Ma xó

Hà Bỉnh Trung

Chiếc thuyền tam bản ghé vào bến khi tới địa phận Châu Quỳnh Nhai. Cách đó độ 300 thước là bản Tu Ma, một ngôi làng nhỏ, gồm có 5 gia đình ở trong 5 căn nhà sàn rải rác. Chung quanh là rừng cây cao vút trên những sườn núi dốc nghiêng. Con sông nhỏ chảy xiết giữa thung lũng. Nước trong nhìn thấy đáy.

Thúc và Chinh nhảy lên bờ, và đi về phía làng miền sơn cước. Thức là bạn học của Chinh, nghỉ hè được mời lên chơi nhà bạn. Chinh là con trai ông Xã Ðoàn ở bản sở tại Châu Quỳnh Nhai. Hai người định vào mua ít thức ăn đỡ đói lòng trong khi chờ người nhà đem ngựa xuống đón. Nhưng không may, các cư dân đều đi làm vắng. Hai chàng đành trở lại bờ sông, anh lái đò nhanh nhẩu nói:

- Noọng Linh vừa đến tìm hai cậu.

- Ðâu? em nó đâu rồi, chú Lân?

Vừa lúc đó một cô gái dắt 2 con ngựa ở trong lùm cây bước ra:

- Em đây. Anh mới về tới?

Chinh quay lại bảo Thức:

- Em gái tôi đấy, Noọng Linh. Ðây là anh Thức, bạn anh.

Thức và Linh gật đầu chào nhau. Linh hỏi trước:

- Anh Thức lên chơi với anh Chinh bao lâu?

- Tôi định ở chơi một tháng. Chắc sẽ làm phiền ông bà và cô nhiều đấy.

Noọng Linh cười giòn giã:

- Anh nói chơi đấy chứ, bố mẹ em và em rất vui mừng được đón tiếp khách quý mà anh.

Chinh xen vào:

- Thôi đừng khách sáo nữa. Mình ở xó rừng này không có bạn buồn đứt ruột. Thức lên chơi với mình thực là may mắn vì mình vừa có bạn nói chuyện, vừa bàn nhau học hành thêm nữa, còn gì quý bằng.

Thức im lặng, lén nhìn Noọng Linh. Nàng đẹp mộc mạc, giản dị trong bộ y phục màu chàm. Tóc búi cao đằng sau gáy, để lộ dóng cổ trắng hồng. Trong khung cảnh rừng núi xanh biếc, nàng sơn nữ quả là một đóa hoa tươi thắm tô điểm cho vùng thâm sơn cùng cốc. Chinh chợt lên tiếng làm Thức giật mình:

- Thôi mình về chứ, chiều xuống rồi. Linh cưỡi con Kỳ Lân, còn anh và Thức cưỡi con Nga Mi. Thức chưa biết cưỡi ngựa, để anh ấy ngồi sau, anh còn có chỗ vịn cho khỏi té.

Con Kỳ Lân theo lịnh giây cương của Noọng Linh rảo bước đi trước. Tiếng vó câu lóc cóc nhịp nhàng trên đường đá nghe thật vui tai. Thức ngồi sau lưng Chinh, tay ghì chặt vai bạn, nhưng mặt luôn luôn nhìn về phía Noọng Linh. Hình dáng thon nhỏ của cô gái miền núi đã làm Thức suy nghĩ. Hai vai tròn xuôi như bờ dốc, tiếp đến là dải lưng mềm mại, hiện rõ trên mình ngựa. Ðúng là một tác phẩm thiên nhiên vô cùng quyến rũ.

Tuy trời đã ngả bóng, nắng chiều vẫn hừng nóng vì không có gió. Thức đã thấy trong người râm rấp mồ hôi. Vừa lúc Chinh lên tiếng:

- Thức ngồi vững nhé, tôi thúc ngựa chạy kiệu cho mát một chút.

Thức chưa kịp trả lời, con Nga Mi đã giằng cương, chạy răm rắp. Cái nước băm của ngựa làm Thức xóc tức bụng. Thế ngồi không còn vững, có khi tưởng như sắp tuột yên ngựa nhào qua phía trái, đến khi cố lấy lại thăng bằng, lại cảm thấy như sắp bật qua phải, khiến chàng sợ quá kêu lên ơi ới:

- Úi cha, đau bụng quá Chinh ơi. Ðứng lại đi! Ðứng lại không tôi sắp té đến nơi rồi nè.

Noọng Linh nghe nói cười khanh khách:

- Không sao đâu, anh Thức à. Rồi nó quen đi mà!

- Không, tôi nói thực đấy. Tôi sắp tuột xuống đất rồi, anh Chinh!

Chinh cũng phì cười, ghì cương ngựa. Linh nói:

- Mình đi cũng được một đoạn rồi. Hay là anh Chinh cho ngựa xuống bờ suối dưới kia nghỉ mấy phút rồi hãy đi cũng kịp chán.

Chinh gật đầu tán thành. Nhất là Thức, nghe nói mừng quá:

- Phải đấy. Ta nghỉ một chút đi. Cô Linh có ý kiến hay đấy.

Chinh cười thầm trong bụng. Chàng biết rõ bạn mình sợ ngã ngựa trước mặt người đẹp. Và chàng cũng đoán biết bạn đã có nhiều cảm tình với cô em gái xinh đẹp của mình.

Ba người kéo nhau xuống lội suối. Nước trong như lọc. Những hòn đá tròn trịa nằm liền nhau thật hiền, để mặc những con cá tung tăng bơi lội xuôi dòng nước mát lạnh. Chinh lên tiếng:

- Suối này là từ những mạch nước ngầm tuôn ra ở lưng chừng núi nên rất sạch và trong lành. Cách đây độ hơn 20 cây số có con suối nước rất độc, người ta bảo uống vào là bị ngã nước. Tôi nghĩ có lẽ đầu nguồn có một khu rừng chàm, lá cây rụng xuống ối đọng lâu ngày ải ra thành phân màu xanh làm nước cũng xanh ngắt như rêu. Chỗ đó suối lại không chảy xiết nên càng ứ đọng những độc tố.

Thức góp chuyện:

- Thầy mẹ tôi không muốn cho tôi lên chơi mạn ngược. Các cụ cứ bảo miền Sơn La, Lai Châu là vùng nước độc, nhiều người chết vì bệnh sốt rét. Các cụ lại còn bảo có nơi có dòng suối nóng, khói bốc lên mù mù như cảnh ma quái. Ai lội xuống có thể tuột lông chân ghê lắm. Không biết có đúng thế không, anh Chinh?

- Ðúng đấy. Mà đó là sự thường. Thức cũng biết ở nhiều nơi trên thế giới đều có suối nước nóng. Thành phần cấu tạo có thể là nhiều chất vôi, lân, hay diêm sinh. Và nhiệt độ cũng có thể thay đổi. Ví dụ nước nóng khoảng chừng 50 độ có khói bốc lên mà ta lội xuống, chắc chắn là da thịt phải đỏ rực dù chưa đến nỗi phỏng, nhưng có thể tuột lông chân được chứ! Còn bịnh sốt rét rừng là do loài muỗi gây ra, rồi lây truyền từ người này qua người kia, chứ đâu có phải tại nước, trừ khi ta uống ở những nơi nước tù đọng.

Noọng Linh nhìn Thức cười nói:

- Anh Thúc đừng sợ. Em sinh trưởng ở đây đã 19 năm rồi mà có bịnh gì đâu? Mình chỉ cần giữ cho muỗi khỏi chích là chẳng sao hết. Nhà em nhiều mùng màn lắm cơ, anh yên chí.

- Cô Linh biết không, ở dưới kinh chúng tôi ai cũng ngại đi mấy vùng sơn cước như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang. Còn những vùng khác như Cao Bằng, Lạng Sơn ai cũng thích. Riêng tôi, tôi có cảm tình nhất với vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Có lẽ vì có nhiều bài hát dân gian nói về hai miền này chăng? nào là:

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Nào là:

Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.

- Anh Thức nói chuyện hay quá, nghe mấy lời hát ngày xưa thật là thấm thía, vừa buồn lại vừa êm dịu rất có tình.

Chinh nói xen ngắt lời:

- Chà! Cô Linh bữa nay lém lỉnh ghê. Chắc lại muốn trổ tài văn chương với anh Thức hả? Cô không biết Thức là học sinh giỏi Việt văn nhất trường Sư Phạm sao?

Linh đỏ mặt, đập vào vai Chinh:

- Anh này lúc nào cũng muốn độc quyền, độc đoán. Không muốn người ta nói thì thôi từ giờ đừng có hỏi gì nữa đấy nhé!

Chinh vội cười xòa:

- Thôi mà, anh nói đùa chơi cho vui, chứ mình là bạn cả mà.

Thức hiểu ý vội đổi câu chuyện qua đề tài khác:

- Tôi còn nghe nói ở mạn ngược có lắm sự lạ lắm nữa kìa. Nào là Ma Cà Rồng, ma gà, nào là bùa ngãi ghê lắm, không biết có đúng không?

Chinh toan nói, nhưng chợt nghĩ đến cô em gái, anh lại thôi. Không muốn để câu hỏi của Thức đi vào khoảng trống, bắt buộc Linh lại phải lên tiếng:

- Những chuyện này em chỉ nghe nói, chứ thực sự chưa thấy bao giờ. Mẹ em có kể chuyện về một anh lính Tây, khi ở đây có lấy một bà làm vợ. Ngày trước, cứ hai năm, Tây lại đươäc phép về thăm nhà 3 tháng. Bà vợ kia sợ ông Tây về xứ sẽ bỏ mình không sang nữa, bèn làm 2 quả trứng gà cho ông ấy ăn trước khi lên đường. Ðúng 3 tháng sau, ông Tây còn nấn ná, vì vướng mắc với một bà đầm trẻ, đã định xin ở lại cưới vợ. Nhưng tự nhiên cứ thấy bụng mình nổi lên hai cái bướu to bằng 2 quả trứng gà đau lắm. Ði chiếu quang tuyến thì chẳng thấy gì. Ông đau lên đau xuống, ngày không ăn được, đêm ngủ nằm mơ toàn thấy ma quái, rồi lại có hình ảnh người vợ miền núi hiện ra. Thế là ông ta hiểu và nhớ lại lời vợ nhắn nhủ. Ông bèn lại phải khăn gói lên đường trở về Việt Nam, và bịnh đâu tự nhiên tiêu tán cả. Rút cuộc từ đấy về sau không bao giờ ông còn nghĩ đến việc nghỉ phép hồi hương nữa, mà ở lại với bà vợ vùng núi mãn đời.

Thức nhìn theo dòng suối chảy vẻ lơ đãng nói:

- Chuyện kỳ lạ quá nhỉ, nghe mà sợ luôn.

Linh cười nhạt:

- Thì cũng phải có bà như thế mới trị nổi mấy bọn đàn ông bạc tình. Chỉ biết chiếm được người ta, rồi lo mau mau quất ngựa truy phong. Cho đáng kiếp!

Thức cuời lớn:

- Ô hay nhỉ? Sao cô lại buộc tội đàn ông nặng nề thế. Ðàn ông ta khác đàn ông Tây chứ.

Chinh và Noọng Linh cùng cười theo vui vẻ. Chinh đưa tay xem đồng hồ kêu lên:

- Thôi ta phải đi về ngay mới kịp chứ còn la cà mãi tối xập đến bây giờ.

Ba người lại vội vã lên ngựa, nhưng chỉ đi bước một. Gió chiều bắt đầu thoảng nhẹ, đôi khi thành cơn, với luồng hơi thổi mạnh. Một giờ sau họ băng qua một con suối cạn đi vào bản. Trước cổng, ông Xã Ðoàn Ðèo văn Cầm đang đào măng. Thấy con về, ông gọi với vào trong nhà:

- Bà xã ơi! Các con nó về đây rồi. Có khách tới nữa đấy, bà ơi!

Một bà thấp nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn từ trên nhà sàn chạy xuống. Noọng Linh bảo Thức:

- Mẹ em đấy. Còn đây là bố em. Ðây là anh Thức.

Thức cúi đầu chào hai người:

- Nghỉ hè con lên chơi thăm ông bà và gia đình chắc sẽ làm phiền ông bà nhiều.

Ông xã Cầm gạt đi:

- Ðừng khách sáo như vậy, cậu Thức. Chúng tôi coi cậu như em Chinh, đừng câu nệ gì hết.

Ngôi nhà sàn khá lớn, cột gỗ vững chắc, mái tranh. Kiểu nhà ba căn liền nhau, hai bên là nơi kê giường ngủ, giữa là phòng khách có bếp lò đun củi ở giữa và kế đến là bộ trường kỷ.

Bà xã đoàn vồn vã hỏi Thức:

- Tôi đã đặt xong nồi cháo gà. Ði đường xa mệt chỉ ăn cháo là khỏe, nhẹ người. Nhưng cũng có cả cơm đấy, các cậu muốn ăn thêm thì ăn.

Thức nhanh nhẩu đáp:

- Bà cho con ăn cháo thôi. Con rất thích cháo vì con trước ở giáp giới Tàu nên nhiễm cái thói thích cháo hoa. Nay được ăn cháo gà còn gì hơn nữa.

- Ô, thế à, thế trước cậu ở tỉnh nào rồi?

- Con ở Móng Cái, giáp Ðông Hưng.

- Cậu đã ở mạn ngược bao giờ chưa?

- Thưa ông bà, đây là lần đầu tiên con lên miền rừng núi. Mặc dù con sinh ra tại Cao Bằng nhưng rời đi từ hồi nhỏ. Con thấy phong cảnh ở đây thực khác lạ, thật hùng vĩ và khí hậu cũng nhẹ nhàng mát mẻ lắm.

Chinh bảo Thức: - Thôi mình đi ăn cháo thôi rồi đi ngủ sớm. Mai còn dậy đi lên châu lỵ chơi chứ.

Mọi người ăn uống vui vẻ. Họ cầm chén cháo nóng húp quanh, chứ không dùng thìa muỗng gì cả. Những tiếng húp cháo xùm xụp, đối với nhiều nơi khác là kém lịch sự, nhưng ở đây là thói quen, là cái thú để thưởng thức cái ngon của tô cháo nóng bỏng.

Nhưng bất chợt, Thức đặt tô cháo xuống sàn, mắt đờ đẫn, như bị nuốt nghẽn, tắc thở. Chàng ngã vật xuống, miệng ú ớ không ra tiếng.

Cả nhà sợ hãi cuống quít. Chinh tìm chân tóc mai của Thức túm lấy giật giật gọi bạn:

- Thức ơi Thức, sao vậy, tỉnh dậy đi, Thức.

Noọng linh xanh mặt luống cuống, nhưng chẳng biết làm gì, đứng ôm mặt im lặng. Ông xã đoàn lấy một chén không, quay ra phía ngoài tiểu tiện vào đó, rồi bưng chén nước tiểu lại, nâng Thức ngồi lên cho uống. Nhưng vừa lúc đó Thức đã bừng tỉnh lại, gạt chén nước ra, nhìn Chinh, vẻ ngạc nhiên hỏi bạn:

- Chuyện gì thế, Chinh? Sao tôi lại ngồi trong lòng bạn thế này?

- Ồ, hay quá, Thức tỉnh lại rồi. Vừa qua Thức bị cảm ngất xỉu. Cả nhà lo quá.

Thức cãi:

- Tôi đâu có sao? Vừa rồi có người khách lạ tới gặp tôi, rồi đòi tôi trả nợ. Tôi cãi lộn với hắn. Hắn cứ bảo tôi ăn vụng ba miếng sắn nhà hắn. Hắn dọa giết tôi. Tôi vùng vẫy chống lại thì hắn bỏ đi.

Mọi người đều ngạc nhiên vì câu nói có phần mê sãng của Thức. Nhưng Chinh chợt cau mặt, vẻ suy nghĩ. Noọng Linh cũng như tỉnh mộng, ngồi xệp xuống cạnh Thức hỏi dồn:

- Anh Thức, hồi chiều anh vào bản Tu Ma, có vào nhà ai lấy gì không?

Thức nhìn Linh sẽ gật đầu:

- Có, tôi đói quá, có ăn mấy miến sắn luộc và tôi có để lại ba đồng để trả gia chủ.

Noọng linh vỗ đùi chép miệng:

- Thôi chết anh rồi. Anh bị...

Nàng ghé vào tai Chinh nói rất nhỏ:

- Ma... xó!!!

Chinh giật mình hỏi bạn:

- Anh ăn lúc nào vậy. Sao không bảo tôi?

- Tôi vào căn nhà chót, trong khi anh đang ở căn kế bên.

- Anh thấy sao?

- Tôi đói quá. Thấy dĩa sắn ngon, mình ăn thử một miếng thì nghe như có tiếng người đếm một, ăn miếng nữa, lại nghe như có tiếng đếm hai, rồi... đến miếng thứ ba lại nghe vẳng tiếng người đếm ba. Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai. Lạ quá nhưng khi ra cũng để lại gần đấy 3 đồng để trả tiền mua sắn.

Chinh và Noọng Linh, ông bà xã đoàn cùng thở dài nói một lượt:

- Ma xó rồi! Nhà lão Mường Xủi nổi tiếng về ma xó.

Thức sợ hãi:

- Ma xó là thế nào, Chinh?

Noọng Linh cướp lời:

- Nhà đó có người chết, họ không chôn, để trong một thân cây rỗng dựng ở xó nhà làm thần giữ của. Ai vào nhà lấy gì nó đếm. Lấy một đếm một, lấy hai đếm hai, tức là nó bắt vía người ta. Ðàn bà thì có ba hồn chín vía. Ðàn ông có ba hồn bảy vía. Khi nó đếm và bắt đủ bảy vía, là nạn nhân phải chết. Nay anh không may đã bị nó bắt ba vía rồi, nguy lắm. Nhưng cũng may mà biết ngay. Mình phải lo đi chuộc vía liền mới kịp.

Ông bà xã đoàn cùng nói:

- Ðúng rồi. Con đi kiếm ngay đủ lễ vật đi. Như thế này là phải làm lễ tam sinh để chuộc ba vía. Bố sẽ đem tới nhà lão Mường Xùi xin nó nhận lễ và tha tội cho anh Thức. Tội nghiệp anh mới lên, không biết gì nên đã phạm lỗi vì quá thực thà.

Thức ngồi nghe, không biết nói gì, vẻ mặt lo lắng và ngơ ngác, đầu tóc bơ phờ, trông già xọm. Chinh an ủi bạn:

- Thức đừng sợ. Bố mẹ Chinh sẽ lo chuộc vía, Thức sẽ hết nạn.

Thức thở dài, khẽ nói:

- Tôi không ngờ câu chuyện mình nghe đồn về ma xó, ma gà ở mạn ngược nay lại có thật, và xảy ra ngay vào mình, xui quá!

- Ðây cũng là lần đầu tiên Chinh thấy. Ở thời đại văn minh tiến bộ, mà có chuyện này, mình không thể nào tin là thực. Nhưng biết đâu đây chỉ là chuyện tình cờ? Vừa rồi có thể Thức bị đói quá sức, nên chợt xỉu đi chốc lát, chứ chẳng phải ma xó bắt vía gì cả.

- Nhưng... sao Noọng Linh quả quyết...

- Ừ thì có kiêng, có lành. Mình cứ tạ lễ xin chuộc vía, đâu có mất gì. Chẳng qua một con gà, một con vịt và một con cá là xong. Mình không làm, lỡ có chuyện gì lại ân hận.

Thức gật đầu ra vẻ tán thành.

Trong khi đó ông bà xã đoàn, và Noọng Linh đã xách giỏ lễ vật, lên ngựa đi băng đêm tối trở ra bản Tu Ma để cấp tốc xin lễ tạ chuộc vía cho người khách quý.

Một tháng sau, Thức hoàn toàn khỏe mạnh vui đời trở lại. Chàng và Noọng Linh ngày càng trở nên thân mật. Trong khung cảnh rừng thiêng nước độc, nếu đời sống cô đơn chắc Thức cũng bị ám ảnh hoài về chuyện quái dị khó tin, để một ngày nào đó phải hao mòn tinh thần và thể chất cũng nên. Nhưng thực may là có một khuôn mặt nhu mì chất phác, hiền hậu, luôn luôn xuất hiện ở trên đường Thức đi, ở ngay cả trong những sinh hoạt hàng ngày, khiến Thức dễ khuây khỏa, mau lại sức.

Ngày nghỉ hè qua thực mau. Khi Chinh và Thức trở về miền xuôi đi học, Noọng linh lại đưa tiễn ra tận bến đò. Nỗi buồn man mác, quyến luyến, day dứt mãi suốt dọc hành trình theo dòng nước lặng lờ, ngấn sóng, thả buông con thuyền đưa đôi bạn về chốn phồn hoa. Riêng Noọng Linh khi trở về một mình đã phải mím môi ngăn dòng lệ nhớ nhung. Nàng sẽ bảo con Kỳ Lân:

- Anh ấy hẹn hè sang năm sẽ lại lên thăm chúng mình đấy Kỳ Lân ạ!

Con ngựa nghe hiểu, bước chậm lại, đầu cúi xuống san sẻ nỗi lòng cùng cô chủ.

Thời buổi này, khi người ta đã tính chuyện đi lên sao Hỏa và sao Kim, tôi còn viết lại câu chuyện hoang đường ma quái này. Thật cũng lỗi thời. Nhưng đã có những cổ tích xưa từ hàng ngàn năm, nay vẫn dùng để tìm hiểu và giải trí được thì chuyện này cũng chẳng lấy gì làm xưa lắm. Hồi trẻ đi chơi mạn ngược ở Việt Nam, được nghe kể những chuyện ly kỳ, nay viết kể lại cho những nguời sau, nghĩ cũng là một điều khác lạ có ích.

Hà Bỉnh Trung