kết quả từ 1 tới 14 trên 14

Ðề tài: Ngậm ngãi tìm trầm

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Ngậm ngãi tìm trầm

    Ngậm ngãi tìm trầm
    Thanh Tịnh



    Hôm ấy chúng tôi vào phía rừng Kim Vân gần chân núi Trời để đo mấy khoảnh ruộng tranh mới vỡ. Ðường đi gồ ghề và hóc hiểm lắm đoạn phải lội qua suối nước lên quá lưng quần.

    Chúng tôi đi một dây dài cho có vẻ nhiều và mạnh. Thật ra đường cũng hẹp, không thể đi hàng hai được. Ði trước là người mang hòm máy rồi đến người xách mấy mo cơm nắm và thức ăn. Tôi đi giữa, phía sau tôi là hai người cầm "ra lông" và "mia". Tôi chỉ cầm bản đồ để dò đường nên phải đưa mắt nhìn quanh mãi. Vào giữa trưa, chúng tôi đến đầu địa phận làng Thanh Mỹ. Trời về tiết hạ nhưng may cũng chưa nắng gắt. Có lẽ vì nhờ hơi đá bốc lên cao và khói sương ủ xuống nặng. Trời tuy nắng nhưng thời tiết có vẻ dễ chịu. Qua khỏi đồi thông, am Sơn Thần, trước mắt chúng tôi hòn núi Truồi dựng lên sừng sững, oai nghiêm như một vị linh thần. Sườn núi từ trên cao chạy xuống từng đường trắng, rồi tỏa rộng bốn bề trông như những ngọn thác lùa đá ùn thành đồi.

    Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi ăn trưa thì may gặp một nền nhà cũ bỏ hoang khá bằng phẳng.

    Chung quanh nền nhà có mấy thanh sắt dựng lên thật cao. Bên tay trái có mấy sợi dây thép dằng qua lại giữa hai cây sắt đã dỉ cùn đầu. Cây bìm bìm tha hồ thả dây leo và đang kết thành một hàng rào lá chạm lọng khá dày. Quái lạ, một hàng rào sắt bao quanh một nền nhà đất sét! Thật là một chuyện lạ ra ngoài tưởng tượng. Hay đây là bãi chiến trường xưa...?

    Tôi đang phân vân muốn biết chuyện hàng rào sắt thì một bà lão thấy chúng tôi ngồi ăn, liền đến đứng xem. Và cũng nhờ bà ta, chúng tôi mới biết câu chuyện sau đây:

    "Xóm Bình Lư hồi ấy có độ trên mười nóc nhà. Xóm ấy thuộc về làng Thanh Mỹ thượng. Họ chuyên nghề vào rừng đốn củi hay đi săn. Cách sinh kế của lớp người này rất đơn giản. Rừng núi đã chu cấp cho họ gần hết vật liệu họ cần dùng. Thiếu gạo đã có ruộng rừng, họ ra công cày cấy lấy. Ðồ ăn phần nhiều là thịt hươu nai ướp muối hay ép thật khô. Thỉnh thoảng họ mới xuống chợ bán củi để mua ít thức cần, phần nhiều là vải, muối hay diêm. Ðời họ ở xa cách thành thị, có tiền nhiều họ cũng không biết sắm thêm gì và không vượt ra khỏi cơm ngày hai bữa. Hy vọng của họ cạn và gần, và nhờ thế rất dễ được mãn nguyện. Trong xóm ấy có hai vợ chồng bác Diệm nhà nghèo nhưng ở với làng nước rất thảo. Bác gái là người làng Ngô Xá ở Quảng Trị. Lấy nhau sáu năm bác gái sinh được một trai và một gái. Thấy trong nhà nhiều miệng ăn, muốn cho vợ con được no ấm, bác trai liền nghĩ cách vào núi tìm trầm. Nhưng tìm trầm rất khó, không phải đôi ba ngày mà tìm ra được. Có khi phải đi đến hàng tuần hàng tháng. Rồi kết quả lắm lúc cũng chẳng ra gì. Ðó là chưa nói phải vào tận trong núi xanh và vượt qua nhiều cánh rừng nguy hiểm. Muốn tránh tai họa, người đi tìm trầm phải ngậm ngải. Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ cây do người Mọi ở Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong lò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Ðoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Ðoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra.

    Ngải lúc ấy là một cái bùa thiêng có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn không uống cũng sống được. Và thú dữ dù đi sát bên cạnh cũng không thấy mình được. Nhưng hạn trong ba tháng mười ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật.

    Chuyện ngậm ngải tìm trầm, thổ dân ở các dải núi miền Trung cho là rất thường. Cái mỉm cười ngờ vực đối với câu chuyện họ nói về sức phi thường của ngải sẽ quyến được cái quắc mắt giận dỗi hay cái trề môi ngạo nghễ của họ ngay vì họ quá tin đến dám xem thường tất cả người nào không chịu tin như họ, nghĩa là không hiểu rõ sức uy hùng bí mật của rừng thẳm núi cao.

    Bác Diệm trai vào rừng đã gần ba tháng nhưng vẫn chưa thấy ra. Bác gái ngày nào cũng nhìn vào núi Truồi để chờ tin tức. Có lẽ chỉ lần này bác trai mới vào rừng lâu nhất. Mấy lần trước bác chỉ đi trong một vài tháng là nhiều. Bác gái ngày đêm lo sợ nhưng cũng không biết làm sao được. Bác liền đi hỏi thăm mấy nhà hàng xóm. Có người an ủi lấy cớ bác Diệm rất thông minh, thế nào bác cũng nhớ về nhà đúng kỳ hạn. Lắm người bông đùa một cách quái ác, là nói bác đã vào tận Bình Ðịnh, Quy Nhơn, rồi lấy vợ bé trong ấy rồi. Bác Diệm gái vẫn trông mong chồng và đêm nào cũng ra phía sau nhà nhìn về phía dãy Trường Sơn bát ngát. Nhưng dải núi thì cao và hùng vĩ quá, không thể đem lại sự yên lành trong tâm hồn chất phác của cô gái quê được.

    Ba tháng mười ngày đã qua từ lâu. Bác Diệm gái lại càng lo sợ hơn nữa. Ðêm nào bác cũng ra đứng giữa sân thẫn thờ nhìn về dãy núi, rồi đến đêm khuya bác với trở vào nhà ngồi khóc rấm rứt.

    Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, rất nặng nề trong lòng người mong đợi. Rồi giữa một đêm trăng mờ cuối thu, Bác Diệm gái bỗng nghe tiếng rú xa xa, đứt quãng rồi kéo dài rất ảo não. Bác Diệm tung chiếu chạy ra sau nhà, tim đập mạnh và tay chân run lập cập.

    Phía xa trên một đồi nhỏ, lọt trong rặng thông lơ thơ, một bóng người đang nhìn về xóm Bình Lư đã từ lâu im lìm trong đêm vắng. Tuy chưa nhận rõ là ai, linh tính đã báo cho bác biết đó là chồng bác, bác Diệm trai. Rồi không suy tính, bác đâm đầu chạy ra, lòng mừng khấp khởi. Nhưng mới chạy được một quãng ngắn, bác đã lạnh người đứng dừng lại. Một tiếng rú nghe lạnh và uất như một người câm cố thét lên để nói được tiếng của loài người.

    Tuy sợ nhưng lòng bác Diệm gái thương chồng mạnh hơn. Bác gắng sức chạy đến chân đồi, cái bóng đen liền chờn vờn đi lại phía bác, hai tay thả lỏng, đầu gật gù lưng cúi lom khom. ánh trăng thu giây bụi vàng nhạt trên mớ tóc dài đen nháy của con người kỳ dị lại làm bác gái giật mình, muốn đứng lại ngay. Giữa lúc ấy bác nhận thấy một manh áo nâu đã rách tươm còn vướng trên cổ người ấy... Thôi rồi! Chồng bác đã gần hóa hổ, bác run sợ và bồi hồi... Nhưng bác cũng cố đứng nhìn và đợi. Cái bóng đen vừa tiến đến vừa rên hừ hừ, như bị ngạt trong cổ. Lúc thoáng thấy cặp mắt chồng đã tròn xoe và hoe sáng như lửa, cằm đã mọc râu dài và thưa, bác Diệm gái liền đi thụt lùi rất gấp. Nhưng bác vấp phải một cành cây nằm ngang ở phía sau. Bác thét lên một tiếng rồi ngã nhào, chết ngất.

    Sáng hôm sau, lúc bừng mắt tỉnh dậy, bác Diệm gái thấy mình đang nằm trên giường nhà. Hỏi mấy người đến thăm, bác mới biết tiếng rú đêm qua, dân xóm đều nghe rõ ràng cả. Họ cũng lần ra phía đồi để xem thì gặp lúc bác nằm chết ngất trên cành cây khô. Mấy người khiêng bác về nhà. Còn những người bạo dạn thì lấy roi hèo đánh đuổi con người quái lạ kia đi. Nghe đến đấy bác Diệm gái mở lớn đôi mắt, băn khoăn hỏi:

    - Dân xóm có đánh người ấy à?

    Một ông lão đáp:

    - Không, chỉ doạ thôi. Thật ra cũng không ai dám đến gần hắn.

    Bác gái nói thầm như để một mình nghe:

    - Chồng tôi đó!

    Nói xong bác ứa nước mắt thở dài một cách ngao ngán.

    Luôn mấy đêm sau, bác Diệm gái ra sau nhà đứng nhìn về phía mấy ngọn đồi nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng chồng đâu nữa. Bác lại trở vào nhà âm thầm nằm đợi nghe tiếng rú.

    Qua tháng sau, một buổi chiều, bác xuống chợ Truồi mua gạo thì bác trai mon men vào nhà. Bác đem theo một buồng chuối hoang và mấy trái cam dại. Hai đứa con mới nhận thấy bác đã khóc vang lên. Bác lo sợ cúi gầm đầu xuống và đưa cam chuối cho chúng ăn. Chúng thấy người ấy không làm gì hại và còn cho ăn tử tế thì ngồi yên lặng ngay.

    Bác Diệm trai muốn vuốt ve con, nhưng tay bác sờ đến đâu, áo quần của hai đứa nhỏ rách toang đến đấy. Thì ra móng tay bác đã sắc và nhọn lắm rồi.

    Thừa lúc đứa con trai quay mặt nhìn ra sân bác Diệm liền thè lưỡi liếm đầu nó. Bác muốn tỏ vẻ yêu mến con, lòng bác còn là lòng người, nhưng chao ôi, cử chỉ của bác đã nhuộm đầy vẻ thú. Lưỡi bác đã rám và sắc hơn dao rồi. Chỉ đưa đi đưa lại mấy cái, tóc đứa con đã rụng tua tủa. Hai đứa con sợ quá, liền bỏ chạy ra sân la lớn. Cũng ngay lúc ấy bác Diệm gái đi chợ về. Thấy chồng lông đầy người và mầu lông đã hơi vàng, hai tay trước thòng gần chấm đất và nanh trắng nhe ra ngoài môi, bác Diệm gái cũng hoảng hốt la tiếp.

    Nghe tiếng ồn ào, dân quanh xóm liền chạy đến và đuổi con vật nửa người nửa thú chạy bán sống bán chết vào rừng. Muốn che chở người cô quả, dân xóm Bình Lư xuống xin mấy người làm đường xe lửa ở gần ga Truồi một chục thanh sắt và mấy sải dây thép về làm một cái hàng rào vây quanh nhà bác Diệm gái. Từ đó bác Diệm trai không dám bén chân về nhà nữa.

    Nhưng qua mùa xuân sau, cũng một đêm trăng mờ như bảy tháng trước, bác Diệm gái lại nghe tiếng rú kinh hồn trên đồi thông vắng. Bác liền vội vã chạy ra sau nhà. Trong bầu ánh sáng nhạt, nhuộm sương khuya, bác Diệm thấy một bóng người - không, một con vật thì đúng hơn - chụm mạnh bốn chân xuống đất, ngẩng đầu lên cao, đang đăm đăm nhìn về phía bác. Thôi thế là hết! Chồng bác đã hoàn toàn hóa hổ... Bác ôm mặt khóc rất thê thảm. Con hổ cũng rú lên một hơi dài như để đáp lại tiếng lòng của vợ. Tiếng rú nghe lạnh và buồn.

    Ðoạn con vật quay mình lẳng lặng đi vào phía núi Truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt.

    Dãy núi Truồi từ đó đã như một bức thành kiên cố chia đôi tình nhân loại với cảnh huyền bí của sơn lâm.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Kỳ Nam và Trầm hương

    Bài này của Huynh HaiPhong sưu tập lấy lại từ TGBN cũ

    Thấy bài này có một đoạn nói về việc "ngậm ngãi tìm trầm", nên HaiPhong mang về đây cho các huynh, đệ, tỉ, muội nghiên cứu.
    -------------------------------------------------------------------

    Kỳ Nam và Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây Gió. ở Campuchia, cây Gió có tên là Can Krasna (Can, cannada: Trầm, Krasna: sẫm). Có lẽ từ âm ấy mà có tên khoa học bằng tiếng La tinh.

    + Tên khoa học : Aquilaria Crasna Pierre

    + Họ: Thymeleaceae

    + Bộ: Thyméales

    + Lớp: Song-tử-diệp

    + Ngành: Hiển hoa (bí tử)

    Cây Gió là một loài đại mộc có thể cao 40-50 mét, vỏ màu xám có nhiều sợi có thể làm giấy được, gỗ mềm màu trắng. Lá không lông có 15-18 cặp gân. Trái là nang dài 4cm.

    QUÁ TRÌNH TẠO THÀNH TRẦM HƯƠNG VÀ KỲ NAM

    Không phải bất kỳ thân cây Gió nào cũng có Trầm hương và Kỳ nam. Chỉ một số cây Gió có bệnh mới chứa Trầm ở phần lõi của thân. ở phần này, nếu quan sát kỹ qua độ phóng đại của kính lúp, ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm; đó là Kỳ nam (Bois d?aloès). Chung quanh Kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó là Tóc (do chữ Camphuchia là Tok); khi đốt cháy Tóc tỏa ra mùi thơm, thường dùng để làm nhang nên gọi là Trầm hương (Bois d?aigle).

    Trầm và Kỳ nam đều ở lõi cây Gió do tích tụ nhiều hay ít tinh dầu, cho nên nếu không sành sỏi dễ bị nhầm lẫn khi mua. Muốn phân biệt hai thứ ấy ta phải xem kỹ tính chất và khí vị của chúng: Gỗ Kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Nó tích chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu.

    Gỗ Trầm hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy Trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí.

    Muốn phân biệt Kỳ nam tốt xấu thì người ta quan sát loại nào có sớ nhuyễn mịn, có nhiều tinh dầu là tốt, còn loại nào rắn chắc và ít dầu là xấu. Người ta thường gói Kỳ nam trong lá chuối thật kín rồi đem phơi nắng, đến tối đem vào nếu có nhiều chất dầu chảy ra là tốt. Muốn giữ Kỳ nam được tốt và lâu thì nên bọc vào giấy thiếc hoặc bỏ vào hộp có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi hoặc chảy ra mất bớt.

    Một số người thường lấy gỗ cây Sơn già (Exoecaria agallocha, Linné, thuộc họ Euphorbiaceae) để bán giả Trầm hương. Ở cây Sơn già nặng và rất cứng, có màu nâu đỏ, có chấm đen hoặc xám, vị đắng, có mùi thơm dễ chịu, nên một số người Ấn Độ hoặc Trung Quốc vẫn thường đốt để xông hương trong nhà cho thơm. Theo Petelot thì đó là một sự sai lầm vì trong gỗ Agallocha có chứa một chất nhựa có tính độc làm hại đến sức khỏe của con người.

    Theo kinh nghiệm của những người "đi điệu" cho hay, khi nào gặp những cây Gió cao 30-40 mét trở lên, lá đã vàng và nhỏ dần dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kến hoặc gốc có gò mối đóng thì cây Gió đó có Kỳ nam. Khi gặp cây Gió như vậy họ phải hạ cây, đào tận rễ để tìm, vì Kỳ nam có thể nằm trên ngọn, ở thân hoặc ở rễ. Khi gặp những cây Gió còn non thì người ta thường dùng dao lụi vào thân cây thành những vết thương và theo dõi nhiều năm sau để lấy Trầm - Kỳ.

    Người ta cho rằng khi bị thương, cây sẽ tích tụ nhựa đến đây để băng bó xem như là khả năng tự đề kháng để chống bệnh nên tạo ra Trầm Kỳ. Theo nhận xét của những ngời "đi điệu" lão thành thì dạo này đi rừng dễ gặp Trầm kỳ hơn trước kia, có lẽ trong thời gian chiến tranh những mảnh bom đạn đã ghim vào thân cây Gió nên kích thích tạo ra Trầm kỳ. Cũng có thể vì vậy mà sau ngày giải phóng có nhiều người đi rừng gặp Trầm và Kỳ nam.

    Năm 1977, Julaluodin đã tìm thấy trong vùng Tóc của cây Gió có chứa một loại nấm Cryptosphaeria mangifera. Ông đã thử nghiệm bằng cách cấy những nấm ấy vào thân những cây Gió lành mạnh. Sau một thời gian thì vùng nhiễm khuẩn trở nên sậm màu và biến thành Tóc rõ rệt vì khi đốt tỏa ra mùi trầm.

    Phải chăng khi bị thương tích hoặc khi bị nhiễm bệnh ở một vùng nào đó, cây tích tụ nhựa đến để tự băng bó hoặc để tự đề kháng nên đã tạo thành Trầm và Kỳ nam.

    Những cây Gió mọc trong rừng rậm trùng trùng điệp điệp xen lẫn với những loại cây điệp loại khác nên rất khó tìm kiếm, mà một khi kiếm được cây Gió cũng chắc gì đã có Trầm và Kỳ nam, thành thử nhiều người "đi điệu" phải luồn rừng từ tháng này sang tháng khác để tìm kiếm. Ngoài lương thực tươi mang đi bỏ đầy "ruột tượng" để mang theo người, ăn cầm chừng cho đỡ đói trong lúc đi rừng dài ngày. Có nhiều khi hết lương thực, lúc đi lạc trong rừng, người "đi điệu" phải ngậm củ Ngải (Galanga cyrcuma), một loại riềng dại, có vị thơm dịu làm cho ruột đỡ cồn cào trong lúc tìm đường về. Vì cuộc hành trình dài ngày và đầy gian lao vất vả nên người "ăn trầm" khi trở về thường hốc hác, râu tóc xồm xoàm, áo quần rách bươm chẳng khác gì dã nhân nên nhiều người đã tưởng tượng ra cảnh "ngậm ngải tìm trầm lâu ngày biến thành người rừng". Việc ngậm ngải cũng không phải để làm cho dã thú tránh xa như một vài người lầm tưởng, vì những người "đi điệu" thường mang theo roi mây hoặc roi dâu, thỉnh thoảng quất vào không khí thành những tiếng xé kêu "trót, trót", chính những âm thanh ấy làm cho cọp beo tránh xa cũng như tiếng roi da của người dạy thú trong gánh xiếc làm cho voi cọp phải gườm.

    Không phải ai "đi điệu" cũng kiếm được Trầm, có người kiếm được có người không, nên giới "ăn trầm" thường tin dị đoan rằng những kẻ lương thiện mới được Thiên Y Ana (hóa thân của cây Trầm, Kỳ nam) cho gặp. Vì vậy trước khi đi rừng tìm kiếm, kẻ "đi điệu" phải xem ngày lành tháng tốt để xuất hành, trước đó phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với đàn bà, trong khi đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, không được nói chuyện cà rỡn, không gây gổ nhau... Đến khi gặp được cây trầm thì người đó phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối gần đó để tắm rửa cho sạch sẽ, rồi lập đàn thờ cúng vái tạ ơn thần Rừng trước khi hạ cây Gió để tìm lõi Trầm kỳ.

    CÔNG DỤNG CỦA TRẦM HƯƠNG VÀ KỲ NAM

    Trầm hương và Kỳ nam của ta rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc. Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d'Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.

    Sở dĩ Trầm và Kỳ nam có giá trị cao là vì có công dụng chữa bệnh rất tốt trong Đông y:

    - Trừ sơn lam chướng khí: Người ta thường xông trầm trong nhà để trừ khí độc và thường mang Kỳ nam trong người để ngừa sơn lam chướng khí. ở một vài vùng, nhất là vùng Phú Khánh, người ta thường bọc Kỳ nam trong túi vải thưa để đeo ở cổ xem như "bùa hộ mệnh". Trẻ em dưới 1 tuổi đeo 2 chỉ, 1 đến 5 tuổi đeo 3 chỉ, người lớn đeo 5 chỉ.

    - Dùng làm thuốc giải nhiệt và trừ sốt rét: ở Campuchia, theo các bác sĩ Menaut và Phana Douk, người ta thường dùng Kỳ nam, Trầm và ngà voi mài với nước lạnh để uống. Ngày 2-3 lần, mỗi lần uống từ 3 phân tới 1 chỉ.

    - Thuốc trừ đau bụng: Theo bác sĩ Sallet ghi nhận thì thuốc Nam có toa thuốc trị đau bụng rất hay gồm: Trầm hương 2 chỉ, sắc cùng Đậu khấu, hạt cau, vỏ cây Mộc lan, Sa nhơn, Can khương... trong 2 chén rưỡi nước còn lại 9 phân chia uống thành 2 lần trong ngày sẽ làm cho bụng hết quặn đau.

    - Chữa bệnh đường tiểu tiện: Người ta thường mang Trầm kỳ ở vùng hội âm để chữa bệnh đường tiểu tiện.

    - Theo Đông y, Kỳ nam dùng để trị các chứng độc thủy do phong thổ gây nên, làm tiêu chứng chướng mãn, no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây nên. Mài từ 3 phân tới 1 chỉ, tùy theo tuổi lớn nhỏ hòa với nước lạnh hoặc bỏ vào nước đun sôi mà uống.

    - Chống chỉ định:

    + Trầm kỳ là thuốc trụy thai, nên đàn bà có thai không nên uống hoặc mang trong mình, có thể làm sảy thai.

    + Những người suy nhược và biếng ăn, suy gan... không nên dùng Trầm kỳ.

    - Tương khắc trầm kỳ có tính kỵ hỏa, thành thử không nên uống chung Trầm kỳ với những loại thuốc có tính chất thuộc hành hỏa tính theo âm dương ngũ hành.

    PHÂN BỐ ĐỊA LÝ CỦA CÂY TRẦM KỲ

    Trầm kỳ thường tìm thấy trong những cây Gió mọc ở những vùng núi hướng về phía có gió biển nên ta thường gặp ở vùng phía Đông Trường Sơn hơn là Tây Trường Sơn.

    Ở Đông Dương, Trầm kỳ có nhiều ở Campuchia và Việt Nam.

    Riêng ở Việt Nam, ít tìm thấy Trầm kỳ ở phía trên vĩ tuyến 17.

    - Ở Bình Trị Thiên thường tìm thấy ở vùng Cam Lộ của Quảng Trị, vùng A Sao, A Lưới, vùng Thanh Sơn. Ồ ồ và vùng đèo Hải vân thuộc Thừa Thiên.

    - Ở Bình Định có từ vùng núi Quy Nhơn đi vào.

    - Ở Phú Khánh có rất nhiều tại Vạn Giã, Tân Định, An Thành, Bình Khang, Duyên Khánh...

    - Ở Thuận Hải có ở vùng núi giáp ranh với Lâm Đồng.

    - Ở Lâm Đồng ta có thể tìm thấy Trầm kỳ ở các núi giáp ranh với Thuận hải.

    - Ở các hải đảo thì gặp nhiều Trầm kỳ tại Phú Quốc.

    Năm 1973, tôi đã hướng dẫn một số sinh viên theo học chứng chỉ Thực vật 2 thuộc trường Đại học Đà Lạt, theo đường Tà In vào Tà Nhiên, đến Sa Mai, Thác Thiêng... tìm đến được một khu rừng có nhiều cây Gió. Ở đó chúng tôi đã được một cụ già "đi điệu" người Chàm hướng dẫn đi xem rừng và đã được cụ cho xem những mẫu Trầm hương và Kỳ nam đã thu được ở vùng này và vùng núi đi dọc giữa Di Linh và Phan Thiết. Chúng tôi nhìn thấy Trầm ở đây tốt chẳng khác gì Trầm hương ở Quảng Trị và Kỳ nam ở đây chũng gần bằng Kỳ nam vùng Phú Khánh.

    Như vậy Lâm Đồng ngoài những rừng thông bát ngát có trữ lượng lớn để cung cấp gỗ thông, bột giấy và tùng hương, còn có triển vọng khai thác được Trầm kỳ là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế.

    Muốn được sản lượng lớn, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch ngăn cản không để cho nhân dân hạ cây Gió một cách bừa bãi, đồng thời trồng thêm nhiều cây Gió và cho nhiễm khuẩn để tạo thành Trầm và Kỳ nam do ta chủ động để khỏi đi tìm kiếm vẩn vơ trong rừng rậm như những người ?đi điệu? trước đây.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Crevost et Petelot, Catalogue des produits de l' Indochine, Hà Nội, 1935

    Phanna Douk, Contribution à létude des plantes médicinales du Cambodge, Luận án Tiến sĩ dược khoa, Paris 1966.

    Phạm Hoàng Hộ và Nguyễn Văn Dương, Cây cỏ miền Nam Việt Nam, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn. 1970.

    Phạm Hoàng Hộ, Thực vật ở đảo Phú Quốc, Nxb TP. Hồ Chí Minh 1985.

    Nguyễn Trần Huân, Contribution à l'étude de l'ancienne thérapeutique vietnamienne. Luận án tiến sĩ y khoa, Hà Nội, 1951.

    H. Lecomte, Flore générale de l'indochine, 1910-1931.

    Fereydoua Mehdyoun, Anatomie comparée et caryologie des Thymeleaceae, Luận án tiến sĩ Đại học khoa học Bordeaux. 1968.

    Menaut, Matière médicinale cambodgienne. Hà Nội, 1930.

    Nguyễn Văn Minh, Dược tính chỉ nam. Sài Gòn 1969.

    Francois Mouton, Le bois merveilleux du Sud, Lyon, 1970.

    Perrot et Hurrier, Matière médicinale et pharmacopée sino-annamite, Vigot L?d, Paris. 1907

    Alfred Petclot. Plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Viet Nam, Saigon, 1954.

    A. Sallet. L'officine sino-annamite en Annam, Paris, 1931.

    Tôn Thất Sam, Đại cương về địa chất, thổ nhưỡng và thảo mộc vùng Đà Lạt - Tuyên Đức, Sài Gòn, 1965.

    Nguyễn Đình Tứ, Non nước Khánh Hòa, Sông Lam, 1969.

    Thái Công Tụng và Tôn Thất Sam, Tài liệu hướng dẫn sưu tầm thực vật vùng Đà Lạt - Lâm Đồng. Nxb Đại học, 1973.

    TÔN THẤT SAM

    Nguồn: Thông tin khoa học, công nghệ, số 2, 1994
    _________________
    Hải Phong
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Ma lực trầm kỳ

    8:35, 07/06/2009

    Ma lực trầm kỳ đã khiến cho những người "đi điệu" bất chấp rừng thiêng, nước độc và mọi hiểm nguy có thể xảy ra bất chợt trên mỗi dặm đường ở chốn sơn lâm. Thậm chí có người tử nạn vì rắn độc cắn, hổ dữ vồ, hay những trận sốt rét triền miên... nhưng giấc mộng trầm kỳ vẫn đánh thức “dân điệu” vượt núi cao, vực sâu.


    Cây dó bầu

    "Khánh Hòa là xứ trầm hương. Non cao biển rộng, người thương đi về". Câu ca dao ấy không chỉ truyền miệng từ bao đời nay, mà còn đi vào sử sách viết về vùng đất này. Bởi lẽ trước đây trầm hương và kỳ nam hội tụ trong những cánh rừng đại ngàn ở Khánh Hòa với mật độ dày, nên có một thời giới săn tìm trầm hương thường gọi là dân "đi điệu" từ các tỉnh ở Nam Trung Bộ lặn lội tới đây nhiều ngày đêm để tìm vận may.

    Ma lực trầm kỳ đã cuốn hút không ít người gắn bó duyên nợ với nghề "đi điệu" vài chục năm, hay đến hết cuộc đời... Có người may mắn kiếm được chút vốn để làm ăn, có người đeo đuổi mãi với nghề này, nhưng kết cục tay trắng vẫn hoàn trắng tay...

    Chuyện xưa "ngậm ngải tìm trầm"

    Đầu những năm 80 thế kỷ trước, giấc mộng làm giàu từ trầm kỳ đã thôi thúc những người nông dân chân chất, quanh năm chỉ biết thửa ruộng, luống cày, rủ nhau mang balô vào rừng tìm trầm kỳ, mà theo cách gọi bằng tiếng lóng thì họ là dân "đi điệu".

    Hành trang mỗi người ngoài chục cân gạo, võng, chăn, còn có rìu, rựa, bộ dũm thép - dụng cụ dùng để xoi trầm, một số dầu gió, thuốc tây thông dụng phòng khi cảm sốt, nhức mỏi và hương hoa, lễ vật để cầu khấn thần linh đưa đường dẫn lối đến với trầm kỳ. Thông thường mỗi nhóm "đi điệu" có từ 4 đến 6 người, không xung khắc về tuổi tác, cung mạng.

    Tương truyền Nữ vương Ponagar, hay còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu - vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo đã hóa thân vào cây dó, tạo thành trầm kỳ. Người lương thiện, phúc đức ba đời dễ thường được Thánh Mẫu dẫn dắt tìm thấy may mắn, còn không thì người "đi điệu" đứng bên cạnh cây dó có trầm kỳ cũng không hề biết. Cõ lẽ vì thế nên trước khi xuất hành lên đại ngàn, những người "đi điệu" phải chọn ngày lành tháng tốt, cả nhóm phải dành 3 ngày ăn chay, kiêng cữ chuyện phòng the.

    Trong suốt hành trình phải tuân thủ nghiêm ngặt tục lệ của những bậc tiền nhân trong giới trầm kỳ truyền dạy: không được nói chuyện xúi quẩy, không gây sự lẫn nhau, ngay cả một số câu chữ cũng phải kiêng dè, nói lệch sang tiếng lóng "dân điệu" thường sử dụng. Ví như muối gọi là diêm, gạo gọi là mễ, đá tảng gọi là gộp, cọp phải gọi là thầy, bị ong đốt phải nói là uông ké... Khi tìm thấy trầm kỳ, người “đi điệu” phải nhịn đói để giữ sự tinh khiết rồi tìm đến một dòng suối gần nhất tắm rửa sạch sẽ mới được lập bàn cúng tạ sơn thần, thổ địa trước khi chặt hạ cây dó lấy trầm.

    Ma lực trầm kỳ đã khiến cho những người "đi điệu" bất chấp rừng thiêng, nước độc và mọi hiểm nguy có thể xảy ra bất chợt trên mỗi dặm đường ở chốn sơn lâm. Thậm chí có người tử nạn vì rắn độc cắn, hổ dữ vồ, hay những trận sốt rét triền miên... nhưng giấc mộng trầm kỳ vẫn đánh thức “dân điệu” vượt núi cao, vực sâu.

    Có khi lạc giữa đại ngàn trong tình trạng hết lương thực, "dân điệu" phải ngậm củ ngải, một loại gừng dại, có vị thơm dịu, giúp cho ruột đỡ cồn cào. Và do hành trình tìm trầm dài ngày, đầy gian lao, vất vả, có khi người “đi điệu” trở về tay trắng, gương mặt hốc hác, râu tóc mọc dài, trông như người rừng, nên dân gian có câu "ngậm ngải tìm trầm".

    Giữa trưa tháng 5 đầy nắng gió rát bỏng mặt người, tôi tìm về các xã Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Sim, Ninh Xuân - huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - nơi có hàng trăm người từng là dân "đi điệu".


    Ông Lê Văn Cẩm ở xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa và kỷ vật lõi trầm hương đã tạo dáng Tháp Bà.





    Ông Lê Văn Cẩm, 52 tuổi, một dân "đi điệu" có thâm niên 30 năm đi tìm trầm nhớ lại: "Đầu những năm 80 thế kỷ trước, các nhóm “đi điệu” khoanh vùng, giẫm nát rừng Hòn Lớn, Hòn Dữ, Sông Giang, Tà Mụ... Dần dà cây dó cũng cạn kiệt, dân "đi điệu" vượt ngàn vươn tới những cánh rừng ở Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai...".

    Hơn chục năm về trước, dân “đi điệu” bàng hoàng khi nghe tin có ít nhất 3 người ở thôn Hiệp Thành, xã Ninh Bình đã chết trong tay bè bạn giữa rừng sâu. Ông Trần Thành gục ngã sau cơn sốt rét ác tính, còn ông Tám Lang trút hơi thở cuối cùng sau những giây phút quằn quại bởi cơn đau ruột thừa. Thương tâm hơn nữa là trường hợp ông Đỗ Văn Tư đang trên đường đi bất ngờ bị rắn độc cắn, những bạn "đi điệu" tranh thủ buộc garo, hái lá thuốc để cấp cứu, nhưng chất độc từ nọc rắn theo máu xâm nhập vào tim quá nhanh khiến nạn nhân chết trong thoáng chốc.

    Mùa mưa lũ năm 1989, trong hành trình tìm trầm, một nhóm "đi điệu" 4 người từ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tử nạn khi đu bám dây rừng, vượt qua sông Ba Lài ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên... Đó là chưa kể đến nhiều người mắc bệnh gan sau những trận sốt rét vật vã triền miên mà không được điều trị.

    Ông Nguyễn Dài, ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng ngẫm lại không ít kỷ niệm buồn vui sau hơn 20 năm theo nghề “đi điệu”. Ông kể: "Chuyến đi xuyên rừng vào tận Bình Dương cuối thu năm 1988, cả nhóm trở về trong cảnh xác xơ, đói khát và bệnh hoạn, tưởng chừng đã phải dẹp nghề. Vậy mà hơn một tuần sau, tin đồn có nhóm “điệu” vừa trúng 2 kg trầm kỳ ở Lâm Đồng đã khiến cho tụi tui khoác balô đi tiếp. Cứ thế, có chuyến đi kiếm được năm, bảy trăm ngàn, có chuyến vài ba triệu cũng chỉ đủ đong gạo nuôi vợ con. Mãi tới năm 1996, trong một chuyến đi vỏn vẹn 8 ngày vượt rừng vào khu đồi Đức Mẹ ở Lâm Đồng, nhóm "đi điệu" 5 người may mắn kiếm được 6 kg kỳ nam, đem bán được 236 triệu đồng...".

    Cũng ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, khoảng giữa năm 1991 có một người đàn ông họ Thái cùng 2 người bạn "đi điệu" trúng đậm kỳ nam ở buôn Chàm, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Hồi đó với số vàng chia cho mỗi người được hơn 9 lượng không phải là nhỏ, có người lấy đó làm vốn đầu tư cơ sở chế biến cà phê bây giờ trở nên giàu có, nhưng có người cũng chẳng còn gì.

    Hai năm sau, một nhóm "đi điệu" khác trúng 2 kg kỳ nam thu về 115 triệu đồng, đến nay nhìn lại có người trong số đó chỉ còn ngôi nhà cấp bốn trống huơ, trống hoác, nên giờ vẫn còn vào rừng tìm kiếm vận may bởi ma lực trầm kỳ.

    Hưởng "lộc rừng"

    Có người sau 20 năm “đi điệu”, cái nghèo vẫn đeo bám nên phải bỏ nghề, nhưng lại vô tình trúng đậm trầm kỳ mới là chuyện lạ. Cách đây hơn một năm, tôi cùng một đồng nghiệp đã cất công tìm gặp anh Nguyễn Thanh Trinh, ở xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ngay sau khi dư luận xôn xao về chuyện người đàn ông này tình cờ nhặt được 2 kg kỳ nam ở núi Hòn Hèo.

    Biết không thể từ chối được, anh Trinh kể lại: "Gần 20 năm “đi điệu”, tui đã đi qua nhiều cánh rừng đại ngàn, nhưng chưa lần nào tìm được vận may để đổi đời. Những lần lâm bệnh do trái gió, trở trời buộc tui từ giã rừng sâu, núi cao trở về nhà làm ruộng rẫy, thậm chí phải đi làm thuê, nhưng không thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống. Buổi sáng hôm đó, tui cùng người bạn trong xóm là Nguyễn Anh vào núi Hòn Hèo ở xã Ninh Phú để thăm rẫy và thu bẫy gà rừng. Không có con gà nào sập bẫy, tui giục người bạn về nhà. Khi bước qua một con suối khô gập ghềnh đá cuội, tui trượt chân té ngã, đầu đập vào miếng gỗ màu đen. Kinh nghiệm những năm “đi điệu” đã giúp tui nhận ra đó là... kỳ nam".

    Khi đem về nhà, anh Trinh cân miếng gỗ nặng 2,2 kg, cạy sạch phần đất bám và gỗ mục, miếng kỳ nam còn lại 2,02 kg. Sau khi bán cho một lái buôn trầm kỳ được 2 tỉ 20 triệu đồng, anh Trinh và người bạn chia đôi. Kết thúc câu chuyện, anh Trinh bảo: "Nếu tui ém miếng kỳ nam, ông bạn cũng không thể nào biết, nhưng lộc trời cho phải sòng phẳng thế thôi".


    Từng nhóm người đổ xô vào rừng Hòn Hèo để tìm vận may sau khi nghe tin có người nhặt được hơn 2 kg kỳ nam.


    Mấy ngày sau đó, hàng trăm người dân từ huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa mang balô nhằm hướng núi phía tây Hòn Hèo, dựng lán trại, đào bới, chặt phá cây rừng để tìm kiếm trầm kỳ, khiến cho Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Hòa và Đồn Biên phòng 368 phải huy động lực lượng truy chặn hết sức vất vả.

    Trước đó, vào đầu tháng 5/2007, giới “đi điệu” ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên choáng váng trước nguồn tin một người đàn ông có biệt danh Sáu "cô đơn" ở Phú Yên trúng đậm một khối lượng lớn kỳ nam. Lập tức cánh phóng viên báo chí cùng hàng chục dân “đi điệu” lành nghề lùng tìm và được biết "tỉ phú kỳ nam" chính là ông Võ Hiệp, 49 tuổi, trú ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa.

    Gốc gác ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, năm 1980 ông Hiệp làm công nhân Cung đường sắt Phú Hiệp - Hảo Sơn, rồi lấy vợ ở đây. Thu nhập tiền lương công nhân thời đó quá eo hẹp khiến ông Hiệp chuyển sang nghề “đi điệu”. Ròng rã hơn 20 năm bám rừng, lắm lúc ông Hiệp lầm lũi một mình nên có biệt danh là: Sáu "cô đơn" có từ đó. Vài ba lần trúng trầm kỳ nhưng không đáng kể nên gia đình ông Hiệp vẫn đối mặt với khó khăn.

    Một số người biết chuyện kể rằng, tình cờ trong chuyến đi vào buôn Tiêu, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để đào gốc cây cảnh, tình cờ ông Hiệp nhìn thấy trong số những cây gỗ của một người dân đốn hạ từ rẫy ngô đưa về làm nhà, có khúc cây dó đã tích tụ kỳ nam. Lập tức ông Hiệp hỏi mua luôn cả gốc cây với giá 30 triệu đồng. Dù "tỉ phú kỳ nam" không tiết lộ, nhưng theo nhận định của một người “đi điệu” sành sỏi nghề đã tới hiện trường "mót" phần còn sót lại, ông Hiệp trúng cỡ 100 kg kỳ nam, trị giá hàng chục tỉ đồng.

    Do người hiếu kỳ và dân “đi điệu” nhiều nơi tìm đến dò hỏi ông Hiệp để đi "mót xái", gây phức tạp về trật tự xã hội, nên việc dự kiến đãi tiệc mừng cho bà con lối xóm 3 ngày đã phải "rút ngắn" còn 1 buổi. Mấy ngày sau, vợ ông Hiệp mang tiền biếu tặng gia đình khó khăn, người già neo đơn trong xóm, rồi mua sắm 5 chiếc xe máy đắt tiền cho một số bà con thân thuộc, mua biệt thự, ôtô riêng cho gia đình... 2 tháng sau, ông Hiệp dẫn đường một nhóm người thân quen lên buôn Tiêu "đánh cú chót".

    Do chỉ còn lại phần rễ cây dó bám sâu vào những tảng đá lớn, nên họ phải chẻ đá, đào đất khá cật lực và đã "mót" được 8 kg kỳ nam, 28 kg trầm hương. Trên đường vận chuyển sang Lâm Đồng để về TP HCM bằng xe ôtô, một đơn vị kiểm lâm thuộc tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện bắt giữ số trầm hương trên xe, còn Sáu "cô đơn" và người hàng xóm vận chuyển 8 kg kỳ nam bằng xe máy trót lọt, thu được vài tỉ đồng.

    Tiếp đó, một nhóm “đi điệu” 5 người do ông Võ Khắc Sửu, trú ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa làm bầu trưởng trên đường dò tìm nơi Sáu "cô đơn" gặp vận may, họ đã tìm thấy 4 kg kỳ nam ở gần công trình thủy điện Ea Krông Hinh ở khu vực giáp ranh giữa huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk.

    Cuối tháng 8/2006, ông Phạm Văn Xắc cùng 3 người con trai, con rể, trú ở xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đi dọc con suối Nước Mia - một nhánh đổ về sông Kôn, tỉnh Bình Định để bắt rùa. Tình cờ nhìn thấy một cây dó chết rục đổ ngang dòng suối có phần lõi giống kỳ nam, nên ông Xắc vạt một miếng đốt thử, rồi lấy hết phần lõi của cây đem về.

    Vốn là đồng bào dân tộc H'rê, nên cha con ông Xắc không biết số lượng kỳ nam thu được bao nhiêu, mà chỉ biết số tiền thương lái ở thị trấn Ba Tơ đã trả cho ông hơn 600 triệu đồng. Nghe tin, giới mua bán trầm kỳ và hàng trăm người dân đổ xô vào suối Nước Mia để mót "xái".

    Đầu tháng 3/2006, một nhóm “đi điệu” 5 người gồm Tuấn, Hiền, Hải, Sum và Nỷ, trú ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khoác balô lặn lội trong những cánh rừng già ở Đắk Lắk suốt 20 ngày đêm mà chưa tìm thấy chút trầm nào.

    Đến ngày thứ 21, cả nhóm tiếp tục hành trình “đi điệu” tại một khu rừng ở xã Gia Man, huyện Krông Bông. Khi bước qua thân cây mục ở con suối, một người trong nhóm vấp ngã do vướng thân gỗ mục lẫn dưới dây bụi. Tức mình, nên anh này cầm rìu bổ vào gốc cây, không ngờ bên trong là lõi kỳ nam. Người trong cuộc cho biết họ trúng gần 10 kg, nhưng “dân điệu” đồn đoán số lượng kỳ nam nhóm này thu được không dưới... 30kg (!?).

    Trước đó một năm, 3 nhóm “đi điệu” ở làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã gây chấn động giới trầm hương khi trúng đậm hơn 100 kg kỳ nam ở Nước Chè, xã Ngọc Têm, huyện Kon P'loong, tỉnh Kon Tum.

    (Còn nữa)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Đưa hương dó về vườn rừng gia đình


    Xoi thân cây dó để lấy lõi trầm.

    Một số tài liệu nghiên cứu cho biết, trầm hương và kỳ nam có tên khoa học Aquilaria Crasna Pierre. Đây là sản phẩm đặc biệt được sinh ra, tích tụ trong lõi của cây dó - một loại đại mộc có thể cao từ 40 đến 50m. Cùng sinh ra từ cây dó, nhưng trầm thường tích tụ ở phần thân, còn kỳ ở phần rễ.

    Theo ông Hoàng Cảnh, thành viên Hội Trầm hương Việt Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần Miền Đông Xanh TP HCM cho biết: tùy theo hàm lượng tinh dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ mà trầm hương có những tên gọi khác nhau như trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bọ sánh, trầm bông, trầm da báo, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn, trầm rục, trầm sanh...

    Phẩm cấp trầm hương được xếp thành 3 hạng, mỗi hạng chia thành nhiều loại. Hạng nhất là kỳ nam có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu, nhẹ, mềm, dẻo, nhuyễn. Khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt; tỏa mùi thơm tự nhiên. Khi đốt có mùi hương thơm đặc biệt, khói xanh, sợi khói lên thẳng và cao, lơ lửng trong không khí rất lâu. Kỳ nam được xếp theo thứ tự 4 loại: "nhất bạch" có màu trắng ngà, xám nhạt; "nhị thanh" có màu xanh xám, ánh lục; "tam huỳnh" có sắc vàng sẫm, vàng nâu; "tứ hắc" có màu đen chàm.

    Hạng hai là trầm, ít dầu, vị đắng, khi đốt khói bốc lên thành vòng rồi tan nhanh. Trầm hương hàng hai được xếp thành 6 loại theo thứ tự màu sắc sáp trắng, sáp xanh đầu vịt, sáp xanh, sáp vàng, vằn lông hổ và sắc vàng đốm dầu. Còn sách xưa chia trầm thành 5 loại: hoàng lạp trầm, hoàng trầm, giác trầm, tiến hương, kê cốt hương.

    Hạng ba là tốc, được chia thành 4 loại: tốc đỉa, tốc dây, tốc hương và tốc pi.

    Trầm kỳ có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là tại các nước, vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản... Giới “đi điệu” lành nghề cho hay, mỗi ký kỳ nam giá từ 30.000 đến 35.000 USD, trầm hương từ 200 đến 4.000 USD, mỗi lít tinh dầu trầm hương tùy theo chất lượng, công nghệ sản xuất có giá từ 10.000 đến 50.000 USD. Ngoài việc sử dụng trầm hương làm hương liệu để chiết xuất, điều chế ra các loại nước hoa cao cấp dành cho giới quý tộc như Nuit D'Orien, Santal...

    Theo đông y, trầm kỳ còn là nguồn dược liệu rất quý hiếm, được sử dụng để bào chế ra nhiều loại thuốc đặc biệt có khả năng chữa trị được nhiều loại bệnh. Dùng trầm hương xông trong nhà trừ được khí độc, mang theo kỳ nam trong người như một thứ "bùa hộ mệnh" phòng ngừa sơn lam chướng khí.

    Theo y học cổ truyền, trầm hương tính ôn, vị cay, thơm, tác dụng ba kinh: tỳ, vị và thận, giáng khí, làm ấm thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần.

    Thông thường trầm hương dùng điều trị các chứng chướng khí nghịch gây khó thở, hen suyễn thở dốc và những cơn nấc kéo dài không dứt. Mặt khác, có tác dụng trợ tim, lợi tiêu hóa, chống nôn, trị tiêu chảy, thổ tả, ho có đờm dãi, giúp nam giới bền vững tinh khí... Tuy nhiên, trầm kỳ không thể dùng cho phụ nữ có thai, âm hư hỏa vượng, người đang sốt, khô gầy, suy nhược, biếng ăn, suy gan... Có khoảng 60 bài thuốc y học cổ truyền sử dụng trầm kỳ.

    Theo tập tục xưa nay, vào những ngày lễ hội, cúng tế, đón tết, gỗ trầm hương thường được đốt trong những chiếc lư, đỉnh để tạo mùi thơm trong nhà, đình chùa và dâng hương khói tỏ lòng thành kính tổ tiên, tưởng nhớ đến người xưa. Theo đó, trầm hương được một số tôn giáo coi như vật "giao lưu truyền cảm" giữa thế giới thực tại với cõi thần linh.

    Cũng theo ông Hoàng Cảnh trong bài viết nhân kỷ niệm hai năm thành lập Hội Trầm hương Việt Nam, trầm hương mua bán trên thị trường hầu hết là khai thác từ thiên nhiên, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và vài nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan.

    Do nạn khai thác trầm hương vào những thập niên cuối của thế kỷ XX có tính chất hủy diệt cây dó, khiến cho nguồn cung cấp trầm hương ngày càng cạn kiệt.

    Năm 1993, Indonesia khai thác và xuất khẩu hơn 661 tấn trầm hương, nhưng sản lượng năm 1997 chỉ còn 302 tấn; Malaysia khai thác từ 43,6 tấn còn 21,6 tấn; Campuchia năm 1995 khai thác và xuất khẩu 133,8 tấn, nhưng 3 năm sau chỉ còn 13,2 tấn; Ấn Độ năm 1995 xuất khẩu 15,1 tấn thì năm 1997 chỉ còn 1,4 tấn. Riêng tại Việt Nam, sản lượng trầm hương khai thác và xuất khẩu trong 5 năm (1986-1990) khoảng 1.163,9 tấn. Nhưng cũng giống như các nước là số lượng ngày càng giảm sút. Chẳng hạn năm 1985 khai thác và xuất khẩu 216,1 tấn thì năm 1990 chỉ còn 73,4 tấn.

    Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã xếp cây dó có khả năng cho trầm hương là loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng, phải nghiêm cấm khai thác, buôn bán.

    Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng và chế độ quản lý.

    Theo đó, cây dó bầu thuộc nhóm thực vật IA, là thực vật đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Thế nhưng, nạn chặt phá cây dó bầu để tìm trầm diễn ra thường xuyên đã khiến cho nguồn cây dó tự nhiên đang dần cạn kiệt.

    Thấy được giá trị kinh tế và khoa học của trầm hương, nên cuối những năm 80 thế kỷ trước, một số người chuyên nghề “đi điệu” đã ở huyện miền núi Tiên Phước, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; Hoài Ân, tỉnh Bình Định... đã đưa cây dó bầu từ rừng tự nhiên về trồng trong vườn nhà rồi mày mò cấy ghép tạo trầm hương. Từ đó diện tích cây dó bầu phát triển và mở rộng đến các tỉnh ở miền Trung, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

    Sau đó, một số đề tài nghiên cứu về cây dó bầu đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, trong đó có đề tài nổi bật do Trung tâm Nghiên cứu lâm đặc sản thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 1987-2000 như "Biện pháp gây tạo giống cây dó", "Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành trầm hương trên cây dó"; "Kỹ thuật tạo trầm hương trên cây dó".

    Cho đến nay, cả nước có 22 tỉnh đã và đang trồng cây dó bầu tập trung trên diện tích hơn 10.000 ha, tạo ra một góc nhìn mới về mô hình kinh tế rừng.

    Tính pháp lý về trồng cây dó bầu đã được xác định cụ thể tại Quyết định số 16/QĐ-BNN ngày 15/3/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó dó bầu thuộc danh mục cây trồng rừng sản xuất tại 6/9 vùng sinh thái lâm nghiệp. Từ ngày 23/7/2004, Hội Trầm hương Việt Nam cũng đã được hình thành.

    Cách đây hơn 2 năm, người dân ở thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông Lê Văn Kiểm đưa về hơn 200 cây giống lạ để trồng xen cây ăn quả trên diện tích 3 ha. Dò hỏi mới biết sau khi giã từ nghề “đi điệu”, mùi hương trầm kỳ vẫn tỏa thơm trong những giấc mơ, nên ông Kiểm mua cây dó bầu đưa về trồng và tìm hiểu kỹ thuật cấy ghép, tạo trầm.

    Đến nay, "vườn rừng" dó bầu đã hơn 3 tuổi, ông Kiểm thu hái hạt và ươm giống với tỉ lệ nảy mầm 90%. Một cây dó bầu khi đã cấy ghép để tạo trầm ở tuổi thứ 5 có giá ít nhất 3 triệu đồng, theo đó, mỗi ha 1.200 cây sẽ thu được gần 4 tỉ đồng, nếu không cấy ghép tạo trầm mà chỉ sử dụng nguyên liệu làm hương và bột giấy cao cấp cũng thu được mỗi cây 500.000 đồng.

    Không riêng ông Kiểm, mà nhiều hộ gia đình khác ở Khánh Hòa đã triển khai mô hình trồng xen cây dó bầu trong “vườn rừng” gia đình như anh chị Phạm Cao Trí - Nguyễn Thị Kim Liên ở thôn 3, xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hòa trồng 2.000 cây; anh Lê Văn Xang ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh trồng 1.000 cây; anh Văn Tấn Việt ở thôn A Xay, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh 1.000 cây...

    Giữa tháng 9/2007, một số doanh nghiệp trong nước đã hỏi mua "vườn rừng" 3.300 cây dó bầu đã đến tuổi có thể cấy ghép tạo trầm của ông Trần Văn Giám ở xã Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận với giá 12 tỉ đồng, nhưng người nông dân này không đồng ý...

    Trồng cây dó bầu tạo trầm hương sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường rộng lớn, trong khi nguồn cung cấp trầm hương ngày càng khan hiếm. Điều đặc biệt là gần như chỉ có cây dó bầu ở Việt Nam, Lào, Campuchia mới cho trầm hương nhiều và chất lượng tốt. Chính vì vậy việc mở rộng diện tích cây dó bầu theo mô hình “vườn rừng” phân tán, trồng xen kẽ trong các loại cây khác sẽ hướng tới mở ra nhiều triển vọng mới về kinh tế hộ gia đình




    Phan Thế Hữu Toàn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  5. #5

    Mặc định

    "Vua kỳ nam” xứ Nẫu
    15/07/2010 11:15


    Anh Hiệp và cây trầm hương hóa đá ngàn năm tuổi

    (TNTS) Võ Hiệp sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo có 4 chị em tại phường Phương Sơn, TP Nha Trang. Mười tám tuổi anh làm công nhân đường sắt, sau đó đổi sang nghề đi điệu và lấy vợ tại Phú Yên. Một ngày năm 2006, anh trúng ‘lộc rừng” và được mọi người phong cho một “chức” khá hoành tráng: “Vua kỳ nam” xứ Nẫu (Bình Định, Phú Yên). Gần đây, tên tuổi của anh lại nổi đình nổi đám trong một lĩnh vực khác, mang tính vui thú điền viên…
    Gọi anh là “vua kỳ nam” bởi sau lần trúng trầm năm 2006, anh có rất nhiều tiền. Gần ba mươi năm lên rừng, lúc khá giả người ta mới biết đến anh. “Nhà tôi nghèo. Tuy có việc làm ổn định nhưng cuộc sống không khỏi cái đói. Tôi muốn làm một việc gì đó có thể thay đổi nhưng biết sức mình có hạn, vì vậy tôi chuyển sang đi trầm để cầu may. Không ngờ, cái nghiệp lại đeo tôi mấy chục năm liền”. Anh nói về cơ duyên đến với nghề trầm như vậy.

    Được lộc rừng trên núi

    Người xưa có câu “Ngậm ngải tìm trầm”. Anh em trong giới cũng gọi đây là nghề “làm tôi tớ bà cậu” nên phải cầu ở sự may mắn. Trước khi quyết định theo nghề trầm, anh Hiệp ăn chay nằm đất suốt 3 tháng trời. Trong suốt gần 27 năm (1979 - 2006) đi trầm, lúc nào anh cũng xem tâm linh là điều quan trọng. Anh tâm sự: “Tôi đi trầm năm 21 tuổi, từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, có khi qua tận Campuchia. Chuyến đi dài nhất thường một tháng. Mỗi lần đi phải sắm chuyến, hết lương thực phải về đồng bằng sắm rồi đi tiếp. Tôi đi một mình nên anh em trong giới gọi tôi là Sáu cô đơn”. Kỷ niệm vui buồn và có cả hiểm nguy. Có lần hết lương thực giữa rừng phải đào củ mài ăn thay cơm. Những lúc gặp bà con người thiểu số, thấy họ khổ, anh cho cá mắm, đôi khi cả thuốc tây. “Có một kỷ niệm tôi nhớ suốt trong đời là năm 1990, tôi đến làng Mèo huyện An Khê - Gia Lai. Người đi điệu nói sông Ma Choi cọp nhiều. Đêm đó tôi nằm kề cận với cọp dữ, sáng ra nghĩ lại mà giật mình…”.

    Nhiều năm đi trầm, anh Hiệp được “bà cậu” thương 6 lần. 5 lần đầu chỉ gọi là may ít. Năm 2006, ước mơ đổi đời đã thành sự thật, câu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền bí với sự tin tưởng kỳ dị có yếu tố tâm linh. Anh kể: “Một đêm năm 2006, sau những ngày lang thang trên núi, tôi nằm ngủ một mình trên cánh rừng già ở tỉnh Đắk Lắk. Đêm khuya, tôi thấy một người lạ, mặc quần áo màu đà đến bảo: “Sáng mai con lên đỉnh, bà cho con hai chiếc thuyền”. Hôm sau tôi thức dậy, nhớ lại chuyện đêm, lòng suy nghĩ “sao lại có thuyền trên núi”. Nghĩ thế nhưng vẫn tin. Buổi chiều hôm sau, tôi vào một đám rẫy của một người dân tộc thiểu số ở huyện Lắk. Căn duyên đã đến, tôi gặp 2 “chiếc thuyền”. Cây dó có đường kính khoảng 70 cm, nằm ở bìa rẫy. Người dân ở đây đã đốn cây, cưa lấy ván, chỉ còn lại phần gốc và ngọn. Không ngờ trầm lại nằm ở đó. Phát hiện rồi, tôi lấy, mừng đến nỗi run cả người.

    Dưới gốc toàn kỳ nam loại một. Tôi khai thác và chuyển hàng về nơi tập kết đã 3 lần nhưng chủ rẫy vẫn không biết. Một hôm trở lại, tôi ngồi nói chuyện và hỏi chủ rẫy “ông thích giàu có không”. Ông trả lời: “Tôi muốn có vài chục con bò như già làng”. Tôi liền cho ông 50 triệu đồng. Ông mừng quá, vội quay về nhà, quên cả cảm ơn. “Ngày đó, người ta đồn ông trúng đến vài trăm ký, sự thật có đúng vậy không? Sau lần hưởng “lộc”, ông có nghĩ mình là người giàu nhất trong giới đi điệu, cuộc sống của ông sau đó thế nào?”. “Lần đầu tôi bán đổ tháo, bán một nửa “cho” một nửa. Sau này tôi bán được khá hơn. Người ta đồn về tôi nhiều lắm, còn sự thật tôi trúng bao nhiêu ký thì…xin (cười). Trong đời đi trầm nói chung, phải nói ít có người may như tôi và tôi nghĩ mình là người may mắn nhất chứ không bao giờ dám nghĩ mình là người giàu nhất. Cuộc sống gia đình tôi và bà con hai bên nội ngoại đều có sự thay đổi. Tôi cho tiền cất nhà, mua xe và ít vốn làm ăn, nói chung là tương đối đàng hoàng”.

    Thế đấy, kỳ nam đã thay đổi cuộc đời một con người một cách ngoạn mục. Sau khi đã trở nên giàu có, không phải lo nhiều đến cái ăn, cái mặc, anh Hiệp lại chuyển cái tính kiên trì của mình sang một lĩnh vực khác, và cũng lại tiếp tục “nổi tiếng”…

    Chơi đá cảnh kiểu “vua kỳ nam”

    Bén duyên với nghề đi điệu, song anh Võ Hiệp cũng là một người mê chơi. Tính đến nay, anh đã có gần 15 năm “đắm mình” trong thế giới đá cảnh tự nhiên. Nhà anh, từ trước đến sau chỗ nào cũng thấy đá: đá trên bàn, trên kệ, đá dưới đất, trong phòng, nhà trên nhà dưới và cả tận ngoài ngõ, sau hè. Hiện bộ sưu tập đá cảnh của anh đã lên đến con số ngàn, trong đó có bộ Tứ linh rất quý, có những tác phẩm anh xem như vật gia bảo, để đời. Giá trị mỗi tác phẩm từ vài triệu lên đến vài trăm triệu đồng. Đặc biệt tác phẩm Cây trầm hương hóa đá anh đang sở hữu thuộc hàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, giá trị lên đến gần tỉ đồng.

    Người ta nói vạn vật hữu linh, điều đó không sai. Bởi mọi cái đúng sai đều đã được kiểm chứng trong thực tế. Anh nói về sự khởi đầu của mình như sau: “Tôi đến với đá cảnh ngẫu nhiên hơn đi trầm. Một lần lên núi, tôi ngồi nghỉ chân, tình cờ thấy một viên đá trước mặt có hình ngồ ngộ. Tôi lại gần, ngồi nhìn hồi lâu trông viên đá giống một “ông” rùa núi cổ có đeo dây chuyền vàng, đầu quay sang nhìn tôi. Lúc này tâm trạng tôi rất khác. Không chần chừ, tôi quyết định đưa “ông” về. Về đến nhà, lau hết đất bụi, để một nơi khang trang và tôi xem đó như một vật linh thiêng. Từ ngày được “ông rùa”, gia đình tôi luôn gặp may. Và cũng chính từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến đá tự nhiên, dần dần đam mê lúc nào không biết”.

    Anh Hiệp mê đá đến nỗi đêm nằm mơ thấy. Có lần rủ không ai đi, một mình anh cũng liều. Anh đi sưu tầm đá khắp chốn, từ Bình Định đến Đồng Nai và nơi anh đến nhiều nhất là sông Ba Hạ (Phú Yên). Chuyến dài nhất đến vài ngày. Có hôm được “lộc trời”, cả đi về chỉ trong vòng một ngày. Sáng đi, chiều tàng tàng xe máy về xuôi, trên yên đèo “cục vàng”, đến nhà đã biến ngày công thành ngày vàng.

    Trong bộ sưu tập của anh, quý nhất là tác phẩm hình “ông rùa”. “Có người trả tôi 10 ngàn đô nhưng tôi không bán. Bây giờ có trả bao nhiêu tôi cũng nói không”. Tác phẩm có giá trị nhất của anh là: Cây trầm hương hóa đá. Hàng “độc” này anh mua lại của một người quen trong tỉnh cách đây 3 năm với giá 80 triệu đồng: “Tôi bị cuốn hút khi lần đầu tiên nhìn thấy nên mới bỏ số tiền lớn ra mua. Sau khi mua về, tôi làm đế và đưa đi triển lãm nhiều nơi, được những người sành chơi đánh giá khá cao về mặt hình thể, chất liệu, niên đại” - anh Hiệp cho biết.

    Năm 2008, anh đem tác phẩm này triển lãm tại Bình Định, có người đặt vấn đề mua với giá 800 triệu đồng. Đồng ý bán và anh đã nhận tiền đặt cọc 20 triệu đồng. Thế nhưng, một người ở Phú Yên khuyên anh không nên ham tiền mà bán, phải để làm “đinh” cho tỉnh nhà. Anh đồng ý đem về và theo anh đây cũng là cái may, vì: “Nếu ngày đó tôi bán chắc bây giờ không tìm đâu ra được, tôi tin chắc điều đó bởi tôi đi nhiều nhưng chưa thấy tác phẩm nào đạt như tác phẩm của mình”. Ngoài 2 tác phẩm kể trên, anh Hiệp còn có nhiều tác phẩm độc đáo khác. Với anh Hiệp: “Chơi đá cảnh trước hết phải có sự đam mê, tiếp đến phải có “gan” và có điều kiện. Muốn có tác phẩm “độc” đòi hỏi mình phải có vốn, đôi lúc tôi phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua về một viên đá mình kết mà những người hàng xóm bảo “ông này giàu đem tiền bỏ trong túi người khác”.


    Ông rùa đeo dây chuyền vàng



    Sau lần trúng đậm kỳ nam, anh Hiệp vẫn là người sống vui vẻ và hòa đồng. Hiện vợ chồng anh đã mua nhà và mở khách sạn tại TP Tuy Hòa. Vợ làm giám đốc, chồng chơi đá cảnh. Dù không đi trầm nữa nhưng anh đã mua 5 sào đất nông nghiệp gần nhà trồng cây dó bầu - loài cây đã cho anh được “lộc”. Ngày ngày ra vườn tưới nước nuôi cây để con cháu sau này biết nhà mình đổi đời là nhờ loại cây này. Một số cây lớn đã được anh cấy trầm bước đầu. Anh đang chuẩn bị tham gia triển lãm đá cảnh tự nhiên trong 2 sự kiện lớn sắp tới, đó là ngày hội kỷ niệm 400 năm Phú Yên và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.



    Bài & ảnh: Đào Tấn Trực
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6
    Lục Đẳng Avatar của batquantrai
    Gia nhập
    Mar 2010
    Nơi cư ngụ
    Hư Không
    Bài gởi
    6,518

    Mặc định

    Ngậm ngãi để đi tìm trầm, đúng là lặn lội gian nan và nguy hiểm. Đổi chén cơm bằng cả sanh mạng của mình, khiếp.
    Như tảng đá kiên cố
    Không gió nào lay động
    Cũng vậy , giữa khen chê
    Người trí không giao động .
    :big_grin: :big_grin:

  7. #7

    Mặc định

    Trúng tiền tỷ nhờ tìm được trầm quý, nông dân làm việc thiện

    Trong lúc đi rừng tại khu vực đèo Phụng Hoàng, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, 9 nông dân quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tìm được 13 kg kỳ nam, mang về xuôi bán được gần 32 tỷ đồng.


    Mỗi người trong nhóm được chia hơn 3 tỷ đồng, riêng ông Võ Quốc Tuấn ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, do có công phát hiện đầu tiên nên ưu tiên nhận hơn 6 tỷ.

    Kể về hành trình đi tìm trầm cùng nhóm thanh niên trong làng, ông Tuấn cho biết, một tuần trước ông đang ở cánh rừng cạnh làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai, bất ngờ phát hiện trong bụi lồ ô rậm rạp một thân cây dó bầu to lớn đã mục nát. "Tôi gọi cả nhóm tới cùng dùng cuốc và liềm để khai thác. Sau hơn nửa giờ hì hục đào, tìm được một lõi kỳ nam to bằng bắp chân”, người đàn ông này hào hứng tường thuật.

    Nhóm tìm trầm hương đã tự nguyện góp hơn 50 triệu đồng từ số tiền bán kỳ nam, cho Quỹ vì người nghèo của xã Đại Nghĩa. Riêng ông Tuấn còn ủng hộ 80 triệu đồng đóng hai chiếc ghe đua tặng cho thôn Nghĩa Tây và Nghĩa Tân, nhằm khơi dậy phong trào đua ghe truyền thống địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết. Ông Tuấn cũng góp 20 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường nông thôn.

    Ông Thái Ngọc Ôi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Nghĩa cho biết, một số nông dân may mắn khác cũng đã đề nghị xã cấp đất để ủng hộ 150 triệu đồng làm sân bóng chuyền, bóng đá và biểu diễn văn nghệ.., tạo sân chơi cho thanh niên quê nhà.


    Trầm hương thường có trong những gốc cây dó lâu năm. Ảnh: tudo.9.forumer.com

    Đầu tháng 8, hai cụ già ở Phú Yên đi núi cũng tình cờ nhặt được kỳ nam, song vì không biết giá trị của nó nên chỉ bán rất rẻ. Những người mua sau đó đã bán lại số kỳ nam này thu hàng tỷ đồng.

    Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, kỳ hương hay còn gọi là kỳ nam, được tạo thành từ cây dó lâu năm. Dó có ba loại thường gặp: dó lưỡi trâu; dó lang và dó bầu. Trầm hương có xuất xứ từ hai loại dó lưỡi trâu và dó lang. Còn cây dó bầu (có tên khoa học là Aquilaria Agallochea thuộc họ trầm hymelaeaceae) thì tạo thành kỳ nam.

    Dó tự mọc trong rừng, phát triển thành cổ thụ, thường mọc ở các vùng núi miền Trung dọc theo các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Đông y gọi kỳ nam là "già nam", ngoài ra còn có những tên gọi khác như: già nam hương, nhự nam hương, lục kết, mật kết, sạn hương, hổ ban kim ty kết và kỳ nam hương.

    Trầm hương và kỳ nam của Việt Nam rất có giá trị trên thị trường quốc tế. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d'Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.

    Kỳ nam có công dụng chữa trị chứng đi tiểu không cầm được; giúp cho bền vững tinh khí (giao hợp được lâu); rất hay trong điều trị các bệnh tiêu hóa như bệnh khí thống (đau do hơi dồn tức trong bụng), hay đau bụng tiêu chảy thể tả; còn có tác dụng tiêu tan đờm dãi (dùng trong trị chứng ho). Ngoài ra, kỳ nam còn được dùng làm vòng đeo tay, hạt chuỗi, đồ trang sức có hương thơm lưu giữ hằng mấy chục năm. Nhiều người cho rằng đeo đồ trang sức làm từ kỳ nam vừa có công dụng trị gió, lại tránh được cảm.

    Trí Tín
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  8. #8

    Mặc định

    Ly kỳ kỳ nam
    09/09/2010 17:00



    Vùng núi mà Ma Ngân tìm thấy cây dó bầu có kỳ nam

    (TNTS) Chuyện một người dân ở Phú Yên trúng kỳ nam nhưng vẫn trắng tay vì không có duyên hưởng "lộc trời ban" đã khiến câu chuyện về kỳ nam càng trở nên huyền bí hơn.

    Lộc rừng

    Chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên trúng kỳ nam lan nhanh như gió, ai ai cũng biết. Bây giờ Ma Ngân rất nổi tiếng nên khi chúng tôi đến đầu buôn, ghé vào một nhà dân gần đó hỏi thăm, liền được một chị nhanh nhảu chỉ dẫn: "Anh cứ chạy đến cuối đường là nhìn thấy nhà rông văn hóa. Từ chỗ đó, anh bỏ qua một ngôi nhà thì nhìn thấy con hẻm nhỏ, chạy thẳng vào là nhà Ma Ngân đấy".

    Đến nhà Ma Ngân, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cũ kỹ ọp ẹp, phần nhà sàn đã bị rách nát. Cũng vì trúng kỳ nam mà mấy ngày qua Ma Ngân buồn bã đi uống rượu hoài, quên cả việc đi rẫy. Đang uống rượu ở nhà bên cạnh, nghe người hàng xóm gọi có khách đến, Ma Ngân liền vội về nhà. Tiếp chúng tôi rất niềm nở, nhưng khuôn mặt của Ma Ngân hiện rõ nét ưu phiền. Ma Ngân làm nghề đi địu (người chuyên đi tìm trầm kỳ) từ năm 1982, gần 30 năm trong nghề nên khá am hiểu về trầm kỳ. "Vậy mà, trong lần trúng hàng (kỳ nam - PV) này, tui vẫn trắng tay", Ma Ngân thở dài rồi bắt đầu câu chuyện.



    Ma Ngân buồn rầu vì không được hưởng lộc rừng

    Như mọi lần đi mót bì dó bầu, Ma Ngân cùng người cháu ruột Ma Kiệt lội bộ từ buôn đi dọc triền núi, len lỏi vào các rừng cây. Qua ngày thứ hai, ông cháu Ma Ngân lội qua suối Ae Vố ở núi Hòn Mù (gần bên khu Bệnh xá Trúc Bạch trong kháng chiến chống Mỹ). Tình cờ, Ma Ngân nhảy qua tảng đá, tay ôm chặt một cây gần đó để khỏi ngã nhưng đã vô tình bóc được bì cây dó bầu. Ông đưa lên mũi ngửi rồi mừng rỡ thốt lên "Đúng là mùi hàng rồi". Sau khi xem rõ mặt bì cây dó bầu, bằng kinh nghiệm lâu năm, Ma Ngân xác định ngay cây dó bầu này có kỳ nam. "Nhìn mặt bì bong tróc, phảng phất mùi thơm, tui biết chính xác cây này có hàng nên dùng câu liêm bấu vào mặt bì thì quả nhiên phát hiện hàng trong thân cây", Ma Ngân kể lại.

    Cây dó bầu mà Ma Ngân phát hiện chỉ mới khoảng 15 năm tuổi, đường kính chừng 20 cm. Phát hiện có kỳ, nhưng vì đi mót bì nên hai ông cháu Ma Ngân không mang theo rựa, chỉ còn cách dùng câu liêm chặt lấy phần trên. Ma Ngân say sưa kể: "Biết cây có hàng, tui mừng lắm, nhưng vì không có rựa, cuốc nên chỉ dùng câu liêm chặt một đoạn cách mặt bì chừng 30 cm mang về nhà làm ra chừng 1 lạng hàng và một cục trầm. Khi ông Hòa ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên, người chuyên mua gom bì trầm đến hỏi mua thì tôi bán 1 lạng hàng 2 triệu đồng, cục dó trầm 500.000 đồng. Tui nghĩ vậy là mình trúng rồi".

    Không có duyên hưởng lộc rừng



    Trúng kỳ nam nhưng Ma Ngân vẫn trắng tay, nhà thì cũ nát

    Câu chuyện đang hồi khá ly kỳ, bỗng dưng nét mặt Ma Ngân buồn hẳn, lời nói nghèn nghẹn như có cái gì chặn trong cuống họng. "Vài hôm sau tui biết được ông Hòa bán số lượng hàng mua của tui cho một người ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa với giá 195 triệu đồng. Nghe vậy, tui buồn thật nhưng rồi nghĩ "mình mua đứt bán đoạn, lời ăn lỗ chịu mà". Hơn nữa, đó chỉ là phần nhỏ, còn cả một cây lớn đang nằm trên núi. Tui làm lễ cúng "cô cậu" - nghi lễ của người đi địu - để sáng mai lên núi lấy nốt phần còn lại. Ai dè…", Ma Ngân thở dài với nét mặt buồn bã.

    Chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ trúng kỳ nam đã lan khắp cả tỉnh Phú Yên. Ngay trong đêm Ma Ngân làm lễ cúng nghề, một tốp người dân đi địu ở thôn Kỳ Lộ đã âm thầm đến thôn Gia Trụ thuê người dân bản địa dẫn đường đến suối Ae Vố đốn hạ cây dó bầu có kỳ nam. Cũng trong đêm đó, Võ Hiệp - "vua kỳ nam" xứ Nẫu cũng tức tốc đến buôn Gia Trụ và tìm đến nhà Ma Ngân. Vì Võ Hiệp trước đây có thời gian ở nhà Ma Ngân nên rất thân quen. Đến sáng, Ma Ngân đưa Võ Hiệp đến nơi thì hỡi ơi cây dó bầu có kỳ đã "không cánh mà bay".

    Đã nhiều ngày trôi qua, vậy mà Ma Ngân vẫn còn buồn mỗi khi nhắc lại. Nhiều người trong buôn tiếc cho Ma Ngân trúng kỳ nam hụt, nhưng ông lại tự an ủi mình: "Có lẽ tui được "cô cậu" cho gặp, nhưng lại không cho duyên hưởng lộc. Thôi đành chịu chứ biết làm sao hè!". Khi chúng tôi hỏi vì sao chuyện Ma Ngân trúng kỳ nam chỉ một mình anh biết, vả lại sao không lấy hết kỳ mà phải chờ đợi cúng xong mới đi lấy, Ma Ngân bộc bạch: "Hôm trúng được hàng, tui về nói với bà con trong buôn để mừng chia vui vì với bà con ở đây, cây đã có chủ thì không ai dám lấy. Tui nghĩ vậy nên chờ cúng lễ xong thì lên đào lấy hàng về. Chứ ai ngờ chuyện xảy ra vậy!".







    Điều bí ẩn nữa mà đến giờ ngay cả giới buôn trầm kỳ vẫn chưa biết rõ về giá thật của kỳ nam. "Giá mua hiện nay trên thị trường chưa phải là giá thật. Tùy theo đường dây mua kỳ mà có giá khác nhau, có người chỉ mua giá hơn 1 tỉ đồng/kg, nhưng có người sẵn sàng mua giá 2 tỉ đồng/kg. Còn giá bán trên mạng chỉ là giá ảo", anh Minh - một người buôn trầm kỳ ở huyện Đông Hòa tiết lộ.


    Về lại huyện Đông Hòa, chúng tôi đem câu chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ trúng kỳ nam tâm sự với "vua kỳ nam" xứ Nẫu - Võ Hiệp thì được ông khẳng định là có thật và tiếc cho Ma Ngân đã bị người khác "hớt tay trên". Bằng những kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cộng với sự mô tả về kích thước, năm tuổi cây dó bầu có kỳ, Võ Hiệp quả quyết: "Cây dó đó có lượng kỳ nam dưới 1 kg, giá bán hiện nay trên thị trường gần 2 tỉ đồng. Trường hợp cây kỳ nam mà Ma Ngân tìm thấy cũng khá đặc biệt, vì lâu nay cây có kỳ thường phải vài chục năm tuổi".

    Võ Hiệp kể lại chuyện những năm tháng còn đi địu, những ân tình với gia đình Ma Ngân. Chuyện Ma Ngân trúng kỳ nam hụt cũng khiến Võ Hiệp đau đáu trong lòng. "Nghĩ mà tiếc mà thương cho Ma Ngân, bởi đâu phải ai cũng dễ gì gặp được kỳ nam. Có khi cả đời người đi địu chưa bao giờ tận mắt thấy kỳ. Vậy mà kỳ vào tay rồi vẫn bị tuột khỏi", Võ Hiệp chép miệng tiếc thay cho Ma Ngân.

    Ma Ngân là người thứ 2 trong buôn gặp lộc rừng. Người trúng trước đó là Ma Toi, anh ruột của Ma Ngân nhưng hồi những năm 80 của thế kỷ trước, giá kỳ nam chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Còn bây giờ, trúng 1 kg kỳ nam sẽ trở thành tỉ phú.

    Bí ẩn kỳ nam

    Chuyện Ma Ngân gặp kỳ nam trong thân cây dó bầu chỉ mới 15 năm tuổi đã khơi lại cho giới đi địu và giới buôn trầm kỳ ở Phú Yên những suy nghĩ khác nhau về sự hình thành và phát triển kỳ nam, điều đó làm tăng thêm sự bí ẩn của loại dược liệu đặc biệt này. Võ Hiệp có nhận định riêng về sự phát triển kỳ nam trong cây dó bầu: "Những cây dó bầu có kỳ nam mà tôi từng gặp đều có kỳ nằm ở phía tây. Theo tôi, phía tây là thời điểm mặt trời có tia nắng nóng nhất nên rọi thẳng vào vị trí đó làm cho tinh dầu trong cây dó lâu ngày tích tụ lại rồi thành kỳ". Thế nhưng, theo anh Nguyễn Văn Tám ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên), người đi địu cũng từng trúng kỳ nam, lại có nhận định khác: "Trong cây dó có một loại kiến vàng sống. Những cây dó bình thường thì không thu hút được kiến, nhưng những cây "đặc biệt" thì thu hút chúng ở bởi nơi thân cây bị trầy xước có nhựa. Từ chỗ đó, kiến vàng đục thân và rồi trong thân cây hình thành kỳ".

    Một số người khác trong giới đi địu thì lại có nhận định về sự hình thành kỳ nam trong cây dó bầu khác với Võ Hiệp và anh Tám. Theo những người này, cây dó bầu bị gãy do bị bão rồi gặp một luồng gió "kỳ" nhập vào chỗ gãy, rồi kỳ bắt đầu phát triển trong thân cây dó. Điều chung nhất của những người đi địu nắm rõ là cây dó có kỳ nam thường nằm ở những vùng rừng núi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bất kể thân cây nằm ở trên đỉnh núi cao hay nằm ỡ vùng trũng hoặc ở ven suối. Sự hình thành kỳ nam trong cây dó bầu đến giờ vẫn là điều bí mật, vì có rất nhiều người đã đầu tư trông cây dó bầu để cấy "kỳ" nhưng đến giờ đã thất bại.

    Bài & ảnh: Đức Huy
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  9. #9

    Mặc định Bí ẩn trầm hương - Kỳ 1: Vài dòng lịch sử

    Bí ẩn trầm hương - Kỳ 1: Vài dòng lịch sử
    03/01/2011 23:38




    Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên - Ảnh: Tấn Tới

    Trên thế giới, giá bán cao nhất 1 kg trầm hương có thể lên tới 160 triệu đồng, còn giá 1 kg kỳ nam thì lên đến mức hoang tưởng: 7 tỉ đồng. Sự kỳ dị đó của giá cả, cộng với sự thiếu trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên đã khiến cho trầm hương vốn không bao giờ thiếu trên rừng núi chúng ta suốt hơn 4.000 năm qua, đã gần như bị tuyệt chủng chỉ trong vòng 35 năm.

    So với giá cả trên mây xanh thì những tri thức về trầm hương vẫn còn dưới mặt đất. Người ta biết quá ít về nó. Tri thức về trầm hương nghèo nàn đến mức sách vở chỉ trích qua trích lại 2 tài liệu, xưa nhất là của Lê Quý Đôn (Phủ biên tạp lục), gần nhất là của Đỗ Tất Lợi. Còn tài liệu khoa học trên thế giới thì chủ yếu nói về đặc tính của cây dó, liệt kê các hoạt chất và một số dược lý của trầm, chưa ai nói được cặn kẽ trầm được hình thành như thế nào, có những giá trị độc đáo gì mà giá của nó mắc đến như vậy.

    “Trong đau thương dó biến thành trầm”, tôi từng đọc ở đâu đó câu thơ này, nó khiến ta suy tư về lẽ sinh tồn của đời người. Trầm đã hình thành đúng như thế. Khi nào thân cây dó bị một vết thương (do va đập, do bị côn trùng đục, bị bom đạn...), xung quanh vết thương đó lâu ngày biến thành trầm. Vì hiểu được “nguyên lý” này nên ngày nay người ta có thể làm trầm “nhân tạo”, tức là trồng cây dó rồi tạo ra vết thương, cấy hóa chất vào để gây tác động cho ra trầm. Đến nay, nhiều người đã trồng dó và đã lấy được trầm theo phương pháp trên, tuy trầm nhân tạo có mùi thơm của trầm nhưng giá trị như thế nào thì vẫn còn mù mờ.

    Thực ra, tôi không quan tâm mấy đến trầm hương, ngoài sự liên tưởng về cái “đau thương” nói trên. Cho đến khi tôi gặp được một kỳ nhân dụng trầm tôi mới hiểu sự “đau thương” đó có quá nhiều bí ẩn.

    Đó là ông Nguyễn Phúc Ưng Viên. Là cháu nội hoàng tử thứ 12 con vua Minh Mệnh, ông Ưng Viên gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố. Theo “đế hệ thi” của vua Minh Mệnh thì hàng “Ưng” ngang với vua Hàm Nghi và là hàng ông nội của vua Bảo Đại. Hàng “Ưng” nay chỉ còn vỏn vẹn 3 vị: ông Ưng Linh hiện ở Đà Nẵng gần 90 tuổi, ông Ưng Ân ở Huế gần 80, ông Ưng Viên trẻ nhất, mới xấp xỉ 70. Giải thích về thứ bậc và tuổi tác của mình trong dòng họ, ông bảo: “Tôi thuộc dòng thứ”.

    Ông Ưng Viên sống ở TP.HCM như một ẩn sĩ âm thầm chữa bệnh cứu người. Từng có thời gian tiếp cận khá sâu vào ngành y của người Mỹ, nhưng ông không theo nghề bác sĩ mà chuyên tâm ứng dụng thuốc nam - xin lưu ý là thuốc nam chứ không phải thuốc bắc. Cả nhà ông không bao giờ sử dụng thuốc tây, kể cả đối với những vật nuôi như con heo con gà. Ông bảo dân tộc Việt từ một nhóm nhỏ mấy ngàn người, đã dựa vào thiên nhiên mà sống, mà sinh sôi phát triển mà mở rộng bờ cõi, đến nay đã lên tới hơn 80 triệu người, dân tộc đó ắt phải biết cách phòng và chữa bệnh bằng chính những gì mình có. Thuốc tây mới du nhập vào khoảng 150 năm nay thôi. Thế giới có biết bao nhiêu là trận dịch chết người hàng loạt, còn trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam có một trận dịch nào khiến nhiều người chết không? Chết hàng loạt vì đói thì có, còn chết hàng loạt vì dịch thì không.



    Cây trầm ở độ cao 1.500m trong dãy Yang Sin (Buôn Ma Thuột) trên 100 năm tuổi, mật độ nhiễm trầm 80% được ông Ưng Viên tạc thành tượng Phật. Tượng cao 2,82m, chu vi đế 3m - Ảnh: Ưng Viên



    Ông cũng không coi trọng thuốc bắc bằng thuốc nam. Ông bảo từ ngàn năm trước người Việt hằng năm phải cống nạp các thầy thuốc giỏi cho Trung Quốc. “Dòng họ tôi, chỉ riêng thời nhà Đinh đã phải cống nạp đến 18 thầy thuốc giỏi sang Tàu”, ông nói.

    La sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã từng nhắc vua Quang Trung rằng nước Nam ta sẽ còn phụ thuộc vào Trung Quốc chừng nào vẫn còn phụ thuộc vào thuốc bắc.

    Tổ chức Y tế thế giới ngày nay cũng khuyến nghị loài người nên áp dụng những thức ăn - dược liệu hữu ích của các dân tộc có lịch sử lâu đời để chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng tảo Spirulina từ châu Phi cho cả thế giới là một minh chứng.

    Tôi phải giới thiệu sơ qua một chút “lý lịch” của ông Ưng Viên, không phải để nhấn mạnh cái gốc hoàng tộc của con người này, mà vì nó liên quan đến tư cách “dụng trầm” và y thuật của ông. Mọi người đều biết, Lê Quý Đôn ở Đàng Ngoài, mà trầm thì xuất từ Trung Bộ, nên dù là một nhà bác học nhưng Lê Quý Đôn chỉ có thể khảo sát qua tư liệu cổ và hỏi thêm một số người khai thác trầm để viết sách, ông không thể có cơ hội trải nghiệm với trầm. Còn nhà Nguyễn, chính là gia tộc dụng trầm số 1, tính từ Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) trở đi.

    Có những cuộc tương ngộ làm nên lịch sử. Riêng cuộc tương ngộ giữa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Bỉnh Khiêm thì làm nên một cuộc xoay trời chuyển đất. Đọc sử sách ta chỉ biết đến lời khuyên nổi tiếng “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với Nguyễn Hoàng, nghe lời khuyên đó mà họ Nguyễn được bảo toàn để cho Việt Nam có thêm một nửa giang sơn gấm vóc. Nhưng không lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ giúp cho Chúa Tiên một lời khuyên thôi sao? Sử sách không ghi thêm điều gì nữa. Sử sách cũng chỉ cho biết Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông Trạng Trình tinh thông dịch số, là nhà nho yêu nước thương dân, là một ẩn sĩ “thu ăn măng trúc đông ăn giá”, là một nhà tiên tri. Chỉ là nhà tiên tri sao có thể khiến được cả ba nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn đều đến xin tham vấn trong những thời điểm ngặt nghèo? Nhà tiên tri, dù nổi tiếng đến đâu cũng chỉ có thể thuyết phục được người thường, đâu có thể khiến nổi các bậc đế vương đem sự nghiệp tiền đồ của mình mà gửi gắm. Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn là sự bí ẩn của lịch sử.

    Cho đến một buổi trưa ông Ưng Viên đãi tôi ăn món thịt dê do chính ông nấu. Tôi chưa bao giờ được ăn món thịt dê ngon như vậy. Nó ngon dĩ nhiên là do sự thiện nghệ của người nấu, nhưng nó còn ngon hơn vì câu chuyện được nghe. Ông Ưng Viên nói một trong những thứ mà Chúa Tiên mang vào Nam là những đàn dê, việc này do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị. Dê là con vật độc đáo, không những có giá trị y thực phục vụ sức khỏe cho dân chúng, mà còn rất tiện ích cho hậu cần quân sự. Dê dễ nuôi, có thể dẫn các đàn dê theo quân, khi có chiến sự chúng ở đâu nằm im ở đó không chạy nhặng xị như trâu bò gà vịt, lại dễ phân phối trong quân, một con dê có thể phục vụ gọn bữa ăn cho một “tiểu đội”. Cha ông của ông Ưng Viên dặn dò con cháu ngoài việc nhớ ơn và thờ phụng tổ tiên mình, còn phải nhớ ơn và thờ phụng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đề xuất với Chúa Nguyễn từ chiến lược chiến thuật, từ chuyện quân cơ, hậu cần cho đến những chuyện cụ thể liên quan đến bảo vệ sức khỏe cho quân dân như món ăn, bài thuốc để làm hành trang Nam tiến. Trong đó có chuyện “dụng trầm”.

    Nhà Nguyễn để lại nhiều di sản, có thứ để lại cho lịch sử, có thứ chỉ để lại cho con cháu. Những ai nói công thức rượu Minh Mệnh đã bị thất truyền là nhầm to. Hoàng tử Vĩnh Giu con vua Thành Thái, thuộc hàng cháu nội ông Ưng Viên, lúc khốn khó đã bỏ rượu cho các nhà hàng để sinh sống, đó là rượu Minh Mệnh chính hiệu. Ông Ưng Viên cho hay ông Vĩnh Giu có giữ bí quyết làm men nhưng không biết làm rượu, chính ông đã làm rượu giúp cho ông Vĩnh Giu. Rượu cung đình nhà Nguyễn có tới 175 dòng men, hơn 3.000 loại rượu. Ông Vĩnh Giu lưu giữ được 30% dòng men, ông Ưng Viên giữ được 70%. Chỉ riêng hai ông gộp lại cũng đã đủ 175 dòng, không có dòng men nào thất truyền cả, chỉ có điều là chúng không được truyền ra ngoài.

    Còn việc dụng trầm thì kế thừa tri thức của tiền nhân do Nguyễn Bỉnh Khiêm truyền lại, nhà Nguyễn đã có gần 400 năm ứng dụng trầm hương trong y học và đời sống, kể cả phục vụ quốc phòng, rồi hoàn thiện pho y lý về trầm hương, đồng thời có chính sách hữu hiệu bảo vệ triệt để nguồn tài nguyên trân quý ấy. Ông Ưng Viên kế thừa đủ di sản dụng trầm của dòng họ, do ông nội ông truyền lại, những bí quyết đó cũng không truyền ra ngoài.

    (Còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  10. #10

    Mặc định

    Bí ẩn trầm hương - Kỳ 2: “Thọ thiên địa chi khí...”
    04/01/2011 23:42



    Trầm hương và vòng đeo tay bằng kỳ nam - Ảnh: Tấn Tới

    Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được. Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau…


    Trầm hương sinh ra từ cây dó (cá biệt cây xương rồng cũng có thể cho ra trầm). Trong thiên nhiên có nhiều loài dó, nhưng theo ông Ưng Viên thì chỉ có cây dó bầu mới cho ra thứ trầm có thể chữa bệnh được.

    Trên thế giới, trầm tập trung chủ yếu ở 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong đó trầm Việt Nam có dược lý tốt nhất, những nghiên cứu khoa học mới đây về trầm của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc cũng xác nhận trầm Việt Nam có nhiều hoạt chất mà trầm các nơi khác không có.


    Ông Ưng Viên còn lưu ý: Trầm hương và kỳ nam là khác nhau, không phải kỳ là cái lõi của trầm. Một cây dó có trầm dù lâu năm đến bao nhiêu cũng không nhất thiết có kỳ nam, ngược lại một cây dó có kỳ nam không nhất thiết có trầm bên cạnh. Chúng được tương tác bởi hai loài nấm khác nhau. Kỳ nam hiếm hơn nên mắc tiền hơn, nó quá mắc tiền vì từ lâu nó được con người sở hữu như một “linh vật”, nhưng giá trị chữa bệnh và ứng dụng trong đời sống của kỳ nam thì không bằng trầm.



    Tại Việt Nam, trầm tốt nhất tập trung ở vùng Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, đây chính là “quê hương” của trầm, loài người phát hiện ra trầm khởi thủy là từ vùng này. Trước đây, từ Việt Nam, trầm được dùng làm cống phẩm đưa sang Trung Quốc. Trong các cống phẩm, trầm hương là thứ quý nhất. Tất nhiên các thầy thuốc giỏi nhất được cống theo để “hướng dẫn cách sử dụng”. Và từ đây, trầm hương đã theo con đường tơ lụa sang Trung Cận Đông, Địa Trung Hải...

    “Thọ thiên địa chi khí, tẩy vũ trụ chi trược, giáng khí trừ đàm, thiện trị phế phủ, chỉ tả bổ dương, thị là thế thượng trân chi giả...”, đó là đoạn tóm tắt y lý của trầm hương trích trong sách gia truyền của cung đình nhà Nguyễn mà ông Ưng Viên đọc cho tôi nghe, tạm dịch: “Tích tụ khí thiêng của trời đất, tẩy trừ mọi thứ ô uế trong không gian, có tác dụng giáng khí trừ đàm, chữa các bệnh thuộc phế phủ, chữa các bệnh về tiêu hóa, bài tiết, thận và tim mạch (chỉ tả bổ dương - nghĩa rộng), chính là thứ trân quý nhất”.

    Trầm có thể được sử dụng trong cả ngàn bài thuốc khác nhau, nhưng trước hết hãy nói về “thọ thiên địa chi khí”.

    Ai cũng biết không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam.

    Khi cây dó bị một vết thương, vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây dó mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh vết thương để tự vệ. Người ta thấy nhiều cây dó cho trầm chi chít những mắt trên thân cây, những mắt chi chít đó là vết tích do một loài côn trùng đục vào thân cây, dân gian gọi nó là con bọ xòe.

    Khi chất nhựa dần dần trở nên đậm đặc, lúc ấy những con kiến sẽ bò vào ăn chất nhựa này. Đó là một loài kiến cao cẳng, màu vàng hoặc màu đen.

    Chính những con kiến kia mang theo các phân tử trầm hương (một loài nấm) vào “cấy” trong lớp nhựa. Loài nấm này tương tác với các hoạt chất của lớp nhựa, dưới tác động của khí hậu bên ngoài và sự tương tác diễn ra trong một thời gian rất dài mới sinh ra trầm, tương tác càng lâu trầm càng có giá trị. Thông thường, cây dó phải có tuổi thọ hơn 50 năm mới có thể cho ra một thứ trầm có giá trị chữa bệnh.

    Về giống “kiến cao cẳng” mang phân tử trầm vào cây dó, ông Ưng Viên lưu ý không phải kiến cao cẳng nào cũng làm được điều này. Phải theo dõi rất nhiều năm mới phát hiện ra, chúng không bao giờ làm tổ trên những cây trầm. Đây là giống kiến rất quý về dược liệu, trứng của nó rang lên có thể chữa được chứng méo miệng, cấm khẩu (liệt dây thần kinh số 7, số 21). Trứng của giống kiến này không thiếu trong kho tàng dược liệu của ông Ưng Viên.

    Tôi hỏi xin ông một tấm hình về những con kiến đó, ông lắc đầu từ chối: “Tuyệt đối không nên đăng ảnh của nó lên trên báo, đăng lên là nó bị người ta tận diệt ngay. Người của tôi đi lấy trứng kiến, mỗi lần lấy không bao giờ quá 1/3 tổ trứng. Lấy tới 1/2 là nó tuyệt chủng rồi”. Ông Viên còn mô tả những đặc tính của loài kiến trên nhưng tôi không dám ghi ra đây vì cũng sợ chúng sẽ bị... tuyệt chủng.

    Quá trình hình thành trầm hương theo một “cơ chế” tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thật ra là vô cùng kỳ bí. Cho nên người xưa nói “thọ thiên địa chi khí” là đúng nhất. Con người đã khẳng định hương trầm là “vua của các mùi hương”. Hàng ngàn năm nay trầm được xông trong các cung điện vua chúa, tại các lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo. Nó là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.

    Trong thiên nhiên có rất nhiều thực vật có tinh dầu phát hương ra không gian, nhưng chỉ có trầm là thứ mà nguồn phát ra hương không bao giờ cạn, từ lúc trong rừng núi cho đến khi đem ra chế tác, lưu giữ. Người ta phát hiện các mảnh trầm nằm dưới đáy các giếng cổ Chămpa, qua hàng ngàn năm mà khi lấy lên hương thơm vẫn còn nguyên vẹn. Ngày nay trầm còn được dùng làm chất định hương cho mỹ phẩm, nước hoa Chanel No.5 và các thứ nước hoa nổi tiếng khác trên thế giới không thể không có trầm hương.

    Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được (riêng kỳ nam có ít mùi hơn và không có vị ngọt). Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau, thay đổi theo thời gian, khi thì mùi hoa sen, khi thì mùi hoa hồng, khi thì vani, khi thì mùi gỗ thông, khi thì mùi xạ hương... Điều lạ lùng nữa là trong những thời điểm giống nhau mà tại địa điểm khác nhau mùi trầm hương cũng thay đổi.

    Điều này khoa học chưa đủ khả năng giải thích. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã thử làm khảo cứu phân biệt hương thơm của một số sesquiterpen carboxylic acid trong tinh dầu trầm và nhận thấy có khi chỉ vì vị trí của một dấu nối đôi như hai chất selina-3,11 và selina-4,11 dienal mà mùi hương rất khác nhau, chất thứ nhất có mùi gỗ, mùi hoa hòa với mùi khói, chất kia phảng phất hương bạc hà.

    Bốn chất đồng phân neopetasan, epineopetasan, dihydro karanon, ngoài vị trí các dấu nối đôi, còn khác nhau ở hướng các nhóm methyl cũng cho ra các mùi khác nhau (dẫn theo tiến sĩ Võ Quang Yến, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Đà Nẵng 2008). Khoa học chỉ mới biết tới đó, còn vì sao lại có sự “biến tấu” như vậy thì khoa học đành chịu, ở đây vẫn là quá trình “thọ thiên địa chi khí”. (còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  11. #11

    Mặc định

    Bí ẩn trầm hương - Kỳ 3: Dụng trầm
    05-01-2011 23:09:00


    Chế tác trầm thành tác phẩm nghệ thuật tại xưởng trầm nhà ông Ưng Viên - Ảnh: Tấn Tới



    Trầm có tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe con người, theo 3 con đường: xông, uống và ăn.

    Trầm trong thiên nhiên có tác dụng khử độc không khí, trừ lam chướng, làm trong sạch môi trường sống. Người xưa biết rõ điều này nên mới tổng kết: “tẩy vũ trụ chi trược”.

    Khử uế một cách triệt để

    Tính chất “tẩy vũ trụ chi trược” có thể đem áp dụng để khử uế. “Khử uế một cách triệt để, ngoài trầm hương không thứ gì giải quyết được”, ông Ưng Viên khẳng định. Và tôi được biết một câu chuyện thú vị.

    Vào năm 2008, một tàu của Mỹ chở thuê hải sản tải trọng 1 vạn tấn, khi cập cảng Nhà Bè (TP.HCM), cảng vụ phát hiện tàu bị ô nhiễm nặng (mùi hôi thối quá mức), nên không cho phép xuất cảng vì theo quy định quốc tế thì tàu phải được xử lý ô nhiễm mới được rời khỏi cảng. Kỹ thuật khử uế của người Mỹ trên tàu không giải quyết được. Cảng vụ phải mời các chuyên gia của một viện từ Hà Nội vào xử lý cũng không xong.

    Người phụ trách công việc ở cảng có quen biết với ông Ưng Viên nên mời ông thử xử lý giúp. Ông Ưng Viên đồng ý, với một điều kiện: các thủy thủ phải uống một thứ rượu có pha… nguyên liệu xử lý tàu. Quá khiếp với điều kiện này, nhưng thấy người ở cảng “gương mẫu” uống trước, các thủy thủ cũng uống.

    Chỉ sau 1 ngày 1 đêm, ông Ưng Viên đã giúp xử lý sạch con tàu bằng hai phương pháp: nửa phun, nửa xông. Các thủy thủ vô cùng kinh ngạc về kết quả trên đã gọi điện cám ơn ông rối rít và vui mừng cho biết sau khi uống thứ rượu đó sáng ngủ dậy trong người lại khỏe ra. Rượu đó chính là rượu pha trầm. Còn thứ nước phun xử lý tàu thì vẫn còn 60 lít họ xin được mang theo.

    Kể lại câu chuyện này với tôi, ông cười nói: “Tôi cho họ mang về 60 lít nước đó, nhưng chắc chắn họ không thể phân tích được nó có những chất gì”. Phương pháp của ông là di sản gia truyền “Bí mật quân lương và khử uế tàu chiến” của cung đình nhà Nguyễn. Chất liệu căn bản của nó là trầm hương và trà.

    Tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe

    Trầm có tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe con người, theo 3 con đường: xông, uống và ăn.

    Về y lý, hương trầm xông lên có tác dụng điều khí, rất tốt cho sức khỏe. “Xông hương trầm thường xuyên không bị máu đông ở động mạch, phổi không bị nghẽn, xoang không bị viêm, không u bướu, không liệt dương liệt âm lãnh cảm…”, ông Ưng Viên vừa nói vừa đưa tôi tới gần bình xông trầm đang ngát hương. Cái bình xông trầm này do ông cùng 2 kỹ sư người Nhật và Đài Loan nghiên cứu chế tạo, nguyên liệu được lấy bằng thứ cát đặc biệt tại Nha Trang ở độ sâu 20 mét. Bình xông trầm hiện nay trên thị trường có thứ của Nhật, có thứ của Hàn Quốc, có thứ của Trung Quốc, Đài Loan, xông bằng những cái bình ấy có thể giải phóng được 50% hương trầm, còn bình xông của ông có thể giải phóng được 95%.

    Ông Ưng Viên tỏ ra bức xúc về vấn nạn sức khỏe do môi trường ô nhiễm hóa chất và thức ăn công nghiệp hiện nay khiến cho các bệnh về hô hấp và tiêu hóa gia tăng. Hai phương thang: Ôn tì bình vị (gồm trầm, xuyên bối mẫu, toàn quy, thăng ma, bạch truật…) và Kiện tì tiêu thực (gồm trầm, xuyên khung, bạch truật, toàn quy, liếu tiếu thảo…) có thể giải quyết triệt để các bệnh này, không tái phát.

    Các thang “Thanh khí ôn phế”, “Điều huyết dưỡng khí”, “Nhứt dâm cửu dựng”, “Ôn dương cố thận”… như tên gọi của chúng, chữa những bệnh về đường hô hấp, khí huyết, bổ dương… đều dùng trầm làm vị chủ. Ông Viên không coi trọng những bài thuốc “tráng dương”. “Tráng dương” thì nhất thời. “Bổ dương”, “ôn dương” mới là sự bền vững, mà chuyện này thì không thứ gì qua nổi trầm.

    Việc dụng trầm của ông Viên hình như đạt đến độ xuất thần nhập hóa. Như trên đã nói, trong những giờ khác nhau trầm tỏa ra các mùi hương khác nhau. Chỉ riêng việc lấy trầm từ cây trầm ra để chế biến cũng được thực hiện vào những thời khắc thích hợp, tùy theo khí hậu, loại bệnh và đặc tính của từng người bệnh. Ngay cả trong chuyện đơn giản hơn như ẩm thực, ông cũng áp dụng các nguyên tắc này.

    Ông nói cũng là thứ rau húng trồng trong một vườn rau nhưng có khi ăn thấy ngon, có khi ăn không thấy ngon. Vì sao vậy? Vì rau ăn không ngon là do hái không đúng giờ. Rau húng phải hái vào lúc 5 - 6 giờ sáng hoặc 5 - 6 giờ chiều thì ăn mới ngon, vì những thời điểm đó rau tiết ra những chất tốt nhất, còn các giờ khác thì rau tiết ra một số chất xấu.

    Sự trải nghiệm với trầm của ông Ưng Viên còn thể hiện ở lượng trầm mà ông đang có. Hơn 30 năm nay ông đã dùng hết tài sản và đi vay mượn để tích lũy cả một kho tàng: Hơn 60 tấn trầm và kỳ nam, gồm 36 cây trầm lớn, bình quân mỗi cây gần 2 tấn, mật độ ăn trầm từ 60-80%. Những cây trầm ông giữ đều được lấy theo đúng nguyên tắc: tất cả đều đã chết rũ trên rừng, vận chuyển về đều hợp pháp, có dấu búa kiểm lâm. Phần lớn những cây trầm ông đang có là độc nhất vô nhị, không còn tồn tại trong thiên nhiên.

    Nhà ông ở TP.HCM có một xưởng chế tác trầm, có một “đội thợ trầm hoàng tộc” - là hậu nhân của các thợ trầm cung đình khi xưa giúp việc. Ông và những người thợ tạc những cây trầm thành các tác phẩm nghệ thuật để lưu giữ lại cho con cháu, ông chưa hề bán và sẽ không bán một kg trầm nào. Ông dùng lớp vỏ sát lõi có nhiễm tinh dầu trầm và kỳ nam để làm thuốc, đó là phần làm thuốc tốt nhất. Lớp ngoài nữa, nhiễm tinh dầu ít hơn, ông dùng làm nguyên liệu cho nồi xông chữa bệnh. Lớp ngoài cùng dùng làm hương.

    Tôi nhiều lần được đến xem xưởng trầm của ông, nghe ông giới thiệu xuất xứ của từng cây trầm và đặc tính của từng loại trầm. Ở đây có đủ các loại trầm, các loại kỳ nam. Tôi hỏi ông, ông Lê Quý Đôn nói đốt trầm lên thì khói xoáy rồi sau mới tan, còn đốt kỳ nam thì khói lên thẳng và dài, nói như vậy có đúng không. Ông cười, bảo rằng nhà bác học Lê Quý Đôn rất giỏi nhưng ông ấy không có cơ hội tiếp cận đầy đủ với “hiện vật” nên vừa đúng vừa sai.

    Khói vút lên thẳng như sợi dây là đúng, nhưng chỉ đúng với kỳ nam hương thôi, còn các loại kỳ nam khác thì khói vẫn xoáy. Ông vừa nói vừa chỉ vào một cái hốc của cây trầm cao to trong xưởng đã tạc thành tượng, ở đó lộ ra một cái lõi to và dài màu vàng sậm: “Kỳ nam hương là thứ này đây, chỗ này ít nhất cũng vài chục kg”. Kỳ nam hương giá rẻ hơn các loại kỳ nam khác, khoảng 2 - 3 tỉ đồng trên thị trường thế giới, nhưng có giá trị chữa bệnh tốt nhất trong các loại kỳ nam, tuy kém thua trầm.


    Trầm kết hợp với thịt dê - ngọc dương, nghệ vàng, nghệ đen, măng tre (vắt lấy nước), nước gạo rang … ăn vào có thể làm sáng mắt, thính tai, trị chứng đau nhức.

    Trầm kết hợp với chè, có thể ngừa và trị được các “mắc mứu” ở phổi, đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa.

    Trầm làm rượu, uống vào sáng mắt, trị viêm họng, đau dạ dày, nghẽn động mạch tim, làm mạnh thần kinh cơ bắp.

    Trầm kết hợp với vảy cá rô đồng có thể trị triệt để các bệnh về tiêu hóa của trẻ nhỏ.

    Trầm kết hợp với vảy cá rô đồng cộng thêm với chè có thể chữa kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn.

    Trầm kết hợp với trúc nhự (dịch măng tre) có thể chữa chứng cành hông, làm tiêu hóa không bị xáo trộn.

    Trầm kết hợp với ma hoàng trị được các bệnh phụ khoa.

    Trầm dùng trong thang “Diệc nhan minh mục” (kết hợp với các thảo dược khác) làm cơ thể trẻ lại, mắt sáng ra.




    (Còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  12. #12

    Mặc định

    Bí ẩn trầm hương: Hãy cứu những cánh rừng có trầm Được đăng vào lúc 07/01/2011 9:51 AM

    Hiện nay, dó bầu tự nhiên ở độ cao từ 1.000 mét trở xuống đã hoàn toàn bị hủy diệt. Khi đã khai thác hết trầm, người ta còn đốn sạch cả những cây dó chưa có trầm mang về nấu dầu xuất khẩu. Cứ băm ra 1 tấn cây dó mới nấu được 1 lít dầu trầm…



    Ông Ưng Viên giới thiệu một đoạn gỗ trầm - Ảnh: Tấn Tới



    Ông Ưng Viên có quan điểm y học khá độc đáo: trị bệnh là trị riêng cho từng người, không có thứ thuốc sản xuất hàng loạt nào có thể hoàn toàn chữa đúng bệnh. Cùng một thứ bệnh, nhưng ở người này có biểu hiện khác với người kia. Cùng một loại vi khuẩn, khi xâm nhập vào cơ thể người này sẽ cho triệu chứng khác với khi xâm nhập vào cơ thể người khác. Chẩn đúng bệnh và cho đúng thuốc, là quan điểm chữa bệnh nhất quán của ông.

    Ông Ưng Viên kế thừa y lý chân truyền của dòng họ, ông cũng được tiếp thu những tài liệu y học cổ truyền Trung Hoa từ thời Hán - Đường. Các phương pháp “chân truyền” và những sách vở về Đông y đang được lưu hành nhiều khi rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn. Sở dĩ có tình trạng như vậy, là do tương truyền vào thời cuối nhà Thanh, khi phương Tây tấn công Tử cấm thành, triều đình sợ những tài liệu của tổ tông của họ bị “lọt vào tay địch” nên cất giấu đi, thay vào đó là những quyển sách được “viết ngược”, tức là y lý đã bị đặt lộn tùng phèo, giống như Đoàn Dự đã chép lộn ngược Cửu âm chân kinh giao cho Cưu Ma Trí để ông này luyện mà tẩu hỏa nhập ma trong truyện của Kim Dung. Các danh y trong lịch sử thường được sư phụ trực tiếp truyền thụ, vì những bí quyết thực sự không bao giờ nằm trong các sách vở trôi nổi. Thầy phải chọn trò có tư chất, có tư cách để truyền bí quyết.

    Trong các bài thuốc của ông bao giờ cũng có hai vị căn bản: trầm và… tre. Ông bảo cây tre có giá trị y học không kém gì trầm. “Không có bài thuốc nào tổ tiên tôi để lại mà không dính tới cây tre”, ông quả quyết. Ngay cả tre ngâm bùn cũng có thể làm thuốc chữa được chứng hoại tử. Theo ông, trầm và tre là hai thứ bảo đảm nền tảng cho sức khỏe. Nguyên lý của tre: điều hòa khí mạch; nguyên lý của trầm: điều khí bình huyết.

    Ông khuyên tôi nên viết nhiều về cây tre, còn đối với trầm thì viết in ít thôi, vì trong một thời gian dài báo chí quá đề cao sự mắc tiền của nó nên đã góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của trầm. Tôi hiểu sự bức xúc của ông.





    Ông Ưng Viên lưu ý: Trên thị trường cả nước hiện lưu hành 4 loại trầm là trầm dó bầu, trầm dó dây, trầm niệt (còn gọi là trầm nghiệt), giả trầm hương. Trong 4 loại đó, chỉ có trầm dó bầu mới có giá trị trong chữa bệnh. Nhưng phân biệt giữa chúng là rất khó, phải có kiến thức mới biết được. Vì vậy, phải hết sức cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.




    Ông cho rằng, hiện nay các bệnh viện nhi mỗi ngày có rất đông bệnh nhân bị bệnh về khí phế quản và tiêu hóa, nếu phương thuốc giản đơn của dân tộc từ trầm được thẩm định để đưa vào chữa bệnh thì chi phí có thể giảm được đến hơn 90%. Ông chỉ cho tôi một cây trầm cao khoảng 2 mét, đường kính khoảng 20 cm dựng trong xưởng trầm nhà ông và nói: “Nếu mỗi ngày chữa cho 10 người bệnh thì phải 100 năm mới hết cây trầm này. Thực ra dùng trầm để chữa bệnh như dùng muối nêm vào canh, không tốn nhiều tiền mà hiệu quả. Vấn đề là xã hội phải thay đổi cách phòng và chữa bệnh, biết tận dụng các phương pháp hiệu quả mà cha ông ta đã trải nghiệm hàng ngàn năm nay”.

    Nhưng dù dùng trầm “như muối nêm” thì cuối cùng nó vẫn hết nếu không có cách khai thác phù hợp. Cho nên vấn đề cấp bách nhất là phải nhanh chóng chặn đứng sự tàn phá để giữ và khôi phục những gì còn sót lại trên những cánh rừng có trầm.

    Hiện nay, dó bầu tự nhiên ở độ cao từ 1.000 mét trở xuống đã hoàn toàn bị hủy diệt. Khi đã khai thác hết trầm, người ta còn đốn sạch cả những cây dó chưa có trầm mang về nấu dầu xuất khẩu. Cứ băm ra 1 tấn cây dó mới nấu được 1 lít dầu trầm, để bán lấy 15.000 - 20.000 USD một lít, người ta đã hủy diệt gần xong một nguồn tài nguyên quý giá của dân tộc. Trữ lượng dó bầu tự nhiên hiện còn không nhiều và chỉ có ở độ cao trên 1.000 mét. Tại độ cao đó cây dó mọc rất thưa, hiện tượng ăn trầm ít.

    Theo ước tính của ông Viên, nếu như Nhà nước có biện pháp cứu những rừng có dó, lệnh cấm rừng được thực thi triệt để, 50 năm nữa thiên nhiên mới có thể tái tạo lại rừng có trữ lượng dó bằng khoảng 23 - 35% của thời kỳ trước năm 1975. Cùng với việc cấm rừng, phải cấm triệt để việc xuất khẩu trầm tự nhiên theo CITES (Quy ước thương mại quốc tế về những loài động vật và thực vật hoang dã lâm nguy).

    Ngày xưa, mỗi năm chỉ duy nhất một lần, nhà Nguyễn chọn những người có hiểu biết, có tư cách để cho vào rừng khai thác trầm trong vòng 1 tháng, luật của triều đình chỉ cho phép lấy trầm tại những cây dó đã chết rũ, tuyệt đối cấm lấy trầm trên những cây còn sống. Điều đáng lưu ý là sau này khi người Pháp sang cai trị nước ta, quy định đó của nhà Nguyễn vẫn được áp dụng một cách nghiêm ngặt. Bởi vậy mà dù các rừng trầm hàng ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn, nhưng người dân mỗi khi cần vẫn có trầm hương để dùng với giá không quá mắc.

    Con người hiện tại là những kẻ kiêu ngạo với thiên nhiên, nên cái giá phải trả là rất đắt. Đã đến lúc chúng ta nên tỏ ra khiêm tốn. “Thiên nhiên sẽ tha thứ nếu con người biết phục thiện”, ông Ưng Viên nói.



    (Theo TNO
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  13. #13

    Mặc định

    xin hỏi huynh Bin 571 gọi là ngải thì đúng hay gọi là ngãi thì đúng

  14. #14

    Mặc định Bán gỗ trầm, tinh dầu trầm, hương trầm

    Chúng tôi cơ sở sản xuất, phân phối các sản phẩm trầm hương. Trầm hương có giá trị kinh tế và y tế cao trong sử dụng như xả stress, thanh loc không khí, xông phòng, trang trí...Sản phẩm đang rất được ưa chuộng trên thế giới và VN.
    Các sản phẩm gồm có:
    - Hương trầm: hương nén, hương vòng, hương que dùng trong thờ cúng, các KS, nhà hàng
    - Trầm nén, bột trầm dùng thanh lọc không khí
    - Tinh dầu hương trầm dùng xông hơi
    - Rượu trầm
    - Vòng tràng hạt trầm mỹ nghệ
    - Mảnh gỗ trầm
    Non bộ trầm theo quan niệm là “cây tài lộc, cây may mắn”, xua đuổi tà khí đem lại tài lộc được sử dụng trong bày trí cơ quan, văn phòng, khách sạn, phong thủy. Sử dụng trầm hương là thể hiện nét thẩm mỹ, quyền lực kinh tế và chính trị
    Chi tiết liên hệ: Hiếu - Công ty CP thương mại An Phát
    Sđt: 0165 970 5668/043 6368515. Website: http://www.tramhuonganphat.com
    103E8 Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •