Phan Quốc Việt: Xúc cảm thúc đẩy con người hành động!
19/07/2010 1946

"Mẫu số chung khiến tôi bị đuổi việc ba lần là chứng minh sếp sai... Nhiều người quen biết xa lánh tôi sau khi biết tôi mất chức" - Phan Quốc Việt kể.

Khác với vẻ bề ngoài khá tròn trịa mà bạn bè ghép cho hỗn danh là “Tròn”, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, khá ương bướng, một thứ hỗn hợp hòa quyện giữa chất Nghệ An và lối tư duy “đúng - sai” của người làm khoa học. Cũng vì cứng đầu nên con đường sự nghiệp của ông trồi sụt, lên nhanh mà xuống cũng nhanh. Vị trí cao nhất trong cơ quan Nhà nước Phan Quốc Việt từng đảm đương là Chánh văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam khi vừa bước sang tuổi 40. Ông bảo cái ghế quan chức chẳng phải của mình. Người ta đặt mình ngồi vào đấy được thì cũng nhấc ra được. Năm 2002, ông khởi nghiệp khi vừa bước sang ngưỡng ngũ thập tri thiên mệnh.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại quán cà phê nhìn sang Thảo Cầm Viên, Q.1, TP.HCM khi Phan Quốc Việt vừa “tan trường về”.

Ông nói: Dạy học là dạy cách học. Thế nên, muốn dạy giỏi thì phải giỏi học. Ai có gì hay tôi đều tìm đến thọ giáo. Tôi vừa học vừa dạy, vừa tự đào tạo đội ngũ giáo viên của mình. Dạy học là dạy tiến bộ, mình phải liên tục tiến bộ mới giúp người khác tiến bộ được.

Tôi thích dạy học từ khi còn là giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội (Hanoi Petro). Học viên của tôi lúc đó chủ yếu là bạn bè. Thời gian đầu, cứ hết giờ học là tôi lại mời bạn bè đi nhậu, xem như khoản chi phí mình bỏ ra để được đứng lớp.

Ông khởi nghiệp ở tuổi 50 xảy ra ngay sau khi mất chức giám đốc Hanoi Petro. Nghe nói ông từng bị đuổi việc tới 3 lần. Vì sao mất chức có “hệ thống” như vậy?

Tôi là dân Toán - Lý. Hai ngành khoa học tự nhiên này chỉ có đúng - sai. Mẫu số chung khiến tôi bị đuổi việc ba lần là chứng minh sếp sai. Còn cái sai lớn nhất của sếp là bổ nhiệm tôi. Lần cuối tôi mất chức chỉ diễn ra trong một tích tắc. Trong một cuộc họp, khi mọi người đang trao đổi căng thẳng chung quanh vấn đề tài chính, chế độ cho cán bộ công nhân viên của công ty, thì ông Chủ tịch hội đồng quản trị lật chồng báo đặt trên bàn. Xốn mắt, tôi “đề nghị đồng chí chủ tịch làm việc nghiêm túc”. Thế là ông ấy - cũng đồng hương Nghệ Tĩnh với tôi - gầm lên: “Đọc báo nhưng tau vẫn nghe. Đọc báo nhưng tau vẫn hiểu”.

Buổi sáng ngày kế tiếp, tôi nhận được quyết định điều động nhận công tác khác.

Sau những lần bị mất việc, có lúc nào ông định kiện tụng gì không?

Cách tốt nhất để chứng minh rằng mình đúng là làm tốt hơn. Khi tôi tiếp nhận quyết định điều chuyển công tác, một số đồng nghiệp cũng tỏ ra bất bình, xúi tôi thưa ra tòa. Nhưng tôi không làm.

Tức là, trong một chừng mực nào đó, ông cũng không dám chắc rằng mình sẽ giành phần thắng?

Tôi không dám chắc rằng nếu vẫn tiếp tục ở vị trí cũ, mình sẽ ngừng “phạm thượng”. Xin kể vắn tắt một câu chuyện, đại ý thế này. Có hai thầy trò nhà sư đi hái thuốc. Ngang đường, họ gặp một cô gái trẻ bất tỉnh bên bờ suối. Biết nạn nhân bị ngạt nước, thầy kêu trò cứu bằng cách thực hiện một số thao tác như “hà hơi thổi ngạt”, “ép ngực”… Trò lừng khừng vì nhớ câu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Thêm nữa, đụng chạm phụ nữ là phạm vào điều cấm thứ ba trong ngũ giới. Cứu người như cứu hỏa, thầy phải làm thay trò.

Quay về chùa, trò cứ suy nghĩ hoài, rồi cuối cùng đến gặp thầy, nêu ra khúc mắc của mình. Thầy trả lời rằng: “Chuyện đó ta đã quên”. Hóa ra, chính trò mới là người không gạt bỏ được tạp niệm.

Ta tha, ta thả, ta thanh thản. Trước khi sự việc xảy ra, tôi viếng một số ngôi chùa ở Đà Lạt và Ấn Độ, cầu xin Trời Phật được đi dạy. Có lẽ lời thỉnh nguyện của tôi đã linh ứng.




Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group



Những người thân đón nhận việc ông rời môi trường Nhà nước như thế nào?

Nhiều người quen biết xa lánh tôi sau khi biết tôi mất chức. Nước mình rất lạ. Những người mất chức, thậm chí tệ hơn là phải ngồi tù, thường bị xem là người xấu, bị “tránh như tránh hủi”.

Tôi cho rằng, không phải tất cả những người đi tù đều là người xấu. Thí dụ như giới doanh nhân. Có những trường hợp gặp rủi ro, làm ăn lỗ, không trả được nợ ngân hàng đúng hạn là có thể bị truy tố, mặc dù mục đích của họ là tạo ra của cải cho mình và xã hội, khác với những tên ăn trộm, ăn cướp, chủ động phạm pháp.

Trong khi đó, có những trường hợp, chẳng hạn như uống bia uống rượu, không làm chủ được tay lái, té gãy tay què chân, nằm bó bột trong bệnh viện thì mọi người lại lũ lượt đến thăm.

Về phần gia đình, cha tôi còn ít nhiều thông cảm với con trai, nhưng mẹ tôi thì rất buồn. Bà đã khóc rất nhiều. Tôi từng là sự hãnh diện của gia đình đối với bà con, làng xóm. Việc tôi mất chức là điều kinh khủng, vượt xa trí tưởng tượng của bà.

Sau này, tôi thích xuất hiện trên báo, đài. Việc tôi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là nguồn an ủi đối với mẹ tôi. Trước lúc nhắm mắt không lâu, bà mới vui trở lại, tự hào về “thằng Việt của mẹ”. Bà đã thừa nhận sự lựa chọn của tôi là đúng.

Lúc mới thành lập, công ty chỉ có tôi và anh Nguyễn Huy Hoàng, vốn là trợ lý giám đốc cho tôi thời còn làm việc ở Hanoi Petro. Chúng tôi phải tự làm hết, từ đi rải tờ rơi, dán quảng cáo… cho đến thu tiền, đứng lớp. Nhìn hai thầy trò chở nhau trên chiếc xe Chaly cũ mua từ khi mới kết hôn, vợ tôi rớt nước mắt.

Từng giữ những vị trí cao, mà đến khi khởi nghiệp ông không có gì, nói thế thì cũng hơi khó thuyết phục?

Tôi có một khoản tiền từ việc bán bớt một căn nhà. Khoản đó, tôi nhờ một người bạn, đầu tư tài chính. Tiền lời cộng với thu nhập của vợ tôi đủ để trang trải và nuôi hai con tôi ăn học.

Tôi nhớ có lần dong xe vào bãi gửi trước giờ lên lớp, thì gặp một người bạn cũ, hỏi: “Ông Việt đấy à?”. Trả lời: “Chứ sao nữa”. Hỏi tiếp: “Sao ông khổ thế?”. Trả lời: “Tôi không thấy khổ”. Hóa ra, bạn tôi tham dự lớp học mà tôi dạy. Tôi nghĩ rằng trong mỗi con người có một khả năng thiên phú, một cái gien trội. May mắn là tôi đã khám phá ra cái gien đó.

Theo ông, làm thế nào để xác định được là đã “khám phá ra cái gien đó”?

