.




Những bữa cơm Nhân Ái giữa Sài Gòn

Cứ thứ đến thứ Bảy (2 tuần/lần), màu áo xanh mang tên Nhân Ái lại tràn ngập các nẻo đường phố Sài Gòn, trên tay là những hộp cơm còn nóng hổi. Họ nhanh chóng mang những phần cơm chay trao đến tay người lao động nghèo. Phần cơm trao đi, nụ cười của người phát và người nhận còn đọng mãi.

Tường Vi đang phát cơm cho một cụ già.[/IMG]
Tường Vi đang phát cơm cho một cụ già.
Cơm trao đi nụ cười ở lại
Hơn 12 giờ trưa, cái nắng oi bức của đất miền Nam vẫn không ngăn các bạn trẻ xông xáo vào căn bếp chật ở 1 quán cơm chay nhỏ nằm trong làng đại học Thủ Đức. Mỗi người một việc, người nhặt rau, người rửa chén bát, người nấu cơm…
Tiếng cười nói râm ran át đi nỗi mệt nhọc, nóng nực. Thật lạ là ai đến đây rồi, người xa lạ cũng thành quen thân. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Sinh (NV quán cơm chay sinh viên) đang xào chảo đậu rồng lớn tâm sự “Đơn giản vì nó là việc thiện nên ai cũng nhiệt tình làm”.
Đến 16g 30 chiều, 200 phần cơm canh được xếp đều trong những chiếc thùng chuẩn bị lên đường. Đội quân chở cơm xuất phát thì đội quân phát cơm cũng khẩn trương lên xe buýt tới điểm hẹn.
Đó là những hoạt động ý nghĩa xã hội cao cả, diễn ra mỗi lần một tuần của một tổ chức quy tụ đông đảo các bạn sinh viên, kể cả công nhân viên chức tại TP.HCM – có tên gọi là, câu lạc bộ (CLB) Nhân Ái.
Mỗi đợt phát cơm có đến hàng chục người tham gia, chủ yếu là sinh viên. Địa điểm tập trung của họ thường là công viên Lê Thị Riêng, công viên 23/9, hay vỉa hè nào đó. Họ chia thành từng tốp 4 – 7 người, mỗi tốp phụ trách phát 1 khu vực hoặc 1 con đường.
Phương tiện chủ yếu là xe đạp, xe gắn máy hoặc đi bộ. Trần Thị Ngọc Huyền (Sinh viên Trường đại học KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ trên trang web của CLB rằng:
“Lần đầu tiên tôi được rong ruổi trên những con đường Sài Gòn về đêm, không phải để ngắm đèn quảng cáo, để hóng gió mà để cảm nhận, lắng lòng với những cơ cực đời thường của những cụ già, em nhỏ bơ vơ, của những phận người lam lũ và để thấy mình đang làm chút gì đó thật nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa cho cuộc sống.”
Tôi hỏi một người bạn trong nhóm đi bộ: “Làm sao biết người ta nghèo mà phát?”. Bạn cho biết: “Cần phải quan sát khắp nơi và thật kỹ càng. Hễ thấy người nào, nhất là phụ nữ và trẻ em, nhìn ôm ốm, cầm vé số hay một túi hành lý lang thang, hoặc công nhân vệ sinh môi trường thì mình lại hỏi thăm.
Mà tùy theo cảm nhận của chị, nếu nhìn người ta có vẻ khổ thì mình lại hỏi thăm”. Chúng tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh như vậy trong lúc phát cơm. Không chỉ trao cơm, tình nguyện viên còn tận tình thăm hỏi công việc, sức khỏe họ.
Nhìn thấy một cụ già ngồi ở gốc cây bán tăm, Lê Thị Tường Vi (SV trường đại học KHXH & NV TP. HCM) ân cần lại hỏi: “Ông ăn cơm chưa ạ?”. Ông cụ mắt nhắm, mắt mở nhìn Tường Vi bảo chưa ăn gì cả.
Nghe vậy, cô bạn lấy hộp cơm trao tận tay ông cụ: “câu lạc bộ của con có phần cơm tặng ông. Ông ăn cơm đi nhé.” Trước khi đi, Vi không quên chúc ông cụ ăn cơm ngon miệng.
Tường Vi là phụ trách chính chương trình thứ 7 Nhân Ái này. “Lần đầu tiên khi chương trình đi vào hoạt động, Vi hồi hộp, lo lắng nhiều lắm nhưng thấy tình nguyện viên tham gia nhiều, Vi rất vui. Phần cơm phát đi và nhận về nụ cười, trong lòng thấy ấm áp”, Tường Vi chia sẻ.
Theo chân tình nguyện viên vào những con đường nhỏ, ngõ hẻm, gầm cầu tôi không khỏi thán phục bởi đôi chân rắn rỏi và sự dũng cảm của các chàng trai, cô gái. Đội phát cơm đi bộ là đội vất vả nhất.
Mỗi lần đi bộ hơn chục cây số là chuyện thường, có khi phải đi đến địa điểm khá vắng vẻ, tối tăm. Những lúc đó, cả nhóm chỉ biết đi cùng nhau cho đỡ sợ.
Ngày mưa gió, việc phát cơm vất vả hơn nhiều. Đội mưa, lội nước, tê buốt với cơn lạnh nhưng nhiều khi chẳng phát được phần cơm nào. Không chịu thua trước thử thách của thời tiết, họ đi từ quận này đến quận nọ trong bộ quần áo ướt như chuột lột nhưng khi mỗi phần cơm đến tay dân nghèo, họ thấy ấm áp hơn.
Phát hết cơm, họ nhanh chóng quay về địa điểm ban đầu để sinh hoạt tập thể. Họ kể cho nhau nghe đoạn đường đã qua, những người đã gặp, câu chuyện họ biết. Tâm sự của 1người giờ thành của cả tập thể.
Đói, mệt nhưng nụ cười luôn hiện hữu trên môi. Nhìn cách họ quan tâm, thăm hỏi nhau tôi có cảm giác đây là một gia đình chứ không phải là một CLB. Khoảng cách giữa tình yêu cuộc sống ở họ không có khoảng cách nào.
Cuộc sống 2 màu sáng, tối
Đến nay, chương trình đã có gần 6 tháng hoạt động, hình ảnh chiếc áo xanh lá mạ không còn xa lạ với người đi đường và càng không xa lạ với những người lao động nghèo trên mỗi con đường, ngõ hẻm.
Với chuyến đi phát cơm như thế, mỗi bạn trẻ lại tìm cho mình bài học cuộc sống và những trải nghiệm của mỗi người một đầy lên.
Tham gia Thứ 7 Nhân ái ngay từ ngày đầu, Lê Thanh Trường (SV trường đại học Ngân hàng) đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Kỷ niệm đặc biệt nhất mà Thanh Trường kể lại là lần bắt gặp một người phụ nữ vận bộ đồ rách nát, khắp người đầy ghẻ bên quận 8.
Trong không khí se lạnh, cô ngồi co ro dưới một gốc cây tối với 3, 4 con mèo. Theo phản xạ tự nhiên, anh lại bắt chuyện và mời cơm người phụ nữ. Tâm sự hồi lâu mới biết cô không có người thân nào, gia đình là mấy con mèo ốm nhom.
Vậy mà cô từ chối phần cơm. “Cho mấy người kia đi, họ chưa có gì để ăn hết, còn tui ăn rồi”. Không thể nào quên được câu chuyện đó, hôm sau, tôi cùng Thanh Trường quay trở lại nơi cũ tìm người phụ nữ nọ.
Người phụ nữ ấy quên anh, nhưng bữa cơm chiều thì cô vẫn còn nhớ. Anh còn biết thêm rằng, ngôi nhà của cô chính là vỉa hè nơi cô ngồi. Cô làm nghề lượm ve chai và bán vé số. Anh quay đi, mắt như muốn nói điều gì…
Lê Hạ Ánh, trưởng CLB Nhân Ái chi nhánh Đồng Tháp, dù học tại Đồng Tháp nhưng thứ 7, cô lại tranh thủ lên thành phố tham gia cùng với mọi người. Điều đầu tiên mà bất cứ ai gặp Hạ Ánh cũng thấy đó là sự dễ mến, cởi mở của cô.
