mắt sáng như sao, biểu lộ sự thông minh cũng như những toan tính, lọc lừa xảo diệu.
Ba Bang biện hỏi gằn:
- Mầy nghĩ sao mà đòi cưới vợ Bắc Kỳ?
Cậu Hai Luyện:
- Bởi con thương cổ, cổ thương con. Tía cổ làm tham tá chớ bộ lôi thôi gì sao? Cổ lại có ăn học, tuy chưa đậu đíp- lôm nhưng cũng học tới năm thú ba ban trung học.
Ông Bang biện Hưỡn khuyên ngăn:
- Con đừng có dại! Bọn Bắc Kỳ vốn người dị tộc với người Việt mình. Tuy họ cũng nói tiếng giống mình nhưng cách nói của họ ráo rẻ, môi miệng. Họ nói tuy ngọt xớt nhưng cái khoa nói đánh đầu xóc óc xuất sắc lắm con ơi. Mấy cô con gái Bắc kỳ ăn mặc tuy hực hỡ mà vòng vàng, hột xoàn chẳng có bao nhiêu đâu! Gái Nam kỳ thiệt thà, ăn nói không biết làm điệu uốn éo, những cô bực trung coi vậy chớ vòng vàng chuỗi hột xuê xoang.
Cậu Hai trà lời:
- Tại ba má cứ ngó vô gia đình ông Phán giây thép rồi tưởng đâu người Bắc nào, cô gái Bắc nào cũng giống như họ.
Thuở trước, người Bắc vào Nam định cư thường thuộc thành phần nhân viên bưu điện hay các phu cạo mủ cao su. Ở Vĩnh Long có ông Giám Đốc sở Bưu điện người Bắc, nhà xéo xéo sở Trường tiền. Dân tỉnh lẻ hễ thấy ai đứng tuồi, mặc Âu phục cũng gọi là ông Phán. Bởi gặp nhiều ông Phán như vậy nên họ gọi ông là ông Phán giây thép hay ông Phán Bắc. Ông Bang biện hỏi tới:
- Mà mầy với con Bắc kỳ đó... tằng tịu với nhau rồi, phải không?
Cậu Hai lắc đầu:
- Nếu cổ và con đã hưởng thú gió trăng thì đời nào con tính chuyện đá vàng với cổ! Con nhà lành đó đa! Ba má cổ giữ cổ khít rim còn hơn ba má giữ ruộng đất, hột xoàn. Nếu ba má không chịu ra ngoài Bắc coi dâu thì con sẽ nhở cậu Huyện. Bấy lâu nay cẩu ao ước đi thăm Huế, Hà Nội mà chưa có dịp.
Bà Bang biện Hưỡn thừa biết con trai mình không thể bị gái dỗ dễ dàng bởi cậu có tới ba lớp vảy bảy lớp da. Nhưng ra tới Hà Nội để thỉnh mộ cô gái "dị tốc" mang dị tục về làm dâu thì cũng ngặt cho bà. Chi bằng bà giục hưỡn cầu mưu. Cậu Hai vốn kẻ mai huế xế quảng, phóng đãng đổi đời, lòng dơi dạ chuột, lúc mắm ruốc khi mắm nêm. Biết đâu về làm việc tỉnh nhà, cậu gặp được một ý trung nhơn khác mà quên cô Bắc kỳ nói tiếng ráo rẻ nghe lạ hoắc lỗ tai kia đi.
Bà Bang biện nói:
- Việc lý hôn của con chưa ngã ngũ ra sao. Để rồi ba má và thằng chồng con Tư thầy kiện tính gấp cho xong. Chừng đó má sẽ nhờ cậu Huyện con đứng ra làm mai, tính việc trăm năm cho con được vuông tròn.
Ông Bang biện Hưỡn chùng hửng:
- Vậy là bà đành bụng cái đám ở Hà Nội đó hay sao?
