một câu chuyện nói về tâm yếu về thiền
Tâm Yếu Của Thiền

Đại thi nhân Bạch Cư Dị có lần hỏi thiền sư Duy Khoan:
- Thân, miệng, ý mỗi thứ tự tu hành thế nào?
Duy Khoan đáp:
- Vô thượng Bồ-đề, trùm ở thân là Luật, nói ở miệng là Pháp, hành ở tâm là Thiền. Ứng dụng thì có ba, kỳ thực là một mối. Như sông Hoài sông Hán, tùy chỗ đặt tên. Danh xưng tuy không đồng nhưng tánh nước chẳng khác. Luật tức là pháp, pháp chẳng lìa thiền. Thân miệng ý hợp nhất mà tu, thân miệng ý đều gọi là tâm vậy. Vì sao ở trong tâm vọng khởi phân biệt?
Bạch Cư Dị thưa:
- Đã không phân biệt lấy gì tu tâm?
Duy Khoan đáp:
- Tâm vốn không thương tổn, vì sao đòi tu? Cần biết đạo không kể dơ hay sạch, tất cả đều cốt chẳng nên khởi niệm!
Bạch Cư Dị:
- Dơ thì có thể bỏ đi không nên khởi niệm, còn sạch có thể không niệm được sao?
Duy Khoan:
- Cũng giống như mắt người, không thể chứa vật. Mạt vàng tuy là trân bảo, mà lọt vào mắt cũng là bệnh. Mây đen che bầu trời, mây trắng cũng che bầu trời.
Bạch Cư Dị:
- Vô tu, vô niệm đâu khác phàm phu?
Duy Khoan:
- Phàm phu thì vô minh hoài, Nhị thừa thì chấp trước mãi? Lìa hai bệnh vô minh và chấp trước này gọi là chân tu. Người chân tu không được siêng, không được quên. Siêng thì gần chấp trước, quên thì rơi vào vô minh. Đây là trọng điểm của tu tâm!
Bạch Cư Dị nghe xong tức thì rỗng suốt, đại ngộ. Về sau trở thành một hành giả Phật giáo thực tiễn.
Lời bình
Tất cả thế gian, có tốt có xấu, có lớn có nhỏ. Như bố thí, bố thí nhiều, nhiều công đức, bố thí ít, ít công đức. Nên tất cả đều có phân biệt. Thân tu thì không giết, không trộm, không tà dâm. Miệng tu thì không nói dối, không thêu dệt, không hai lưỡi, không nói ác. Ý tu thì không tham dục, không sân giận, không tà kiến. Thân miệng ý tu hành đương nhiên mỗi cái khác biệt. Nếu ở trên tự tánh chân tâm mà giảng thì vốn tự thanh tịnh, vốn tự đầy đủ, đâu nhờ tu chứng? Đâu có siêng - quên? Nên thiền sư Duy Khoan lấy đây làm Tâm yếu tu thiền.