Những lần rong ruổi khắp các ngả đường phát cơm, Ánh cũng gặp gỡ nhiều câu chuyện đầy tình người. Đi cùng Ánh ở địa bàn quận 1, khi thành phố đã rực rỡ ánh đèn, chúng tôi thấy bên kia đường có hai cha con đang lượm ve chai trong thùng rác.
Vừa nhìn thấy Hạ Ánh, cô bé chạy núp phía sau lưng cha. Mời cơm hai cha con, cô bé từ chối. Chỉ khi cha gật đầu, cô bé mới đưa hai tay đón lấy hai hộp cơm, không quên cảm ơn các anh, chị. Cô bé tên Lan, làn da em rám nắng, mặt mày lem luốc.
Nhà nghèo, mới lớp 2 Lan phải theo cha đi nhặt ve chai đóng tiền học. Lan khoe: “Ba hứa ba cho con đi học rồi đó cô”. Hạ Ánh nhìn tôi, ánh mắt như rưng rưng…
Sài Gòn hào nhoáng xa hoa là vậy nhưng cũng không ít những mảnh đời hoàn cảnh. Khi người dân Sài Gòn dẫn nhau mua sắm, ăn uống những nơi sang trọng thì một bộ phận người lao động nghèo nhập cư phải vật lộn để mưu sinh.
Giữa đêm se lạnh của Sài Gòn, chúng tôi gặp 1 người phụ nữ khá trẻ. Khi nhận phần cơm từ tay các tình nguyện viên, chị xin thêm phần cơm nữa cho người em cũng chưa ăn gì. Khi các tình nguyện viên đưa chị phần cơm và hỏi “Sao giờ này chị còn làm việc vất vả quá vậy?”
Chị cười buồn: “Phải kiếm tiền sống chứ em”. Chị kể, quê chị tận ngoài Bắc, quê nghèo nên 2 chị em phải dắt nhau vào Sài Gòn làm công nhân môi trường kiếm sống.
Đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nhiều khi mệt quá chẳng buồn ăn gì cả. Cầm hộp cơm trên tay, chị vui mừng nói: “May quá! Nhờ các em mà tối nay hai chị em đỡ phải nhịn đói”.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều tình nguyện viên đến với Thứ 7 Nhân Ái. Hoạt động này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của các bạn trẻ thích làm tình nguyện và việc thiện. Không chỉ có sinh viên, nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định vẫn dành ngày thứ 7 để đến với Nhân Ái.
Làm marketing cho một công ty tận Gò Vấp, chị Sinh chia sẻ với tôi: “Vô facebook, thấy cái tên Nhân Ái hay hay nên ghé thăm mới biết đến chương trình này. Đây là một chương trình thiết thực, ý nghĩa. Mỗi lần đi về, mình thấy lớn hơn một chút trong suy nghĩ. Để thấy, bản thân mình phải yêu cuộc sống hơn nữa”.
Hiện nay CLB Nhân Ái đang tích cực mở rộng quy mô hoạt động đến các tỉnh khác như Đồng Tháp, Hà Nội… Anh Nguyễn Văn Tiến (Chủ nhiệm CLB Nhân Ái) cho biết:
“Dự án mang tính chất lâu dài, đòi hỏi kinh phí và nhân lực nhiều, CLB cũng gặp khó khăn không nhỏ. Nhưng với tinh thần hết mình vì cộng đồng, vận động tất cả khả năng có thể để dự án mang thật nhiều sự sẻ chia đến với mọi người, đúng với phương châm: thiết thực - hiệu quả - bền vững”.
Còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu và đam mê tình nguyện, tất cả các thành viên CLB vẫn luôn lạc quan, tin tưởng. Mỗi chuyến đi phát cơm là một lần các tình nguyện viên có cơ hội thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình đến hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.
Giữa phố xá đông đúc, người qua lại trên các đường phố tấp nập, ngạc nhiên vì giữa Sài Gòn có những bữa cơm đầy tình người đến như thế.