kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Chuyện linh thiêng về những người đã mất

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chuyện linh thiêng về những người đã mất

    Chuyện linh thiêng về những người đã mất



    Chị Hoàng Liên Thái bên mộ của liệt sỹ Hoàng Kim Giao.

    Trong chuyến thăm mộ người anh trai là liệt sỹ Hoàng Kim Giao tại nghĩa trang Nam Đàn, chị Hoàng Liên Thái thấy một con bướm nâu đậu lên vai, chị xua mãi không chịu đi. Đến khi chị về Hải Phòng, con bướm nâu ở nghĩa trang hôm nào lại xuất hiện trong nhà chị, đậu lên tấm huy chương của anh Giao, vài ngày sau thì nằm chết trên bàn thờ.

    Cách đây không lâu, trong khi trò chuyện về những chi tiết bếp núc xung quanh bộ sách tư liệu “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” một bạn đồng nghiệp ở báo Giáo dục và thời đại đã hỏi: “Anh có tin vào tâm linh không?”. Tôi trả lời ngay: “Đây không phải là chuyện tin, hay không tin. Bởi đó là những điều hết sức thiêng liêng, cao cả và hoàn toàn có thật!”.

    Tại sao liệt sĩ Lê Văn Huỳnh lại có thể biết trước được ngày tháng mình sẽ hy sinh, biết nơi đồng đội sẽ chôn cất mình ở thôn nào, xã nào... trong khi chiến trường thì ác liệt và mặt trận rộng lớn mênh mông như thế; để rồi viết những dòng thư vĩnh biệt đẫm nước mắt, sau mấy chục năm vẫn còn chính xác tới từng chi tiết nhỏ?

    Nhờ đâu mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lại có thể hẹn ước với người mình yêu bằng những linh cảm kỳ lạ, dự báo chính xác trước gần 4 năm

    Và còn nhiều, rất nhiều những chuyện bí ẩn như thế, mà tôi muốn chép gửi tới bạn đọc trong số báo nhân ngày 27/7 năm nay...

    Từ chuyện người phụ nữ có những giấc mơ kỳ lạ...

    Người phụ nữ ấy có cái tên thật mộc mạc: Vũ Thị Lưu Liên (tức Lui), hiện đang cùng gia đình trú tại khu 7A9, tập thể Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (Cầu Giấy), Hà Nội. Thời trẻ, chị Lưu là cô gái xinh đẹp, hát hay, nên ngoài nhiệm vụ kế toán của Xí nghiệp Ươm tơ thuộc huyện Hoài Đức (Hà Tây), chị còn thường xuyên được “trưng dụng” làm diễn viên ca múa trong đội văn công xung kích của tỉnh...

    Người yêu của chị, anh Trần Minh Tiến, là bạn học từ nhỏ, cùng Trường phổ thông Lê Hồng Phong, thị xã Hà Đông. Anh Tiến vào bộ đội năm 1963, thuộc Sư đoàn 308. Mối tình của họ thật đẹp và lãng mạn. Hai người đã dự định xin phép gia đình và cơ quan để tổ chức lễ cưới, thì đầu năm 1968 anh nhận nhiệm vụ vào chiến trường B...

    Đêm chia tay, họ ngồi bên nhau thức trắng để nói bao điều về hạnh phúc. Như nhiều đôi trai gái yêu nhau thời chiến, anh tặng chị chiếc nhẫn đuya-ra có khắc hình trái tim, chị tặng anh chiếc khăn tay có thêu bông hoa hồng, với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhưng anh nói: “Nếu em nhận được chiếc khăn tay này từ người khác trao lại, thì có nghĩa là anh không còn nữa, em hãy đi lấy chồng”. Đó cũng là “mật ước” giữa hai người...
    Điều lạ lùng là chị Lưu có một khả năng linh cảm đặc biệt. Cứ sau mỗi ngày bận rộn với công tác cơ quan, hoặc đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ... đêm về, hễ nhắm mắt lại là chị lại gặp anh trong giấc mơ... Chị Lưu đã hình dung ra từng chặng đường hành quân gian lao vất vả của anh Tiến suốt dọc Trường Sơn. Những cảnh lội suối, vượt thác, băng rừng, sốt rét, bom đạn... đã diễn ra như một cuốn phim sống động đến kỳ lạ.
    Tất cả những điều ấy đều được chị Lưu ghi vào nhật ký. Có tới hàng chục cuốn sổ nhật ký mà sau này đọc lại, đồng đội của anh đều không khỏi kinh ngạc, vì độ chính xác của nó cứ như chị Lưu là người trong cuộc vậy.

