Trung Quốc 'đòi' trở về chính sách của thiên triều?

Trong lúc Bắc Kinh đang có rất nhiều tiếng nói khác nhau về chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng như hiện nay, nhìn vào quá khứ là một cách để soi mình trong tương lai.

Lịch sử luôn luôn để lại những bài học quý giá. Các cuộc chiến tranh, xung đột hay tranh chấp phần lớn đều đến từ các nguyên nhân lịch sử, viện cớ từ lịch sử và rút ra các kinh nghiệm từ lịch sử. Trong lúc Bắc Kinh đang có rất nhiều tiếng nói khác nhau về chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng như hiện nay, nhìn vào quá khứ là một cách để soi mình trong tương lai.

Với tình hình hiện tại đang gặp nhiều bất lợi về cơ sở pháp lý trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc đang tìm nhiều phương thức khác nhau để có thể đạt được lợi ích tối ưu nhất trong các tranh chấp. Hiện nay, "ẩn mình chờ thời" dường như đã không còn phù hợp, nhưng "trỗi dậy" quá mạnh mẽ lại tạo ra một ấn tượng hoàn toàn không tốt đối với các quốc gia xung quanh. Thứ mà người Trung Quốc muốn mổ xẻ chính là các phương pháp mà các triều đại Trung Hoa xưa đã vận dụng để đối phó với tình trạng "quấy rối" của các nước xung quanh.

Từ khi được hình thành, Trung Quốc luôn tự coi mình là nước lớn, là "trung tâm của vũ trụ", nơi mà các dân tộc xung quanh chỉ là "man di". Thế nhưng hiện nay, mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế và đặc biệt về quân sự, Bắc Kinh vẫn luôn cho rằng mình mới chính là nước "bị bắt nạt", rằng các quốc gia xung quanh như Việt Nam là "tiểu bá". Trung Quốc luôn đặt mình vào một thế yếu mà các học giả của họ cho rằng, những bài học lịch sử có thể giúp cho Trung Quốc nhận ra được tình thế hiện nay của mình. Một tình thế mà chỉ người Trung Quốc "mới hiểu".

Theo Chương Địch Vũ, một nhà nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì về thực chất, chính sách của các vương triều cổ đại ở Trung Nguyên thực chất chỉ mang tính phòng ngự là chủ yếu chứ không hề có ý "tấn công". Ông nêu ví dụ, nếu xét trên các tính toán về thực lực tổng hợp quốc gia như hiện nay, thì nhà Tống vào thời gian đó là lớn mạnh nhất so với các nước khác trên thế giới tại cùng thời điểm, khi GDP của Trung Quốc lúc đó chiếm 65% tổng lượng GDP của thế giới, thậm chí có thể đạt 80%. Nhưng dưới bề ngoài của một cường quốc, nhà Tống lại luôn gặp phải những vấn đề về an ninh quốc gia rất nghiêm trọng đến từ biên giới phía Bắc. Cách thức quan hệ với những tiểu quốc xung quanh của nhà Tống, cũng như của tất cả các Triều đại Trung Hoa cổ, theo Địch Vũ là sự thể hiện điển hình truyền thống "chưa bao giờ có những việc làm dính dáng đến khu vực xung quanh".


Ảnh: AP


Theo vị học giả này, mối quan hệ "sắc phong, triều cống" có cốt lõi là giữ yên khu vực xung quanh, đảm bảo cho chế độ thống trị giữ nguyên được quyền lực tập trung ở địa phương. Tuy nhiên, khái niệm thống trị như trên bị coi là "mong manh" vì không thể hiện được quyền lực thực sự của "mẫu quốc" khi không có quân đội trú đóng, việc "xưng thần nộp cống" cũng chỉ mang hình thức tượng trưng. Do đó, các quốc gia nhỏ hơn như Miến Điện, Triều Tiên hay Đại Việt khi đó vẫn liên tục có các "hành động quấy phá". Kết luận được đưa ra đó chính là "Trung Quốc không hoặc luôn không coi sách lược mang tính tấn công là phương thức chủ yếu để xử lý quan hệ với các nước xung quanh trong lịch sự vương triều phong kiến hơn 2000 năm".
Những nhận định như trên có thể khiến cho những người có một chút "ngây thơ" về lịch sử có thể ngộ nhận rằng Trung Quốc chỉ là một quốc gia yếu ớt đúng như cái cách mà người Trung Quốc nghĩ. Thế nhưng để nhìn nhận đúng đắn hơn không gì khác là nhìn lại lịch sử từ những góc nhìn đa dạng hơn. Nhà Tống dưới thời Tể tướng Vương An Thạch đang gặp khó khăn trăm bề. Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch đã chủ trương xâm lược Đại Việt, vừa thỏa mộng bành trướng từ lâu, vừa nhằm hướng mâu thuẫn ra bên ngoài và nếu thắng, với cái oai thắng trận, vừa giải quyết được mâu thuẫn nội bộ, vừa chế áp được các nước thù địch ở phương Bắc. Với ý nghĩa chiến lược như vậy, các hành động tiến hành xâm lược là điều đương nhiên. Việc nói rằng các nước nhỏ khác có những hành động gây hấn chẳng qua chỉ là một cái cớ để các triều đại Trung Quốc xưa hiện thực hóa các tham vọng bành trướng của mình mà thôi.

