* ÔNG GÌA NÔ EN VÀ TỤC TẶNG QUÀ GIÁNG SINH DO ĐÂU MÀ RA?

* CHÚA JÉSUS RA ĐỜI VÀO LÚC NÀO?



Sưu khảo của ĐẶNG VĂN NHÂM



LỜI TÁC GỈA. - Tôi viết bài khảo cứu này chỉ nhắm mục đích trình bày một sự thật của lịch sử. Các tài liệu đều căn cứ trên thánh kinh, và lịch sử Thiên Chúa Giáo. Tôi không tìm cách bịa tạc, hay có ẩn ý nào. Mong độc gỉa bốn phương, dù thuộc bất cứ tôn giáo nào hiểu cho. Đặng Văn Nhâm cẩn chí.



MÙA GIÁNG SINH



Ngay từ khi mở mắt chào đời, hay nói đúng hơn, kể từ ngày bắt đầu có trí khôn, con ngưòi đã thấy hiển hiện mỗi năm một lần, đúng theo chu kỳ niên lịch, ngày 24. tháng 12, một lễ Giáng Sinh tưng bừng náo nhiệt. Người ta nghe ông bà, cha mẹ, và các người chung quanh kháo nhau rằng: Đó là lễ kỷ niệm đấng Chúa cứu thế ra đời!



Nghe sao biết vậy và tin vậy. Thiên hạ làm sao thì mình cứ làm đúng y như thế. Và rồi dòng đới cứ thế trôi đi, trôi đi mãi, hết thế hệ này sang thế hệ khác, hết đời này đến đời nọ. Hằng năm cứ đến cuối tháng 12 dương lịch là con người, từ Đông sang Tây, khắp mặt điạ cầu, không phân biệt có đạo hay ngoại đạo, lại một lần nữa đua chen mua bán, sắm sửa tưng bừng, náo nhiệt, để mừng lễ Giáng Sinh. Không khí rộn ràng kích thích con người đến mức tận cùng cao độ. Đây là mùa vung tiền mua sắm, trang hoàng, và chưng diện. Đây cũng là mùa trao đổi, biếu xén quà cáp, ăn nhậu linh đình, chè chén no say, phè phỡn. Vì thế mùa này cũng là mùa đã xảy ra nhiều thảm cảnh bi thương đột ngột, mùa tai nạn xe cộ, mùa tự tử, và mùa của chán chường thất vọng...



Tuy gọi là ngày kỷ niệm đấng cứu thế ra đời, nhưng người ta chẳng hề nghe ai nói lời chúc tụng liên quan đến tinh thần Thiên Chúa, chúc mừng Chúa, hay tặng quà cho Chúa... Người ta chỉ nghĩ và nói đến chuyện tặng ai món qùa gì cho vừa ý, và riêng mình đã nhận được những món qùa gì đáng gía, do thân nhân tặng. Tuyệt nhiên chẳng ai nghĩ đến việc phải làm gì xứng đáng, để làm quà dâng lên đấng cứu thế cho đẹp lòng người, mà hằng ngày họ vẫn thường cầu xin, van vái mỗi khi gặp hoạn nạn, hay có những khó khăn, đau buồn. Như vậy, ai cũng thấy rõ ràng: lễ Giáng Sinh chính ra chỉ là ngày hoan lạc, chớ không phải là một ngày lễ tôn giáo thuần túy.



Nhân dịp Giáng Sinh năm nay, tôi muốn các bạn hãy cùng tôi thử bình tâm suy nghĩ và tìm hiểu trong giây lát xem căn nguyên đại lễ này từ đâu phát xuất, và đã diễn ra tự bao giờ? Nhất là giữa đêm khuya ngày 24. 2. có đúng là ngày, là lúc đấng cứu thế đã ra đời không? Và trong kinh sách có chỗ nào đề cập đến đại lễ kỷ niệm sinh nhật của đấng Jésus Christ hay không?



Đi sâu vào lãnh vực này, chúng ta không khỏi giật mình kinh ngạc, trước những lời gỉai đáp cùng với những chứng tích hùng hồn, minh thị sự sai lầm của nhân loại, nhất là của giới Thiên Chúa Giáo, đã diễn ra suốt 20 thế kỷ qua.



CHÚA ĐÃ KHÔNG RA ĐỜI GIỮA ĐÊM ĐÔNG LẠNH LẼO!



Chúng ta tìm đọc tất cả những tài liệu lịch sử về cuộc đời của đấng cứu thế, cũng như đọc kỹ lại kinh thánh, chúng ta không hề tìm thấy một chứng tích nào hay một câu nào, dù ngắn ngủi, nói đến ngày giánh sinh của đấng cứu thế. "Thực sự chúa đã ra đời tại nơi những người chăn cừu đã phải sống ngoài trời, để canh chừng bầy cừu của họ lúc ban đêm"(LUKE 2: 8). Nhưng, những người chăn cừu ấy, và cả bầy cừu nữa, không thể nào sống nổi, ở ngoài trời, cả ngày lẫn đêm, suốt một mùa đông dài, đầy gió mưa lạnh lẽo, là thời tiết thường xuyên, tự cổ chí kim, ở vùng JUDEA. Ngay cả vào lúc tháng Tư, đầu mùa xuân, khi chúa bị đóng đinh trên cây thánh gía, thì thời tiết ở đó vẫn còn lạnh kinh khủng. "Những viên chức và sĩ quan đã phải đốt lửa than để sưởi ấm, vì tiết trời quá lạnh. Và thánh PETER đã phải đứng chung với họ để cùng sưởi ấm" (JOHN 18: 8). Như vậy, rõ ràng sự ngủ ngoài trời, giữa cánh đồng mênh mông, của những mục tử, và sự sanh đẻ một hài nhi, rồi đặt nằm tơ hơ trong máng cỏ, giữa thời tiết gía lạnh khủng khiếp như thế không thể nào xảy ra được! (LUKE 2: 7).



Từ những dữ kiện nêu trên, hiển nhiên chúng ta phải hiểu rằng: thực sự chúa Jésus đã không ra đời vào bất kỳ một ngày nào đó, trong tháng 12 dương lịch. Vả lại, sự kiện kinh thánh và các sử liệu, không nơi nào đề cập đến ngày ra đời của chúa, chứng tỏ rõ ràng ngài không muốn hậu thế kỷ niệm ngày đó. Ngay cả môn đồ thân cận nhất của ngài là thánh PAUL cũng không bao giờ đề cập, hay nói đến ngày sinh nhật của chú Jésus Christ.



TỤC "CHRISTMAS"LÀ GÌ, ĐÃ DIỄN RA TỰ BAO GIỜ?



Trước hết, chúng ta phải biết rằng: chữ CHRISTMAS, hay là CHIRST S MASS, hoặc MASS OF CHRIST, NOEL hay JULETIDE v. v... đã không hề được ghi trong thánh kinh. Ngay cả trong Tân Ước Kinh cũng không có chỗ nào đề cập đến. Theo công trìnhï khảo cứu của các học gỉa Tây phương, tục lệ Giáng Sinh CHRISTMAS, chỉ là một đại lễ liên hoan vào cuối tháng 12, đầu tháng Giêng dương lịch. Một tục lệ đã diễn ra từ lâu, hàng mấy ngàn năm tại Âu Châu, trước khi chúa Jésus Christ ra đời.



Điều này chẳng có gì cao siêu hay bí mật hết thảy. Chỉ những người thiếu trình độ khảo cứu, và không có tinh thần tìm hiểu, mới không biết đến mà thôi. Theo tự điển Bách Khoa Toàn Thư BRITANNICA của Anh quốc: "Tục lệ CHRISTMAS là một phát triển theo giòng thời gian, đã diễn ra từ lâu, trước thời kỳ Thiên Chúa, là một truyền thừa của ảnh hưởng mùa màng, của những người vô tôn giáo, cùng với những thực tiển quốc gia, đã được tô điểm thêm, bởi những truyền thống và truyền thuyết hoang đường. "(Encyclopedia Britannica, 15 th Edition, article "Christmas").



Chúng ta nên biết, vào thời cổ xưa, hàng mấy ngàn năm trước Thiên Chúa, con người nhận thức rằng: cuộc sống của họ tùy thuộc hoàn toàn vào MẶT TRỜI. Bởi mặt trời đã đem đến ánh sáng, và nhiệt khí, giúp cho muôn loài sinh vật, thảo một, ngũ cốc, hội đủ yếu tố sinh tồn, và phát triển. Bởi thế con người thời cổ xưa đã chiêm ngưỡng MẶT TRỜI như một vị thần linh tối thượng. Đặc biệt hơn hết là tại các vùng đất thuộc Bắc Bán Cầu, vào khoảng cuối tháng Chạp, ngày rất ngắn, bầu trời thường âm u, và đêm tối trở nên rất dài. Thuở còn bé, ở trung học, giờ Géographie, thầy tôi thường kể chuyện: Vùng Bắc Âu, thời tiết âm u quanh năm, 6 tháng ngày và 6 tháng đêm. Vào mùa hè, mặt trời và mặt trăng mọc song song với nhau. Nơi đây có giống miên thử, HIBERNATE, đã ngủ suốt mùa đông...



Nay, không ngờ vì hoàn cảnh đất nước, tôi lại trôi dạt đến định cư tị nạn tại vùng này. Sống lâu ở đây, tôi mới thấy ánh sáng mặt trời và ánh nắng là qúy gía vô ngần. Tuy Đan Quốc không lạnh lẽo âm u như vùng cực bắc quả địa cầu, nhưng về mùa đông cũng băng gía và tối tăm, ảm đạm lắm. Mùa này thường là mùa dân Đan Mạch, và cả vùng Bắc Âu, tự tử nhiều nhất!



Trong suốt thời gian một mùa đông dài lê thê, tối tăm, lạnh lẽo, người dân địa phương đã cố gắng làm tất cả những gì có thể được, để đem lại chút ánh sáng, dù là gỉa tạo, bằng ngọn lửa, để làm vui mắt và sưởi ấm lòng người, đồng thời biểu lộ lòng mong ước sớm được đón rước ánh dương quang. Trường hợp ấy, dân chúng thường tổ chức các đại lễ linh đình, để ca ngợi ánh sáng mặt trời, và tán thưởng những tia nắng ấm. Đến thời Đông Chí, ngày bắt đầu dài hơn. đây là thời kỳ "mặt trời tái sanh", hay tái xuất hiện, khiến cho con người lại có dịp vui mừng, mở hội liên hoan. Căn nguyên tục lệ này đã có từ 4 ngàn năm trước đây, chớ không phải mới có, sau khi chúa Jésus Christ sanh ra đời.



CÂY GIÁNG SINH VÀ CHỮ: "JULE"



Theo các tài liệu tôi tham khảo đã chứng minh, cây giáng sinh đã phát hiện tại xứ Nhật Nhĩ Man, từ thời trung cổ. Nhưng xa xưa hơn thời đó, tổ tiên của giống dân Nhật Nhĩ Man đã có tục trang hoàng nhà cửa với cành thông xanh, và ánh sáng của ngọn lửa đuốc hay nến, vào tiết mùa đông. Bởi lý do: cây thông luôn luôn xanh tươi bền bỉ, suốt mùa đông không hề đổi săùc, nên dân tộc cổ Nhật Nhĩ Man đã chiêm ngưỡng loại cây này, với màu xanh tươi của nó, như một biểu tượng của sự sống bền bỉ, của một tinh thần thanh khiết, cao qúi. Trong khi đó, người La Mã trang điểm cây thông bằng những món trang trí lòe loẹt, rẻ tiền, kể cả đồ chơi của trẻ con, trong tiết mùa đông. Mặt khác, giống dân DRUIDS (loại dân như thể đạo sĩ, phù thủy, pháp sư... thuộc một hệ thống giáo phái xưa, ở trong các vùng: Gaule, Britain, và Ireland, trước thời kỳ Thiên Chúa) đã trang điểm cây giáng sinh bằng những trái táo gỉa, mạ vàng, hay mạ bạc, treo trên cành lá.



Thực là khó mà nói cho chính xác, tục này đã phát sinh và phổ cập trong đại chúng vào thời kỳ nào. Nhưng theo truyền thuyết mà nhiều người đều biết, thì sự trang điểm ấy có ý nói lên ý mghĩa lợi ích và sinh động của cây giáng sinh, tượng trưng cho một cuộc sống lợi lạc, phong phú, trên vườn địa đàng. Từ khởi điểm ấy, ngày nay, ta thấy cây giáng sinh chẳng những được trang hoàng bằng đèn nến đủ màu lộng lẫy, với các loại trái no tròn, đủ màu, đẹp mắt. Bên dưới, gốc cây thông còn là chỗ để chất đống các món qùa và thiệp chúc mừng giáng sinh.



Hiện nay tôi và một số đồng bào đang sống lưu vong tại Đan Mạch, một quốc gia lân bang của giống dân Nhật Nhĩ Man, mà ngôn ngữ Đan Mạch phần nhiều đều pha trộn chữ của Nhật Nhĩ Man, Anglo-Saxon, và Gaulois... Đặc biệt nhất là chữ: "JULE", JULE LOG, và JULETIDE v. v... gốc Nhật Nhĩ Man thuần túy. Chữ "JULE" chữ mà dân DRUIDS đã dùng trong tục lệ đốt lửa mùa đông của họ. Chữ "JULE" đã bắt nguồn từ chữ Anglo-Saxon cổ xưa là: "HWEOL", có nghĩa là: "WHEEL", là bánh xe. Bánh xe tròn vốn là tượng trưng của mặt trời.



ÔNG GIÀ NÔ -EN



Người VN gọi là: Ông Gìa Nô En. Người Pháp gọi là: PÈRE NOEL, hay PAPA NOEL. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Pháp, nên cũng nhái theo, gọi là: "Ông Gìa Nô-En". Nhưng dân chúng các nơi khác, có chỗ gọi là: SANTA CLAUS, FATHER CHRISTMAS, ST. NICOLAS, ST. MARTIN, WEIHNACHTMANN v.v... Dù cho gọi tên gì chăng nữa, hình ảnh ông khách gìa nua, lạ lẫm, xuất hiện giữa đêm đông cũng vẫn chỉ là một. Râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ vải đỏ, mặc quần áo đỏ, chân mang đôi ủng cao đến đầu gối, ông gìa kỳ dị, có tính cách hoang đường, huyền thoại ấy, giữa đêm 24, rạng ngày 25, tháng 12, hằng năm, đều xuất hiện bất ngờ, đem quà đến cho trẻ con. Lối vào nhà của ông gìa hoang đường ấy, theo truyền thuyết, là ống khói của lò sưởi. , nhà bếp... Trẻ con, theo lời xúi biểu của cha mẹ, thường treo chiếc vớ lớn ở cửa lò sưởi, để cho ông gìa bỏ quà vào.



Chúng ta thấy màu đỏ của ông già Nô En tượng trưng cho màu của mặt trời (thần mặt trời), của lửa (bà Hỏa). Dân Tàu và dân VN, hằng năm còn có tục cúng lễ táo quân vào ngày 23 tháng Chạp, âm lịch. Ngày đó, chúng ta quét dọn, lau chùi bếp nút sạch sẽ, để đưa đón Táo Quân, hay Thần Lửa, Thần Mặt Trời cũng thế!



TỤC BIẾU XÉN, TẶNG QÙA CHO NHAU



Nhiều người đã lầm tưởng, tục tặng quà lẫn cho nhau là bắt chước cổ tục 3 vị đạo sĩ, đã theo thiên tượng, tìm đến hầu chúa hài đồng Jésus, để dâng phẩm vật lên ngài.



Để bổ chính điều này, chúng ta phải căn cứ vào thánh kinh, và sử liệu mới được. trước hết, chúng ta nên biết rằng, khi nghe tin chúa hài đồng đã giáng sinh, bọn chăn cừu, chăn chiên ở vùng BETHLEHEM đã có thể đến ngay nơi đó, để hầu chúa. (LUKE 2: 16). Nhưng ngược lại, 3 vị đạo sĩ đã từ những vùng xa xôi, cách biệt, chiếu theo thiên tượng, cỡi lạc đà (chớ không đáp phản lực cơ như ngày nay), tìm đến nơi chúa đã ra đời. Ba vị này đã đến từ miền Đông, với phong tục và tập quán của riêng dân vùng đó là: dâng lễ vật lên nhà vua, mỗi khi họ có dịp yết kiến. Họ đi theo một lộ trình lòng vòng của những người không am tường địa thế. Trước hết, họ đến Jérusalem, rồi từ đó họ mới tìm đường đến được BETHLEHEM (MATT. 2: 2). Khi họ đã đến được Bethlehem, thì chúa hài đồng Jésus không còn ở trong máng cỏ của những người chăn cừu nữa. Chúa hài đồng và gia đình đã trở về nhà (MATT. 2: 2). Theo sự ước tính của các nhà sử học Thiên Chúa, có lẽ lúc ấy chúa hài đồng đã được 2 tháng rồi, hay hơn thế nữa.



Khi vua Herod nghe các vị pháp sư Do Thái, và các vị đạo sĩ nói rằng: chúa hài đồng Jésus ra đời, để cai trị dân Do Thái, làm vua dân Do Thái, thì sinh lòng lo sợ cho ngai vàng và địa vị của mình. Vua Herod đã hỏi thăm cặn kẽ về lộ trình, cùng thời gian mà 3 vị đạo sĩ đã đến Jérusalem, rồi đến Bethlehem, hầu chúa, để tính cho chính xác thời gian trưởng thành của chúa hài đồng. Sau khi đã tính ra thời gian trưởng thành của chúa hài đồng, vua Herod mới hạ lịnh cho binh sĩ đi lùng xục khắp nhân gian, để tàn sát tất cả những đứa con trai từ 2 tuổi trở xuống. (MATT. 2: 16). Nhưng không giết những đứa trẻ mới sanh. Herod đã phải gia tăng số tuổi, lên 2 tuổi, để phòng ngừa mọi sự sơ xuất, mà chúa hài đồng có thể vuột thoát cuộc tàn sát ấy.



Khi các vị đạo sĩ đã tìm đến được nơi chúa Jésus ra đời, họ đã dâng lên ngài những phẩm vật mà họ đã đem theo, đúng theo tục lệ của dân tộc xứ họ. (MATT. 2: 11). Nhưng chúng ta nên nhớ, đó không phải là quà giáng sinh đâu nhé. Vì lúc bấy giờ chúa đã lớn trọng rồi. Hơn thế nữa, , các vị đạo sĩ đã dâng phẩm vật lên chúa hài đồng, lên chúa Jésus, chớ không phải đến đó, để trao đổi quà tặng với chúa, như chúng ta đã thường làm ngày nay, là trao đổi tặng vật lẫn cho nhau.



Chúng ta hãy thử tưởng tượng ra một khung cảnh: Chúng ta đến mừng sinh nhật một người mà chúng ta tôn kính. Khi đến nhà người đó, các khách khứa vui sướng, hân hoan, trao đổi qùa cáp lẫn cho nhau, chúc tụng nhau hạnh phúc, nhưng chẳng một ai đếm xỉa gì đến người chủ nhà có sinh nhật, chẳng một ai thèm nói một lời nào chúc mừng sinh nhật gia chủ. Như vậy, các bạn thấy có chướng tai, gai mắt không?



Một điểm đáng chú ý khác: tục lệ tặng quà cho trẻ con, ngụy tạo Ông Gìa Nô En, dối gạt trẻ con rằng: những món quà ấy do Ông Gìa Nô En đã đem đến trong đêm giáng sinh. Điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần tôn trọng SỰ THẬT của Thiên Chúa giáo!



CHÚA JÉSUS ĐÃ RA ĐỜI VÀO LÚC NÀO?



Như trên đã trình bày, chúa Jésus thực sự đã không ra đời vào một đêm đông, như mọi người trong chúng ta đã lầm tưởng. Vậy thì chúa đã giáng sinh vào lúc nào?



Đây là một câu hỏi thật chính đáng, cần phải được trả lời cách nghiêm chỉnh. Kinh điển và sử liệu thiên Chúa Giáo thật mênh mông. Một bài báo ngắn ngủi không thể nào dẫn chứng đầy đủ hết được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin tóm lược các yếu tố và nêu lên các sự kiện chính yếu sau đây, để bạn đọc tường lãm:



Căn cứ trên kinh điển, chúng ta được biết: Đức Bà Đồng Trinh Maria đã hoài thai chúa Jésus 6 tháng sau khi bà Elizabeth đã thọ thai thánh John The Baptist. (LUKE I: 24-38). Bà Elizabeth vốn là chị em họ với đức bà Maria. Chồng bà Elizabeth tên Zacharias, thầy tư tế trong một ngôi đền thờ ở Jerusalem. Được biết, khi bà Elizabeth đã mang thai được 6 tháng, là vào khoảng tháng 12. Vậy, thánh John The Baptist sẽ ra đời vào khoảng tháng Ba, hay chậm lắm là vào đầu tháng Tư. Như vậy, đương nhiên chúa Jésus phải ra đời vào khoảng tháng 9, hay đầu tháng 10, tức vào mùa Thu, cuối mùa gặt. Lúc bấy giờ mọi người dân ở Do Thái phải đến Jerusalem để hoàn tất nghĩa vụ thuế má, đóng thuế cho nhà cầm quyền. Thời gian ấy cũng là dịp để dân Do Thái tổ chức lễ lạc liên hoan vào mùa Thu hằng năm. Chắc chắn trong thời gian này, ông thánh Joseph và đức bà Maria cũng phải có mặt tại đây, để đóng thuế như mọi người khác. Nhưng vì số dân đi đóng thuế qúa đông. Nhiều người không thể nào kiếm được chỗ trọ ở những phạn điếm, trong thành Jerusalem. Họ phải ra tạm trú tận ngoài xa, vùng Bethlehem, trên dãy đồi Judea, thuộc miền Nam thành Jerusalem. (cách khoảng 6 dặm).



Mặt khác, vẫn theo kinh điển Thiên Chúa Giáo, chúng ta được biết: chúa Jesus bắt đầu đi giảng đạo, khi ngài vừa 30 tuổi (LUKE 3: 23), giữa lúc mùa Thu (A. D 27). Vậy, ngài phải sanh ra đời vào khoảng cuối mùa Hè, đầu mùa Thu, năm thứ 4 trước T. C. (xin nhớ là: dương lịch không có năm 0, Zéro, đâu nhé!).



Tóm lại, ngày 25 tháng 12 vốn là ngày lễ liên hoan mừng thần MẶT TRỜI, và thần SATURN của dân vô tôn giáo Roman. Theo dân vô tôn giáo Roman, thần SATURN là thần CANH NÔNG và THẢO MỘC. Nhưng theo nghĩa khoa học bây giờ, Saturn là một hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ. Vòng thứ 6 hành tinh này có 10 vệ tinh liên hệ, cách xa mặt trời khoảng 1. 425 triệu cây số ngàn.



NGUYÊN NHÂN SAI LẦM TRONG LỊCH SỬ



Đến đây, chắc có người còn thắc mắc, tự hỏi: tại sao lại xảy ra một sai lầm trọng đại như thế trong lịch sử?



Theo tôi, ngoài những lý do đã nêu trên, còn một nguyên nhân chính yếu nữa, mà chúng ta chẳng thể bỏ qua, không đề cập đến. Đó là cách tính niên đại sai lầm của một vị tu sĩ người Ý Đại Lợi, tên là Dionysius Exiguus. Nhà học gỉa này đã hiểu lầm về thời kỳ cai trị của đại đế Herod, vua xứ Judea. Do đó, ông đã tính sai ngày, tháng, và năm sanh của chúa Jesus. Vị học gỉa ấy cho rằng, cuộc khai hoa nở nhụy của đức bà đồng trinh Maria đã diễn ra vào tháng 12, năm 753 A. U. C. (ab urbe condita) nghĩa là kể từ ngày xây thành ROME.



Chúng ta nên biết: ngày xưa người ta thường lấy ngày xây thành ROME, La Mã, làm mốc thới gian, để tính niên lịch.



Như vậy, theo lối tính của Dionysius, thì ngày 1 tháng 1, năm 754 A. U. C. trở thành ngày 1. tháng 1 A. D. (Anno Domini: năm chúa). Từ đó, ông ta đã suy luận ra rằng: chúa Jesus đã ra đời 1 tuần lễ trước ngày 1 tháng 1 A. D. I. , tức là ngày 25 tháng 12.



Về sau, người ta đã khám phá ra sự tính toán sai lầm của Dionysius về niên đại của vua Herod, tức căn bản để tính ra ngày, tháng sinh ra đời của chúa Jesus. Nhưng tiếc thay, tất cả đều đã qúa trễ, để sửa chữa và thay đổi. Nhất là kể từ khi đức giáo hoàng Julius Đệ Nhất đã ban chiếu chỉ, ra lệnh thừa nhận ngày 25 tháng 12 là ngày Giáng Sinh, (năm 351 A. D.), và danh từ "CHRISTMAS DAY" đã được công khai sử dụng trong giới tín đồ Thiên Chúa Giáo khắp hoàn cầu.



ĐẶNG VĂN NHÂM

(Đăng ngày 23.12.2007)

:ciao: :ciao: :ciao: