Tịch mịch
Phạm Thượng Chi

Sống ở đời phải cạnh tranh, cạnh tranh phải mệt lòng nhọc trí. Nên người ta ngoài cái thời giờ lao động thường hay khao khát một chốn tịch mịch để di dưỡng tính tình. Đương ở chốn ồn ào rậm rật, bước vào nơi vắng vẻ êm đêm còn gì thú bằng!

Cái thú đó ai cũng từng được biết, nhất là khi đi vãng cảnh ở một nơi chùa cổ, am xưa, vẻ bình tĩnh thanh nhàn lại càng dễ cảm con người ta lắm nữa. Bởi đâu mà trong cảnh tịch mịch có cái lạc thú thanh cao như vậy?

Nước khuấy thì bùn vấy, nước có lặn bùn mới trong. Cái ác trong lòng người cũng như đất bùn trong ao nước: khi bình tĩnh thì lẳng lặng dưới đáy ao, lúc khua động mới khuấy vấy lên trên mặt. Người ta sinh hoạt trong xã hội hằng ngày phải xung đột với kẻ khác để chiếm giữ cái địa vị của mình, thành ra trong lòng không bao giờ được yên tĩnh, cũng như ao nước không bao giờ được phẳng lặng, mà bao nhiêu cái xấu ác như bùn lầy vẩn đục cả lên, làm cho tấm lương tâm không bao giờ được trong sạch.

Nếu đem ẩn mình ở chốn am thanh cảnh vắng, bỏ lòng cạnh tranh mà vui thú yên hà, thời tự nhiên trong lòng bình tĩnh, sinh ra cái hứng vị thanh cao. Nhưng đó mới là cái thú tiêu cực mà thôi.Trong cảnh tịch mịch còn cái thú tích cực nữa.

Thơ cổ có câu : “ không sơn tịch mịch , đạo tâm sinh”, thời trong cảnh tịch mịch, không những cái tục tình dễ dẹp được, mà cái đạo tâm cũng dể gây nên. Người ta bỏ lòng cạnh tranh dễ sinh bụng đạo đức. Ta thường nhân những canh khuya vắng vẻ, một bóng một mình, bao nhiêu công việc ban ngày gác bỏ một nơi, ngồi mà suy nghĩ xa xôi dể sinh ra những tư tưởng hay ý tứ lạ, mới biết rằng cái phần tốt đẹp thanh cao ở người ta chỉ xuất hiện trong khi tịch mịch vậy. Hóa học cũng nghiệm rằng các chất tan trong nước phải nước lặng mới kết tinh lại được, cũng là một lẽ đó. Như vậy thời cảnh tịch mịch vừa dẹp xuôi cái bụng xấu, lại vừa khêu gợi cái lòng tốt của người ta, chẳng là một phép dưỡng tâm rất hay ở giữa đời thân tâm lao động này dư?