Những cái cớ như thế thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể thấy rằng "sắc phong triều cống" là một hành động để ràng buộc các nước nhỏ lại dưới ảnh hưởng của "thiên triều". Nếu các nước nhỏ đó tương đối mạnh, Trung Hoa sẽ vẫn có thể kiểm soát tương đối, nhưng nếu các nước đó yếu và đạt được một số yêu cầu lợi ích nhất định, Trung Hoa sẽ sẵn sàng đưa quân sang xâm lược. Và liệu rằng các triều đại phong kiến Trung Quốc đã vơ vét được bao nhiêu tài sản so với những "ân huệ nhỏ nhoi" mà họ "ban" cho các thuộc quốc?

Với những suy nghĩ như vậy, Chương Địch Vũ cho rằng ngày nay Trung Quốc cũng đang đứng trước một sự "lộng hành" của các "tiểu bá" như ngày xưa. Hàm ý rằng Trung Quốc không bao giờ cố ý gây hấn, và các nước xung quanh mới chính là kẻ "làm loạn" trước, học giả này cho rằng Bắc Kinh ngày nay không nên đi theo các kinh nghiệm xưa cũ nữa, phải đứng lên để "dẹp loạn" bằng các biện pháp cứng rắn hơn. Trung Quốc còn đang dần dần bị bao vây, và họ lo sợ cho điều đó. Nhưng có một điều Bắc Kinh không nhận ra được rằng chính những ngộ nhận sức mạnh và các tư tưởng nước lớn xưa cũ và hung hăng mới chính là cai bẫy đẩy họ vào tình thế như hiện tại. Tăng cường sự răn đe đối với các nước xung quanh, thông qua hiện đại hóa quân đội, hiện đại hóa các khả năng tiếp vận từ xa thông qua các lực lượng vận tại đường không chiến lược và đường biển chính là những phương thức phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Thành công của răn đe, xét về thực tế không chỉ bao gồm khoảng cách về chênh lệch sức mạnh mà còn vào nhận thức của bên bị răn đe. Tăng cường răn đe về lượng thông qua lực lượng quân sự và truyên truyền liên tục sẽ phần nào đó giúp cho Trung Quốc duy trì được các lợi ích chiến lược của mình với môi trường xung quanh đồng thời hạn chế sự "quấy rối" của các nước xung quanh.

"Răn đe" hiểu theo một nghĩa nào đó còn là phương thức sử dụng sự ồ ạt về lực để tạo thành một "cảm nhận tâm lý" về một Trung Quốc dám chấp nhận sử dụng vũ lực hoặc một lợi thế trên bàn thương thuyết. Tuy vậy "răn đe" đồng nghĩa với việc xem sức mạnh như lựa chọn ưu tiên. Trong bối cảnh hiện nay, -với việc mạnh nhưng vẫn chưa phải là vô địch, cộng đồng thế giới đang đi theo xu hướng xây dựng luật chơi dựa trên các nguyên tắc pháp trị và quan trọng hơn không gian châu Á Thái Bình Dương không phải duy nhất là thế giới của "thiên triều"- cách nghĩ "học người xưa' như học giả họ Chương đề nghị dường như không hợp lý, lẫn hợp tình, lẫn hợp pháp.

Nguyễn Thế Phương