Ngôi nhà bị... “ma ám”

Bà Lê Thị Nhã, ở số 46 khối 1, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã tự biến con trai duy nhất của mình thành “vật tế” cho con ma gà hơn ba năm trời. Bà Nhã bỏ qua mọi lời khuyên, chống lại quyết định của chính quyền địa phương và đi tứ phương cầu thầy bói về nhà lập đàn cúng tế mê tín dị đoan nhằm “đánh ma” ra khỏi thân thể của con trai mình.

Thằng Ban nổi “ma gà”


Bà Nhã trước cửa mới mở của nhà “ma ám”.

Con trai của bà Nhã là Lương Văn Ban, 19 tuổi, vốn khoẻ mạnh, thông minh, hiền lành, dễ mến... Vào đầu năm 2005, bà Nhã đi chợ về thấy Ban đang sốt li bì, nói không ra tiếng, đổ mồ hôi ướt đầm cả chăn chiếu. Ban nằm liệt giường từ đó. Bà Nhã không đưa Ban đi bệnh viện khám, cũng không thuốc thang gì hết mà chỉ lo thắp hương cúng lung tung vì cho rằng con bà đắc tội với thần thánh phương nào.

Một hôm, Ban bỗng nổi điên, đập hết đồ đạc, bát đĩa trong nhà, đạp bát hương trên bàn thờ, la hét ầm ĩ, thậm chí đánh bà ngã lăn ra đất rồi bỏ chạy ra khỏi nhà. Vừa chạy, Ban vừa la rằng có ma trong nhà đuổi đánh cậu, cậu phải trốn khiến cả phố náo loạn. Bà Nhã chạy đến ôm lấy con rồi la làng: “Ối làng nước ơi, nó bị “ma gà” nhập thật rồi, có ai cứu con tôi với”. Có người bảo bà: “Nghe nói nó sốt li bì lâu rồi, bị rối loạn thần kinh, bị biến chứng, bà đưa nó đi viện đi”. Bà Nhã thản nhiên “bắt bệnh” cho con: “Không phải, thầy cúng nói nó bị “ma gà” ám mất rồi. Để kêu thầy cúng cho nó khỏi bệnh”.

Đón chúng tôi trước cửa, bà không mấy mặn mà khi có khách, bà Nhã cho rằng “ma gà” phái nhiều “âm binh” hùng mạnh đến phá nhà, nên bệnh thằng Ban không khỏi đâu! Bà Nhã kéo tôi ra cửa, trỏ sang căn nhà đối diện và “tố cáo” tội của ông hàng xóm: “Chính nhà lão dân tộc Nùng họ Hoàng kia yểm con ma gà vào nhà tôi đấy. Nó làm con tôi khổ sở và đau đớn mấy năm trời”.

Được biết, ông hàng xóm nhà đối diện ấy là cán bộ hưu trí, làm tổ trưởng dân phố, làm công tác chống nạn mê tín dị đoan, nên thấy bà hay cúng bái, ông bèn khuyên can và nhắc nhở. Nào ngờ, đến chuyện cậu con bà bị điên như thế khiến cho bà càng thêm cuồng tín hơn. Bà đi tứ phương mời thầy về chữa bệnh cho con và giải trừ ma gà. Nhưng giải trừ đâu chẳng thấy, con bà mỗi lúc một thân tàn ma dại, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Cách “đánh ma” man rợ

Trong ngôi nhà của bà, cánh cửa chính đối diện nhà ông hàng xóm đã bị xây bịt kín, đằng trước treo cây roi dâu khô héo và treo một túi tỏi, theo lời của thầy cúng. Trong nhà trang trí như một trận đồ bát quái. Bà dùng gỗ quây kín nơi Ban nằm, sưu tầm quần áo rách giăng kín nhà. Lưới đánh cá rách của dân chài, treo tỏi lủng lẳng để yểm bùa. Thỉnh thoảng lại có chân nhang cắm lung tung trong mọi ngóc ngách của căn nhà. Để trừ tà ma ngoại đạo, bà Nhã đã cầu rất nhiều thầy bói ở các tỉnh gần xa. Từ cách lấy máu chó đổ lên người con và ngôi nhà, đến lấy 7 cái roi dâu đánh con đến điên dại mà bệnh của nó không khỏi, lại có phần nặng hơn.

Bà không thèm dừng lại, mà mỗi tháng còn tổ chức cúng lễ hai lần, thanh la kêu ầm ĩ, não nùng, khói hương mù trời... Đã vậy, nghe lời các thầy phán, lâu lâu bà tống vào người Ban bao nhiêu là lá bùa ngải. Thỉnh thoảng, bà pha cả âu nước tiểu với tỏi sống bôi lên người và bắt Ban uống... Trước tình cảnh đó, chồng bà là Lương Văn Thành, 72 tuổi, người dân tộc Nùng cũng đành bất lực trước người vợ cuồng tín và “gia trưởng”.

Theo tiến sĩ Lương Ngọc Phán, Khoa tâm thần Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn: Ban đầu, Lương Văn Ban chỉ bị sốt, do không chạy chữa nên sinh biến chứng, bị bệnh thần kinh nặng. Còn sức khỏe suy sụp như hiện nay là do bà Nhã cấm không cho chạy chữa, lại “hành” con theo kiểu “đánh ma” man rợ. Ông Đặng Văn Báu, Chủ tịch phường Chi Lăng, cho biết: “Từ đầu năm 2007 đến nay, đã có nhiều đoàn cán bộ xuống tận nhà bà Nhã xử lý. Ngày 25-9-2007, chúng tôi đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp gồm các ban ngành và cho mời bà Nhã bàn việc cho Ban đi chữa bệnh, kinh phí phường lo.

Và ngoài ra phường còn đề nghị thành phố Lạng Sơn trợ cấp cho gia đình bà theo Chương trình 134 của Chính phủ để gia đình bà cải tạo lại chỗ ở nhưng bà không nghe mà đòi 30 triệu đồng tiền mặt để lo cho con bằng cách cúng bái. Chúng tôi đành chờ thành phố xử lý”. Cũng theo ông Báu, trường hợp của gia đình bà, cấp phường không có thẩm quyền cưỡng chế nên đành chờ đợi xin ý kiến của cấp trên. Như vậy, đồng nghĩa với việc cậu thanh niên Lương Văn Ban vẫn phải nhốt trong “lô cốt” nhốt ma ấy và tính mạng vẫn bị đe dọa. Không biết đến bao giờ các cơ quan ban ngành thành phố Lạng Sơn mới có biện pháp cứu Ban khỏi tình trạng là nạn nhân của hành vi mê tín dị đoan trên?

Thành Văn