NỘI DUNG:

1- ĐỊNH HƯỚNG CON ĐƯỜNG TU TẬP THÔNG QUA GIỚI ĐỊNH TUỆ + SỰ AM HIỂU KẾT QUẢ CẦN HƯỚNG TỚI: TỨ DIỆU ĐẾ

2- CÁC PHÁP MÔN THÔNG DỤNG (NIỆM PHẬT, TỤNG KINH, TRÌ CHÚ) & CÁC PHÁP MÔN CHUYÊN SÂU (TU THIỀN, TRÌ CHÚ + QUÁN TƯỞNG MANDALA, TU THIỀN CÔNG ÁN, NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH)

3- NHỮNG THÀNH TỰU + NGỘ NHẬN TRONG TU TẬP CỦA NGƯỜI TẠI GIA KHÔNG CÓ THẦY TRỰC TIẾP HƯỚNG DẪN & CÁC TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN + CÁCH KHẮC PHỤC CÁC VẤN ĐỀ ẤY TRONG TU TẬP THIỀN ĐỊNH VÀ TRÌ CHÚ KHÔNG CÓ THẦY HƯỚNG DẪN

4- NHỮNG QUAN ĐIỂM KHÔNG PHÙ HỢP GIỮA NGƯỜI TU TẠI GIA VỚI NHAU, KHI SO SÁNH VỚI GIỚI LUẬT CỦA BẬC XUẤT GIA

5- NHỮNG ƯỚC NGUYỆN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ: NÊN HAY KHÔNG NÊN CÓ?

6- NHỮNG HIỂU BIẾT CHƯA ĐẦY ĐỦ CỦA NGƯỜI TẠI GIA VỀ VẤN ĐỀ: CÓ HAY KHÔNG SỰ TỒN TẠI CỦA MỘT THẾ LỰC VONG LINH HAY ĐEO BÁM NGƯỜI TU?

7- TỔNG KẾT



Hoa Sen Ngàn Cánh (HS) tu học Phật Pháp từ năm 11 tuổi không qua trường lớp hàn lâm nào của Giáo hội tổ chức, thời gian dài hơn 15 năm là thời gian để góp nhặt những kiến thức từ nhiều nguồn tham khảo của các tông phái, thông qua những cuốn sách kinh, truyện của Phật giáo mà đa phần là Phật giáo Bắc tông. Nhờ năng khiếu (có căn) và đức tin có từ trước nên HS dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ lâu dài những gì đã đọc được và nghe được, sau này khi trưởng thành hơn thì HS gặp được nhiều duyên may tiếp xúc với những bậc thiện trí thức đã từ bi giảng dạy theo cách hiểu biết của các vị ấy, nhờ đó mà kiến thức Phật học của HS được dần mở mang thêm. HS cũng tập tành ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú và tham gia các khoá lễ ở những ngôi chùa gần nhà và từ đó đã hiểu hơn các nghi thức lễ bái tụng kinh căn bản theo Phật giáo Bắc truyền, HS đã thực hành trì chú Đại Bi suốt thời gian hơn 15 năm và cũng thu nhặt những kinh nghiệm thú vị từ oai lực của Đại Bi chú, phải nói rằng HS có niềm tin và quý mến Quan Âm Bồ Tát rất lớn, nghe ở đâu có kinh sách, truyện tích về Ngài thì liền tìm đọc, tìm xem nhờ đó mà trong cuộc sống gặp rất nhiều thuận lợi và bình an. Sau này khi lớn hơn thì va chạm với cuộc sống thực tế nhất là thời kỳ thanh thiếu niên chuyển qua thanh niên là thời kỳ mà HS va vấp nhiều nhất, đó là quãng thời gian tồi tệ nhất mà HS đã nói và làm những điều cực kỳ tồi tệ với bạn bè, thân tộc của HS đó là giai đoạn 10 năm thất bại đầy cay đắng, thương đau mà điều tồi tệ nhất là trong suốt thời gian đó HS đã không hề ý thức ra được tình trạng bi đát của mình mà cứ vác cái mặt dương dương tự đắc lên trời, coi thường thiên hạ và hậu quả là duyên cho những nhân bất thiện trong quá khứ bộc phát và trổ quả thê thảm cho HS cho tới thời điểm này vẫn còn rỉ rả... Tuy vậy nhưng HS có sự may mắn là tuy đi sai đường nhưng lại không trở thành Ác Ma mà còn được nhiều bạn lành giúp HS tu hành nghiêm chỉnh, đó là những người vô tình hữu duyên HS gặp được họ là những người tại gia, những bậc xuất gia và những người khác niềm tin tôn giáo, điểm lý thú ở những người đó là đa phần họ đều lớn tuổi hơn HS rất nhiều, có những người tuổi tác ngang ngửa ba mẹ, ông bà của HS nhưng họ đối với HS như một người bạn đạo vong niên, nhiều khi ngẫm lại mà thấy cười cho sự ngô nghê của HS: HS gọi họ là anh, chị, tỷ, huynh, thậm chí gọi tên xem ngang hàng với HS nhưng khi biết ra là tuổi tác của mình cỡ con cháu người ta mà thôi ! thế mới kỳ lạ, HS thấy ngượng quá nên thay đổi cách xưng hô cho phù hợp thì những người bạn vong niên ấy từ chối và nói rằng trong tu tập tâm linh không nên chấp nhất địa vị, danh dự mà ngày nào HS còn có ông Phật trong lòng thì hãy xem họ là bạn, là huynh tỷ của HS... những cung cách đối xử đó của những vị ấy đã thức tỉnh HS rất nhiều, thú thật là HS ít được thân tộc đối xử tốt vỉ chuyện HS lầm lỗi (như đã nói trên) nhưng HS nhận được rất nhiều, nhiều lắm những món quà từ vật chất tiền bạc tới thức ăn, quần áo, kinh sách, và cả những phương tiện miễn phí từ A-Z chỉ với một yêu cầu duy nhất là HS hãy tu tập cho thật tích cực mà thôi ! HS từng hỏi một người anh bạn đạo là anh cho em miễn phí hoài sao em đền ơn anh nổi đây ? anh trả lời: HS cứ yên tâm nhận lấy và nếu muốn trả ơn thì hãy cho lại những người bạn hữu duyên với cùng một phương cách như HS đã được nhận. Chính vì vậy mà bây giờ những ai HS cảm thấy có thể giúp được cho họ trong tu tập thì HS hết lòng giúp đỡ mà không đòi hỏi một chi phí hay cái gì phản hồi trở lại cả, trừ những điều mà HS thấy cần thiết và ngỏ lời xin cho mà thôi, còn trong những lúc khác thì hoàn toàn cho không biếu không.


