Cơ Sở và Cách Tính Giờ, Phút Chính Xác

Nhân đọc qua câu hỏi của một số bạn về sự khác nhau giữa cách tính giờ trong các sách, ví dụ giờ Tý, có nơi ghi 23h-1h, có nơi lại ghi 23h20 -1h20,… nên tôi đã bỏ chút thời gian xin mạo muội viết bài viết này. Mong các cao nhân bàn luận thêm.

Theo tôi, cơ sở của việc tính giờ trên rất đơn giản, chỉ cần nắm nguyên tắc thì chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này cũng đều có thể tính chính xác giờ của địa điểm mình đang khảo sát. Như chúng ta được biết, thì người xưa chọn giờ Tý là giờ chuyển giao giữa ngày hôm trước và ngày hôm sau, và đó chính là gốc rễ của vấn đề. Cho nên, chính Tý, tức đúng giữa giờ Tý, là đúng thời điểm chuyển giao giữa 2 ngày. Thời xưa, người ta tính và chia giờ trong ngày dựa vào bóng của mặt trời lặn mọc vào ban ngày. Việc chia giờ như vậy có vẻ thô sơ, nhưng cũng rất chính xác và đã được sử dụng trong một thời gian dài.

Ngày nay, với khoa học và kỹ thuật tiên tiến, việc đo và chia giờ trong ngày trở nên chính xác hơn và thế giới đã chia trái đất ra thành 24 múi, tương ứng với 24 giờ trong ngày. Sau đó là chọn một múi giờ chuẩn làm gốc, là múi giờ số 0, múi giờ phía đông có thời gian sớm hơn múi giờ phía tây. Vì thời gian là liên lục, tức trong một múi giờ thì vị trí phía đông sẽ sớm hớn phía tây, và tùy theo khỏang cách, càng xa thì càng sớm hơn. Cho nên, kinh tuyến trung tâm của múi giờ đó mới chính xác có giờ đó. Vì vậy, người ta chọn kinh tuyến trung tâm của múi giờ số 0 trùng với kinh tuyến số 0 của quả địa cầu. Kinh tuyến này đi qua đài thiên văn Greenwich, London, nước Anh. Thời gian tại đây chính là thời gian mốc cho các nơi trên thế giới, và giờ này gọi là giờ GMT. Tất nhiên đồng hồ chuẩn đặt tại đài thiên văn này cực kỳ chính xác, nó là đồng hồ nguyên tử. Các bạn double-click chuột vào chổ hiện giờ, ở góc phải dưới của màn hình máy tính, rồi click vô “Time Zone” sẽ hiện lên các vùng với các giờ GMT khác nhau.

Việt nam ta cách London (tâm của múi giờ số 0) là 7 múi giờ, hay nói cách khác là ta đang ở múi giờ số 7, nên giờ của ta là GMT + 7, sớm hơn giờ ở London 7h vì chúng ta ở phía Đông của quả địa cầu. Ví dụ, London 5h17 sáng thì Việt nam là 5h17 +7h = 12h17 trưa. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là, 12h17 trưa này là tại kinh tuyến trung tâm của múi giờ thứ 7, trong khi mọi địa điểm trong cả nước chúng ta lại sử dụng theo một giờ chuẩn duy nhất (điều này là tất yếu vì để cho tiện việc quản lý và giao dịch xã hội cho cả nước), giờ đó là GMT +7. Như vậy, thời gian thực sự ở từng địa điểm trên nước Việt ta sẽ sớm hoặc chậm hơn so với giờ trên đồng hồ của chúng ta (nếu chúng ta chỉnh đồng hồ đúng theo giờ GMT: http://www.timeanddate.com/worldclock/city.html?n=95 ). Tại sao vậy?