Chừng nào còn làm việc chỉ vì trách nhiệm thì nghĩa là chưa làm đúng cái gien. Khi nào làm việc mà không thấy mệt, chỉ thấy sướng. Càng làm càng sướng. Đang mệt mỏi, nhưng bước vào lớp là tinh thần tôi phấn chấn, càng nói càng hăng. Lên lớp là sáng tạo trong giao tiếp. Trong túi tôi luôn có một cuốn sổ nhỏ và cây viết. Gặp ý hay là ghi lại liền, tích lũy tư liệu cho những bài giảng kế tiếp. Nhiều năm nay, tôi không có khái niệm cuối tuần. Tôi thường ra khỏi nhà từ bảy giờ sáng và hiếm khi trở về trước chín giờ tối.

Bà xã ông không có ý kiến?

Bà xã biết tôi đang ở đâu và làm gì. Không cho tôi đi dạy, tôi quay lại kinh doanh, có thể ở nhà với gia đình vào hai ngày cuối tuần, nhưng những ngày khác, tôi đi đâu, làm gì thì bà ấy đâu có biết. Từ ngày đi dạy, tôi bớt uống rượu. Thú vui đánh bài thâu đêm suốt sáng giờ cũng bỏ luôn. Có lẽ nhờ vậy mà thể trạng khỏe lên thấy rõ. Thêm nữa, bà xã không cho tôi đi dạy thì tôi ghét… tôi. Tôi không yêu mình thì không thể yêu bà xã.

Sau gần mười năm đi dạy, cuộc sống của ông có gì thay đổi?

Tôi bỏ thói quen ngồi trong phòng có máy điều hòa, đi ôtô theo tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao ngành Dầu khí. Cũng không có phòng làm việc riêng. Và vẫn chạy xe gắn máy như thời khởi nghiệp.

Thế thì chừng nào mới giàu?

Cái nguy hiểm nhất của người Việt là hay so sánh cái xấu ở chỗ này với cái tốt ở chỗ khác. Ở đâu cũng có cái hay, cái dở. Có những giá trị không thể đo bằng đồng tiền. Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc FPT, đâu có thiếu tiền, mà vẫn đi xe ôm, xe buýt đi làm hằng ngày. Mục đích cuối cùng vẫn là “oai”, được cộng đồng tôn trọng. Nguyễn Công Trứ viết: “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không muốn kiếm nhiều tiền. Hơn thế, tôi muốn kiếm được rất nhiều tiền. Muốn vậy, phải đầu tư dài hơi...

Quan sát vài lớp học, thấy có vẻ như các ông (Tâm Việt)... nhìn mặt mà tính học phí?

Chúng tôi có hai mức học phí, học sinh sinh viên thì rất rẻ, còn doanh nghiệp thì tính rất cao, gấp hàng trăm lần học sinh sinh viên. Tức là chúng tôi “học” Robin Hood : lấy của nhà giàu chia bớt cho người nghèo.

Thực ra, đối tượng chính yếu tôi hướng đến vẫn là các bạn trẻ. Tham vọng của tôi là xây dựng một học viện mang tên Ý chí Việt, kiểu như học kỳ quân đội. Trong tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm, thời nào chúng ta cũng có anh hùng. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đang thiếu những anh hùng trong thời bình. Cũng không thể dùng những chuẩn mực anh hùng của thời chiến để làm thần tượng trong thời bình.

Ý ông là…

Tiếp xúc với các học viên, hỏi thần tượng của họ là gì, đa phần câu trả lời là những ngôi sao ca nhạc và sân cỏ. Tôi không phản đối khát vọng của họ, nhưng sao thì bao giờ cũng hiếm. Hãy thử hình dung, nếu tất cả đều chạy theo sân cỏ và sân khấu thì ai sẽ làm kinh tế. Chúng ta đang khủng hoảng những thần tượng trong thương trường...
.
Một câu hỏi cuối. Năm nay đã bước sang tuổi 57, ông đã chuẩn bị cho sự nghỉ ngơi?

Trong lĩnh vực giáo dục, tôi mới là đứa trẻ lên ba. Còn quá nhiều thứ phải học, quá nhiều việc cần làm. Tôi không thích hưu trí. Nhiều người về hưu, nhất là lãnh đạo, rất mau chết. Vì ngoài cái ghế lãnh đạo được ban, có người không biết làm gì hết, rời ghế là mất luôn bản thân. Nhiều trường hợp, tôi biết, về hưu bắt đầu phẫn chí, chửi đổng xã hội. Chửi xã hội chán thì xoay qua chửi chính cái cơ quan mình từng là thủ lĩnh, như thể là mình vô can.

Xin cảm ơn ông.

Thường Tùng (Thực hiện)

(Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)