http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2...-96_14-1_15-1/

http://phatphapchanthat.blogspot.com...-chuong-1.html

http://www.youtube.com/watch?v=u9yDW...endscreen&NR=1

Hôm nay, tôi bắt đầu giảng về tuệ giác thứ tư, Udayabhaya-nana, Tuệ Sanh diệt. Ở tuệ thứ ba, khi hành thiền bạn đã thấy cả ba đặc tướng của các hiện tượng tự nhiên là vô thường, khổ và vô ngã. Mọi thứ sanh bởi vì có nhân duyên khiến chúng sanh khởi, chúng diệt bởi vì bản chất của chúng là hoại diệt. Chúng ta không thể muốn nó không sanh hay đừng diệt được. Không có gì là một thực thể trường tồn cả, không cốt lõi, không thực thể, không linh hồn; tất cả chỉ là tiến trình; đây là một điểm độc đáo của Phật Pháp. Bằng cách này hay cách khác, con người vẫn muốn tin rằng có một cái gì đó thường hằng, vĩnh cửu, có một cái không bao giờ thay đổi. Trong tất cả giáo pháp của Đức Phật, không có một cái gì là một “sự vật” cả, chỉ có những tiến trình. Khi nói về “sự vật”, xin bạn cố gắng hiểu đúng theo nghĩa chúng ta muốn nói.


Từ “sự vật” có rất nhiều ý nghĩa. Không có một “sự vật” nào cả, chỉ có những tiến trình. Đây là một điều hết sức sâu sắc và quan trọng. Đó chính là chỗ Phật Pháp khác xa tất cả mọi tư tưởng tâm linh và tôn giáo khác.


Trong giáo lý của các tôn giáo khác, bạn thường nghe nói về vô thường theo cách này hay cách khác, và có cả sự bất toại nguyện nữa. Khi nói về vô thường, họ nói về sự vô thường của hình thể hay dáng điệu. Chẳng hạn bạn đánh vỡ chiếc ly thành nhiều mảnh, mọi người nói rằng: “Ồ, đúng là vô thường”, nhưng chẳng lẽ trước khi vỡ nó là thường còn hay sao? Không, không phải vậy. Ngay cả trước khi vỡ nó cũng đã là vô thường.


Vô thường diễn ra trong mọi lúc, hầu như không thể nhận ra.


Nếu nghĩ về hình thể, khi hình thể đó còn nguyên vẹn thì chúng ta lại cho nó là thường còn. Trong giáo pháp của Đức Phật, vô thường không có nghĩa là vô thường của hình thể, mà là tính vô thường của các tính chất: nóng, lạnh, cứng, mềm… Những tính chất này luôn luôn thay đổi.


Như vậy, ở tuệ giác thứ ba chúng ta thấy được cả 3 đặc tướng một cách tổng quát. Và cũng chính ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã này sẽ trở nên ngày càng sâu sắc hơn khi tiến lên những tầng tuệ cao hơn. Tầng tuệ thứ tư này được gọi là Ubadayabbaya-nana, Tuệ sanh diệt. Udaya nghĩa là sanh và vaya nghĩa là diệt, biến mất. Một cách định nghĩa khác của vô thường là “hutva abhavattthena anicca” (~Vsm.628). Hutva nghĩa là “sau khi đã sinh ra” – tức là diễn ra, sanh khởi. Abhava nghĩa là không còn tồn tại nữa. Ở tuệ giác này, vô thường không có nghĩa là hiệu hữu dưới một hình thức khác. Vô thường có nghĩa là sự biến mất hoàn toàn. Đây chính là chỗ mọi người thường nhầm lẫn và bối rối, họ hay hiểu nhầm về điểm này.