    Cho tới một đêm, chị Lưu thấy anh Tiến cùng đơn vị đã vào tới Khe Sanh... Một trận đánh đẫm máu diễn ra... anh bị trọng thương, rồi hy sinh... Đó là ngày 31/5/1968. (Sau này giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến cũng xác nhận anh hy sinh tại đồi Làng Cát, mặt trận Khe Sanh đúng ngày đó). Sáng dậy, chị Lưu khóc hết nước mắt, nhưng nói ra thì những người xung quanh đều không tin, chỉ động viên chị “đừng tin vào ác mộng”.

    Vài tháng sau, một đêm nọ Lưu lại nằm mơ và thấy đơn vị của anh Tiến đã từ chiến trường hành quân ra Bắc. Anh mặc quân phục đã bạc màu, người gầy xanh, buồn rầu nói với chị: “Hãy đến ngay huyện Thạch Thất để nhận di vật của anh gửi lại”. Anh còn dẫn đường đi chi tiết cho chị: đến ngã ba nào rẽ trái... gặp cây cầu nào rẽ phải... qua cánh đồng rộng bao xa... đến xã ấy... thôn ấy...

    Gần bốn giờ sáng, chị không sao ngủ được nữa, vùng dậy lấy xe đạp một mình đạp về Thạch Thất. Chị đi như người mộng du, nhưng đầu óc thì tỉnh táo vô cùng. Tới địa chỉ như đã dẫn trong mơ, chị gõ cửa một nhà dân, gặp đúng Đại đội trưởng Kiều Thuần (hiện là Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tây) vừa thức dậy, tay cầm bát sắt “B52” và khăn mặt đi ra giếng để đánh răng rửa mặt. Anh Thuần ngạc nhiên hết sức, bởi đơn vị của anh vừa bí mật hành quân tập kết về địa phương lúc nửa đêm. Nhiều người dân trong thôn còn chưa biết có bộ đội mới về.

    “Chúng tôi định nghỉ ngơi vài ngày, rồi mới báo cho chị và gia đình biết để nhận lại di vật của anh Tiến” – Người Đại đội trưởng ái ngại nói với chị Lưu như vậy. Và ngay sau đó, chị đã nhận được chiếc khăn tay quy ước giữa hai người... Chị bật khóc: Vậy là anh Tiến đã không bao giờ trở về nữa!
    Một năm sau, chị Lưu lấy chồng. Chú rể là anh Nguyễn Doãn Hùng, một sĩ quan trẻ, sau này là giáo viên dạy tiếng Nga. Anh Hùng đã đem lòng yêu mến chị Lưu từ lâu... Nhưng chị không giấu giếm bảo: “Em đồng ý lấy anh, vì anh Tiến đã “báo mộng” bảo phải như vậy. Tình yêu em đã dành cho anh ấy hết rồi. Nếu anh chấp nhận được thì chúng mình cưới nhau”. Anh Hùng đồng ý. Bây giờ họ đã có với nhau ba mặt con, (hai trai, một gái), tất cả đều thành đạt…

    ... Đến con bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn...

    Chị Hoàng Liên Thái là giáo viên của Trường THCS Võ Thị Sáu, Tp. Hải Phòng. Người anh ruột của chị, liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã hy sinh tại mặt trận Quân khu Bốn năm 1968, trong một lần phá bom nổ chậm. Quả bom thứ 72 định mệnh đã nổ tung, khiến thi hài của anh tan nát. Đồng đội cố gắng hết mức, cũng chỉ thu lại được một gói nhỏ...
    Theo phong tục của đồng bào địa phương, để hình hài người liệt sĩ được nguyên vẹn, đủ xương cốt cho linh hồn siêu thoát, bà con đã cho thêm vào trong quan tài mấy con cá nhỏ... và mai táng tại nghĩa trang huyện Nam Đàn (Nghệ An).

    Sau ngày người anh trai hy sinh, gia đình chị Thái đã nhiều lần vào thăm mộ anh tại nghĩa trang Nam Đàn. Đặc biệt, từ tháng 12/2004 tới nay, chị Thái đã một mình vào Nghệ An ba lần. Có lần chị đi tàu suốt đêm, xuống ga Vinh thuê xe ôm vào tới nghĩa trang trời vẫn còn tối... Giữa mênh mông những ngôi mộ, gió thổi u ù, một mình chị bật lửa mãi mới châm được bó hương mang theo. Ánh lửa lập lòe khiến người quản trang cứ ngỡ... có ma (!). Vậy mà người phụ nữ ấy không sợ. Hay nói chính xác hơn, chị không có cảm giác sợ hãi mỗi khi nghĩ tới người anh trai.

    Trong chuyến thăm mộ ngày 29/4/2005, chị Thái mang theo cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (tập 1) có đăng 7 lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Khi đặt tập sách lên mộ, thắp hương, rồi khấn vái... bó hương đang âm ỉ bỗng cháy bùng lên, dù lúc ấy nghĩa trang đang lặng gió. Chị Thái còn chưa hết ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy hiện tượng ấy bao giờ, thì có một cánh bướm màu nâu đậm, to bằng nửa bàn tay, từ đâu bay tới đậu lên vai chị. Dùng tay phất đuổi, cánh bướm vẫn không chịu bay đi, nó cứ lượn vòng quanh rồi đậu lên bia mộ... Vẫn biết đó có thể chỉ là sự trùng hợp tình cờ, nhưng chị Thái bỗng rùng mình, ớn lạnh, cảm giác như có ai đó đang nhìn mình, ở ngay bên cạnh mình...

    Chưa hết, ngày hôm sau, khi đã về tới Hải Phòng, chị Thái kinh ngạc khi nhận ra con bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn hôm trước đang có mặt trong nhà mình. Lạ hơn nữa, là con bướm đang đậu trên tấm huân chương của liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Mọi người trong nhà rất mừng, nhưng 4 ngày sau, con bướm ấy đã nằm chết trên bàn thờ, dưới bức ảnh ông cụ thân sinh của người liệt sĩ. Chị Thái nhẹ nhàng nâng xác con bướm đã khô lên và khóc... Chị đã quyết định ép nó vào cuốn sổ tay và gửi cho tôi bản chụp cánh bướm ấy.

    “Anh Thạc ơi, nếu có linh thiêng!...”

    TS. Phạm Thị Như Anh, người bạn gái thân thiết của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc kể: Trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Thái Lan từ châu Âu về Việt Nam, người ta tổ chức bốc thăm may mắn. Giải thưởng là một tấm vé máy bay khứ hồi, giá trị cả ngàn đôla. Vốn không tin vào những trò may rủi và rất hiểu đó cũng chỉ là một “chiêu tiếp thị” khách hàng, cả ngàn khách thử vận may mới có một người trúng, nhưng chị Như Anh vẫn vui vẻ tham gia.
    Trước khi bốc thăm, trong đầu chị chợt nghĩ đến anh Thạc. Tin rằng nếu như có linh hồn, thì nhất định anh ấy sẽ luôn ở bên cạnh và giúp đỡ chị. Và chị Như Anh thầm khấn: “Thạc ơi, nếu có linh thiêng thì giúp em đi!”. Thật bất ngờ, lát sau, cô tiếp viên xinh xắn tiến lại thông báo và chúc mừng chị đã trúng thưởng...

    Kể từ đó, những khi buồn đau, vấp ngã trong cuộc sống và khó khăn nhất trong kinh doanh, những khi tưởng chừng như không vượt qua nổi, chị Như Anh đều nhớ đến anh Thạc và thầm gọi tên anh như một câu thần chú: “Thạc ơi, nếu linh thiêng thì giúp em đi!”. Có thể, đó chỉ là hy vọng, là niềm tin vào những gì tốt đẹp nhất trên đời; nhưng nó đã giúp chị không gục ngã trước số phận, vượt qua mọi thử thách và thành công.

    Tháng 7 này, TS. Phạm Thị Như Anh sẽ trở lại Việt Nam. Dự định của chị là sẽ cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, những người bạn học cũ và bạn chiến đấu của anh... vận động thành lập Quỹ học bổng mang tên Mãi mãi tuổi hai mươi, để hàng năm có thể hỗ trợ cho những sinh viên nghèo học giỏi văn trên cả nước. Sinh thời, anh lính binh nhì yêu văn chương ấy luôn mơ ước làm được điều gì đó để cống hiến cho văn học nước nhà.

    Theo CAND- Đặng Vương Hưng
    Last edited by Bin571; 19-10-2007 at 10:50 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •