Răn đe sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN!

TTCT - Nửa đêm thứ hai 9-7, nuốt không trôi kết quả Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) vừa kết thúc, Global Times đã dựng chuyện và răn đe.



Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại AMM ở Phnom Penh ngày 9-7 - Ảnh: Reuters

0g43 phút sáng thứ ba 10-7, Hãng tin ZEENEWS của Ấn Độ loan tin "Vấn đề tranh chấp trên biển đã là chủ đề chính của cuộc thảo luận ở thủ đô Phnom Penh, phần lớn do những căng thẳng leo thang trên biển trong những tháng qua "sau khi" tàu bè Trung Quốc và Philippines đối đầu với nhau tại khu vực tranh chấp, khởi sự từ tháng 4, và việc Việt Nam tháng trước phản đối các rao thầu năng lượng của phía Trung Quốc" (1).

ZEENEWS cho biết Quốc vụ khanh Kao Kim Hourn của Campuchia, trong cuộc họp báo cuối ngày, đã cho biết rằng bản quy tắc, có ý định bao gồm cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN, sẽ nhấn mạnh các nguyên tắc quản lý vấn đề chủ quyền trên biển và vấn đề thông thương trên biển Đông. Chi tiết bộ quy tắc như thế nào vẫn còn chưa được tiết lộ do lẽ, theo ông Kao Kim Hourn, "Nay chúng ta phải khởi sự thương thuyết bộ quy tắc này với Trung Quốc" ở cấp bộ trưởng vào sáng thứ tư 11-7 rồi thì tại các cuộc họp cấp chuyên viên cấp cao sau đó.

Các hãng thông tấn, báo đài quốc tế khác cũng cùng một nội dung như thế trong niềm hi vọng sẽ tháo gỡ được cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng trên biển Đông mà nguyên nhân, theo ZEENEWS, do "Trung Quốc đòi giành hầu như toàn bộ biển Đông và mới đây đã thiết lập một thành phố mới (Tam Sa) để quản lý biển Đông, làm nổ ra những phản đối từ những đối thủ tranh chấp".

Global Times ngụy tạo thông tin để dễ răn đe


"Khi các điều kiện chín muồi, Trung Quốc sẽ đối thoại với ASEAN về COC. COC không nhằm giải quyết tranh chấp mà chỉ để xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác"

LƯU VI DÂN,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trước ZEENEWS ba phút, chính xác là lúc 0g40 phút 02 giây sáng thứ ba 10-7, tờ Global Times, phụ bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc, đã hằn học phản ứng ngay về diễn biến đồng tâm nhất trí này của AMM. Ngay từ tựa đề, Global Times đã răn đe: "ASEAN nên bám chặt vào vai trò trung gian hòa giải"(2).
Bài bình luận của Global Times bắt đầu bằng cách trình bày diễn biến AMM như là một âm mưu câu kết giữa Philippines và Việt Nam: "AMM lần thứ 45 đang diễn ra tại Phnom Penh. Philippines và Việt Nam đang âm mưu đặt vấn đề biển Đông lên bàn hội nghị".

Đến đây, Global Times ngụy tạo thông tin khi viết tiếp rằng: "Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tham dự hội nghị... Ngoại trưởng Clinton khó có thể tự giữ khoảng cách với những xung đột giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Các tranh chấp lãnh thổ ở Nam Hải (3) thoạt đầu là những xung đột song phương giữa Trung Quốc và các nước gồm Việt Nam và Philippines. Mục đích của việc biến những xung đột song phương này thành một vấn đề quốc tế là do có những lợi ích trùng hợp với Mỹ. Nay vấn đề đang phát triển theo hướng này".

Đọc hết đoạn này, người đọc chỉ có thể hiểu rằng: 1/ Ngoại trưởng Clinton đã tham dự AMM hôm thứ hai 9-7, và ắt hẳn bà nghiêng ngả theo mà chống lại Trung Quốc - 2/ Việt Nam và Philippines đã cố tình lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp mà ban đầu là chuyện xích mích riêng với Trung Quốc mà thôi - 3/ Mỹ đã nhảy vô vì có những lợi ích riêng trùng hợp với của hai nước kia - 4/ Vấn đề nay bị quốc tế hóa vì các lý do đó.

Global Times đã ngụy tạo chi tiết "ngoại trưởng Mỹ đã tham dự hội nghị này" để từ đó đưa ra lập luận vu cáo trên. Nói là ngụy tạo do lẽ thật ra vào hôm thứ hai 9-7 khi các ngoại trưởng ASEAN họp ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đang có mặt ở Ulan Bator (Mông Cổ) và dự diễn đàn Nhà lãnh đạo phụ nữ (4)!

Bất cứ độc giả quốc tế không am tường vấn đề biển Đông, khi tình cờ đọc bài viết này của Global Times, nhất là nếu như đọc trễ hơn trong tuần này (các ngoại trưởng ASEAN còn tiếp tục họp cho đến cuối tuần trong khuôn khổ các cuộc họp nhiều bên khác, trong đó có Diễn đàn an ninh ARF...), đều sẽ đinh ninh rằng Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã họp với các ngoại trưởng ASEAN... là do bị Việt Nam và Philippines lôi kéo và vì cùng lợi ích với nhau!

Từ sự ngụy tạo thông tin đó, Global Times lái người đọc đến kết luận của mình: "Vấn đề Nam Hải đã bị làm cho trở nên phức tạp bởi hai nước này và sự can dự dính vào của Mỹ". Mục tiêu tìm kiếm của Global Times là gì, nếu không phải là để răn đe đừng đa phương mà trở lại song phương với Trung Quốc mà thôi, bằng không thì...?

Global Times hạ tối hậu thư: "Nếu xu hướng này cứ kéo dài, khó mà nói được sẽ tháo gỡ như thế nào và phe nào sẽ khốn đốn hay sẽ thủ lợi. Cách tiếp cận song phương mà Trung Quốc đề ra tuy chưa thắng thế, song cách tiếp cận đa phương sẽ chẳng làm tăng thêm tính chính đáng cho các yêu sách của Việt Nam và Philippines... Vấn đề Nam Hải lẽ ra sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu như Trung Quốc đã không kiềm chế. Sẽ là cực kỳ ngu xuẩn nếu như Manila và Hà Nội cứ tiếp tục ép Trung Quốc tự giữ mình. Dư luận ở Trung Quốc nay đã sôi sục lắm rồi. Việt Nam và Philippines còn khiêu khích thêm nữa sẽ có nghĩa là trực tiếp đối đầu với công chúng Trung Quốc giận dữ...".

Đem 1,3 tỉ người Trung Quốc độn cho sự đe dọa thêm nặng ký để bù lại cho sự ngụy tạo thông tin và sự thất bại khi, trước và sau AMM, cứ luôn thuyết dụ "đừng bàn vấn đề Nam Hải" hoặc răn đe "chớ đa phương, quốc tế hóa!".

Vận động thất bại

Liên tiếp trước hội nghị, Bắc Kinh đưa ra những cản ngăn như của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lưu Vi Dân: "Phía Trung Quốc tin rằng cuộc họp này là một mặt bằng quan trọng để gia tăng sự tin cậy lẫn nhau và tăng cường hợp tác, chớ không phải chỗ để bàn vấn đề Nam Hải". Hoặc nửa khuyên can, nửa răn đe như của Thứ trưởng Phúc Oánh cũng tuần trước trên tờ The Nation của Thái Lan: "ASEAN nên độc lập phán đoán... đừng trở thành công cụ của các siêu cường!".

Vậy mà các ngoại trưởng ASEAN vẫn cứ họp bàn về vấn đề biển Đông, bất chấp những khuyến dụ, răn đe của Trung Quốc! Sau thất bại hôm thứ hai 9-7 với AMM, lại là răn đe mới: "ASEAN nên bám chặt vào vai trò trung gian mà thôi", tức tám nước ASEAN còn lại chớ dính vào chuyện biển Đông với Philippines và Việt Nam, nhất là trong tuần này khi mà ở Phnom Penh còn vô số hội nghị khác, như ASEAN với từng nhóm đối tác đối thoại, hội nghị hậu hội nghị ngoại trưởng, Diễn đàn an ninh ARF...

Thật ra, Global Times tuy lớn tiếng răn đe song cũng không còn tự tin cho lắm, như bài xã luận tự an ủi "Trung Quốc có thể cô đơn, song không cô lập" mới hôm 29-6-2012!

Trong bối cảnh tinh thần dứt khoát "Việt Nam và Philippines âm mưu" đó, một quy tắc ứng xử có đem ra bàn với Trung Quốc cũng sẽ kéo dài như Tổng thống Indonesia đã cảnh báo ở đối thoại Shangri-La: "Đã mất 10 năm dài đăng đẳng để đề ra bộ hướng dẫn bản tuyên bố ứng xử (DOC). Đừng để mất 10 năm nữa nhóm công tác ASEAN - Trung Quốc mới làm xong bộ quy tắc ứng xử (COC)".

HỮU NGH
(Tuổi Trẻ)