Ý Niệm Hiếu Đạo Nhân Đại Lễ Trung Ngươn

Hằng năm vào ngày Rằm tháng 7 , Hội Thánh đều cử hành Đại Lễ Trung Ngươn – Chư tín hữu , nhứt dạ chí thành cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ , vạn tội được giảm tiêu , đắc độ cao siêu , tiêu diêu hạnh hiển nơi Cực Lạc Quốc , cha mẹ hiện tiền và lục thân quyến thuộc được thêm phước đức …
Phật Đạo , ngày này là ngày đại lễ và Đại Hội Vu Lan Bồn do theo sự tích báo hiếu của Đức Mục Kiền Liên

Đại Lễ Trung Ngươn Rằm tháng bảy vốn là ngày báo hiếu trọng đại vậy

Đã sanh làm người , ai cũng thọ Tứ Trọng Ân , cần phải báo bổ cho tròn đạo nghĩa . Bốn ân lớn là :

-Ân sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ
-Ân Sư Trưởng dày công giáo hóa
-Ân chúng sanh và Quốc vương Thủy thổ
-Ân Tạo Hóa của Đức Đại Từ Phụ và Đức Đại Từ Mẫu

I/ Ân Sanh Thành Dưỡng Dục Của Cha Mẹ

Trong quyển Phương Tu Đại Đạo của Đức Hộ Pháp viết vào năm 1928 , Đức Ngài có giảng dạy về ân đức sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ , xin trích một đoạn như sau :

“…Công chính tháng cưu mang biết bao nghĩa nặng , lọt lòng ra toàn vẹn còn hoi hóp thì Cha Mẹ đã mừng , chăm sóc vú sữa , búng cơm , lo lo sợ sợ trong cơn sốt mảy nóng mình …

… Trời trở khí đủ đau , đắp nghẹt hơi đủ chết . Đêm ngày bồng ẵm , nghe tiếng khóc đã buông cơm , lóng hơi rền đà bỏ ngủ …

…Nâng niu con từ bé , mắt ngó chẳng mỏi tròng , dầu con đã nên mụ nên ông , cũng còn nhớ bế bồng khi bé túi …”


Vì ân đức sanh thành dưỡng dục quá lớn lao cao trọng đó nên Đức Phật dạy ta “Hiếu Thảo Vi Tiên” , nghĩa là Hiếu Thảo đứng đầu muôn hạnh . Dầu lấy núi Đại Tu Di làm bút , nước Động Đình Hồ làm mực cũng không thể nào mô tả cho hết công ân khó nhọc , những nỗi khổ đau của Cha Mẹ đối với con , vì rằng :

“Búng cơm nắm thịt tình nên thẩm,
Giọt sữa gầy xương nghĩa quá dài”


Vậy Đạo làm con cái , báo bổ ân thâm , nghĩa cả của Cha Mẹ thế nào ? Xin dẫn mấy vần thơ sau đây của Đức Hộ Pháp nhủ khuyên Đạo Làm Con phụng dưỡng Đấng sanh thành . Thơ rằng :

“Cơn bịnh hoạn ân cần lo thuốc
Khi rầu buồn dịu ngọt khuyên lơn
Làm cho vui đừng chọc giận hờn
Già giận dữ một cơn đủ chết
Lo dòm sắc ,coi chừng khỏe mệt
Coi miếng ăn, ăn hết ăn còn
Nếm đồ ăn miếng dở vật ngon
Xem từ món , món hiền món độc
Đồ y phục cần lo săn sóc
Dưỡng song thân khó nhọc đừng sờn”


…………………………………………..

Với tài trai xây dựng Đại nghiệp , Đức Ngài tế nhị nhắc nhở Hiếu Đạo rằng :

“Trai lớn khôn tứ hải ngũ hồ
Vai gánh nặng cơ đồ công Tổ Phụ
Phải hiểu rõ hai điều vinh xú
Hiếu tông môn qui cũ nghiệp nhà”

Bậc Hiền tài , trang Quân tử báo ân Phụ Mẫu như thế nào ?
Đức Khổng Phu Tử dạy như thế này :

“Cố quân tử khả dĩ tu thân , tư tu thân , bất khả dĩ bất sự thân , tư sự thân , bất khả dĩ bất tri nhơn , tư tri nhơn , bất khả dĩ bất tri thiên”

Nghĩa là : Cho nên bậc quân tử cần phải tu tập lấy mình .muốn tu tập lấy mình , cần phải ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ , muốn ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ, cần phải biết người , tức là Nhơn Đạo muốn biết người , cần phải biết trời tức là Thiên Đạo

Ôi cái hiếu đạo của người quân tử cao trọng là dường ấy

Còn về các quan chức , các bậc lãnh đạo quốc gia vốn là bậc phụ mẫu chi dân , báo ân phụ mẫu cùng tiền nhân như thế nào ? trong sách Trung Dung Đức Khổng Thánh khen ngợi Võ Vương và ông Châu Công là bậc đại hiếu , chí thành vầy :

Tiền kỳ vị , hành kỳ lễ , tấu kỳ nhạc , kính kỳ sở tôn , ái kỳ sở thân , sự tử như sự sanh , tự vong như sự tồn , hiểu chi chí dã ( Nghĩa là : Sự có hiếu đúng mực của vua Võ Vương và ông Châu Công là giữ được địa vị của ông cha trọng , mến những người mà ông cha yêu , thờ người thác như thờ người sống , trọng người đã qua như trọng người hiện tiền )

Cái cao cả của người con hiếu là noi giữ được nguồn gốc của tiền nhân .Thì ra chỉ có hạng người trung liệt , tiết khí trong sạch , đạo nghĩa tròn đầy , mới nắm vững mối giềng Hiếu Đạo đó được

Tóm lại báo ân phụ mẫu không ngoài sự cung kính , phụng sự vấn an “Nhứt triêu nhứt tịch kính bài mộ khang” siêng năng Tu Học , sớm bước vào ngưỡng cửa của Thiên Đạo , tìm phương dẫn độ cha mẹ giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh sanh tử tử trầm luân

II/ Báo Ân Sư Trưởng và Ân Chúng Sanh

Sự hiểu biết của chúng ta không ngoài sự thừa hưởng bao nhiêu sự kinh nghiệm , lich duyệt của Thầy , của bạn , của xã hội viên thành . Chúng ta đã được trưởng dưỡng trên ân thâm của xã hội , của chúng sanh nào là :

Nông phu , thợ dệt , thợ hồ , các công thợ nơi xưởng ….cho ta cơm ăn , áo mặc , nhà ở , vật dụng hằng ngày , nào trâu cày , bò ngựa kéo xe , gia súc cung cấp thức ăn gián tiếp hoặc trực tiếp …

Đã thọ ân thâm trọng như vậy , chúng ta báo ân bằng cách nào cho vẹn tròn hơn là siêng năng học cho thấu , biết cho rành , làm việc với đầy nhiệt huyết hiến dâng cho nền phúc lạc an bình của cả chúng sanh , tu học cho đến mức toàn thiện hầu dâng đến cùng khắp chúng sanh ánh Đạo Vàng giải thoát , bằng tình thương yêu nồng nàn tự tại , bất tuyệt nhuần đượm khắp cả sanh linh

III / Ghi Ân Quốc Vương Thủy Thổ

Các bậc quan chức, bậc lãnh đạo , quyết định vận mạng tồn vong quốc gia vai oằn gánh nặng trách nhiệm mà toàn dân phú thác. Các Ngài ấy phải bận lo dếp đặt việc chính trị , việc đối ngoại , tận dụng tài năng giữ vững cơ đồ . Do đó , chúng ta mới được an cư lạc nghiệp

Với thâm ân đó , chúng ta phải tự thức giác là siêng năng làm ăn lương thiện , dạy dỗ con cháu noi theo đường chơn chánh , đạo nghĩa đừng làm con giặc tôi loàn và luôn luôn tinh tấn tu học , chừng đắc đạo hầu độ lại các bậc ấy , như vậy mới đúng theo Công Lý Thiên Đạo

IV/ Kính Thờ Thượng Đế

Trước khi niệm hồng danh Đức Chí Tôn , chúng ta niệm Phật , niệm Pháp , niệm Tăng , tức là niệm Tam Bảo

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ , Đức Chí Tôn là Đức Phật Chủ sanh hóa ra vũ trụ và muôn loài . ngài là nguồn gốc của sự sống , nguồn gốc của đại giác ngộ . Không một loài nào không thọ sự sống nơi Ngài . Không một sự giác ngộ nào là không trở về cùng Ngài . Bởi thế trong Thánh Ngôn Đức Chí Tôn hằng dạy :

“ Thầy là Các Con – Các Con là Thầy”

Cái lý cùng vi tột diệu của lời dạy nầy , phải chăng Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ nhắc nhở rằng : Môn Đồ cũng như toàn cả Nhơn Sanh khắp Càn Khôn Thế Giái đều thọ sự sống nơi Ngài , thì hãy báo ân vô lượng đó cho Ngài bằng cách :

“CÁC CON LÀ THẦY”

Nghĩa là hãy dẫn độ cho cả sanh linh đều được giác ngộ đồng nguyên với bản thể đại giác của Đức Đại Từ Phụ

Ôi cái đức hạnh của Đấng Chủ Tể Càn Khôn dạy Môn Đồ là cái đức bao trùm cả muôn loài , đến vô tận ….đấy là một khái niệm Báo Ân Đấng Phật Chủ tức là Đức Chí Tôn đó vậy

Thế nào là Báo Ân Pháp ?