Chúng ta thử tính: Quả địa cầu được bổ dọc thành 360 kinh tuyến.
360 kinh tuyến chia cho 24 múi giờ, ta được 15 kinh tuyến cho 1 múi giờ
Vì 1 giờ có 60 phút nên 2 kinh tuyến liên tiếp chênh nhau 60/15 = 4 phút

Kinh tuyến trung tâm của múi giờ thứ 7 sẽ là kinh tuyến thứ 7x15 =105. Kinh tuyến trung tâm của múi giờ thứ 7 này đi qua huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ (kinh tuyến thứ 0 đi qua đài thiên văn Greenwich, London, nước Anh).

Vì Hà Nội ở trên kinh tuyến 105 + ¾, cho nên thời gian ở Hà Nội sớm hơn thời gian thực (GMT+7) là 4 x ¾ = 3 phút, tức là nếu đồng hồ bạn điểm 10h58’ tối, thì thực sự Hà Nội đã ở sang giờ Tý rồi (tức khỏang 11h01’)

Tương tự, Sài Gòn ở trên kinh tuyến 106 + 2/3, nên thời gian thực sự ở Sài Gòn sớm hơn thời gian trên đồng hồ của chúng ta (GMT+7) là khoảng 4 x [(106 +2/3) – 105] = 6,6 phút, tức là nếu đồng hồ bạn điểm 10h56’ tối, thì thực sự Sài Gòn đã ở sang giờ Tý rồi (tức khỏang hơn 11h02’ tối).

Như vậy, nước ta có lợi thế là nằm dọc theo múi giờ thứ 7, và kinh tuyến trung tâm của múi giờ này cũng may mắn gần như là trục đối xứng dọc của nước ta, cho nên chênh lệch giờ giữa các vùng so với giờ thực - giờ GMT (tại Phong Châu – Phú Thọ) là không đáng kể, cho nên có thể sử dụng chung một thời gian chuẩn cho cả nước. Trong khi đó, ở các nước lớn khác như Mỹ, Úc, Trung Quốc, mỗi nơi dùng một thời gian khác nhau vì lãnh thồ trải dài trên nhiều múi giờ khác nhau. Ở nước ta, nơi thời gian lệch nhiều nhất so với giờ chuẩn là Nha Trang-Khánh Hòa, nằm trên kinh tuyến 109 +1/4, nên thời gian thực ở đó sớm hơn đồng hồ là 4x[(109+1/4)-105]=17 phút.

Cho nên các bạn cứ yên tâm, địa điểm ở đâu thì lấy thời gian ở đó là chính xác nhất, và nhớ chú ý đến sự chênh lệch về kinh tuyến tại điểm khảo sát so với kinh tuyến trung tâm của múi giờ mình đang sử dụng. Điều này quan trọng trong việc coi Tử Vi. Cần nói thêm nữa là không thể lấy giờ sinh tại Việt nam, Mỹ, Úc chuyển sang giờ Bắc Kinh để xem Tử Vi như trong một số sách nói đến. Bởi vì ở mỗi địa điểm khác nhau thì thời gian là khác nhau, sự sinh trưởng của vạn vật xung quanh là khác nhau, góc chiếu của các tinh tú lên địa điểm đó cũng khác, nên ảnh hưởng của chúng lên vận mạng con người cũng sẽ khác.

Nhân viết bài này, tôi tình cờ phát hiện ra một sự trùng lặp khá thú vị là kinh tuyến trung tâm của múi giờ số 7 mà nước ta đang sử dụng lại chính xác đi qua địa phận huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ, là kinh đô xưa của Việt Nam. Cho nên thời gian và lịch (âm) mà các cụ thời vua Hùng sử dụng là cực kì chính xác. Vì vậy, đây cũng có thể là một bằng chứng ủng hộ cho quan điểm về cách làm lịch được xuất phát từ dân tộc Lạc Việt, sống ở phía nam sông Dương Tử. Sau này, cách làm lịch được các cụ ghi vào lưng rùa nghìn năm tưổi để dâng tặng Trung Quốc, để rồi kể từ đó Trung Quốc mới biết cách làm lịch.

Việt Long (SG 24/10/09)
(Sưu tầm)