Đối với hình tượng Bố Đại hòa thượng, cổ đức có mấy câu tán thán như sau: “Sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng”. Hai câu này rất hay, hai câu này dạy chúng ta: Ta đối với hết thảy chúng sanh phải sanh tâm bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh phải sanh tâm hoan hỷ, “hỷ duyệt tướng” nay gọi là tâm yêu thương, vui thích. Trong Đại Thừa Phật pháp thường nói từ bi, từ bi là hỷ ái. Nhưng hỷ ái ấy chẳng phải là cảm tình, bởi thế Phật pháp chẳng dùng chữ “hỷ ái” mà dùng chữ “từ bi”, sợ người đời thấy danh từ “hỷ ái” bèn hiểu lầm.

Lòng hỷ ái ấy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, là trí huệ. Lòng hỷ ái ấy nhà Phật gọi là Từ Bi. Do đây biết rằng: Người thế gian hỷ ái chẳng toàn vẹn chân thành, chẳng đủ thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ, chẳng có đủ những điều ấy. Bởi thế lòng hỷ ái của họ chẳng vĩnh hằng, lòng hỷ ái của họ thường bị biến chuyển. Đối với hết thảy chúng sanh, Phật, Bồ Tát hỷ ái vĩnh hằng bất biến, nếu quý vị hỏi vì sao ư? Vì các ngài không tự tư, không tự lợi, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lòng hỷ ái ấy xuất phát từ tự tánh, tương ứng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ. Nói cách khác, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ biến thành hiện thực. Nếu không có từ bi sao gọi là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giác”? Đều thành danh từ trừu tượng cả! Từ “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng” trở thành hiện thực, phải hiểu điều này, phải nhận rõ điều này!

Ở đây, Bồ Tát thể hiện ý nghĩa rất sâu, Di Lặc “tượng trưng cho Nhất Sanh Bổ Xứ”, điều này rất trọng yếu. Di Lặc Bồ Tát là vị Phật thứ năm trong thế giới Sa Bà của chúng ta, hiện tại Ngài là vị Phật hậu bổ của Thích Ca Mâu Ni Phật, trụ trong Đâu Suất nội viện. Trong những buổi giảng tôi thường nhắc tới chuyện thành Phật; đầy đủ những điều kiện nào mới thành Phật? Tri túc! Người tri túc bèn thành Phật. Bởi thế, Bổ Xứ Bồ Tát cũng chẳng ở nơi nào khác, Ngài nhất định phải trụ tại Đâu Suất. Đâu Suất là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Tàu là “Tri Túc”. Đâu Suất thiên là Tri Túc thiên. Có tri túc mới có thể thành Phật; không tri túc chẳng thể thành Phật. Người tri túc chẳng mong cầu, người không tri túc bèn tham cầu. Quý vị thấy Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho ý nghĩa này rất khéo! Ở đây, Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho pháp gì? Tượng trưng cho pháp môn này, người tu học pháp môn này giống như Bổ Xứ Bồ Tát không sai chạy! Thật sự là pháp khó tin, nhưng sự thật đúng như thế đó. Bởi lẽ, quý vị tu pháp môn này, một đời thành Phật, đó chẳng gọi là Bổ Xứ, thì gọi là gì đây?