Tại sao Phật giáo là tôn giáo bành trướng nhanh nhất tại Úc Châu?


Darren Nelson

Đào Viên dịch

The best religion is the one that make you a better person

—– His Holiness The Dalai Lama




Lời giới thiệu – Nước Úc, hay Úc Đại Lợi, tên chính thức là The Commonwealth of Australia, là một quốc gia chiếm trọn Úc Châu và một ít đảo nhỏ chung quanh, nằm trong Liên Hiệp Anh, với Hoàng Hậu là Queen Elizabeth II. Kể từ mồng 1 tháng Giêng 1901, sáu thuộc quốc (Crown Colonies): New South Wales (thủ đô Sydney), Queensland (thủ đô Brisbane), Western Australia (thủ đô Perth), South Australia (thủ đô Adelaide), Victoria (thủ đô Melbourne), Northern Territory (thủ đô Darwin) cùng với Australian Capital Territory (thủ phủ nước Úc Canberra) đã hợp nhau lại mà trở thành Quốc gia Úc Đại Lợi.


Dân số Úc khoảng 22 triệu người, phần lớn (60%) ở chung quanh thủ đô các Thuộc quốc.
Phật giáo đã và đang phát triển rất nhanh taị Úc để trở nên tôn giáo lớn thứ hai, sau Thiên Chúa giáo, tôn giáo cố hữu tại quốc gia này. Theo thống kê mới nhất thì những người theo đạo Phật là khoảng 200,000 người. . Hiện nay đã có trên 300 chùa chiền, thiền viện và tổ chức Phật giáo, thuộc đủ các giáo pháp tông môn (Nguyên Thủy, Đại Thừa, Mật Tông…), đủ các sắc tộc (Trung Hoa, Tây Tạng, Thái, Miến Diện, Lào, Việt Nam…) tại Úc châu, trong số này có 43 ngôi chùa, thiền viện của Phật tử người Việt(1).


Tại sao Phật giáo lại phát triển nhanh chóng tại Úc Đại Lợi? Tác giả, ông Darren Nelson đã tìm cách giải thích như dưới đây.

***


Câu trả lời cho vấn đề trên có nhiều lớp lang và rắc rối. Đây là một vấn đề khó chịu, nói lên sự biến chuyển về tâm linh tại Úc châu và cho thấy dân Úc châu chúng ta mỗi ngày thực sự trở nên đa văn hóa.

Nhiều nền văn hóa trước đây rất xa lạ với người Úc gốc Anh hay La Tinh, nay đã được nhiều người Úc đón nhận, mặc dầu không phải không có chút chống đối. Sức chống đối trong xã hội Úc có thể được coi như là một cách trắc nghiệm để đo mức độ bao dung trong nền chính trị và tôn giáo xứ này.

Sức bành trướng của Phật giáo tại Úc châu là câu chuyện một tôn giáo trường cửu đã từng vượt qua bao khó khăn trở ngại. Làm sao mà một hệ thống triết học ra đời 2500 trước đây, trước Thiên Chúa giáo 500 năm, trước đạo Islam 1000 năm, lại có thể có liên quan đến đời sống văn minh của Úc châu được? Chúng ta hãy nghĩ đến những tôn giáo nay không còn dấu tích như đạo thờ Mặt trời tại Ai Cập cổ đại, đạo hy sinh nhân mạng để tế lễ của người Maya Nam Mỹ, hay đạo Druids bên Anh cổ đại. Phật giáo đã trường tồn vượt trên các tôn giáo ấy.

Phật giáo không đưa ra những giáo điều của một tà đạo, cũng không ráo riết tìm cách cải đạo. Những người Úc theo đạo Phật là những người đã tự nguyện cải đạo, thông thường là những người có học, những chuyên gia lớp tuổi trung niên. Họ đến với đạo Phật vì tìm thấy một niềm an vui nội tâm. Khi viết bài khảo cứu này, tôi muốn đắm mình vào chính sức hấp dẫn của Phật giáo. Có lẽ như thể là nhìn Úc châu lần đầu tiên, qua lăng kính một kẻ chưa biết gì.

Có điều đáng chú ý là mặc dầu số ngưòi theo Phật giáo gia tăng gần đây, thực ra Phật giáo đã góp một phần vào lịch sử nước này trước đây rồi. Không phải là Phật giáo đã đến theo làn sóng những người di dân mới đây. Nhiều nhà nhân chủng học đã có ý kiến là Phật giáo đã có thể là tôn giáo ngoại nhập của thổ dân Úc châu, trước khi người da trắng đến đây.

Khoảng giữa năm 1405 và 1433, vua nhà Minh(2) đã gửi đi sáu mươi hai hải thuyền lớn đi thăm dò phía nam Á châu. Mặc dầu đã có chứng cớ là đoàn hải thuyền này đả cập bến đảo Aru thuộc phần đất Arnhem, nhưng không biết họ có vào lục địa Úc chậu không.

Giáo sư A.P.Elkin đã đua ra một giả thiết, chưa được chứng minh, rằng thổ dân vùng đất Koorie, phía bắc nước ta, tin vào thuyết tái sanh, tin vào những hiện tượng huyền bí và tu luyện tâm linh, thì đó chính là chứng cớ họ đã sớm tiếp súc với những người Phật tử rồi. Mặc dầu một vài hình vẽ trên đá có thể tượng trưng mấy thuyền buồm thả neo, hay hình ảnh đức Phật, nhưng chưa thấy có chứng cớ thực sự rõ rệt.

Tài liệu đầu tiên về những Phật tử đến Úc châu là vảo năm 1848 khi mọi người đổ xô đi tìm vàng, là lúc thợ thuyền người Tầu được đem vào làm trong những mỏ vàng vùng Victoria. Họ là những dân tạm trú thông thường là trở về Tầu sau năm năm. Mãi đến năm 1876 mới thấy một cộng đồng Phật tử người Tích Lan định cư tại Thursday Island. Họ đã xây cất nên ngôi đền Phật giáo đầu tiên tại Úc châu, khi họ làm trong những vườn mía ở Queensland.

Những năm 1870 trở đi, nhiều người Nhật theo Phật giáo Thần học cũng đến làm trong kỹ nghệ làm ngọc trai tại Bắc Úc và họ đã lập nên những đoàn thể Phật giáo tại Darwin và Broome. Họ đã có những nghĩa trang Phật giáo riêng và tổ chức những ngày lễ hội hè hàng năm. Thống kê của chính phủ năm 1891 cho thấy số người đi theo Phật giáo chỉ hơi nhiều (1.2%) hơn bây giờ (1.1%) chút ít.

Số tín đồ Phật giáo có thể sẽ tăng lên, nếu không có đạo luật Giới Hạn Di Trú (Immigration Restriction Act) năm 1901, ra đời để ngăn chặn “hiểm họa da vàng”. Ông Alfred Deakin – người làm Thủ tướng 3 lần – đã soạn thảo ra đạo luật này để xoa dịu số cử tri da trắng bài ngoại. Đạo luật này trở nên nền tảng của Chính sách bạch hóa Úc Châu.

Năm mươi năm sau, giáo pháp của đức Thế Tôn về tu luyện Tâm linh, về hành Thiền, đã bị quên lẵng và bị coi là một thứ đạo thần bí của Đông phương. Trừ một số Phật tử rất nhỏ còn tồn tại được, như ở Broome và Thursday Island, Phật giáo thực tế đã không còn ở Úc Châu nữa.


Ni Sư Dhammadinna
Có một nhóm nhỏ Phật tử thuần thành Tây phương đã thành lập một tổ chức sớm nhất Úc châu, “The Little Circle of the Dharma”, vào năm 1925 tại Melbourne. Mới đầu sự phát triển rất chậm, cho đến sau Thế Chiến thứ hai, khi đó chính sách Bạch Hóa Úc châu không còn được hưởng ứng nữa. Năm 1951, lần đầu tiên có một ni sư đến viếng Úc châu, Ni sư Dhammadinna, người Hoa Kỳ, đã thọ giới Tỳ kheo ni 30 năm tại Tích Lan. Ni sư đến hoằng dương pháp môn Phật giáo Nguyên Thủy. Ni Sư đã được báo chí trong toàn quốc nói đến rất nhiều.

Nhờ cuộc viếng thăm này, năm sau Hội Phật giáo New South Wales được thành lập, chủ tọa bởi ông Leo Berkey, một doanh nhân người Hà Lan tại Sydney. Tổ chức này là tổ chức Phật Giáo lâu đời nhất tại Úc châu. Thành phần Phật tử, từ đầu cho đến nay vẫn là những người gốc Anh hay Âu châu.

Đến năm1958, Tổng Hội Phật giáo Úc châu (the Buddhist Federation of Australia) được thành lập để điều hợp tất cả những nhóm Phật tử mọc ra như nấm mọi nơi, từ Western Australia, South Australia, Queensland đến Victoria.

Khoảng một trăm năm đầu, Phật giáo Úc châu sinh tồn được là nhờ vào những tín hữu tại gia, thỉnh thoảng mới mời được các tu sĩ trong Tăng đoàn, Nhưng sang đến những năm 1970, số Phật tử gia tăng đã tạo ra nhu cầu cần có tăng chúng ngay tại địa phương, thế là Phật giáo Úc châu bước sang một giai đoạn mới.

Năm 1971, Giáo Hội Phật giáo New South Wales đã cung nghinh được Ngài Somaloka, từ Tích Lan, về trụ trì tại một tu viện vùng núi Blue Mountains, phía Tây Sidney. Đây là tu viện đầu tiên của nước Úc. Lần lượt nhiều tu viện khác của nhiều pháp môn khác nhau được thành lập: năm 1976 tại Stanmore Sydney, năm 1978 tại Wisemans Ferry ở NSW, rồi năm 1984 tại Serpentin ở Western Australia.

Ngài Đà Lai Lạt Ma, khuôn mặt khả ái nhất của Phật giáo (Ngài đã đoạt giải Nobel Hòa Bình và chỉ tự xưng là một “nhà sư bình thường’) đã đi khắp thế giới không ngừng nghỉ để nói pháp và trả lời đối thoại tại các thính đường lớn chứa được vài chục ngàn người. Tại Luân đôn thì có John Cleese mời Ngài, tại Pháp thì có Henri Cartier Bresson ghi âm lại những lời pháp thoại, còn ở La Mã thì nhạc sĩ Adam Yauch trong nhóm Beastie Boys đã phỏng vấn Ngài cho tuần san Rolling Stone.

Chỉ mấy năm trước đây, Ngài đã mở ra muời một Văn Phòng Tây Tạng ở rất nhiều nơi, từ Canberra đến Moscow và chỉ riêng năm ngoái Ngài đã viết lời tựa cho khoảng ba mươi cuốn sách. Ngài Lạt Ma thứ 14, cũng còn có danh hiệu là “Trí Huệ Rộng như Biển, Bạch Liên Giáo Chủ, Hộ Pháp Tuyết Sơn”, cũng đã từng là Chủ biên Danh dự cho tờ báo “Vogue”

Ba chuyến viếng thăm Úc châu của Ngài vào những năm 1982, 1992 và 1996, đã là những dịp vui cho tất cả Phật tử các giòng và đã có rất đông đảo Phật tử cũng như công chúng đến nghe Ngài nói chuyện. Trong lần viếng thăm thứ ba, mặc dầu Trung Cộng cực lực phản đối, đức Đà Lai Lạt Ma đã đến gặp và chụp ảnh chung với Thủ tướng chánh phủ Úc, ông John Howard. Đến đây, Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo thiểu số đáng kể tại Úc Châu vậy

Trong cuộc viếng thăm này, nhiều nhân vật có tiếng đã cúng dường rất nhiều. Thí dụ như Kate Ceberano, Rachel Berger và nhóm Frente mới chỉ là đại diện cho những nghệ sĩ ưu tú, đã đến trình diễn ngay tại nơi trú ngụ của Ngài Đà Lai Lạt Ma. Chỉ trong ba đêm, họ đã gây quỹ được $14,000 cho Ngài. Công ty đĩa hát Mushroom Records phát hành cái CD The Mantra Mix với các nhạc sĩ Jenny Morris, Jimmy Barnes và Jonny Diesel để cúng dường. Lại có một công ty Quảng Cáo đã quảng cáo không công cho Ngài, với một chủ đề nói là: “Bạn đã không gặp được Chúa Giê Su, bạn cũng không gặp được Đức Phật. Vậy chớ hụt phen này gặp đức Đà Lai Lạt Ma”. Có bao giờ người ta thấy một sự đón tiếp rầm rộ một lãnh tụ tôn giáo như vậy chưa?

Thế nhưng không phải chỉ người Úc mới có cảm tình với sụ nghiệp của Ngài Lạt Ma. Vấn đề người Tây tạng bị đàn áp đã được Hollywood chú ý đến và đã có hai cuốn phim nói về cuộc đời của Ngài. Từ đấy hình ảnh của Ngài Đà Lai Lạt ma không những đã đi vào giòng chính xã hội Hoa kỳ mà còn được phổ biến toàn cầu (điều này đã làm cho chính phủ Trung Hoa phát hoảng).

Bộ phim thứ nhất là phim “Bẩy năm ở Tây Tạng”, nói về chuyện ông Heinrich Harrer, một tay trèo núi mà cũng là một đảng viên Quốc Xã, một người đã tìm thấy sự giác ngộ sau khi anh trở nên một gia sư cho một tăng sĩ Tây Tạng còn trẻ tuổi là Ngài Đà Lai Lạt Ma trong những năm 1940. Rất nhiều người đến xem phim này vì có tài tử Brad Pitt đóng vai chính.
Phim kia là phim “Kundun” của nhà đạo diễn Martin Scorcese. Chuyện phim mô tả cuộc đời Ngài Đà Lai lạt Ma, theo Ngài thuật, từ lúc Ngài được chứng nhận là hóa thân của đức Phật lúc Ngài mới hai tuổi cho đến lúc Ngài phải chạy chốn sang Ấn Độ lúc 24 tuổi. Phim này mới trình chiếu tại Úc Châu đã được đài TV Channel Nines trong chương trình Chủ Nhật ngày 14 tháng Sáu giới thiệu như là “một bộ phim đẹp nhất và quan trọng nhất trong năm”

Hồ ly Vọng chú tâm đến Đạo Phật không chỉ ở hai bộ phim ấy mà thôi, mà còn ở nhiều tài tử đã nói lên lòng ngưỡng mộ với tôn giáo này. Tháng Hai 1997, tài tử Steven Seagal, chuyên đóng phim võ sĩ đấm đá được giòng Mật tông Nyingma công nhận là đầu thai của một Lạt Ma thế kỷ thứ 15. Nghệ sĩ Adam Yauch của nhóm ca sĩ the Beastie Boys đã đúng ra tổ chức hai buổi hòa nhạc gây qũy cho Tây Tạng rất thành công.

Tài từ Richard Gere cùng với bố của nữ tài tử Ulma Thurman là Richard Thurman đã mở ra một Trung Tâm Tây Tạng gọi là Tibet House ở Nữu Ước, để in sách và dạy Thiền mỗi ngày. Nhiều hành giả đến đã làm mọi người chú ý bao gồm các nghệ sĩ Tina Turner, Harrison Ford, (vợ là Melissa Mathison chính là người viết kịch bản cho phim Kundun), Oliver Stone, Herbie Hancock, Courteney Love, nhạc sĩ Philip Glass (cũng giúp trong phim Kundun) và ca sĩ Michael Stipe.

