Trích kinh Chuẩn Đề Đà-La-Ni (Thích Viên Đức dịch), Hội Ái Hữu Mật Giáo California phát hành
Lời dẫn
"Mật giáo là tạng kinh Vô Tự. Nó thuộc loại Mật-Pháp Tâm Truyền mà khi điểm đạo truyền pháp, bậc Đạo-Sư chỉ dùng lối khẩu khẩu tương truyền mà trao pháp cho người được tuyển chọn.

Kinh Đại Nhật viết: "Nầy, Bí Mật Vương! (Kim Cang Thủ Bồ-tát), vị A-xà-lê kia nếu thấy chúng sanh kham làm pháp khí:
a) Có sự tin hiểu sâu rộng.
b) Xa lìa trần cấu.
c) Mạnh-mẽ siêng năng.
d) Thường nghĩ đến việc lợi tha.
Nếu gặp người hội đủ 4 điều kiện trên, vị A-xà-lê nên tự đến khuyến phát mà bảo rằng:
"Nầy Phật tử! Đạo Pháp Đại Thừa chơn-ngôn đây, ta vì Bậc Đại-Thừa căn-khí mới khai-diễn, ông nên dùng trí tuệ phương tiện để thành tựu, tất sẽ chứng được đạo quả".

Kinh Kim-Cang cũng có viết: "Vị A-xà-lê nếu thấy người có thể làm pháp khí, chất trực hòa nhã, trí tuệ sáng suốt, lòng tin bền chắc tuy kẻ đó không cầu pháp và vào Đạo Tràng, vị "Quán Đảnh Sư" nên kêu mà bảo rằng: "Nầy Thiện Nam Tử! Nghi thức bí tạng Mật Ngữ của Đại Thừa khó được nghe, ông muốn thành tựu trí-tuệ chân thật của Như Lai, phải một lòng tu hành pháp này, tất sẽ chứng được Nhất Thế Chủng Trí." Lối bí truyền như vậy đã được luân lưu trên 2000 năm nay mà vẫn chưa hề thất lạc "Tâm Ấn".

Mật Tông xác định: ỨNG THÂN PHẬT, Đức Thích CA MÂU NI ở cõi ta-bà này, sau khi thành đạo vào ngày thứ 7, trong khi Thiền Định đã nhập Pháp Thân Tam Muội, tuyên thuyết Mật-Pháp tại Kim Cang Pháp Giới cung cho Kim Cang Thủ Bồ-tát và chư đại Bồ-tát khác ở 10 phương thế giới đến tập hội. Đó là khởi nguyên của Tôn nầy vậy.
Sau bẩm theo lời Phật dạy, Ngài Kim Cang Thủ đã đem giáo-pháp ra hoằng-hoá và mật truyền Đại pháp lại cho Ngài Long-Thọ."

Ngưng trích.

"Ngài Long Thọ truyền cho Ngài Long Trí và Ngài Long Trí truyền cho nhiều vị pháp sư và Giáo sư tại tu viện Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ. Từ tu viện này Mật giáo được truyền về hướng Bắc sang Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, và về hướng nam sang Tích Lan, Miến Điện, Nam Dương, Mã Lai, Thái-Lan, Lào, Cao Miên, Việtnam... là khởi nguồn cho hai trường phái Mật tông Bắc Tông và Mật tông Nam Tông. ...
... Cả hai đều sử-dụng Chơn-ngôn, Pháp-Ấn và Linh Phù trong tu tập, và khi thi triển phép lạ. Nhưng qua cả ngàn năm, hai tông này trở nên dị biệt. Bắc Tông ôm chấp phần kinh hữu tự của Mật Giáo do các sư tổ lưu truyền và giới hạn tối đa việc trao truyền tâm ấn, trong khi Nam Tông thì trực tiếp đi vào vấn-đề thực nghiệm huyền bí và coi nhẹ phần kinh hữu tự. Do đó mà hiện nay Bắc Tông thất truyền tâm ấn, còn Nam Tông thì thiếu sót phần kinh sách."

Trích Kinh Chuẩn Đề ... phần lời dẫn:
"Người lưu hành bản kinh này, do cơ-duyên may mắn đã được Cố Thượng Tọa Thích-Viên-Đức truyền trao Ấn Khế bí mật, Đại-giới của Mật Giáo và toàn bộ y pháp của Ngài, và sau đó hơn một năm, đã được ông Phạm Công Triêu (87 tuổi) một tu sĩ đã từng hành đạo trên 50 năm qua, trao truyền cho toàn bộ y-pháp của Mật tông Nam Tông.

Thượng Toạ Thích Viên Đức đã bắt đầu phổ truyền các bản kinh Mật Giáo từ năm 1970..... Cộng chung lại có trên 10,000 bản kinh đã được lưu hành tại Việt-Nam.
Ông Phạm Công Triêu được lệnh phổ truyền Tâm Ấn của Nam Tông từ năm 1974, (1983) cho đến nay tông-phái đã thu hút hơn năm ngàn thanh niên và thiếu nữ, đã được thọ truyền Mật Pháp tại Việt-Nam.

Mật-Tông Phật giáo bắt đầu 1 kỷ nguyên thịnh vượng mới, kỷ nguyên phổ truyền do Thiên Cơ ấn định để chuẩn bị cho dân tộc Việt-Nam một đời sống tâm linh đạo đức và đồng thời phổ biến một thông điệp rõ ràng để xác định có một đời sống linh hồn bất diệt sau đời sống thể xác chóng tan hoại nầy, và có một quyền lực siêu-hình của các đấng Thần-Linh đang chi-phối và hướng-dẫn tâm-linh của nhân loại.

Trong thời kỳ phổ truyền, phương pháp điểm đạo truyền pháp (Tâm Ấn) được thực hiện rất đơn giản: với một ly nước lạnh được chú nguyện Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng, hành giả sẽ tức khắc đưa quí-vị mật tiếp với Thần Lực Hải của chư Phật và Nguyện Lực Hải của chư Bồ-tát để được mật tiếp truyền dạy hàng trăm đạo Ấn, các nguyên lý YOGA thiền-định, thập bát ban võ nghệ của bộ môn Thiếu Lâm chơn truyền... Sau đó với phương pháp Tam Công:
Công phu: Niệm Phật, trì chú, tham thiền, tụng kinh v.v.
Công quả: Lập công bồi đức bằng các việc thiện.
Công trình: Sửa trao tâm tánh theo hạnh lành...
người thọ pháp sẽ lần lượt đạt được Thần Nhãn, Xuất-Hồn, Huệ-Tâm, Huệ-Nhĩ, Huệ-Khẩu v.v. người tu Mật Giáo chỉ cần tu tập tại nhà, song song với các công việc làm ăn để sinh sống mà không cần lên núi ba năm ba tháng ba ngày theo kiểu bí truyền khó-khăn như xưa của Mật Tông Tây-Tạng.

Đó là một hồng ân của Trời Phật trong thời Mạt Hạ nầy.
Colorado, Ngày 16 tháng 4 năm 1983
Nhóm Mật Giáo Colorado"[/justify]

http://vutruhuyenbi.com/