Mỗi một người có một ơn gọi, mỗi một người có sứ mạng. Người thì làm vua, người thì làm quan, người thì làm dân thường, người khác nữa thì làm ngôn sứ như ngôn sứ Êlia. Êlia được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ cho Ngài. Hoàn thành một cách tốt đẹp vai trò ngôn sứ của mình, Êlia được Thiên Chúa chọn cho một ngôn sứ khác tên là Êlisa để thay cho ông.

Sách các vua quyển thứ nhất mà chúng ta vừa nghe kể lại cho chúng ta chuyện Êlia chọn Êlisa thay cho mình. Trước đó, qua lời của Thiên Chúa, Êlia xức dâu cho Giêhu để Giêhu làm vua Israel. Câu chuyện tuyển chọn Êlisa chúng ta nghe như thế này: còn Giê-hu con của Nimsi, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Israel. Êlisa con Saphát, người Avên Mơkhôla, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi. Kẻ thoát gươm của Khadaên sẽ bị Giêhu giết; người thoát tay Giêhu sẽ bị Êlisa giết. Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong Israel: tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Baan, những môi miệng không hề hôn kính nó." Ông Êlia bỏ đó ra đi và gặp ông Êlisa là con ông Saphát đang cày ruộng; trước mặt ông Êlisa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Êlia đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Êlia và nói: "Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông." Ông Êlia trả lời: "Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu? " Ông Êlisa bỏ ông Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy sau khi đã về từ giã gia đình, Êlisa đã đi theo Êlia để phục vụ ông. Đi theo Êlia, đi theo một con người thì khác, khác vì còn có thể về để từ giã gia đình. Khi đi theo Chúa thì không được về từ giã gia đình. Lời mời gọi của Chúa là một lời mời gọi dứt khoát và quả quyết hơn là Êlia mời Êlisa.

Câu chuyện mà Thánh Luca thuật lại cho chúng ta hôm nay đã nói về điều ấy, đã chứng minh điều đòi hỏi ấy nơi Chúa Giêsu: Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."

Người này phải nói là người tốt đó chứ vì lẽ theo lẽ của con người, anh ta còn vướng bận người cha già thân yêu ở nhà để rồi anh lo cho tròn “chữ hiếu” anh sẽ theo Thầy. Chúa Giêsu đã khẳng định luôn: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết !”

Câu chuyện không dừng lại ở chỗ ấy. Người này nhẹ hơn người kia là xin về chỉ là để từ biệt gia đình thôi chứ không phải là chờ đến ngày cha mình chết thì mới theo nhưng Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

Trường hợp này thì Chúa Giêsu không trả lời cho anh ta là có về hay không về để từ biệt gia đình nữa nhưng Chúa Giêsu chỉ nói nhẹ: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Nói là nhẹ nhưng chẳng nhẹ vì Chúa Giêsu đã khẳng định rằng những ai mà tra tay cầm cày mà ngoái lại đàng sau thì không thích hợp. Câu nói này như muốn nói đến thái độ dứt khoát của những ai theo Chúa với Nước Thiên Chúa.

Trang Tin mừng, câu chuyện, ý nghĩa của lời Chúa Giêsu ngày hôm nay hết sức hay và hết sức thực tế với mỗi người chúng ta.

Chúng ta, nhiều lần nhiều lúc đứng trước cái chết của một ai nào đó dù thân hay dù không thân cũng gợi đến cho chúng ta cái cảm thức, cái ý thức về phận người. Những lần ấy, chúng ta hình như là xác tín mạnh mẽ hơn quyết tâm theo Chúa của mình. Khi đứng trước bệnh tật, cái chết của con người chúng ta hay có cái cảm nghiệm hay có cái quyết tâm từ nay trở đi sẽ không dính bén gì đến của cải vật chất mau qua chóng tàn này. Mà thật ! Cuộc đời này chẳng có là gì cả, tất cả rồi cũng nhắm mắt xuôi tay thôi nhưng con người vẫn cứ loay hoay mãi đi theo ai chứ không phải là theo Chúa !

Cũng chẳng cần nói đâu xa. Nhìn lại ngay chính cái bản thân của mình thôi. Ngày mà mình khấn hứa sao mà hay quá ! Khấn khó nghèo, khấn vâng phục, khấn khiết tịnh ấy.

Vâng phục: Thuở ban đầu ta cũng tha thiết sống với lời khấn vâng phục lắm đấy chứ nhưng rồi sau một thời gian tu, ta lại hoán chuyển vị trí của lời khấn nghĩa là ta bắt Chúa vâng phục ý ta qua ý bề trên. Hễ bề trên làm theo ý ta thì đó là một bề trên tốt còn ngược lại, một bề trên không vâng theo ý của ta đó là một bề trên không tốt !

Khiết tịnh thì thật sự chỉ trong lòng của ta ta mới biết mà thôi. Có khi không phạm lỗi khiết tịnh ở bên ngoài nhưng trong lòng của ta đầy những hình bóng khác ngoài hình bóng của vị Thiên Chúa mà ta đã hơn một lần quyết tâm thề hứa để đi theo Ngài.

Khó nghèo thì cũng chỉ có mình và tiếng nói lương tâm nhưng nó bị lộ ra bên ngoài. Ngày đầu tiên ta khấn dòng thì hình như ta chỉ có vỏn vẹn cái túi xách tay từ khỏi Nhà Tập. Thế nhưng mà chẳng hiểu sao sau vài năm khấn hay sau cái ngày lãnh sứ vụ linh mục để đi phục vụ thì ôi thôi nào là giỏ, nào là thùng, nào là cả tủ … Nhìn lại giật mình quá sức tưởng tượng vì sau cái ngày ta lãnh sứ vụ, ta đi giúp xứ thì ôi thôi đồ đoàn nó nhiều không thể tưởng tượng. Ta cũng có thể tìm cách để lý luận cho tất cả những gì ta có để nó phục vụ ta nhưng nhìn kỹ một chút thì hình như ta phục vụ nó thì phải. Khi ta sắm sửa nó thì ta phải để dành giờ lưu tâm đến nó và chăm sóc cho nó sợ nó hư, sợ nó mòn … Nếu như không khéo ta sẽ chạy theo cái của cải vật chất hưởng thụ chứ ta không còn theo Chúa nữa.

Đời sống hôn nhân cũng vậy, ngày mới yêu, ngày mới cưới thì người ta rất chung thủy nhưng rồi sau đó một thời gian thì lời hứa đó như thế nào ? Ta còn chung thuỷ với người bạn đời mà ta đã dắt tay nhau ra thề hứa thuở nào hay không ? Khi ta còn sống chung thuỷ thì khi ấy ta còn theo Chúa và sống kết hợp mật thiết với Chúa. Khi ta không còn chung thuỷ trong đời sống hôn nhân thì khi ấy ta đã bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời của ta để ta chạy theo tình cảm của người đời, ta phá vỡ hôn ước giữa ta và Thiên Chúa là sống chung thuỷ với người ta đã chọn.

Theo Chúa không phải là chuyện dễ, theo Chúa không phải là chuyện một sớm một chiều mà là một hành trình dài của đời người. Thánh Phaolô, một người đã quá sức kinh nghiệm về chính bản thân mình, về chính cuộc đời mình. Trong thư gửi tín hữu Galat mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên nhủ hết sức chân thành với chúng ta rằng: Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

Chỉ có một con đường tốt nhất đó là để cho Thần Khí, để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta mà thôi.

Vốn dĩ là thân phận yếu hèn, chúng ta năng chạy đến Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện để chúng ta được Thần Khí hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chỉ có nhờ Thần Khí chúng ta mới đủ sức để theo Chúa trọn vẹn con đường mà Chúa đã mời gọi.
Anmai, CsSR