Phật giáo cũng còn được nhiều người khác đưa lên một cách tế nhị hơn. Thí dụ như có một loại phấn trang điểm có tên là Zen (Thiền) Blush, một phim ngắn trên TV đặt tên là Dharma (Phật pháp) và Greg, Lại có một chai đựng nước ngọt trên đó viết: “Xin ‘recycle’ chai này vì chai cũng sẽ có thể đầu thai lại được mà”. Lại có cả vài nhà sư lên TV giúp quảng cáo thương mại

Tất cả những hình ảnh đó không làm mất đi sự kiện là dân Úc đã thực ra hướng về Phật giáo rồi. Mấy số thống kê của chính phủ trong những năm 1986, 1991, 1996 cho thấy số người theo đạo Phật tăng trưởng đều đều. Từ năm 1986 đến 1991 số ấy đã từ 80,387 lên tớo 139,847, tức là đã gia tăng 74%. Trong mấy năm gấn đây, vì số di dân đến Úc giảm bớt nên tỷ số gia tăng Phật tử tại Úc cũng chậm lại, chỉ còn là 43% từ 1991 đế 1996 (139,847 lên 199,812), Tỷ số gia tăng này của Phật giáo vẫn còn cao hơn tỷ số gia tăng các tôn giáo khác

Cuộc thống kê trong 3 năm đó cho thấy trong số tám giòng Thiên Chúa giáo hoạt động ở New South Wales, chỉ có ba giòng có tín đồ gia tăng (Báp Tít, Ca Tô La Mã và Chính Thống), còn năm giòng kia (Anh giáo, Church of Christ, Lutheran, Presbyterian và Uniting Church) có số tín đồ giảm bớt.

Có phải là sự thay đổi bất thường này chỉ cho ta thấy là người Úc không còn thoả mãn với đức tin truyền thống của họ nữa? Hay là vì đạo Phật cạnh tranh hữu hiệu hơn đạo Thiên Chúa hay chỉ là kinh nghiệm tâm linh này có nhiều ý nghĩa hơn kinh nghiệm tâm linh kia?

Trong số 199,812 Phật tử ở Úc châu, có khoảng 30,000 là người Tây Âu, là những người đã tự ý “bước sang bên kia” với nền triết học mới. Họ đã từ là những “kẻ có tội với Thiên Chúa” đi sang với “Đông Phương Thần bí”. Số di dân từ những nước theo Phật giáo đến Úc có giảm nhưng Phật giáo Úc châu vẫn không ngừng phát triển, nhất là khi ngay tại địa phương đã có nhiều hỗ trợ. Năm 1938, một ông sư Thần học Nhật bản, khi thấy là Trung Quốc đã phải mất ba thế kỷ mới hòa nhập được Phật giáo từ Ấn độ vào, đã nói là đem Phật giáo vào Tây Âu chẳng khác gì để một cành hoa sen trên một tảng đá chờ cho hoa sen đâm chồi mọc rễ.

Trong những năm 1960 khi phong trào híp pi phản-văn-hóa nổi lên thì đã có không thiếu những thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, tài tử muốn thử vào an trú trong nội tâm qua triết học Phật giáo và hành Thiển. Như John Lemon đã dùng một bài chú để viết bản nhạc Across the Universe của anh ta. Allen Ginsberg cũng dùng một bài chú Phật giáo mà ban phúc lành cho vùng đất Woodstock trước khi mọi người kéo đến tham dự. Rồi đến Thiền Nhật bản Zen, lúc đầu được các thi sĩ Beat chấp nhận trong những năm 1950, cũng được mọi người hòa theo thay thế cho phong trào dùng ma tuý LSD để khai ngộ.

Quan trọng hơn phong trào hít ma tuý của những năm 1960, là khi cuộc chiến Việt Mỹ lên đến tột đỉnh, người phụ nữ đã đốt yếm để phản kháng, con người đã đặt chân lên mặt trăng, thì người ta đã thấy giai cấp trung lưu coi nhẹ bớt những giá trị của họ làm cho ý thức xã hội uyển chuyển hơn. Khi đó mọi người trong xã hội đã có thể thoải mái nghiệm thử một số tư tưởng mới (như nữ quyền, dân quyền, phong trào hòa bình, nếp sống mới, vân vân) mà không làm xã hội bị rối loạn như trước.

( CÒN TIẾP)