Nước mắt bà mẹ 75 tuổi kiện con trai

Mái tóc bạc phơ run rẩy bám vào thành ghế, bà cụ thều thào với Hội đồng xét xử trong tiếng nấc nghẹn: "Xin tòa bảo nó trả phần đất mồ mả tổ tiên để tôi được chăm sóc thờ cúng cho trọn đạo làm người". Khán phòng yên lặng, những cặp mắt đỏ hoe, nhưng Tuấn vẫn lặng thinh, ngước mắt nhìn trần nhà lơ đễnh...

Trước những lời khẩn thiết của người mẹ già ấy, tất cả mọi người dự khán trong phiên tòa không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, con trai bà vẫn thờ ơ, ngẩng mặt lên như chẳng nghe thấy, chẳng nhìn thấy gì trước sự việc xung quanh. Chỉ có đám con cháu của bà cụ và cũng là ruột rà với bị đơn là không cầm được nước mắt...


Luật sư an ủi bà Vui. Ảnh: V.M

Bà tên Trần Thị Vui, 75 tuổi đang định cư tại Mỹ. Ở cái tuổi xế chiều mà phải lọ mọ đi tìm công lý đã là rất hiếm, hơn thế nữa người bà kiện lại là đứa con trai ruột nên càng thấy đau đớn bội phần.

Xa quê đã lâu, sống nơi đất khách phồn hoa nhưng trong thâm tâm bà lão luôn hướng về quê hương nguồn cuội, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vì muốn đóng góp một phần cho dòng tộc nên bà nghĩ nhiều tới việc thành lập khu mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng cho tất cả các thành viên trong họ. Bà còn quan niệm rằng "người đã khuất có nơi an nghỉ ổn định thì linh hồn của họ mới sớm siêu sinh về miền cực lạc".

Năm 2001, bà bàn với các con về ý định của mình và được các con nhiệt liệt hoan nghênh. Con cái tuy đông nhưng tất cả đã có gia đình riêng và lập nghiệp xa vùng quê Bến Tre, hơn nữa lúc bấy giờ pháp luật Việt Nam chưa cho phép Việt kiều được đứng tên sở hữu nhà đất. Cuối cùng bà thấy "chỉ có mỗi thằng Tuấn là ở quê, nó lại là bác sĩ và được mẹ giúp đỡ tài chính nhiều nhất từ xưa đến giờ nên mẹ sẽ nhờ Tuấn lo hết thủ tục mua bán và đứng tên giấy tờ phần đất thổ mộ này giùm mẹ...".

Thế rồi mọi chuyện cũng diễn ra xuôi chèo mát mái, bà đã có một khu đất rộng gần 1.000 m2. Tranh thủ thời gian, bà về nước chuyển toàn bộ phần mộ của người thân, tổ tiên về cải táng tại khu "thổ mộ" này.

Nhưng đến năm 2006, trong quá trình tìm kiếm phần mộ cho bà nội Tuấn để mang về yên tịnh tại đây thì bất ngờ thằng con trai ngăn cản. Sau đó, Tuấn khóa cổng rào không cho bất kỳ ai thăm viếng mộ với lý luận: "Tôi đứng tên sổ bộ nên cho hay không là quyền của tôi".

Quá ngạc nhiên trước thái độ của con trai, bà Vui lật đật bay về nước tìm hiểu sự tình thì Tuấn ngang ngược: "Hồi đó con nghĩ mua miếng đất để làm của chung, nhưng bây giờ quay ngược lại thì là của con chứ không của ai hết...". Và bà càng đau đớn hơn khi thằng con trai chìa ra tờ giấy chủ quyền của miếng đất, đã bị Tuấn chuyển đổi đứng tên cả vợ con vào từ bao giờ.

"Thôi thì nó đã thế tôi cũng chẳng tính toán, tốt xấu gì cũng là con của mình, có làm ầm lên chỉ tổ xấu hổ thêm. Nhưng tôi thật không ngờ nó cấm cửa cả tôi vào thắp nhang cho tổ tiên dòng họ. Giận quá nên tôi mới làm đơn kiện nó ra tòa đòi lại đất...", bà lão vừa đưa khăn chậm nước mắt vừa giải thích.

Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án tỉnh Bến Tre cho rằng phía bà Vui không có chứng cứ gì chứng minh bà đã đưa tiền cho ông Tuấn mua giúp đất. Tòa cũng căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử đất mà UBND huyện Giồng Trôm đã cấp cho Tuấn năm 2004 để bác yêu cầu "đòi lại đất" của bà Vui.

"Nó là con của tôi nên có bao giờ tôi nghĩ khi đưa tiền bắt nó ký nhận, hay phải viết bản thỏa thuận đứng tên? Bây giờ ra tòa tôi lấy đâu ra bằng chứng đây?", bà Vui đau đớn nói. Thế nhưng bà vẫn làm đơn kháng cáo lên tòa Tối cao.

Tại phiên xử ngày 8/12, sau khi nghe hai bên đương sự trình bày, vị chủ tọa cứ đau đáu lập đi lập lại câu hỏi: "Bà là mẹ của bị đơn ư? Mẹ ruột hả?". Rồi khi nhận được sự khẳng định của bà lão, cả Hội đồng xét xử đưa ánh mắt ái ngại nhìn nhau.

Hồ sơ vụ án vẫn thế, nguyên đơn cũng không xuất trình thêm chứng cứ mới nào chứng tỏ nguồn tiền mua đất là của mình, vị chủ tọa nói như chia sẻ với bà cụ: "Tòa chỉ căn cứ trên pháp lý xem ai là chủ của miếng đất. Bà đã đưa tiền nhưng nó chối thì phải chịu... Nếu nó thật sự lật lọng như vậy tòa cũng chịu thua, không tòa nào có thể xử được. Đây là phạm trù đạo đức của con người, đạo đức của gia đình...".

Bà cụ với mái tóc bạc phơ run rẩy đứng bám vào thành ghế, miệng cố thều thào với Hội đồng xét xử trong tiếng nấc nghẹn "xin tòa bảo nó trả cho tôi phần đất thổ mộ tổ tiên thôi (hơn 100 m2), để tôi được chăm sóc thờ cúng cho trọn đạo làm người. Còn bao nhiêu nó có thể lấy hết...".

Cả khán phòng yên lặng, không ai nói với ai một lời. Chỉ có những cặp mắt đỏ hoe và những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người thân của bà lão. Còn Tuấn vẫn lặng thinh, ngước mắt nhìn trần nhà lơ đễnh...

Dường như bất bình trước thái độ của bị đơn, vị nữ thẩm phán chau mày: "Yêu cầu của mẹ ông là chính đáng, ông là một thành viên trong gia đình chẳng lẽ ông không nhận ra điều đó? Ông cũng có con mà... Tòa chỉ nói về khía cạnh đạo đức cho ông nghe rồi tự lương tâm ông phán xét". Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn chỉ im lặng.

Tòa phúc thẩm nhận định: "Không có chứng cứ cho thấy bà Vui đã gửi tiền cho Tuấn mua đất... bác yêu cầu của bà Vui, giữ nguyên án sơ thẩm".

Phiên tòa kết thúc, Tuấn đi như chạy ra khỏi phòng xử, bỏ lại người mẹ già đang từ từ quỵ xuống, khuôn mặt già nua nhạt nhòe nước mắt.

Vũ Mai