Đức Chí Tôn đã ban cho Môn Đồ hoặc Hiền Đồ của Ngài Kinh Luật Pháp Chánh , Chơn Truyền , Thánh Ngôn ….thì đều ban Ân Pháp đầu tiên để thọ giữ Chơn Pháp , đừng biến cải e lạc sang Tả Đạo . Ban Ân Pháp không ngoài Hành Pháp Tận Độ cho cả sanh linh được giải thoát , không ngoài nghĩa chuyển vận cả trí huệ hỗ trợ cho Cơ Tận Độ và Cơ Tấn Hóa chung của Đức Đại Từ Phụ

Thế nào là Báo Ân Tăng ?

Hội Thánh là Tăng ! Là Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế . Chúng ta phải luôn luôn cung kính vâng lời dạy dỗ và chí thành trợ giúp công việc hoằng dương Chánh Pháp của Hội Thánh bằng mọi khả năng và phương cách mà ta hiện có . Vì báo ân cho Hội Thánh tức là báo ân cho Đức Chí Tôn. Đều này mỗi Tín Hữu Cao Đài đều thông hiểu

Phần kể ở đoạn trên đây chỉ là khái niệm về phương cách báo Tứ Trọng Ân

Và phần báo ân cho Cửu Huyền Thất Tổ cùng thân bằng quyến thuộc quá vãng , Tín Hữu Cao Đài nhờ Hội Thánh dâng sớ lên Đức Đại Từ Phụ cùng Các Đấng Thiêng Liêng . Nhờ sự cầu nguyện của Hội Thánh và tấc lòng chí thành của Tín Hữu thọ trì Di Lặc Chơn Kinh mà chư Hương linh Cửu Huyền Thất Tổ cùng các Hương linh khác được giải thoát . Vì Di Lặc Chơn Kinh là bổn kinh do Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Văn Phật giáng cơ ban cho , rất quan yếu cho Cơ Tận Độ của nền Đạo . Quyền năng vô lượng của kinh này sẽ giải thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ cũng như tất cả các vong linh quá vãng , hàm an lợi lạc cho cả Vạn Linh Sanh Chúng thoát khỏi được nạn binh bao , nước lửa , đói khát , đoạn dứt mê si , trần cấu , uy lực thẳng bước thẳng lên nấc thang Chánh Giác Vô Thượng . Ai thọ trì kinh này là Tự Độ và Độ Tha vậy .

Với lại nghiệp chướng đều do Tâm thức sanh ra . Kinh Đại Thừa của Phật dạy rằng : “Tôi tánh bổn không , bởi vọng tưởng đảo điên mà có . Vì nếu tâm luân chuyển thì cảnh biến dời , tâm yên lành thì cảnh thanh tịnh trong sáng”

Phải chăng bậc chơn tu liễu đạo , dùng niệm lành để dứt ác niệm , dùng ánh trí huệ phá tan ngục tối mê si . Do đó mà Đức Thế Tôn dạy rằng : “ Địa Ngục do nơi tâm mà Niết Bàn cũng do nơi tâm tạo ” Và với cái Tâm thanh tịnh , từ ái , chí thành , đại hiếu của bậc Chơn Tu chuyển pháp Tận Độ của diệu pháp Di Lặc Chơn Kinh qua nghĩa hữu cảm tất hữu ứng , hữu ứng tất hữu thần mà Cửu Huyền Thất Tổ được đắc độ cao siêu là lẽ đương nhiên. Và phải chăng vì lẽ đó nên có câu rằng “ Nhứt nhơn đắc đạo cửu huyền siêu”

Vậy Đạo làm con cháu phải nhớ đến cội ngườn Tổ Phụ mà đêm đêm chí thành thọ trì Di Lặc Chơn Kinh để cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng và Cha Mẹ hiện tiền được thêm phước đức …Thế Giái được an bình lạc hạnh .

Ở đời làm người muôn hạnh lấy hiếu thảo làm đầu . Điều này đã được Đức Đại Từ Phụ ưu ái dạy rằng :

Chữ hiếu phải lo vẹn phận người
Sanh thành Đạo trọng há đâu chơi
Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn Đạo
Thì có mong chi đến Đạo Trời

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

( Trích Thông Tin Đại Đạo Số 10 ra ngày 10 tháng 7 năm Canh Tuất – trang 6-7-8-9-10-11 )


Nguồn : caodaitayninh.plus.vn