Bài này tôi viết cho Pháp huynh kính mến của tôi, vị Thầy đầu tiên – bây giờ không biết đã đi về phương trời xa thẳm nào, là người đã hướng dẫn tôi biết đến danh từ Mật Tông và một vài phương thức tu hành theo hệ phái này, tôi cũng viết dành tặng cho tất cả những sư huynh, sư tỷ của tôi trong nhóm tu và xin chia sẻ cho bất kỳ ai có quan tâm tới tình cảm huynh đệ trong tu học thì xin mời hoan hỷ cùng chia sẻ với tôi.

Bên cạnh các thứ tình cảm trong gia đình, người ta còn có bạn bè, huynh đệ trong tu học đó là cái nghĩa tình rất cao quý đến với nhau vì đạo pháp, người đi trước dìu dắt, hướng dẫn người đi sau. Trong thời gian đầu em đã được anh tận tình chỉ bảo đủ mọi vấn đề từ lý thuyết đến một vài ứng dụng thực hành, rồi có những trường hợp khó khăn nguy hiểm rủi gặp trong thực tế khiến anh đã phải gồng mình bảo vệ không chỉ riêng em mà còn cho các anh em khác khỏi những tai nạn, tránh những năng lực hắc ám tấn công từ bên ngoài. Anh còn nhớ chứ cái hôm bốn anh em chúng ta đi qua chỗ ông kia bị thiên linh cái ám, nếu không có anh vận dụng hết năng lực sái tịnh cho ba đứa tụi em thì không chừng em đã không còn nguyên vẹn mà ngồi đây nghĩ về những ngày tháng đã qua nữa. Bữa đó quả là đáng nhớ, thật rất vất vả làm sao, em không thể nào quên được ấn tượng lần đầu tiên tiếp xúc với người bị ma nhập là thế nào, quả là kinh khủng! Thời gian thấm thoát trôi nhanh, anh em rồi cũng dần lớn hơn trong tu tập, không còn những câu hỏi ngô nghê về pháp hành, cũng chẳng còn quấy rầy anh những hôm khuya khoắt với hàng lố câu hỏi tại sao, và cũng không buộc anh phải gượng trả lời những câu hỏi về huyền vi bất khả lộ nữa, tụi em cũng dần lớn hơn trong suy nghĩ về tu học. Sau một năm, em bận rộn nhiều thứ trong cuộc sống mưu sinh nên dần xa nhóm tu ít có dịp ở bên cạnh anh và các huynh đệ khác để học tập, gần đây có chút duyên may em được đi học một pháp môn thiền ở một nơi khác, để rồi phải tự mình trải nghiệm những cảm giác đau đớn, những cảm xúc kinh khủng từ bên trong dòng tiềm thức của em tuôn đổ ra cho em biết thế nào là bất thiện nghiệp mà từ vô thỉ mình đã tạo tác, kinh nghiệm thế nào là sân hận, thù oán, thế nào là ác khẩu nghiệp, thế nào là quả báo của nghiệp chia rẻ sự đoàn kết của hội chúng và còn biết bao thứ kinh nghiệm mà mỗi lần chúng xuất hiện là luôn kèm theo một cảm xúc hãi hùng mà chỉ riêng mình mới tự hiểu mình mà thôi. Trong thời gian đó, em rất bất ngờ khi tự mình khám phá ra mối dây liên hệ nhân duyên của anh và em cũng như của em và các huynh đệ khác trong nhóm tu, em thật sự sốc khi tự mình biết được em và anh có quan hệ chồng chéo thế nào từ các kiếp quá khứ, và từ sốc đến kinh cảm, từ kinh cảm tới xót thương cho chính mình và những người mình quen biết. Quả thật phải tự mình uống nước, tự mình nhảy xuống tắm thì mới biết được chính xác giá trị của sự thật, không ai cho mình biết rõ ràng thế nào là vị ngọt của đường khác với vị ngọt của trái cây, hương thơm của bông hoa khác với hương thơm của nước hoa và nhang đèn nếu mình không tự mình trải nghiệm. Khi trở lại với nhóm, em đã có cung cách nói chuyện rất khác với lúc trước, và chính anh cũng công nhận sự thay đổi, biến chuyển mới của em, và từ giây phút trực nghiệm ra vấn đề nghiệp báo của chính mình và các mối quan hệ nhân duyên của em và anh cùng mọi người trong nhóm tu em đã thôi cái suy nghĩ hay áp đặt mọi người phải làm theo mình như thế này hay như thế kia, em cũng không còn hứng thú khi để tâm trí mình chạy theo suy tưởng sai biệt đúng-sai và càng ngày em càng thấy chán nản khi phải nhìn thấy người này đối chọi với người kia chỉ vì suy nghĩ người ta không giống mình. Em có nhớ trong một