Hạnh phúc bị lãng quên


Có thế diễn đạt hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta bằng cái trục ngang với rất nhiều điểm đến. Ta hãy chọn khởi điểm là A và điểm đến là B. B có thể là nguyện vọng lấy được chứng chỉ master. Nhưng đến B rồi cũng thấy thường thôi, chưa phải là hạnh phúc nên ta sốt ruột muốn đến thử C, lấy được người mình thương mới thật sự là hạnh phúc. Nhưng sau đó không lâu ta bỗng phát hiện hình như còn thiếu một vài điều kiện quan trọng nữa mới nắm được hạnh phúc, phải có một đứa con xinh xắn mới gọi là mái ấm gia đình, nên ta đã hy vọng ở D.

Rồi ta vẫn chưa an tâm, tiếp tục đặt ra những điều kiện hạnh phúc mà mình cần phải đạt cho bằng được như là sở hữu một căn nhà khang trang rộng lớn, một chiếc xe hơi đời mới nhất, một trương mục khá nhiều tiền, một địa vị có nhiều quyền lực mà bạn bè đều kính nể… thì mới bảo đảm cho hạnh phúc bền vững.

Cứ thế ta tiếp tục lao như điên đi về E, F, G… và ở mỗi điểm ta chỉ cảm nhận được giá trị hạnh phúc rất ngắn ngủi. Chừng vài tuần hoặc vài tháng sau ta lại khát khao đến những điều kiện hạnh phúc khác. Đôi khi ta còn nghĩ biết đâu hạnh phúc thật sự chỉ nằm ở cuối trục ngang này không chừng.

Ô hay, cuối trục ngang này là cuối cuộc đời ta rồi đây. Ai dám bảo đến đoạn cuối đời ta mới có thể chạm tay tới cái giá trị thiêng liêng của hạnh phúc kia chứ. Nhưng nếu quả thật như vậy thì uổng phí cho cả kiếp người không ngừng phấn đấu và tân tụy với cuộc sống mà chỉ hưởng hạnh phúc trong khoảnh khắc ngắn ngủi thế thôi sao?

Thật ra hạnh phúc đều có mặt ở A, B, C hay D, E, F cho đến X, Y, Z nữa, và giá trị hạnh phúc ở mọi nơi mọi lúc đều giống như nhau về phương diện bản chất, nghĩa là A=B=C…=Z. Nhưng làm sao ta biết được điều này khi động cơ bỏ hình bắt bóng luôn thúc đẩy ta lao tới trước như một thói quen truyền kiếp rất con người?

Chính vì kẹt vào những ước mơ chưa đạt được nên ta không thể thừa hưởng những hạnh phúc lớn lao mà ta đang có. Liệu ta có chắc khi những ước mơ kia thực hiện xong là ta sẽ hoàn toàn hạnh phúc không? Ta chỉ tiên đoán thôi, vì một năm nay hay hai năm về trước chẳng phải ta cũng đã từng có những điều ước, và hầu hết những điều ước ấy đều đã thành tựu sao ta vẫn không có hạnh phúc? Thế mà ta vẫn tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng như chưa từng biết gì về hạnh phúc.

Nếu ta không biết cái gì làm cho ta hạnh phúc trong hiện tại, thì làm sao ta có thể biết được cái gì làm cho ta hạnh phúc trong tương lai?

Vậy ta có cần ước thêm nữa hay không hay nên quay về tiếp nhận những gì mình đang có và bằng lòng với nó, như thế may ra ta mới biết được hương vị thật sự của hạnh phúc. Khi nhận ra được giá trị hạnh phúc của mình đã sẵn có thì ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để hết lòng giữ gìn, không vì chút cảm xúc nhất thời đam mê mà đánh đổi giá trị hạnh phúc.

Chỉ khi nào nắm được hạnh phúc thật sự trong tầm tay, ta mới có thể làm cho người khác hạnh phúc một cách chín chắn được. Hãy thử lấy ra một tờ giấy để ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà ta đang sở hữu. Chắn chắn một tờ giấy sẽ không đủ, vì càng nhìn lại thì ta càng phát hiện có tới trăm ngàn thứ quý giá trong ta mà từ lâu ta đã bỏ quên. Hạnh phúc có sẵn mà không cảm nhận được là một loại cảm xúc trung tính, một trạng thái bình thường hóa những phẩm chất cảm xúc khi thiếu đi sự mạnh mẽ của nhận thức. Ta thường gọi nó là xả thọ.

Chính cái cảm xúc bị bão hòa ấy khiến cho ta mau nhàm chán những gì mình đang có, đánh mất niềm tin những thứ có thể mang lại hạnh phúc như nó đã từng thể hiện trong quá khứ. Ta lại tiếp tục giẫm đạp lên hạnh phúc để đi tìm hạnh phúc. Tuy bị bỏ rơi những khả năng linh động của những điều kiện hạnh phúc vẫn còn đó, chỉ cần trở về tiếp xúc và nuôi dưỡng thì nó sẽ bừng dậy và tràn lan trên tâm hồn ta.

Do lãng quên mà ta đã để cho “lạc thọ” biến thành “xả thọ”, nhưng nhờ ánh sáng tỉnh thức đã khiến cho chúng phục hồi trở lại chức năng “lạc thọ” của mình. Và khi phát hiện ra những điều kiện hạnh phúc của ta thật quá nhiều và quá gần gũi, thế nào ta cũng ngỡ ngàng thốt lên: Trời ơi, tôi là kẻ hạnh phúc nhất trên đời!

Nhưng trong chúng ta có mấy kẻ thốt lên được câu nói đó, hầu hết mọi người chỉ biết mình hạnh phúc sau một cơn nguy biến, một tai nạn chạm mặt với tử thần, hay một cuộc phân kỳ tưởng chừng không bao giờ gặp lại, còn không, họ vẫn miệt mài rong ruổi đi tìm hạnh phúc như chú ngựa hoang phi nước đại hướng về dãy đồi hấp dẫn xa tít tận chân trời.

Để đến khi mỏi vó chùn chân, ngựa hoang đang dừng lại trên thảm cỏ xanh non và dòng suối mát trong, chợt nghe lòng dâng lên một cảm giác bình an và ấm áp quen thuộc. Ngựa hoang giật mình nhận ra hương vị của hạnh phúc chính là đây, sao mình khờ dại giẫm đạp lên nó mỗi ngày để đi tìm trong viễn cảnh?

Nhưng ngựa hoang sẽ dừng bước giang hồ để chấp nhận sống sâu sắc trong hiện tại, hay sẽ ngậm ngùi tiếc nuối khi nhìn lại đoạn đường hoang phí đã qua, hoặc sẽ tiếp tục hăng hái lao tới tương lai để đi tìm hạnh phúc sau khi đã hồi phục?

Ý thức được điều kiện hạnh phúc chỉ có trong giây phút hiện tại nên không còn chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm đã là một bước đi đáng kể, nhưng giữ vững ý thức đó không để cho mãnh lực hấp dẫn phía trước lôi kéo thì không phải dễ, phải có khả năng và phương pháp nuôi dưỡng cụ thể, chứ chỉ có mỗi ý chí thôi thì không đủ.

Cho nên không phải bất kỳ ai đến đoạn cuối cuộc đời cũng chưa hề biết được bộ mặt của hạnh phúc. Có thể họ đã từng sống trong hạnh phúc, nhưng không giữ nó được bao lâu. Tại vì họ bất lực trước bản năng đón nhận hạnh phúc bằng cảm xúc hời hợt của mình. Cái bản năng mau chóng bình thường hóa mọi thứ dù là những hạnh phúc lớn lao nhất, cái mà người ta vẫn thường nghi ngờ và cho rằng đó là sự trêu đùa của số phận.


TG: MINH NIỆM