Bà Bang biện rút cục thuốc lóng, chà qua chà lại hàm răng trên, nói giọng rời rạc:
- Con cái thời nay cứng đầu cứng cổ. Vợ chồng mình đã chọn cho nó hai đám rồi, rốt cuộc keo rã hồ tan hết trọi. Bây giờ nó đành đám nào thì tui cũng ưng đám đó, để nó khỏi đổ thừa...
Ông Bang biện nói xuôi:
- Ờ, bà tính sao cho gọn thì tính!
Thiệt tình, ông không lý gì đến chuyện dâu rể. Con trai con gái ông đều biết quyền biến. Về vụ chọn vợ cho cậu Hai, vợ chồng ông tính già tính non nên ông không muốn can dự vô nữa. Điều ông đang bận tâm là ông phải làm tròng làm tréo cách nào để mua rẻ sở ruộng tám mẫu của ông Hương bộ Lạc ở vùng Phước Hậu. Điều bận tâm thứ hai của ông là làm thế nào ăn nằm với vợ Cai tuần Hạp, tá điền của ông. Chị đang có chửa bốn tháng. Ông chỉ cần ăn mằm với chị vài lần rồi sẽ trả chị ta về với chồng, để ông kiếm một mụ đờn bà có chửa khác.
Bà Bang biện quay qua cô Tư Cẩm Lệ:
- Thôi, con nên sửa soạn đi ngủ. Mai mẹ con mình dậy sớm để còn coi sóc bầy trẻ nấu nướng.
Cô Tư:
- Bọn con Lài, con Lý đã lo xong nồi thịt cá kho chung, nồi khổ qua dồn thịt bằm, nồi vịt tìm hột sen và bạch quả.
Nhân dịp đám giỗ, ông bà Bang biện Hưỡn mổ con heo để ăn mùng đại đăng khoa cậu trưởng tử. Xong xuôi họ mới dắt cậu về nhà hương hỏa mổ bò ăn khao với họ hàng bên nội của ông Bang biện Hưỡng.
Cậu Hai Luyện bảo cha mẹ:
- Ăn khao xong, con bắt tay làm việc liền. Nhà nước muốn đào con kinh từ sông Cổ Chiên băng qua làn Mỹ An và con được phái đi đo đất.
Ông Bang biện:
- Ở làng Mỹ An cũng gần, đi ghe buồm gặp nước xuôi gió thuận chừng hơn tiếng đồng hồ là tới. Vùng An Hương, Hòa Mỹ, Mỹ An thuộc về quê bà nội của con đó.
Cậu Hai lơ đãng:
- Vậy thì tốt lắm!
Rồi cậu lấy tay che miệng ngáp dã dượi, ủ ê bỏ vào buồng. Bà Bang biện quay qua cô con út:
- À quên, để má dặng thằng Bửu sáng mai bẻ cau cho má và chặt quầy dừa xiêm chồng con và anh rể con uống. Con đi tìm nó, lôi cổ nó lên đây cho má dạy việc.
Bửu là con rơi của ông Bang biện Hưỡn. Mẹ ruột chết sớm nên được bà Bang biện mang về nuôi từ thuở cậu lên tám. Người đích mẫu lòng dạ khô khan. khắc bạc kia dạy dỗ đứa trẻ bất hạnh bằng roi vọt, bạt tai, ngắt véo, chửi rủa. Bửu rất thông minh, được cha cho học tới lớp ba, thi đậu bằng sơ học, rồi phải ở nhà giúp việc trong ngoài. Cậu đã chép tuổi ấu thơ và thời mới lớn bằng nước mắt, bằng mồ hôi.
Chùng giập bã trầu, cô Tư Cẩm Lệ cùng một cậu trai khoảng 15 tuổi, từ ngăn chái dưới nhà bếp đi lên. Cậu ta ốm yếu, mắt trõm lơ, da mặt đỏ bừng vì cơn sốt, quần áo may bằng vải hột giền đen, vai áo vá một miếng lớn.
Bà Bang biện cất giọng rít róng:
- Từ hồi chiều tới giờ mầy chui lỗ nẻ nào mà biệt tăm biệt tích vậy? Hễ ăn xong ba hột cơm là mầy đánh lừa đánh đáo đi dạo xóm.
