(Tinh Vân)
Việc thế gian chẳng phải cứ chấp trước bèn có thể tiến bộ. Đọc sách chết mà không dùng cho sống động, chẳng thể được lợi ích. Giữ một chút không gian để chính mình chuyển thân; dư một chút thời gian, để chính mình suy gẫm, chẳng gấp chẳng hoãn, chẳng khẩn chẳng buông, đó chính là cửa vào đạo.
Có một học Tăng đến pháp đường thưa với Thiền sư rằng:
- Thiền sư! Con thường thường ngồi thiền, luôn luôn niệm kinh, dậy sớm thức khuya, tâm không tạp niệm, tự xét dưới tòa của Thầy không có ai dụng công hơn con, tại sao không cách gì khai ngộ?
Thiền sư cầm một hồ lô, một nắm muối hột đưa cho vị học Tăng, nói:
- Anh đem hồ lô này đựng đầy nước, rồi bỏ muối vào, cho nó hòa tan lập tức, anh sẽ khai ngộ.
Học Tăng vâng y theo lời mà làm, không bao lâu, chạy vào thưa:
- Miệng hồ lô quá nhỏ, con đem bụm muối bỏ vào, hòa tan không xong, lấy cây khuấy cũng chẳng động, con lại chẳng cách nào khai ngộ.
Thiền sư cầm hồ lô đổ ra một ít nước, chỉ lắc vài cái, khối muối liền tan hết. Thiền sư từ tốn nói:
- Một ngày từ sáng đến tối dụng công, chẳng để lại một chút tâm bình thường cũng như hồ lô đựng đầy nước, lắc không động khuấy không được làm sao tan muối? Làm sao khai ngộ?
Học Tăng:
- Chẳng lẽ là không dụng công mà có thể khai ngộ?
Thiền sư:
- Tu hành như đánh đàn, dây căng quá thì đứt, dây chùng quá thì khảy không ra tiếng. Tâm bình thường trung đạo mới là gốc ngộ đạo.