bài giảng của một vị nhà tu hành kia có nói mỗi người với mỗi đặc điểm khác nhau sẽ tạo ra một vườn hoa trăm nghìn hương sắc, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Tại sao chúng ta phải cứ ép người khác phải giống như mình, nếu cứ như vậy thì thế giới này khác nào một tập hợp những con rôbốt y khuôn, có gì còn là thú vị nữa? Anh biết không, em thấy trong cùng một màu đồng phục tuy là y nhau nhằm thể hiện tinh thần đồng tâm hiệp ý trong công việc nhưng trên thực tế mỗi cá nhân là một nét riêng của một khối chung đó, anh có thấy trong bức tranh vẽ cõi Tây phương Cực Lạc chăng, nhìn chung là đồng thanh đồng thủ nhưng nhìn kỹ Phật ra Phật, Bồ tát ra Bồ tát, tăng ra tăng, cư sĩ ra cư sĩ không ai quá tách biệt nhau mà cũng không ai quá trùng lắp nhau. Ngay cả cái mục đích tu hành thiện pháp mà chư Phật đề ra cho chúng sanh là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tuỳ hình cũng không phải là tuyệt đối y chang nhau một khuôn, vì mỗi vị Phật đều khác nhau tuổi thọ, nguồn gốc huyết thống, căn tánh tu tập, thời kỳ xuất hiện nếu để ý chúng ta sẽ thấy giữa chư Phật vẫn có những nét riêng, ví dụ thời gian thị hiện trên thế giới nhân loại của Phật Thích Ca chỉ có 80 năm, nhưng đã mất 29 năm hưởng phước nhân loại và 6 năm tu khổ hạnh và chỉ còn lại 45 năm hoằng pháp độ sanh, chiều cao thì không thể cao bằng chiều cao của Phật Di Đà, tuổi thọ của Phật Di Đà vẫn là con số khổng lồ so với 80 tuổi của Phật Thích Ca. Hào quang của Phật Thích Ca lúc bình thường chỉ có đường kính 1 cánh tay bao quanh thân, trong khi đó hào quang lúc bình thường của Phật Di Lạc sẽ là bao trùm toàn cõi nhân loại, che mất ánh sáng mặt trời mặt trăng. Màu sắc của hào quang thì Thích Ca với 6 màu tạo nên màu cờ Phật giáo hiện nay, nhưng hào quang của Đức Di Đà thì đa dạng hơn rất nhiều, nhưng đặc trưng với ánh huỳnh kim rực rỡ. Bên cạnh đó, chư Phật trong ba đời cũng chia ra ba loại cơ tánh: Trí tuệ, Đức tin, Tinh tấn mà tương ứng với các loại cơ tánh này là khoảng thời gian tu tập rất lâu dài khác biệt, Bồ tát Trí tuệ như Thích Ca mất 4 A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất mới thành Phật, Bồ tát Đức Tin mất lâu hơn gấp đôi là 8 A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất, sau cùng là Bồ tát Tinh Tấn mất gấp bốn lần Bồ tát Trí tuệ là 16 A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất như Phật Di Lạc Tương Lai, đó chính là lý do tại sao Phật Di Lạc lại tu trước Phật Thích Ca nhưng lại thành Phật sau Phật Thích Ca, và Ngài sẽ có được thời điểm thành Phật rất lý tưởng, có tuổi thọ sánh với tuổi của Phật Di Đà hiện nay, và có một thế giới không thua kém thế giới của Phật Di Đà và Phật Dược Sư là mấy. Thời gian 16 A tăng kỳ kiếp và 100.000 đại kiếp trái đất kia đủ để tích luỹ biết cơ mang nào là phước báu hữu lậu. Anh thấy không, nếu như anh muốn ngay trong đời này thành Phật thì lấy đâu ra phước báu hữu lậu kinh thiên động địa như chư Phật Tinh Tấn để biến thành Tịnh thổ cho chúng sanh vào thụ hưởng? Nói đến đây, chắc hẳn sẽ có người không đồng ý vì mỗi vị mỗi hạnh nguyện khác nhau, không ai giống ai được cho nên một lần nữa em mong anh hãy để chúng sanh tự mình chọn lựa cho họ một con đường phù hợp vì Đức Như Lai Thích Ca thuyết ra 84.000 pháp môn thì chúng sanh có chọn lựa gì khác biệt với con đường của anh đang đi thì cũng chẳng thể thoát khỏi cái trữ lượng 84.000 pháp môn ấy mà Đức Phật đã tính trước từ thuở xa xưa. Một lẽ quan trọng để nhắc nhở chúng ta là không vì sự khác biệt về phần hữu vi của các vị Phật mà đánh giá ông nào cao hơn ông kia là sai lầm, vì Pháp tánh (tức là phước vô vi) của các Ngài là bình đẳng như nhau.

Pháp huynh có biết rằng tuy em không còn thường xuyên bên cạnh anh và nhóm tu nữa nhưng có khi nào tâm trí không nghĩ đến anh và nhóm đâu? Em luôn theo dõi những bài viết của anh và các huynh đệ trên các diễn đàn tâm linh và em luôn có cảm xúc vui buồn lẫn lộn anh à, vui là vì thấy anh em mình ngày càng tăng trưởng kiến thức pháp học (lý thuyết) có thể thuyết pháp trôi chảy và lý luận rất chặt chẽ, đầy đủ ý nghĩa cho người hậu học có nhiều cơ hội trau dồi kiến thức về Phật Pháp; nhưng vẫn buồn vì nhận thấy huynh đệ dường như ngày càng trở nên nặng nề trong câu chữ, quên mất rằng ý nghĩa không nằm trong những con chữ vô tri, lại thêm kết hợp với suy tưởng sai biệt của mình trong vị trí người đọc – khi mà mình chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa thông suốt những gì người viết đang trình bày, bởi có quá nhiều góc độ nhìn nhận vấn đề một người đưa ra, họ vốn đưa ra vấn đề theo quan điểm chủ trương của họ nay anh và mọi người lại đọc theo một góc độ nhìn nhận khác hẳn so với cách nhìn nhận ban đầu của tác giả nên lời bình luận ngày càng đi xa mục tiêu ban đầu của người viết. Hơn nữa anh em chúng ta không để ý tới văn phong của người viết nhiều khi họ không giỏi trong cách diễn đạt ý tưởng nên dẫn tới cảm xúc người đọc bị ức chế làm người đọc rất khó có khả năng phá vỡ hàng rào ngăn cản đúng-sai giữa hai góc độ người đọc và người viết nên dễ bị rơi vào hố sâu của sự phân tích nhị nguyên đối đãi, tệ hơn là chúng ta không biết là chúng ta đang đấu tranh cho cái thấy đúng-sai của mình, lại nhìn thấy quá nhiều khuyết điểm của từng lời văn mà không thể hiểu được theo kiểu ý tại ngôn ngoại người viết muốn đề cập tới. Bên cạnh những khuyết điểm đó, chúng ta còn có sẵn một trữ lượng kiến thức đã học trước đây cộng thêm khả năng tâm linh tu chứng của mình trong thực tế cuộc sống là những động lực sẽ sai khiến chúng ta đi tới việc đưa ra những đánh giá thiếu tính khách quan và công bằng cho người khác, mà hậu quả chúng ta nhận lại được là sự trả đũa của người viết và của những người đồng quan điểm với người viết cũng theo cách như kiểu chúng ta đã đưa ra ý kiến phản biện họ vì của đau con xót, mỗi lời văn mỗi bài viết đều là đứa con tinh thần mà người viết phải đau đẻ nặn ra. Các nhà tu hành đạo cao đức trọng từ một dụng ý tốt đẹp ban đầu là muốn bổ khuyết cho tha nhân đã bị cái tâm tưởng nhị nguyên kia khiến cho ý tưởng cao thượng biến các ngài trở thành những tay chiến binh sừng sỏ sẵn sàng một mất một còn cho những gì gọi là khuôn vàng thước ngọc mà đã từ bao năm tháng các ngài đã huân tập được. Và theo đà tiến triển này, hễ có kẻ nào dám xưng hùng xưng bá mà các ngài xét là phạm thượng, dám động chạm vào cái truyền thống của các vị bô lão thì y như rằng vài phút sau sẽ có ngay một bài phản biện tràn trề tính lý luận mà trống rỗng tính nhân văn, càng ngày càng nặng mùi chiến tranh hơn trước. Em tha thiết xin anh đừng bị cuốn theo cơn lốc tàn phá nhân đức này vì có ngày nó sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên khô khan, chai đá, không biết rung cảm trước những mầm non bước đầu thành tựu của người khác trên con đường tiến tu và sẽ chặn đứng những bước tiến của chính chúng ta trên con đường tu tập tâm linh vốn đầy dẫy khó khăn, cám dỗ như thế. Chúng ta không phải là người luôn luôn giỏi trong mọi lĩnh vực, chúng ta rất cần những người bạn đồng hành trên con đường tâm linh, chính Đức Phật từng dạy một trong các yếu tố để phàm nhân trở thành bậc Thánh là luôn biết thân cận các bậc thiện trí thức, chính Ngài cũng nêu gương này qua các mối nhân duyên giữa Ngài và các vị đại đệ tử và với gia quyến của Ngài đã có mặt bên cạnh Ngài từ những kiếp xa xưa còn luân hồi trong sinh tử; nếu chúng ta cứ cố gắng chứng tỏ quan điểm của mình là luôn đúng còn quan điểm của người khác là luôn không đúng rồi tạo ra cớ cho người ta sa ngã thì có phải là tự mình xây tường luỹ giam hãm mình, tự thắt cổ lấy chính mình, ai thấy mình như thấy cọp thì ai còn dám kết bạn với mình, ai còn dám đồng hành với mình, tới khi mình gặp nạn ai sẽ cứu mình đây? Lúc đó có còn đủ sức để niệm Phật cầu Phật bay đến cứu mình không? Phật ư, Bồ tát ư, các ngài ở xa mình lắm mà nước xa không thể cứu lửa gần – sao mình tập tính khó khăn làm chi để cho mình đau đớn, khổ sở, cô độc vậy?

Một vấn đề khác mà em cảm thấy rất nhức đầu đó là vấn đề thành tựu các năng lực tâm linh. Vấn đề tưởng như cũ rít này lại luôn là vấn đề được nhiều người hâm nóng dù đã có không ít ý kiến phản bác cho rằng trên bước đường tu tập không cần những năng lực tâm linh, nói cách khác là các năng lực thần thông. Bởi vì chúng ta không thể đánh giá một pháp môn nào hay, có nhiều linh nghiệm mà chỉ dựa trên bề nổi của pháp môn đó là vài ứng dụng thần thông nhất thời mà còn cả một tảng băng chìm phía dưới chúng ta chưa khai phá nữa, đó chính là giá trị công sức mà người tu học phải đánh đổi khi theo học một pháp môn nào vì không phải ai tu nhiều ngồi lâu cũng thành cho dù là những vị có sẵn hột giống bồ đề, đầy đủ ba la mật mà không gặp thời không gặp thầy chỉ bảo cũng không dễ thành tựu được quả vị. Chưa nói đến những pháp môn rất khó, đòi hỏi người tu học phải trải cả đời mình mà học hỏi thực hành, có những pháp môn đòi hỏi người thực hành phải từ bỏ cả công danh sự nghiệp, duyên tình mà trải nghiệm, phải hy sinh rất nhiều thứ không chỉ dừng lại ở của cải vật chất mà nhiều khi cả một phần linh hồn của mình nữa thì thử hỏi nếu chỉ vì pháp môn đó không dẫn tới những năng lực thần thông lấp loé cho người đời mua vui trong một vài trống canh thì có phải là cách nhìn nhận vấn đề quá ấu trĩ không? Đó là nói về các pháp môn tu tập vốn đã phức tạp như vậy rồi mà lòng người lại càng phức tạp hơn gấp bội, những người mới tu gặp phải lập trường bảo thủ của các bô lão ‘không trọng thần thông’ thì họ cũng nói theo là họ không ham thích gì thần thông nhưng trong thâm tâm của họ lại vô cùng mong mỏi có được một hai thứ của lạ để cho bạn bè nể phục là họ có tài ba đức độ không thua kém ai. Anh có biết những người ấy lén đi học thêm bùa ngãi, phù chú pha trộn vào các bài học căn bản của họ mà bất chấp những ‘học phí’ phải trả cho những kết quả phi thường đó, đã có nhiều người bị linh căn theo, có người bị phần âm nhập vào và xưng danh tánh này nọ, có khi xưng là Chuẩn Đề, Quan Âm, Địa Mẫu, Quan Thánh, Thích Ca, Di Đà..v.v và v.v…nhưng đối với quan điểm các nhà tu hành Mật tông thì không phải ai cũng chấp nhận chuyện nhập xác và tá xác như một quy luật tất yếu. Quan điểm của em thì em không chấp nhận chuyện em sẽ bị ai đó tá xác cho dù là Phật hay là Ma, nhưng em cũng không quá quan trọng hoá vấn đề nhập xác trong quá trình tu chứng của người khác nhưng chỉ cần biết rằng khi vị nào đó tá vào xác và sau khi vị đó rời đi thì đã làm gì ích lợi cho cái xác đó, có thể làm gì cho lợi ích chung của tất cả những người mới tu cũng như đang từng bước dò dẫm trên con đường thiên lý khó khăn tới cõi Niết Bàn? Một lẽ nữa làm em không thích chuyện nhập xác là những người bị nhập dần dần mất khả năng tự làm chủ trí óc của mình, dần trở thành một công cụ cho những thế lực tá xác, không còn là những người anh người chị thương mến của em như trước nữa, cứ mỗi lần ai đó nhập vào là mỗi lần làm câu chuyện dở dang, thay vào đó em phải nghe những câu nói vô duyên, những lời khuyên vô bổ, phải buộc lòng né tránh những luồng điển chẳng lành thánh gì. Em đến thăm anh và các huynh đệ vì tình cảm trân trọng chứ đâu phải đến ngưỡng mộ mấy tay chuyên môn ốp xác người ta đâu? Vì em nhớ có lần anh từng bảo đạo Phật của mình tràn đầy tính nhân văn, rất tôn trọng con người, không đề cao thần quyền, mà luôn xem con người là trung tâm của tất cả những vấn đề tu tập và tu chứng không như các tôn giáo thờ phượng chư vị bề trên chỉ biết phán lịnh cho con người phải răm rắp tuân theo mà không biết tại sao phải như thế này mà không như thế kia làm cho người tín đồ hoang mang không biết trông cậy vào ai khác, ấy vậy mà chỉ có qua hơn một năm mà em đã bị lạc mất hẳn người anh yêu quý của mình vào tay những thế lực không biết từ đâu đến, họ sẵn sàng chụp xuống tá xác anh và các huynh đệ không một lời cảnh báo hay thỉnh cầu, như quân cướp cạn giữa ban ngày vậy, em có nhớ đã đọc ở đâu đó nói rằng các vị thánh mẫu của đạo Mẫu trước khi nhập đồng ai đó đều ra lệnh cho người hầu đồng phải chuẩn bị tinh thần thanh tịnh trước, phải ăn chay tịnh thân trước một khoảng thời gian và sau khi các vị ấy thăng thì người hầu đồng trở lại trạng thái bình thường kèm theo cảm giác khoẻ khoắn, tươi vui như vị thiền sư vừa xả thiền định vậy. Em không thấy huynh đệ nào có được cái cảm giác an vui đó sau khi bị nhập xác, nếu không muốn nói là cơ thể hầu như kiệt sức và ngã quỵ vì bị rút hết sinh lực, em còn thấy xót xa hơn khi thân thể bị những phần tá nhập ấy dày vò rất nhiều, hành hạ thân xác cho thoả mãn cơn thèm khát của chúng so với khi bình thường huynh đệ ấy không bao giờ dám làm. Ví dụ như bắt xác người nữ tu phải hút thuốc lá, mà có người nữ tu nào hút thuốc lá không? Có gì lợi ích đâu khi cho những thành phần không rõ nguồn cội tá nhập vào mình như vậy, chẳng lẽ chỉ vì một vài năng lực siêu nhiên nhất thời mà bán rẻ linh hồn, danh dự mình cho quỷ dữ? Nếu cho rằng thành phần tá xác là các vị Bồ tát hay chư vị Phật, Thánh, Tiên như các ngài Chuẩn Đề, Quan Âm, Địa Mẫu, Quan Thánh, Thích Ca, Di Đà…thì tại sao lời nói của các vị ấy luôn mang đậm tính tình và ham muốn thoả mãn nhu cầu của người trần tục thậm chí còn nhiều thứ còn rất mất đạo đức hơn là những huấn từ lành thánh. Em được biết bên Cao Đài có truyền thống giáng cơ chấp bút nhưng họ rất xa lạ với chuyện nhập xác mà nhất là với các danh vị của các bậc Phật, Thánh, Tiên ; kinh điển của họ đa phần là linh ứng giáng cơ nhưng đều là chân lý ai nghe cũng đồng tình. Nếu chỉ vì mong muốn mau có được đôi mắt thần thông (thiên nhãn) trong vài tháng xin tá nhập mà không phải mất công tu luyện mấy năm thì có phải giá trị của linh giác con người vốn rất quý báu đã trở nên vô cùng thấp thỏi trong mắt của các thế lực chuyên môn tá nhập vào người thế gian hay không? Em không tin nổi họ là chơn tiên từ các cung cõi thượng giới giáng xuống để cứu độ nhân loại. Cứu độ hay lợi dụng, lừa gạt để cướp hồn đoạt phách nhân loại đây?

Để kết thúc bài viết này, tôi tha thiết mong mỏi các vị nào tự xét thấy mình là bậc đạo cao đức trọng, ai đã từng thệ nguyện chấn động tam giới vì chúng sanh mà tu hành thành Phật, ai đã từng phát nguyện tu hành một đời thành Phật, một niệm vãng sanh về Tây phương thì hãy nhớ tới câu chuyện bi đát của huynh đệ chúng tôi, ngày xưa gặp nhau không một chút thần thông, không một chút danh vị mà thân ái thắm thiết có thể trò chuyện bàn luận kiến thức Phật học từ sáng tới khuya mà không nhàm chán, tiếng cười không dứt, ấy vậy mà chỉ qua có hơn một năm mà không ai nhìn ai, bằng mặt mà không bằng lòng, mất hết tinh thần tu học đệ huynh một nhà, chẳng còn chút hoà hợp nào, hàng tuần đều sinh hoạt mà như không sinh hoạt, nói chuyện mà coi như chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ, ai sợ bị nhập bất tử thì thủ thế vài kiểu ấn với vài câu chú hộ thân, còn ai muốn thỉnh nhập muốn thờ cúng thì bây giờ không thể làm chủ nổi chuyện ai đó xuất nhập xác, hễ vào hội chúng ngồi một chút là bị nhập phát ngôn nhiều thứ ngôn ngữ không phải của nhân loại, khoa trương đủ kiểu hành động kỳ quặc mà người trí thức không thể nào tin được đó là hành động và ngôn ngữ của bậc Phật Tiên. Tôi đã mất đi người anh, người Thầy đáng kính và các huynh đệ thân mến chỉ vì mấy thứ thần thông rẻ tiền ấy, mấy thứ thần linh phù trợ vớ vẩn đó, để bây giờ mỗi khi muốn tìm về chốn cũ tôi lại phải phập phồng lo sợ không biết mình đến có bị nhập không? Tôi chẳng còn dịp được ngồi bên cạnh anh tôi nhâm nhi tách trà mà lòng nở hoa thánh thiện qua những câu chuyện, những bài pháp thoại ích lợi nữa rồi. Thần thông tự có sẵn trong tâm tư của mỗi người chứ ở đâu xa, ngày xưa không biết nhưng ngày nay đã biết, có được rồi thì lại thấy bình thường như hơi thở ra vào mỗi giây phút thôi, nhiều lúc tôi tự hỏi có thần thông để làm chi khi mình được biết trước mà không làm gì được để cứu vãn, thấy làm chi để mình bận tâm trăn trở khi không giúp được gì, nghe chúng sanh khổ mà không thể làm gì để tâm hồn bớt nhói đau, bây giờ mới thấm thía nỗi đau của Đức Thế Tôn khi ngài là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tổ sư của hai thế giới nhân loại và thiên giới, thần thông vĩ đại không thể nghĩ bàn mà lại không làm gì được khi phải chứng kiến cái cảnh cháu họ của ngài là vua Lưu Ly đem binh tận diệt dòng Thích Ca, thân tộc tàn sát nhau ngay trước mắt Ngài! Thần thông chỉ là một phương tiện cũng như cái máy vi tính và mạng internet để mình thể hiện ý chí của mình cho người khác biết, nhưng sẽ trở thành thứ vô dụng khi chẳng đem lại lợi ích gì cho mình và người khác, nhất là chỉ tổ làm khổ đau cho những người mà mình yêu quý trân trọng.

Pháp huynh ơi, ơi hỡi pháp huynh, bây giờ người ở nơi đâu ???

Nẻo trần gian lắm đường phú quý
Nẻo thiên đường một lối khó khăn
Pháp huynh ơi, ơi hỡi pháp huynh
Trần gian lẻ phận, thiên đường vắng ai !