Bửu nhỏ nhẹ:
- Thưa má lớn, xế nầy con phụ với chú lực điền giở chà bắt tôm. Bởi đó con lên con nóng lạnh. Từ chiều tới giớ con nằm li bì ở vạt tre chớ đâu có đi dạo xóm.
Bà Bang biện nguýt dài:
- Mầy đùng có lẽo lự! Hễ dầm nước đang nắng thì chỉ miệt sật sừ vậy thôi. Sáng mai mầy phải dậy sớm bẻ cho tao một buồng cau xiêm, một quày dừa xiêm.
Bửu chỉ "dạ", sắc mặt mệt mỏi, ngầy ngật. Ông Bang biện liếc qua đứa con bật hạnh, can gián vợ:
- Nhìn qua mặt nó, tui cũng biết nó đang làm cữ. Thôi, bà nên châm chước cho nó nhờ. Nhà mình tôi trai tớ gái thiếu gì. Nó đang đau yếu, bà mà bắt nó leo cau leo dừa, rủi nó run tay té xuống đất thì sao!
Bà Bang biện liếc xéo chồng rồi hét:
- Đi đâu thì đi cho khuất mắt! Mà nhớ biểu thằng Đực hoặc thằng Xiêm hái cau, hái dừa thế cho mầy nghe chưa? Thừ đồ biếng nhác gì đâu á, mới đỏ đèn đã lo đi ngủ, y chang như gà vịt vậy.
Ông Bang biện Hưỡn bước tới bàn có nhiều ngăn hộc, mở một ngăn, lấy năm gói cảm mạo phát tán đưa cho Bửu, bảo:
- Kiếm nước trà uống liền một gói đi. Ngày mai, ngày một, mỗi ngày mầy nhớ uống hai gói. Uống trước bữa ăn thì thuốc mới công hiệu.
Bửu đỡ lấy gói thuốc, lí nhí cảm ơn người cha ruột rồi lủi thủi quay về buồng của mình gần kho chứa nông cụ.
Căn buồng của Bửu gồm một cái vạt tre trải chiếu đậu, một cái mùng màu cháo lòng vá vài miếng lụn vụn, một cái mềm xám cũ mèm và một cái gối ống bằng cây đẽo.
Đêm đó Bửu bị hai cữ sốt rét làm cậu mệt nhoài. Lúc nóng, cậu muốn cởi phăng hết quần áo ra mong mát mẻ được chút nào chăng. Lúc lạnh, cậu run cầm cập, hai hàm răng đánh bò cạp. Chiếc mền nỉ dày như vậy mà cậu vẫn cảm thấy như mình ăn mặc phong phanh đứng giữa buổi lập đông.
Chỉ có lúc bịnh hoạn như hôm nay, Bửu mới thấm thía hoàn cảnh mồ côi mẹ của mình. Lúc mạnh giỏi, sẵn tánh lạc quan, cậu không nhìn vào hoàn cảnh hiện tại. Cậu nghê người chú của cậu, đã xuất gia đầu Phật hiện trù trì tại chùa Long Đức, cách cầu Đào một trăm thước. thường nói rằng: "Sông có khúc, người có lúc, lại nữa sông còn có lúc đục lúc trong, nước có lúc ròng lúc lớn". Câu nói đó tuy cũ kỷ của cổ nhơn, nhưng do một chiêu cảm đặc biệt, Bửu cảm thấy nó dội sâu vào tâm khảm và niềm tin của cậu. Nhờ đó sống với người cha hờ hững, với bà mẹ ghẻ tàn nhẫn và lũ anh chị em don dòng đích hay hoạnh họe eo sèo mà cậu không buồn, không tủi thân. Cậu tin rằng kiếp trước cậu đã gây nhiều việc oan trái cho họ nên kiếp nầy những lằn roi vọt của họ quất lên mình cậu chỉ là để trả quả. Còn những lới mắng nhiếc rủa sả của họ cũng chỉ là tiếng vọng của nghiệp chướng.
Bây giờ có lẽ vào giữa canh ba. Bửu choàng tỉnh giấc sau cơn mê ngắn. Ánh trăng từ miệng kiếng gắn trên mái nhà chiếu vào căn buồng. Ngoài hè, tiếng dơi ăn ổi kêu chí chóe. Bửu gắng định tâm niệm Bạch Y Quán Thế Âm Thần chú và chú Tiêu Tai Cát Tường do pháp sư Chơn Huệ, chú của cậu, truyền dạy trước khi chìm vào cơn mê mệt li bì. Bửu không mong thần lực của kinh giúp cậu thoát ly cảnh nhọc nhằn cơ cực hiện giờ, nhưng ít ra nó cũng gõ vào nội giới cậu từng âm ba lảnh lót, xua hết bóng đêm vá nỗi sợ hãi vu vơ.
Dưới mái nhà nầy, Bửu luôn luôn có cảm tưởng mình đứng trên bờ vực thẳm. Cậu không thể lường đực những cơn giận bật chợt của bà đích mẫu. Khi bực dọc, dù bất cứ chuyện gì, do ai đi nữa, bà cũng chĩ a mũi dùi vô cậu. Từ nhỏ, cậu đã bị đối xử như hàng tôi tớ, ăn cùng bàn với tôi tớ, làm lụng như tôi tớ; đau đớn hơn nữa, cậu còn bị là bia nhận những lời hằn học, oán ghét không duyên cớ củ bà đích mẫu mình.
Cơn sốt lại nổi lên làm đầu óc Bửu lõng bõng khiến tâm trí cậu không buộc chặt vào từng tiếng niệm. Dần dà, Bửu lọt vào cơn ác mộng thật mạch lạc. Cậu thấy mình bị một mụ đàn bà mặt đầy vết thẹo, tay cầm chiếc rựa sáng loáng đuổi theo. Những vết thẹo làm những bắp thịt trên khuôn mặt mụ biến dạng, nét hung ác hiện ra lồ lộ. Miệng mụ mím chặt, hai cánh môi mỏng lét như hai sợi chỉ. Cặp mắt mụ trợn ngược, tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Cậu cứ chạy nhưng cảm thấy mình nặng như đeo đá, cặp giò yếu đuối lỏng lẻo như chực rời khỏi thân thể. Trước mặt cậu bây giờ là một con sông rộng có thành cầu bắc ngang nhưng không lót ván. Cậu kinh hãi không biết xoay trở cách nào. Sau lưng cậu, tiếng hét của mụ già hung ác chen với tiếng rống gầm của ác thú. Cậu tê điếng gần ngã quỵ thì bỗng nghe một giọng nói dịu dàng: "Con hãy theo má, bò theo thành cầu để qua sông. Có má đây, con đừng sợ".
Cậu ngước lên. Trước mặt cậu là má ruột cậu, khuôn mặt buồn bã, nụ cười hiền từ. Bà mặc chiếc áo bà ba bằng lụa trắng, quần lục xiêm, bộ y phục mà khi bà chết, bà ngoại cậu đã mặc cho bà trước khi nhập quan. Bửu chỗi dậy, rán vừa bám vừa bò theo sườn cầu. Má cậu thong thả đi trước, tay xác chiếc đèn tán chai rọi sáng bức màn sương mỏng phủ mờ cảnh vật.
Bửu đã vượt qua sông. Mẹ cậu dắt cậu đi một quãng đường nổi từng đám sương cuồn cuộn làm cậu có cảm tưởng hai mẹ con đang đi trên mây. Bà bảo cậu: "Má đưa con lên núi Cô Tô đây. Rồi đây con sẽ cùng chú con tu tại chiếc am lá cất gần Điện Kín. Con sẽ đực thảnh thơi cho tới cuối đời." Rồi sương mù tan dần. Hai mẹ con bước vô một thảo am có rào trúc quanh. Chú của cậu, pháp sư Chơn Huệ, từ trong bước ra, áo nhựt bình màu dà, cổ đeo xâu chuỗi kết bằng hột hổ phách...
Tới đây Bửu bừng tỉnh giấc vì tiếng hét của bà Bang biện Hưỡn:
- Dậy đi, thứ đồ thúi thây lầy lụa! Ở trong nhà nầy, nếu không xay lúa, giã gạo, chẻ củi thì cũng quét dọn chuồng heo, chuồng gà. Tao đâu có dư cơm để nuôi thứ đồ trôi sông lạc chợ như mầy! Mau dậy uống thuốc rồi theo thằng Đực, thằng Xiêm móc mương bồi liếp!
Bửu lồm cồm ngồi dậy. Nhưng cơn váng vất như choàng một tấm màn tối sẫm và lạnh ngắt lên tâm trí cậu. Rồi côn ho xé phổi kéo tới làm Bửu mửa một đốn máu tươi. Giờ đây bà Bang biên Hưỡn mới biết sợ. Bà chạy ra ngoài một mặt gọi thằng Xiêm mời ông Năm Tảo tới chẩn mạch cho thằng con ghẻ, một mặt kêu thằng Đực vô quét dọn đống máu tươi và xức dầu hơ lửa cho Bửu.
Sau đó bà Bang biện bước lên trung đường thỏ thẻ thuật lại vận sự cho chồng nghe. Ông Bang biện nói:
- Ối, hỏa vọng trật đường rầy làm người bịnh lạc huyết đó thôi! Hái lá chó đẻ giã nhỏ, vắt nước cốt cho nó uống là nó hết bịnh liền!
Nói xong, ông sai con Lài con Lý chuẩn bị trà nước. Cà nhà xúm lại ăn sáng. Cô Ba Cẩm Tú cùng chồng lúc hừng sáng đã từ cầu Lầu qua nha cha mẹ dùng điểm tâm với cả nhà.
Khách tới sau vợ chồng cô Ba là pháp sư Chơn Huệ và ông Năm Tảo. Bà Bang biện bảo dọn món cháy cho pháp sư dùng rồi mời ông Năm mau chẩn mạch hốt thuốc cho Bửu. Bà thiệt sự run sợ cho tính mạng cậu. Cách đối xử ác độc của bà đối với cậu con ghẻ mới lớn kia thì bà con, chòm xóm đều rõ. Nhưng bà không muốn cậu chết. Trước hết bà không muốn mất một tên tớ trai giỏi dắn; sau nữa bà cũng ngại miệng lằn lưỡi mối phao vu bà giết lần mòn đứa con ghẻ bạc phước kia.
Pháp sư Chơn Huệ khoảng 40 tuồi, da dẻ hồng hào, cặp mắt sáng, cái nhìn dịu dàng và trang nghiêm. Ông tiếp chuyện vợ chồng bác sĩ Lê Thạnh Mậu nhưng thỉnh thoảng sắc mặt lại lộ vẻ nghĩ ngợi. Bác sĩ Lê Thạnh Mậu trắng trẻo, phương phi nhưng ánh mắt mệt mỏi, cái nhìn thờ ơ. Cô Ba Cẩm Tú đẹp sắc sảo, cao lớn hơn cô Tư, da tuy trắng nhưng không có vẻ mát mẻ nõn nòa bằng. Bù lại, ông trời lì xì cho cô đôi má lúm đồng tiền để cô làm duyên làm dáng với cuộc đời. Hôm nay cô Ba mặc áo dài nhung hường, quần sa- teng đen, đi dày quai nhung thêu cườm. Cổ đeo sưu bộ kim cương lập lòe bảy sắc cầu vồng. Khi tới nhà tía má ruột mình, cô vào buồng mẹ cởi áo dài, lấy trong giỏ xách chiếc áo bà ba bằng nhiễu tím than thêu bông hường ở bâu cổ, lai áo ra thay cho tiện lúc làm bếp.
Cô Ba hỏi cô Tư:
- Chùng nào dượng Tư mới về tới?
Cô Tư Cẩm Lệ:
- Từ Sài gòn về đây ít nhứt cũng ba tiếng đồng hồ nếu không kẹt bắc Mỹ Thuận. Nhưng em tin ảnh sẽ về đây trước khi bày mâm cúng.
Cô Ba kể với em:
- Nè Tư, đêm qua chị nằm thấy chiêm bao thấy mình nuốt hột trái xá lỵ, nhưng rồi từ dưới rún chị tuôn ra một luồng khói, bay lên trời tụ lại thành mây rồi tản mác đâu mất. Chẳng biết điềm gì vậy?
Cô Tư nhìn chị:
- Sao lạ vậy? Còn em thì chiêm bao thấy con rắn chui vô bụng em rồi chui ra, chín lần như vậy. Lần chót nó cắn bụng em nát tanh banh tét bét...
Bà Bang biện nói át ngay:
- Ối! Mộng triệu bá láp bá xàm! Hơi đâu bây thắc mắc cho hao tâm tổn trí! Bà con lối xóm sắp tới phụ giúp nấu nướng rồi, bây liệu mà chỉ biểu họ. Hôm qua tụi trẻ giỡ chà bắt được khá nhiều tôm càng, cá lóc, bây làm sao cho mâm cúng ê hề tươm tất thì làm! Má còn phải lo tiếp khách danh giá trong tổng, trong làng.
Ông Năm Tảo sau khi chẩn mạch cho Bửu liền bước ra trung đường, nơi ông bà Bang biện, bác sĩ Lê Thạnh Mậu, cậu Hai Luyện đang hầu chuyện pháp sư Chơn Huệ. Ông bảo:
- Tui xin nói thiệt cho ông Bang biện lo liệu. Cậu Bửu bị chứng lao sái. Lao sái mạch thường đi với Sác hoặc Sắc hoặc Tế. Chứng nầy phát ra nhiều nhiệt, tuôn mồ hồi dầm dề, ho ra máu, da thịt gầy mòn, vóc mình ốm o so lại. Riêng mạch của cậu Bửu đây đi Sác Tế mà Sắc là chứng chết. Tuy biết vậy nhưng tui cũng gắng hốt vài thang thuốc cho cậu. Biết đâu nhờ ơn Trời Phật, ông bà, mạch đi Vi Sắc thì cậu sẽ có hy vọng sống. Nhưng bịnh nầy thập tử nhất sinh, có sống thì cũng vướng bịnh nan y cho tới chết. Đối với người lớn tuổi hai lá phổi rắn chắc hơn nên bệnh lao lâu phá hư. Đằng nầy cậu Bửu mới tuổi trăng tròn, hai lá phổi còn non yếu, tui không dám chắc cậu có sống được tới sang năm!
Bác Sĩ Lê Thạnh Mậu góp ý:
- Tuy tui không rõ ngành Đông y nhưng ông Năm đây luận bịnh rất đúng. Ông Năm cứ trị bịnh cho cậu bằng thuốc bắc, tui sẽ trị bằng thuốc tây.
Nãy giờ pháp sư Chơn Huệ lặng thinh theo dõi cuộc luận bịnh của ông Năm Tảo, bây giờ mới lên tiếng:
- Cứ để cho ông Năm đây điều trị. Ông bà mình thường nói, hễ nhiều thầy thì hư bệnh. Lại nữa, anh chị lu bù công kia việc nọ, nếu để thằng cháu tui ở đây thì không ai săn sóc. Chi bằng anh chị cho người võng cháu về chùa, tui sẽ săn sóc cháu tiện hơn.
Bà Bang biện Hưỡn nói:
- Bạch thầy, thầy dạy rất phải. Vộ chồng tui xin cám ơn thầy.
Bà ngó qua chồng thấy ông cứ làm thinh, uống trà từng hớp. Bà biết ông đã khứng chịu vì chứa một thằng con nít mới lớn mắc bịnh truyền nhiễm thì cực lòng cực trí cho bà biết bao!
Pháp sư Chơn Huệ nói:
- Tuy tui không biết sống chết ra sao nhưng tui có thể cứu mạng nó được vì tui có rộng thì giớ. Tháng tới nữa tui đi Thất Sơn tu luyện, sẽ đem nó heo luôn. Nó rủi có chết thì có tui trợ niệm hồng danh A di đà Phật để nó nhờ tha lực của Phật mà vong linh được vãng sinh về chốn An bang Tịnh độ.
Sư vừa nói tới đây thì cô Tư Cẩm Lệ từ bếp bước lên nói nhỏ vào tai mẹ. Bà Bang biện lật đật xuống bếp. Cô xầm xì xụt xịt:
- Mới nãy con Lý thấy con chim tứ nhánh cây bằng lằng bên hè lao xuống dãy đành đạch chết liền tức khắc. Đã vậy, con Lài đi xán măng Mạnh tông gặp bụi trê bên miễu thổ thần trổ bông. Hễ tre trổ bông là tre sắp chết...
Bà Bang biện lại mắng lấp:
- Bây khéo tin chuyện bá láp! Chim sa cá lụy là chuyện thường. Còn tre trổ bông là tre già, hễ có già thì chết, có gì lạ đâu? Nhà ông ngoại bà ngoại bây thiếu gì bụi tre trổ bông mà mấy cậu bây thâu góp huê lợi dư muôn, thăng quan tiến chức, vẻ vang vô cùng. Riêng tao, tao thấy chim xa hà rầm. Vậy mà có sao đâu?
Sắc mặt bà vẫn lộ vẻ hoan hỉ như thường. Thằng con ghẻ bà đau nặng. Mấy cái điềm xấu điềm gở kia chắc chắn ứng vào cái chết sắp tới của nó, việc gì bà phải bận tâm? Cho nên bà bước lên nhà, bảo pháp sư Chơn Huệ:
- Thôi, từ rày vợ chồng tui giao luôn thằng Bửu cho thầy. Mỗi tháng tui sẽ cấp cho nó năm đồng bạc, cho chùa mười đồng. Trước khi thầy đưa nó đi Thất Sơn, tui sẽ sắm sửa cho hai chú tháu thầy không thiếu thứ chi, kể cả lộ phí. Khi nào thầy trụ được nơi ăn chốn ở chắc chắn, nhớ biên thư cho vợ chồng tui biết, đặng hằng tháng tui gửi măng- đa cho thầy.
Pháp sư Chơn Huệ nói:
- Tui chỉ nhờ anh chị lo thuốc men cho cháu để nó được chỏi hỏi rồi tui sẽ dẫn nó lên tu trên núi Cô Tô. Ở đó có nhiều khách đàn việt lo cho hai chú cháu tui, khỏi phiền tới anh chị. Cháu có chết cũng có các đạo hữu tụng niệm. Nếu may ra cháu sống sẽ tu hành. Dù rằng ai tu nấy chứng nhưng cả ba họ tuy không được phần huệ nhưng chắc chắn sẽ được phần phước nhờ công tu của cháu.
Bà Bang biện Hưỡn nhai trầu rau ráu, mặt ngời sắc hân hoan. Bà thứa biết mình có độc căn, khó mà phát huệ. Vả lại bà cần phước chớ đâu lý gì tới cái thứ huệ bá láp tầm phào kia!
Sau đó, một mặt bà Bang biện sai cú Bảy lực điền cùng thằng Xiêm võng Bửu đến chùa; một mặt bà sai con Lài chọn mùng mền, chiếu gối mới toanh cùng bốn bộ quần áo cũng mới đem qua chùa cho Bửu. Bà còn cắt đặt thằng Đực mỗi ngày đem thuốc men và mọi thứ cần dùng khác cho bịnh nhơn.
Trong khi ở nhà ông Bang biện Hưỡn đang tưng bừng khách khứa đến dự tiệc thì ở bên chùa Long Đức, pháp sư tụng kinh Cầu An để cầu lành bịnh cho cháu. Uống hết hai thang thuốc do ông Năm Tảo hốt, Bửu bớt nóng, đổ mồ hôi và ngủ một giấc êm đềm sảng khoái. Pháp sư Chơn Huệ nhủ thầm: "Từ rày thằng này sẽ phải nương nhờ cửa Phật để tránh roi vọt của nghiệp quả!"