Thế giới thật mênh mông, thênh thang và rộng lớn.Nơi đâu cũng có người, nơi đâu Tin Mừng cũng cần phải được rao giảng. Thật vậy, cánh đồng truyền giáo lúc nào cũng bao la bát ngát, Chúa Giêsu đã gợi ý cho các môn đệ: ” Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít “ ( Lc 10, 2 ). Do đó, lệnh truyền giáo của Chúa quả lúc nào cũng có ý nghĩa: ” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ…mà làm cho nhiều người trở thành môn đệ “…

Đứng trước đồng lúa mênh mông, Chúa Giêsu đã thấy mọi vấn đề khó khăn của việc loan báo Tin Mừng và trách nhiệm, vai trò của những môn đệ của Chúa, nên Ngài đã sai các môn đệ: ” anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói “ ( Lc 10, 3 ). Tuy giống như chiên ở giữa sói rừng nghĩa là các môn đệ, các tông đồ sẽ gặp khó khăn, sống bấp bênh, không được đảm bảo: ” Không được mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép. Không được lân la, trò chuyện, chào hỏi ai dọc đường “ ( Lc 10, 4b ). Chúa dặn các môn đệ ra đi truyền giáo phải sống hiền lành và siêu thoát. Chúa cho các môn đệ thấy thi hành sứ mạng rao giảng không thể lệ thuộc vào của cải ở trần gian, không bám lấy những gì chóng qua, không phí phạm thời giờ vì những chuyện phù phiếm ở đời, đơn sơ đón nhận sự giúp đỡ của người khác về ăn ở, tôn trọng việc tin hay không tin của kẻ khác, cứ kiên nhẫn chờ đợi, phó thác, cậy trông vào Chúa và sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa nói với các môn đệ: ” Anh em hãy ra đi “. Ra đi có nghĩa là không ở lại, không bám víu vào bất cứ sự gì chóng qua, mà ra đi là đi mãi, đi hoài, đi không ngừng và loan báo Tin Mừng cho tới khi không còn hiện diện ở thế giới này nữa. Chúa Giêsu đã làm gương cho các môn đệ vì Ngài được sinh ra ngoài đồng, sống và loan báo Nước Thiên Chúa ngoài đường, không nhà, không cửa, không nơi tựa đầu. Đời của Chúa là một cuộc hành trình không ngừng. Ngài đã làm mọi việc, đã rao giảng và chết ở ngoài đường, ở trên đồi vắng. Chúa Giêsu đã không lên đường và không ngừng ra đi. Chúa dạy các môn đệ và mọi người phải truyền giáo, phải loan báo Tin Mừng, không ai được lẩn trốn trách nhiệm rao giảng Tin Mừng. Từ Chúa Giêsu cho đến ngày nay, dân Chúa đã không ngừng lên đường và ra đi. Hãy nhìn một cách tổng quát cánh đồng thế giới ngày nay: cả nhân loại sống trên mọi nước cho tới giờ phút này đã hơn 7 tỷ người, người tin vào Chúa kể cả Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo mới được hơn 1 tỷ. Lục địa Á Châu rất đông dân nhưng tỷ lệ biết Chúa mới được hơn 3%, do đó, việc loan báo Tin Mừng luôn trở nên khẩn thiết, cấp bách. Người biết Chúa chỉ chiếm 1/7 tỷ lệ dân số thế giới. Lúa chín vàng không có thợ gặt. Thế giới hình như vẫn còn bước đi trong dò dẫm, trong đêm tối âm u của nhiều tranh chấp, hận thù, sự dữ và thế giới này đang cần, thật cần tình thương, cần sự an bình, quảng đại, khoan dung, và tha thứ. Lời của thánh Phanxicô khó khăn: ” Đem tình thương vào nơi tranh chấp, đem ủi an đến chốn ưu sầu “ quả thực là lời tình yêu khẩn thiết: ” Yêu đến quên mình. Yêu đến chấp nhận cái chết trên thập giá. Yêu mới nói lên lời. Yêu để tha thứ “. Chúa vẫn sai nhân loại, sai con người ra đi đem sự an bình, đem tha thứ. Đi để chữa lành và đi để loan báo rằng Nước Chúa đã gần đến. Hội Thánh qua nhiều thời đại đã không ngừng sai các tông đồ ra đi loan báo Nước Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô II đã nói: ” Bản chất Giáo hội là truyền giáo “ và Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nói: ”…Không một ai được miễn trừ sứ vụ cao cả này “.Thánh Phaolô xác tín cách thâm sâu: ” Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng “ ( 1 Co 9, 16 ).

Lạy chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần đến biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con can đảm, hiên ngang ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT