Sử gia Nhật Bản say mê mũ của bộ đội Việt Nam

Cập nhật lúc 13 AM, 08/08/2012

Ông Tai Odaka khiến nhiều người kinh ngạc vì khả năng nói tiếng Việt nhuần nhuyễn, những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam cùng bộ sưu tập mũ kepi "độc nhất vô nhị".

(ĐVO) Ông Tai Odaka sinh sống tại Chiba, Nhật Bản, là nhà nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam và đã có thời gian lưu học tại khoa Sử, ĐH Hà Nội từ năm 1992-1993.

Nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô chuyên về sử học của nhà trường nên ông Tai được dự một số giờ giảng tại Viện nghiên cứu Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng. Có lẽ, đó cũng là xuất phát điểm để ông Odaka bỏ thời gian và công sức cho bộ sưu tập các loại mũ của lực lượng vũ trang Việt Nam qua các thời kỳ.

Bộ sưu tập mũ của ông Tai Odaka cơ bản được chia làm ba thời kỳ: thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và mũ thời hiện đại.

Ở thời kỳ chống Pháp, nổi bật trong bộ sưu tập của ông là chiếc mũ nan thời 1940-1954 đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ này. Bên cạnh đó, là chiếc mũ sắt Nhật do Việt Minh sử dụng.

Đến thời kỳ chống Mỹ, số lượng mũ trong bộ sưu tập trở nên phong phú hơn với đủ các loại từ mũ cối, mũ kepi sĩ quan cho đến mũ vải mềm tai bèo...

Không chỉ sở hữu các loại mũ sử dụng trong các đơn vị hải quân, lục quân, không quân, biên phòng... với đủ cấp bậc từ hạ sĩ cho đến cấp tá, cấp tướng... Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Odaka còn có cả mũ của cảnh sát giao thông, cảnh sát biển, công an phường và mũ kepi của hàng không Việt Nam thời trước.



Ông Tai Odaka, nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Từ sở thích đến say mê lịch sử

Chia sẻ với Đất Việt, ông Odaka cho biết, cơ hội sưu tầm các loại mũ của lực lượng vũ trang Việt Nam bắt đầu từ khi ông sống tại Việt Nam, trong quãng thời gian chuyển đổi từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới.

Ông Tai Odaka tâm sự với Đất Việt, vốn dĩ ông có sở thích chơi mũ từ nhỏ. Khi còn bé, ông chuyên tâm sưu tầm mũ Pháp. Sau này, khi bắt đầu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ cuối những năm 1980, ông đã bỏ công tìm kiếm, mua lại hoặc nhờ người quen tại Việt Nam kiếm hộ.

“Hồi tôi sống ở Việt Nam từ năm 1994-1996, tôi có điều kiện mua nhiều loại mũ. Ở một số nơi, mua bán rất dễ dàng vì nhiều người cho rằng đó là hàng hóa. Nhưng nhiều chỗ thì ngược lại, họ nghĩ những đồ thời chiến tranh là kỷ niệm nên tôi phải thuyết phục họ tặng cho mình là nhiều. Tất nhiên, tôi cũng sẽ tặng lại cái gì đó để "có đi có lại", ông Odaka cho biết.

Không chỉ “săn lùng” mũ trong lãnh thổ Việt Nam, ông Odaka còn đặt mua được nhiều loại mũ qua mạng thương mại điện tử, với người bán ở Pháp, Mỹ và Đức.


Chiếc mũ nan thời chống Pháp quý hiếm trong bộ sưu tập của ông Tai. Ảnh do nhân vật cung cấp.


Ông Odaka cho hay, sau khi quan tâm tìm hiểu về lịch sử hiện đại của Việt Nam, ông đặc biệt thấy thú vị về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân Việt Nam. Trong đó, vấn đề đảm bảo hậu cần như quân trang, lương thực luôn luôn dựa vào sự quyên góp của nhân dân.

Tuy nhiên, điều khiến ông Tai băn khoăn là rất hiếm những tư liệu cần thiết khi nghiên cứu các vấn đề trên. “Như lịch sử mũ cối. Hầu như chẳng ai biết nguồn gốc của nó mặc dù mũ này là một trong những biểu tượng của quân đội từ xưa. Đi hỏi về lai lịch một cách nghiêm túc và tỉ mỉ thì không ai biết đến được”, ông Odaka dẫn chứng.

Đó cũng chính là lý do thôi thúc ông tự sưu tập để kiểm tra chất lượng và so sánh mũ của các thời, từ đó dần dần tăng số lượng, mặc dù chưa phải là đầy đủ nhất.

Những kỷ niệm khó quên

Khi nhắc đến những kỷ niệm trong quá trình sưu tập của mình, ông Odaka cho biết điều ấn tượng nhất đối với ông là màu sắc quân trang của sĩ quan thường không ổn định.

“Tôi nhớ những sĩ quan ở Hà Nội mà tôi từng gặp vào năm 1992-1993 đều ăn mặc không thống nhất. Ví dụ đội mũ mềm, áo khoác K82, quần đều khác màu. Mũ kepi khi đó chất lượng cũng chưa được tốt. Gần đây, quân đội đã thông nhất quân trang mới và ăn mặc theo điều lệ một cách nghiêm túc”, ông Odaka nhận xét.

Ông Odaka cũng cho biết thêm, sự thay đổi về quân phục đó, cũng như việc tác phong kiểu trước có ảnh hưởng thế nào trong quá trình thay đổi cũng là một trong những chủ đề mà ông đang quan tâm và theo dõi.



Mũ cối cánh cụp, khoảng những năm 1970. Ảnh do nhân vật cung cấp.


Không chỉ có những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tự sưu tầm, ông Tai Odaka còn có nhiều kỷ niệm đẹp với con người Việt Nam, những người đã không ngần ngại tặng lại ông đồ vật quý giá của cuộc đời họ.

Ông kể rằng: “Gần đây, tôi được tặng một mũ kepi K82 từ bố của một chị bạn quen khi còn ở Hà Nội. Bố chị lưu giữ mũ ấy rất cẩn thận, gần như còn mới tinh. Khi chị bạn đó biết tôi đang sưu tập mũ thì đã kể với bố và bố chị đồng ý tặng lại tôi ngay không hề ngần ngại”.

“Ngoài ra, tôi cũng từng được tặng áo trấn thủ năm 1955. Tôi quen một người sang Nhật công tác và có dịp nói chuyện về bộ sưu tập của mình. Sau đó, khi quay trở lại Nhật, cô đã mang tặng tôi chiếc áo. Tôi rất ngạc nhiên, tại sao đồ quý hiếm thế này mà lại tặng lại tôi thì cô bảo, bố chồng của cô khi biết chuyện về tôi đã đồng ý cho cô tặng lại tôi để có thể giữ được lâu dài. Tôi rất xúc động và hứa với người tặng sẽ giữa mãi kỷ niệm của bác”, ông nói.

Chính những kỷ niệm tuyệt vời như vậy đã khiến cho ông Odaka luôn tâm niệm rằng sẽ không bao giờ phân tán các đồ sưu tầm của mình, và những chiếc mũ mang tính lịch sử này sẽ mãi mãi nằm trong nhà ông.

“Tôi đã kiếm được một số mũ rất hiếm mà có lẽ bảo tàng ở Việt Nam cũng không có. Theo tôi, các bảo tàng quân sự nên đầu tư thêm nữa, tìm kiếm thêm nhiều hiện vật lịch sử để trưng bày, giúp du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người say mê lịch sử có cái nhìn toàn diện hơn”, ông Odaka nói.