1- ĐỊNH HƯỚNG CON ĐƯỜNG TU TẬP THÔNG QUA GIỚI ĐỊNH TUỆ + SỰ AM HIỂU KẾT QUẢ CẦN HƯỚNG TỚI: TỨ DIỆU ĐẾ

Trong những pháp môn HS từng thực hành qua như Niệm Phật, Tụng kinh và Trì chú. Các kinh đã tụng qua như Phẩm Phổ Môn, Diệu Pháp Liên Hoa, Lăng Nghiêm, Hồng Danh Bửu Sám, Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thuỷ Sám Pháp, Đại Bi Sám Pháp, A Di Đà, Địa Tạng, Dược Sư. Các chú đã tụng qua như: Bạch Y Thần Chú, Đại Bi Chú (15 năm), Lăng Nghiêm Chú, Thập Chú, Lục Tự Đại Minh Chú, Ngũ Bộ Chú. HS có những thành tựu nhất định trong thời gian tu tập ấy. Nhưng cho tới một ngày HS chứng kiến hiện tượng tá nhập xác xảy ra cho những người bạn trong một nhóm tu quen biết trên mạng, chỉ có mỗi mình HS là không bị nhập chỉ vì HS quá sợ hãi nên tập trung tụng chú Đại Bi liên tục nên suốt thời gian xảy ra hiện tượng tá xác đó HS bình yên vô sự, tuy vậy đã để lại cho HS một sự suy tư sâu xa về con đường HS đang đi liệu có đúng Chánh pháp của Đức Phật đã giáo truyền ? HS tự kiểm tra lại tại sao trong những lúc nguy hiểm nhất mà thân tâm mình có thể an toàn, thì sau này được học kỹ hơn về Phật pháp căn bản của hệ phái Phật giáo Nam truyền - vốn là truyền thống từ trước của ông bà ngoại, HS đã tự hiểu ra rằng do Hs thường thực hành giữ gìn Ngũ giới (Trì giới) trong sạch: Không sát sanh, Không lấy của không cho, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu và các chất say nên thân tâm của HS luôn được bình an và không bị hiện tượng tá nhập của những thế lực vô hình nào khác ngoài Phật giáo. Nhờ có Giới thanh tịnh, dẫn tới Định vững vàng nên khi tụng kinh, trì chú tâm của HS không bị nhảy lung tung ra ngoài, không bị vọng tưởng lôi kéo nên đã có sức mạnh Giới đức + Định lực nên nhờ vậy mà các thế lực vô hình không xâm nhập được, HS cũng được học rằng trong Phật giáo không có hiện tượng tá nhập như các tín ngưỡng dân gian hoặc các niềm tin tôn giáo khác. Sau sự kiện này, HS đã tìm hiểu sâu hơn lý thuyết Phật học của Phật giáo Nam truyền và học Abhidhamma (Vi Diệu Pháp, Vô Tỷ Pháp, Thắng Pháp) đó chính là Tạng Luận - một trong Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo, nói cách khác ấy là bộ môn Tâm lý - Vật lý - Triết lý và Siêu hình học của Phật giáo, nói cách khác ấy là tinh hoa của Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lưu truyền cho hậu thế tu học. Một vị chân tu được gọi là Thánh nhân trong Phật giáo mà không biết chút gì về Vi Diệu Pháp này thì không xứng đáng gọi là Thánh trong Giáo pháp này, tất cả chư Bồ tát đều phải am hiểu Vi Diệu Pháp vì đấy là một phần quan yếu trong quá trỉnh tu tập từ phàm phu lên thánh nhân, lý giải các quá trình chứng đắc các tầng thiền định, thiền quán, tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm hiệp thế, tâm siêu thế, hiểu về niết bàn như thế nào là đúng đắn và có cơ sở, không mơ hồ, không lắp lững giữa cái Không và Có, rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể tới từng sát na tâm. Nếu ai có duyên học và áp dụng vào quá trình tu thiền quán minh sát (Vipassana) thì sẽ hiểu được vì sao mà người Phật tử Nam truyền tin kính vào Đấng mà được cung kỉnh đảnh lễ là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vì trí tuệ sâu sắc của Ngài, hình dung ra thế nào là Phật trí Nhất Thiết Chủng Trí của Đức Phật thậm thâm vi diệu tới cỡ nào khi Ngài phân tích, chia chẽ các pháp thành những đơn vị nhỏ nhặt nhất mà không ai có thể chia nhỏ hơn nữa. Những khái niệm Thân xác Tứ đại, Ngũ Uẩn, Vô Thường, Vô Ngã, Khổ não, Ba la mật, Tuệ giác, Tầng thiền, Đạo quả, Tham, Sân, Si... tất cả đều được mô tả cụ thể trong Vi Diệu Pháp.


2- CÁC PHÁP MÔN THÔNG DỤNG + CÁC PHÁP MÔN CHUYÊN SÂU:

- CÁC PHÁP MÔN THÔNG DỤNG: NIỆM PHẬT, TỤNG KINH, TRÌ CHÚ: theo HS thì bên cạnh vấn đề người tại gia học tu theo quý Sư trong các thời khoá tụng kinh niệm Phật tại chùa thì phải tự thực hành các thời khoá kinh nhật tụng tại nhà theo từng thời gian phù hợp với lịch sinh hoạt của từng người, người tại gia cần phải chú ý tới chất lượng hiệu quả hơn là số lượng tụng đọc. Có nhiều bạn hỏi HS là mình tụng bao nhiêu biến (lần) bài chú này, bài kinh nọ, danh hiệu Phật này... thì có được những năng lực thù diệu nào hay không, HS trả lời là nếu với cái tâm mong cầu những thành tựu này nọ nhưng bạn không có nền tảng thành tâm nghiêm trang thân tâm, tức là không nghiêm chỉnh trong Trì 5 giới của người Phật tử và trong thời tụng kinh tu tập không hết lòng hết tâm thì chả được một chút gì cả, chưa nói tới là tụng nhiều niệm nhiều chỉ tội cho cái miệng mau mỏi, cái họng mau đau mà thôi. Ở một người có sự giữ gìn 5 giới nghiêm trang trong cuộc sống, ví dụ: như nói sao làm vậy làm sao nói vậy, không nói lời mâu thuẫn với việc làm thì thành tựu được việc giữ thành công Giới không nói dối tức là nói lời chân thật, thì lời chân thật sẽ là chân ngôn (chân= thật, ngôn = lời nói), do đó khi người đó tụng kinh trì chú là trùng tuyên lại Giáo pháp của Đức Phật cũng như lời nói chân ngôn của chư Bồ tát, chư Thánh nhân nên dĩ nhiên là mau thành tựu những linh ứng kỳ diệu dù chỉ cần 1 biến trì tụng thành tâm của người đó mà thôi, trong trường hợp này có 2 loại chân ngôn cùng một lúc hỗ trợ cho nhau mà tác thành những năng lực ấy là chân ngôn của chính người tụng và oai lực chân ngôn của Phật, Bồ tát, Thánh nhân mà người đó tụng. Do sức mạnh của Giới, Đức tin, Định tâm nên tạo thành sức mạnh không thể nghĩ bàn tác động tới những cung cõi vô hình, nên có nhiều vị nhà không thắp hương nhưng vẫn nghe hương thơm kỳ lạ, nhà bị bí gió nhưng vẫn có nhiều cơn gió mát dịu thổi vào trong suốt buổi tụng kinh trì chú...


- CÁC PHÁP MÔN CHUYÊN SÂU: TU THIỀN, TRÌ CHÚ + QUÁN TƯỞNG MANDALA, TU THIỀN CÔNG ÁN, NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH: Khi đã tu tập chuyên sâu một pháp nôn nào đó như là :

+ Tu thiền định, thiền tuệ là tu theo Phật giáo Nam truyền. Có 2 loại thiền định được dạy trong truyền thống Phật giáo Nam tông là Thiền định (Samadha) hay là thiền Chỉ tức là Thiền Vắng lặng, tập trung tâm tưởng vào 1 trong 40 đề mục do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy, có lưu trong kinh tạng Pali. Kết quả của tu tập thiền định sẽ là 1 trong 8 tầng thiền, còn gọi là Tứ thiền và Tứ không. Loại thiền này đỉnh cao là đạt tới Năm năng lực thần thông còn gọi là Ngũ thông: thiên nhãn (mắt thần hay như mắt của chư thiên), thiên nhĩ (tai thần hay như tai của chư thiên), tha tâm (khả năng hiểu được tâm tư người khác), túc mạng (khả năng thấy rõ các tiền kiếp của mình và người khác), thần túc (khả năng tự tại biến hoá, thăng thiên độn thổ...). Thiền định này cho quả tái sanh vào 16 cõi Sắc giới Phạm thiên (theo trình độ Tứ Thiền) và 4 cõi Vô Sắc Giới Phạm thiên (theo trình độ Tứ Không).

Tứ Thiền là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền Tứ Không là: Hư không vô biên xứ thiền, Thức vô biên xứ thiền, Vô sở hữu xứ thiền, Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ thiền.

Loại thiền thứ hai là Thiền tuệ hay còn gọi là Thiền Quán Minh sát (Vipassana) trãi qua 16 tầng Tuệ giác dẫn tới chứng 4 đạo quả là :

- Sơ quả Nhập Lưu Tu đà hoàn tiêu diệt 3 dây trói buộc vào luân hồi là Thân kiến, Hoài nghi ân đức Tam Bảo, Giới cấm thủ - tin tưởng vào các cách tu tập không thông qua Giới Định Tuệ để thấy rõ Tứ Diệu Đế mà cầu chứng quả Giải thoát Niết bàn. Bậc thánh này chỉ còn luân hồi trong tam giới 7 kiếp sẽ chứng quả Giải thoát Vô Dư Y, bậc này không bao giờ suy thoái xuống phàm nhân dù có tái sanh nhiều cõi nhưng chỉ là 2 thế giới Chư thiên và Nhân loại. 4 đường ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la) vĩnh viễn đóng lại với bậc thánh này.

- Nhị quả Nhất Lai Tư đà hàm làm suy giảm sức trói buộc của 2 dây phiền não nữa là Sân hận và Ái dục (tình dục). bậc này còn quay lại tam giới 1 lần rồi sẽ chứng đắc quả Vô Dư Y.

- Tam quả Bất Lai A na hàm cắt đứt trọn vẹn 5 dây trói buộc phiền não, còn gọi là 5 Hạ phần kiết sử: Thân kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, Sân hận, Tình dục. Bậc thánh này không còn tái sinh vào 6 cõi trời Dục giới và 1 cõi Nhân loại chúng ta, bậc thánh này tái sanh vào 16 cõi Sắc giới Phạm thiên và 4 cõi Vô Sắc Phạm thiên rồi chứng quả Vô Dư Y ở kiếp cuối cùng.

- Tứ quả Vô Sanh Bất Diệt A La Hán cắt đứt trọn vẹn 5 dây trói buộc tinh vi buộc chúng sanh vào luân hồi trong tam giới là 5 thượng phần kiết sử: Ngã mạn, Phóng dật, Vô minh (không thấu triệt Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo), tham muốn tái sanh vào cõi Sắc giới, tham muốn tái sanh vào cõi Vô sắc giới. Đây là bậc thánh chứng đắc quả vị Vô Dư Y, thấu suốt Niết Bàn trọn vẹn, không còn trở lại tam giới như lò lửa này nữa, vĩnh viễn an trú trong trạng thái Vô Sanh Bất Tử.

Niết Bàn mà 3 bậc thánh Hữu học chứng ngộ gọi là Hữu Dư Niết Bàn, tức là tuy thấy Niết Bàn nhưng vẫn chưa thấu triệt Niết Bàn và còn phiền não vương vấn, dư sót trong tâm tư các bậc Thánh ấy. Hữu học là còn phải tu học lên thêm nữa. Niết Bàn mà bậc thánh Tứ quả chứng ngộ gọi là Vô Dư Niết Bàn tức là không còn dư sót chút nào ô nhiễm hay phiền não còn trong tâm vị thánh ấy nữa. Đây là bậc thánh mà Đức Phật gọi là Vô học, tức không còn gì để phải tu học hơn nữa, phận sự đã xong, phạm hạnh đã tròn, thành tựu tròn vẹn Ân Đức Tăng Bảo - còn gọi là bậc Ứng Cúng (Arahata).

* Thiền định (Samadha) dẫn tới chứng đắc Tứ thiền, Tứ không và 5 phép thần thông nhưng không dẫn tới Giải thoát sinh tử luân hồi nên gọi là thiền Hiệp thế.

* Thiền tuệ (Vipassana) dẫn tới chứng đắc Tứ thánh quả tức là thành tựu Lậu tận thông - trí tuệ thông suốt sự chấm dứt các phiền não ô nhiễm (lậu tận) nên gọi là thiền Siêu thế. Hiệp thế là còn theo thế gian, Siêu thế là siêu thoát ra khỏi thế gian. Nếu thiền nào dẫn tới ra khỏi thế gian thì gọi là Siêu thế, còn ngược lại là Hiệp thế. Ở thiền tuệ có 2 loại Hiệp thế và Siêu thế vì 11 tầng tuệ đầu từ Danh Sắc Phân tích tuệ tới Hành Xả tuệ là thiền Hiệp thế, từ tuệ Thuận thứ cho tới Phản khán tuệ là thiền Siêu thế.

* Tam học giải thoát là Giới Định Tuệ thì Thiền định làm viên mãn Định học và Giới học, Thiền tuệ làm viên mãn Tuệ học, nói cách khác Giới hỗ trợ cho Định, Định hỗ trợ cho Tuệ, Giới Định Tuệ hổ trợ cho nhau tác thành Tứ thánh quả cùng Lục thần thông. Tam học cũng là một cách gọi khác của Bát Chánh Đạo, khi thành Thánh nhân thì gọi là Bát Thánh Đạo.

Con đường Giới Định Tuệ hay là Bát Thánh Đạo là con đường hướng tới chứng ngộ Tứ Diệu Đế mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ dạy cách đây hơn 2500 năm qua, và vẫn đang được nhiều nhiều thế hệ Đệ tử Phật trùng tuyên và hoằng pháp để đưa chúng sanh hữu duyên tới bờ Bên Kia.

+ Trì chú & quán tưởng Mandala là tu theo Phật giáo Bắc truyền - hệ phái Mật tông (trong đó có nhiều truyền thống như Mật tông Tây Tạng - gọi là Tạng Mật, Mật tông Nhật Bản - gọi là Đông Mật , Mật tông Trung Hoa, Mật tông Thiên đình - hay là Mật tông Thầy Già, Mật tông Việt Nam có rất nhiều nhánh với nhiều danh xưng khác nhau, Mật tông Nam tông - nhiều nhánh tu luyện Mật pháp của các nước theo Phật giáo Nam truyền như Lào, Thái, Campuchia, dân tộc Chămpa ở miền Trung nước ta...)

+ Tu thiền Công án là tu theo Thiền tông Trung Hoa hoặc Thiền tông Việt Nam. Lưu ý: nhiều bạn lẫn lộn giữa 2 khái niệm khi nói tới 'tu thiền' là Thiền Tông là 1 hệ phái của Phật giáo Bắc tông có truyền thống tu tập, chứng ngộ theo cách của các Tổ sư thiền từ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống tới các Tổ sư mà chúng ta biết tên các Ngài. Truyền thống này tu tập theo lối đốn ngộ dựa trên các Công án thiền, rất khác với bộ môn Thiền định và Thiền tuệ của truyền thống Phật giáo Nam tông vốn lưu giữ hầu như trọn vẹn những bài học căn bản tới nâng cao của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Thánh Tăng. Cùng là danh từ 'Thiền' nhưng một bên là tu theo Thiền Tông gọi là Thiền của Tổ Sư, hay là Tổ Sư Thiền; một bên là tu tập pháp môn Thiền định và Thiền tuệ của Đức Phật, nên còn gọi là Như Lai Thiền hay là Thiền của Phật.

+ Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc là tu theo hệ phái Tịnh độ tông lấy tông chỉ Tín, Nguyện, Hạnh đi theo hướng khai sáng của chư Tổ Sư của Tịnh độ tông, cách tu này phải được hướng dẫn sâu xa vì bên cạnh pháp tu niệm Phật căn bản được dạy trong Kinh A Di Đà là niệm Phật tới trình độ Nhất tâm bất loạn hay còn gọi là Niệm Phật Tam muội, tức là cảnh giới tương đương các bậc Thiền định từ Sơ thiền trở lên, có nhiều cách quán tưởng tương tự như tu thiền định của Phật giáo Nam tông dựa trên kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy cách quán tưởng Toà sen của Đức Phật Di Đà (Hoa toà quán), Kim thân Tam Thánh, Hình ảnh của cõi Cực Lạc, Hạt Minh Châu trong ao nước Tám công đức ở cõi Tây phương, Mặt trời chói sáng khi hoàng hôn (Nhật quán), Mặt nước trong sạch như ngọc pha lê (Thuỷ quán)... Niệm Phật tuy dễ ai cũng có thể thực hành được nhưng để đi tới trình độ yêu cầu để chắc chắn được vãng sanh phải là Niệm Phật Tam muội thì không phải ai cũng đạt tới nổi.


3- NHỮNG THÀNH TỰU + NGỘ NHẬN TRONG TU TẬP CỦA NGƯỜI TẠI GIA KHÔNG CÓ THẦY TRỰC TIẾP HƯỚNG DẪN & CÁC TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN + CÁCH KHẮC PHỤC CÁC VẤN ĐỀ ẤY TRONG TU TẬP THIỀN ĐỊNH VÀ TRÌ CHÚ KHÔNG CÓ THẦY HƯỚNG DẪN

Thời gian đầu khi HS trì tụng chú Đại Bi thì thường hay thấy bóng ma ám (bóng đè) vào giấc ngủ trưa và những lúc ấy phải cố gắng vận dụng sức mạnh tâm trí để đọc chú Đại Bi trong tâm thức mà vượt qua được tình trạng này, có lần thấy ai đó nhập vào thân thể đưa hồn mình bay bổng lên chạm trần nhà, nhìn xuống thấy được toàn thân của mình đang nằm trong tư thế nào thì khi tỉnh dậy thấy nằm trong đúng tư thế đó. Một lúc khác đi đến đám ma hoặc nhà hài cốt (tháp hài cốt) ở các nhà thờ hoặc các chùa thì bị chóng mặt, nhức đầu, toát mồ hôi lạnh dù trong đó rất nóng nực và bên ngoài là buổi trưa, hiện tượng như bị trúng gió và thần kinh trán rất nhức đau đớn, toàn thân ê ẩm mệt mỏi, những lúc ấy phải cố gắng niệm Phật thì mới bình thường trở lại. Có một lần đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị thì bị ma giấu, tức là tình trạng 'ám nhãn' làm cho người trong đoàn tưởng là HS đã lên xe ngồi với họ rồi nên họ chạy đi mà HS chạy theo đập cửa xe mà họ không hay biết gì hết, họ không thấy HS còn ở dưới đường, phải vừa chạy theo đập cửa xe vừa niệm Phật trong tâm thức rồi chạy ra khỏi khu vực nghĩa trang thì tài xế mới nghe thấy và dừng lại, khi lên xe mọi người nói là không phải HS đã ngồi trên xe nãy giờ sao bây giờ còn ở dưới đường??? Một lúc khác, khi HS tụng chú Đại Bi khi đi đường cho bình an thì thường gặp hiện tượng xe bể bánh, bị xe khác đụng phải dù là mình đi đúng đường, đi bộ trên lề thì bị xe đi ngang văng nước tạt vào mình, bị cành cây rơi xuống trúng mình...

Sau này HS mới biết là một phần những sự việc như thế là trả quả ác nghiệp đã gieo trong quá khứ, nay do oai lực diệt ác nghiệp (chú Đại Bi có một tên khác là Diệt Tội Chướng Đà La Ni) của chú Đại Bi mà khiến xảy ra tình trạng như vậy, thường thì khi bị những tai nạn bất ngờ đó HS không bị tình trạng nghiêm trọng, tuy có thiệt hại nhưng không quá nặng nề. Một lẽ nữa, khi đến những nơi có nhiều âm khí như bệnh viện lớn, nghĩa trang liệt sĩ, các nhà hài cốt, đám ma, đường phố thì không nên đọc chú Đại Bi nhiều biến, mà có đọc thì phải hồi hướng công đức ngay cho các âm linh ở những nơi đó được an vui và siêu thoát, tốt nhất là nên niệm Phật trong khi ở những nơi đó vì khi niệm Phật thì do sức mạnh của Ân đức Phật mà toàn thân tâm của bạn sẽ biến thành một Bảo tháp chứa Xá lợi Phật, nên chư vị linh thiêng trong nhiều cung cõi vô hình sẽ hộ vệ cho người niệm Phật, họ cung kính người niệm Phật nhưng bạn cung kính Bảo tháp Xá lợi Phật vậy do đó những tai nạn xui xẻo, bất ngờ không xảy ra cho người niệm Phật trừ những trường hợp quả của cực ác nghiệp xảy ra cắt đứt mạng sống chúng sanh, nhưng do nhờ oai lực của Ân đức Phật mà người đó đang niệm tưởng sẽ cho quả tái sanh vào các cõi trời an vui sau khi tâm cận tử khởi lên, đảm bảo cho một kiếp sống tương lai an vui hạnh phúc hơn rất nhiều lần kiếp sống này. Hơn nữa với những khi HS tác ý tụng chú Đại BI để hồi hướng cho các âm linh, vong linh còn lẩn quẩn đâu đó ở những nơi HS kể thì phải giữ gìn 5 giới nghiêm chỉnh không đứt đoạn, rồi đọc tụng Ân đức Phật (hoặc niệm Phật) trước sau mới tụng chú Đại bi, vừa tụng vừa quán tưởng từ trường từ bi bao phủ xung quanh mình và lan toả đến những chúng sanh ấy, với mong muốn cho chúng sanh ấy được an vui và siêu thoát. Do sức mạnh của Giới trong sạch, Định tâm miên mật và oai lực thần diệu của chú Đại Bi nên bạn sẽ không bị mệt, không bị hút dương khí, không bị vỡ hào quang mà còn làm công đức cho bạn vì bố thí sự an lạc cho chúng sanh đó nữa.

Vấn đề tu tập thiền định, HS thấy rằng tuỳ khả năng của từng người khác nhau mà sự hấp thụ những kinh nghiệm cũng như hiểu biết của những vị đi trước có khác nhau, HS tự thực hành thiền định niệm Hơi thở thì chứng và trú được trong ấn tướng (nimitta) ánh sáng màu trắng tràn ngập như ngồi trong một căn phòng ánh sáng trắng, tâm trạng rất hoan hỷ, mát mẻ, thích thú, HS ngồi đó trong một hai tiếng đồng hồ mà không bị mất ấn tướng nên HS cho rằng đó là Sơ thiền và tình trạng này kéo dài được khoảng 1 năm. Sau này khi HS tham dự khoá thiền 10 ngày ở thiền viện Nguyên Thuỷ ở phường Cát Lái, Quận 2 thì được sự chỉ dạy của vị thiền sư người Myanmar (Miến Điện) tên là U Tenajida giúp HS thu gọn ấn tướng từ 'căn phòng ánh sáng' gom tụ lại thành một 'quả cầu ánh sáng' kích thước như quả chanh và đứng trước mũi mình (tức là ở điểm mà mình định tâm nhìn vào), kế đó là càng chú tâm vào hơi thở cho tới khi quả cầu ánh sáng ấy dính vào hơi thở ra vào, HS có cảm giác như là HS hít thở ánh sáng của quả cầu đó tức là khi HS hít thở ra vào thì quả cầu ánh sáng ấy cũng chạy theo ra vào y như hơi thở vậy, nói cách khác giai đoạn này hơi thở và ánh sáng đã hoà nhập thành một. HS an trú tâm định vào tướng ánh sáng (còn gọi là Quang tướng) này trong các thời thiền sau đó và thời gian an trú vào đó kéo dài khoảng một hai tiếng đồng hồ, trong khi đó mọi khái niệm về thời giờ, ngày tháng , tên tuổi, nơi chốn đang ngồi, nhất là âm thanh xung quanh... đã không xuất hiện trong tâm thức của HS, một tình trạng quên mình quên người, quên tất cả diễn ra trong suốt một hai tiếng ấy mà chỉ có mỗi việc nhìn ngắm ánh sáng ra vào mình mà thôi ngay cả ý nghĩ hay biết là mình đang hít thở cũng không có trong tâm thức HS, thiền sư hoan hỷ nghe trình pháp và Ngài nói rằng nếu HS đã hài lòng với mức độ này thì nên quán sát 5 chi thiền sau khi xã thiền là Tầm (sự hướng tâm tới Hơi thở), Tứ (sự chú ý Hơi thở), Hỷ (sự hân hoan vui thích với Hơi thở và ấn tướng), Lạc (sự an ổn, không mệt mỏi trong suốt thời thiền), Định (sự chú ý tập trung trọn vẹn trên ánh sáng của đề mục) thì khi thấy rõ 5 chi thiền này thì biết chắc chắn rằng đó là trình độ Sơ thiền mà không còn lầm lẫn nữa. Tình trạng căn phòng ánh sáng cho tới quả cầu ánh sáng là giai đoạn Cận định, vì lúc này tâm định chưa vững mạnh, chưa an trú sâu xa trong quang tướng mà vẫn còn bị âm thanh xung quanh tác động (trong trình độ Cận định do các giác quan trở nên rất nhạy bén nên dù có một âm thanh bé nhỏ như chiếc lá khô rơi xuống đất, vị ấy nghe như tiếng bom nổ sát bên tai...) do đó trong kinh tạng có nói Âm thanh là Gai nhọn của Sơ thiền, nếu vị nào không thể vượt qua chướng ngại âm thanh thì vị ấy không thể đắc Sơ thiền, và nếu âm thanh quá ồn thì vị ấy có thể bị văng ra khỏi 3 tầng thiền Sơ, Nhị, Tam thiền nhưng ở tầng Tứ thiền thì tâm vị ấy vững mạnh như cột đình không bị ảnh hưởng do âm thanh ồn ào như sấm sét, động đất, bom nổ nữa.

Tóm lại trong phần này HS thấy rằng những ai tu tại nhà mà không có Thầy hướng dẫn thì khi có những thành tựu hay những hiện tượng bất thường xảy ra cho mình thì hãy thật bình tĩnh, sáng suốt: - Quan sát tâm tư của mình lúc đó là tâm thiện hay bất thiện, tâm chơn chánh hay tâm không chơn chánh

- Tìm xem trở lại công phu của mình từ trước khi xảy ra những hiện tượng ấy, là như thế nào, đúng sai ra làm sao, nhất là công phu tu tập có đúng theo tài liệu hướng dẫn hay không

- Sau khi đã tự xem xét cho mình, với ý thức không tự hào, không tự mãn, không cho là mình đúng hoặc không đúng thì nên tìm đến chư Tăng Ni để trình bày vấn đề của mình, xem coi các vị trả lời thế nào và tự thân xem xét đối chiếu lại coi những gì các vị nói về mình đúng hay không đúng mà áp dụng hay không áp dụng. HS hỏi nhiều vị Tăng và đối chiếu xem xét kỹ càng với kinh điển rồi mới tin theo, chứ không vội vàng cho là HS đúng người khác sai, và không cho người khác đúng HS sai trong khi chưa phân tích những khía cạnh tích cực cũng như không tích cực của vấn đề đang gặp.

Lưu ý:

+ Nếu người tại gia chứng và trú thành công một trong các bậc thiền định cũng như thiền tuệ quán thì có thể nói cho người khác là người tại gia hoặc xuất gia biết tình trạng của mình mà không phạm tội khoe pháp bậc cao nhân, ngay cả thần thông cũng có thể biểu diễn cho người khác xem. Tuy vậy nhưng nếu nói cho người khác biết với mục đích khoe khoang tức là có tâm ngã mạn, 'chảnh chẹ' thì lần sau khi ngồi thiền vị ấy sẽ bị mất tầng thiền đó và sẽ rất vất vả để chứng đắc trở lại. Nếu nói với mục đích muốn chia sẻ và học hỏi thêm thì mới không bị mất mà còn rực rỡ thêm. Một lẽ nữa là người tại gia không nên hỏi người xuất gia câu hỏi: Thầy (Cô) chứng Sơ thiền như con hay chưa? Đừng nên hỏi câu tương tự vì sẽ gây ra bất thiện nghiệp cho bạn vì làm Chướng ngại pháp cho người xuất gia, bởi lẽ luật của chư Tăng ghi rõ vị nào dù chứng đắc hay không chứng đắc mà nói ra cho người khác biết là phạm giới của chư Tăng, cho nên chư Tăng không khi nào được phép nói rõ tình trạng tu tiến của các ngài cho người khác biết mà chỉ có thể gợi ý, giảng giải cho người khác biết tính chất của trỉnh độ thiền nào đó để người đó biết mà tu tập tốt hơn mà thôi.

+ Nếu chưa chứng Sơ thiền hoặc các bậc thiền cao hơn thì đừng cho là mình đã chứng rồi đem khoe khoang cho thiên hạ biết để hãnh diện, tự mãn thì sẽ phạm vào tội khoe pháp bậc cao nhân, vì các tầng thiền dù được định danh là Sơ thiền, Nhị thiền... nhưng những khái niệm ấy có bản tính Thực tánh pháp tức là có thật một hiện tượng đó chứ không phải là danh từ đặt để cho cái hư nguỵ, và như vậy thiền có Ân đức Thiền tác thành bậc cao quý trong Giáo pháp của Đức Như Lai. Người chứng Sơ thiền trở thành bậc có phạm hạnh tương đương chư vị Phạm thiên của cõi trời Sắc giới hoặc Vô Sắc giới, có ân đức Giới Định Tuệ trong sạch, tuy là các tầng thiền Hiệp thế nếu người chứng thiền chưa chứng Thánh quả, nhưng tầng thiền sẽ tạo nền tảng cho chứng đắc Thánh thiền về sau, còn gọi là Thiền Siêu thế - thiền chứng của bậc Thánh nhân. Cho nên tầng thiền và thần thông là những năng lực có Thực tánh pháp tác thành ân đức của bậc cao nhân, không nên tưởng rằng tầm thường ai cũng có thể khoe khoang mà mang bất thiện nghiệp cho mình, sau này khi tu thiền sẽ rất khó thành tựu các bậc thiền cũng như khó chứng đắc thần thông.




(còn viết tiếp...)