tac gia lesyminhtung.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Xin trân trọng đón chào quý Phật tử đến với trang nhà Ánh Đạo Vàng.
Thưa quý vị:

Khi thực hiện trang nhà nầy chúng tôi chỉ có một ước mơ nho nhỏ là đem ánh đạo vàng của Đức Thế Tôn đến với mọi người. Đức Phật ra đời khai môn giáo hóa, tế độ quần sanh ròng rã suốt bốn mươi chín năm nhằm thắp đuốc tuệ soi đường vô minh tăm tối và rưới nước từ bi để rửa bụi trần. Do đó cho dù Đức Phật có thuyết bao trăm hội, có nói bao nhiêu bộ kinh thì nội dung vẫn không ngoài mục đích giúp chúng sinh tự mình thể nghiệm Chân lý hay ngộ nhập Phật Tri Kiến.

Sống trong thế gian chúng ta đã khổ về thân mà tâm bệnh như tham lam, giận hờn, si mê, mạn nghi, tà kiến đã làm cuộc đời vốn đã khổ càng thêm khổ đau. Những hạnh phúc tạm bợ, những dục lạc nhất thời đã làm tâm của chúng ta mê muội để đưa đẩy con người lún sâu vào vòng sinh tử Luân hồi. Vì sống trong vô minh nên con người tin chắc thân mình là chắc thật, thế gian vũ trụ cũng là chắc thật nên từ đó mới tạo tác, giữ gìn khiến cho tham-sân-si tha hồ phát khởi và thân-khẩu-ý cũng vì thế mà tác tạo ra nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời. Nhưng khi xuôi tay nhắm mắt thì thân nầy phải bỏ lại, tiền tài công danh cũng chẳng thể mang theo. Anh em, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè cho dầu có thương yêu cách mấy cũng chỉ tiễn đưa chúng ta tới nghĩa trang là hết. Cái mà con người chắc chắn sẽ mang theo là tội nghiệp và những chủng tử của nghiệp nầy sẽ định đoạt định mệnh cuộc đời của chúng ta mai sau. Giáo lý của Đức Phật là những liều thuốc nhiệm mầu để trị tâm bệnh của tất cả chúng sinh ngỏ hầu biến cuộc đời giả tạm khổ đau thành ra cảnh giới an vui tự tại. Để đánh tan những vọng thức mê lầm mà tin rằng thân mình là thật Có và nhân sinh vũ trụ cũng là thật Có, Đức Phật dạy rằng:”Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai” nghĩa là trên đời nầy cái gì mà có hình tướng, kích thước, màu sắc, hương vị, ngay cả lời nói, ngôn ngữ…đều là giả huyễn, là sinh diệt, là không thật. Chỉ khi nào chúng sinh thấy được thật tướng bên trong của vạn pháp là Không tướng thì chúng ta mới thấy được Chân Lý, tức là thấy được Như Lai. Tâm Phật và tâm của chúng ta thật ra không hề khác nhau. Tâm Phật ví như mặt nước hồ thu yên tĩnh mà trên đó ánh trăng Chân lý phản chiếu một cách toàn vẹn trong khi tâm của chúng ta thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động không thể phản chiếu được gì. Vì thế lời nói đầu tiên của Đức Phật Thích Ca sau khi chứng ngộ dưới cội Bồ-đề là:”Thật kỳ diệu thay trong tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh như nhau, nhưng trải qua bao kiếp sống luân hồi, tâm thức của con người đã bị cái vỏ cứng vô minh che phủ nên họ không nhận thức được cái Phật tánh toàn vẹn trong sạch hoàn hảo kia.”.

Thật vậy, trong tất cả chúng ta không phân biệt là người Việt, người Tàu, người Tây hay người Mỹ đều có sẳn cái Phật tánh thanh tịnh bản nhiên. Cái Phật tánh nầy chính là Pháp thân mà ở Phật cũng không tăng và ở chúng sinh cũng không giảm. Phật tánh hay Pháp thân thì lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng vô minh vọng chấp che lấp Phật tánh khiến cho con người sống trong điên đảo, khổ đau. Cái vô minh lớn nhất của con người là sống với quan niệm chủ quan vì nghĩ rằng cái gì của mình, của Ta là đúng, là hơn người, là đỉnh cao trí tuệ. Thật vậy con người vì chạy theo bản ngã nên suốt cuộc đời lo bảo vệ, làm nô lệ cho cái Ta giả tạm nên luôn sống trong phiền não khổ đau. Giáo pháp của Như Lai sẽ giúp chúng sinh chuyển lối nhìn, thấy, biết từ chủ quan thiên vị hẹp hòi ích kỷ phát xuất từ tánh tham tật đố sang cuộc sống khách quan từ bi hỉ xả thanh tịnh không còn bị nhiễm ô bởi tham-sân-si, mạn, nghi, tà kiến. Tâm thanh tịnh thì cuộc sống sẽ được an vui tự tại.

Trong Kinh A Di Đà, Phật dạy rằng:

* Hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày… cho đến bảy ngày niệm mà không niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật hiện tiền. Cũng như đi, đứng, nằm, ngồi mà tâm hằng thanh tịnh, không một chút vọng niệm khởi thì Phật tánh hiện tiền.

Phật tánh tức là tự tánh A Di Đà. Bởi vì Phật A Di Đà là Phật có vô lượng thọ và vô lượng quang. Mà tuổi thọ vô lượng là chỉ cho cái bất sinh bất diệt và vô lượng quang là ánh sáng trùm khắp vô cùng vô tận mà Phật tạm gọi trong Kinh Lăng Nghiêm là Chơn Tâm, trong Kinh Pháp Hoa là Tri Kiến Phật, trong Kinh Niết Bàn là Phật Tánh, trong Kinh Hoa Nghiêm là Trí Huệ Phật và trong Kinh Viên Giác là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Đây chính là tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là cái bản lai diện mục nghĩa là gương mặt thật sẳn có muôn đời của tất cả chúng sinh mà lâu nay con người cứ lầm lẫn cho nó ở ngoài mình nên tìm kiếm cả cuộc đời mà không bao giờ tìm thấy được. Nếu có thể nói được, diễn tả được thì Đức Phật chỉ gọi một tên là đủ chớ đâu cần phải gọi bằng nhiều cái tên như thế. Tuy được gọi bằng nhiều tên khác nhau mà không có cái tên nào là tên thật cả. Chỉ khi nào chúng sinh tự mình nghiệm chứng được sự thanh tịnh, tịch diệt của tâm thức thì chính họ sẽ biết cái tên nào là tên thật. Làm sao có thể diễn tả được Thể Tánh Chân Như? Làm sao có thể dùng ngôn ngữ hạn hẹp của thế giới hữu vi mà diễn tả cái vô vi thanh tịnh vô cùng vô tận của thế giới vô vi? Vì chân lý vượt ra ngoài ngôn ngữ thì làm sao có thể dùng ngôn ngữ, văn tự của con người để diễn tả chân lý cho được. Vì thế cổ nhân cũng có câu:”tri giả bất ngôn” nghĩa là người biết, người giác ngộ thì không nói vì nói không được, ngược lại:”ngôn giả bất tri” nghĩa là người nói nhiều là người chưa chứng ngộ chân lý.

Tu Thiền hay tu Tịnh độ thì cứu cánh không khác chỉ vì chúng sinh mắc kẹt trên hình thức nên thấy có sự sai khác. Thật vậy con người có sự phân biệt tông nầy, phái nọ nhưng chân lý Phật pháp vốn không sai biệt. Phải biết rằng một câu niệm Phật hay câu trì chú chỉ là phương tiện chớ không phải là cứu cánh. Người mới học Phật pháp lại phát sinh ra nhiều ý kiến, phân chia tông nầy phái nọ, rồi khen mình chê người làm tổn hại giá trị giáo hóa vi diệu của Phật pháp. Học Phật, tu Phật như thế thì không thể nào chứng ngộ vì con người còn mắc phải quá nhiều bệnh cố chấp.

Có người hỏi rằng Thiền chú trọng về tự lực trong khi tịnh độ thì chú trọng vào tha lực. Mà tự lực và tha lực thì làm sao giống nhau?

Tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề khác nhau. Tâm Phật là Phật tánh thì từ vô thủy đến nay vốn không sinh diệt, không hình tướng, không thuộc Có Không. Cái linh tri hay cái chân tánh nầy có đủ bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bởi vì cái linh tri nầy không sanh không diệt nên nói là Thường, lúc nào cũng an nhiên tự tại nên gọi là Lạc, là chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và không bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Chỉ vì chúng sinh cứ chấp vào Tướng mà đi tìm tâm ở bên ngoài nên Phật và chúng sinh mới xa cách muôn trùng vì ta tức là tự lực và tha nhân tức là tha lực là hai thực Thể khác nhau.

Nên biết rằng Tịnh độ không những chú trọng đến tha lực mà đòi hỏi cả công phu về tự lực nữa. Nguyên tắc căn bản của Tịnh độ là phải biết nghiêm trì sáu căn: mắt, tai, mũi. lưỡi, thân, ý và ba nghiệp tức là thân, khẩu, ý cho thật thanh tịnh để lúc niệm Phật có được nhất tâm. Có Nhất tâm tức là chúng sinh đang sống với chơn tâm của mình đó và đây chính là phần tự lực. Do đó khi niệm hồng danh Phật A Di Đà mà tâm không hề có vọng tưởng thì vọng tâm tan biến, chân tâm hiển hiện và con người sẽ cảm thông được với chơn tâm hay Phật tánh của chư Phật trong mười phương Pháp giới. Đó là phần tha lực.

Tóm lại Tịnh độ bao gồm cả tự lực và tha lực nên người tu phải ý thức hành vi cử chỉ của mình và vừa tha thiết niệm hồng danh Phật A Di Đà để cầu vãng sinh. Vãng sanh có nghĩa là còn sống mà thấy được Phật chớ không phải đợi đến chết Phật mới đến rước đi. Làm thế nào còn sống mà thấy được Phật? Phải chăng Phật ở đây chính là tự tánh Di Đà, là Phật tánh, là Chơn tâm có sẳn trong tất cả chúng sinh! Nếu không có được Nhất tâm tức là không sống được chân tâm của mình thì Phật nào đón ta đây? Pháp môn nầy do chính Đức Phật Thích Ca nói ra và chư Phật mười phương đều tán thán. Ngay cả Bồ-tát Di Lặc chỉ còn một đời nữa sẽ thành Phật mà còn ngày đêm hành lễ thì đủ biết tầm quan trọng và công năng của nó như thế nào.

Bây giờ chúng ta tự hỏi Tổ Bồ-đề Đạt Ma ngồi quay mặt vô tường suốt chín năm để suy gẫm điều gì?

Phải chăng ngài gẫm thấy tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Khi mê thì có chúng sinh, có Phật nhưng khi ngộ thì Phật và chúng sinh vốn nào có khác. Phật tánh, chơn tâm thì không nhơ, không sạch, không sinh không diệt. Ở chúng sinh nó không tăng mà ở Phật nó cũng không giảm cho nên Ngài vượt thoát ra khỏi mọi phiền não khổ đau, ra khỏi sinh tử luân hồi mà đạt đến Niết bàn giải thoát. Do vậy mới có câu:

* “Chẳng cần tìm Phật đâu xa

* Tây phương tại đó Thích Ca nơi nầy”.

* Đây chính là Phật tâm, Phật tánh, là Chơn tâm, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên đã có sẳn trong tất cả mọi người.

* Có người lại thắc mắc rằng tại sao Tổ Bồ-đề không hề nói đến Phật A Di Đà hay cõi Tây phương Cực lạc

Thật vậy. Nhưng nghĩ lại là nếu có người dân quê hiền lành chất phác đến nghe Pháp mà Tổ lại giảng về lý Không, pháp Tánh, pháp Tướng hay nguyên lý Bất nhị thì những điều nầy đâu có ý nghĩa gì đối với họ. Phải chăng đó là những danh từ trừu tượng trống rỗng, không thể hiểu và không có lợi ích gì? Nhưng nếu giảng cho họ về Đức Phật A Di Đà và những hạnh nguyện tiếp dẫn của Ngài để được về cõi Tây phương Cực lạc thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sanh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh nầy khi làm việc, lúc nghĩ ngơi cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ được thực tại mầu nhiệm ngay. Dù chúng ta gọi nó là tha lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, gọi là thiền, gọi là mật, gọi là giáo thì đâu có khác biệt gì đâu? Cái khả năng giải thoát mà con người cho rằng vốn ở bên ngoài tức là tha lực thật ra vẫn ở bên trong tức là tự lực thì lúc nào vẫn sẳn có trong ta. Đó chính là cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên vĩnh hằng trong tất cả mọi chúng sinh. Như thế khi hiểu rõ những chân lý nầy thì tùy theo bản nguyện của mỗi người mà tu về thiền hay tịnh độ. Thiền cũng tốt mà Tịnh cũng hay. Ngay cả những vị Tổ của Tịnh độ cũng áp dụng phương pháp thiền tịnh song tu mà được vãng sanh. Người học Phật nếu đọc qua cuốn “Tông Cảnh Lục” và “Muôn Thiện đồng quy” của Tổ Vĩnh Minh hay trong”Bồ-tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” thì Tịnh độ cũng phát xuất từ tự tánh, xả bỏ vọng tưởng, quay về nguồn chân nên chớ hướng ngoại tìm cầu. Nếu chúng sinh niệm danh hiệu Phật A Di Đà để dẹp trừ vọng tưởng, chấp trước thì mỗi câu niệm sẽ quét sạch vọng tưởng làm tâm thanh tịnh. Vì thế kinh mới có câu:”Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà” là vậy. Như thế thì cái mà Tổ Bồ-đề Đạt Ma chứng trong lúc ngồi thiền và người dân quê hiền lành chất phác chứng ngộ trong khi niệm hồng danh Phật A Di Đà có khác gì nhau. Thiền gọi nó là Minh Tâm Kiến Tánh trong khi Tịnh gọi là Nhất Tâm Bất Loạn thì cùng một ý nghĩa tức là họ đã thấy được Phật tánh, chơn tâm hay tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình vậy thôi.

Phải biết rằng Thiền, Tịnh, Mật đều là những con đường khác nhau, phương tiện khác nhau nhưng đều dẫn đến một mục đích là giải thoát giác ngộ. Thí dụ nếu chúng ta nhìn từ đỉnh núi xuống thì có vô số con đường dẫn lên núi nhưng nếu từ chân núi nhìn lên thì chỉ có một đỉnh núi cao. Cũng như trong thế gian nầy không có một viên thần dược nào có thể trị trăm ngàn căn bệnh nên Đức Thế Tôn mới chế ra tám mươi bốn ngàn pháp môn khác nhau để tùy theo căn cơ, tâm bệnh của mỗi chúng sinh mà ứng dụng. Tịnh độ tông hay niệm Phật A Di Đà là phương pháp tập trung tư tưởng để trì niệm hồng danh chư Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não và không còn điên đảo thì sẽ có trí tuệ sáng suốt. Mật tông thì cũng thế, thay vì niệm hồng danh chư Phật thì người tu trì thần chú, mật ngữ của chư Phật để đạt đến nhất tâm. Khi biết phối hợp âm thanh (chú) với cử chỉ (ấn quyết) và tâm ý (Tam Ma Địa) thì đạt được tam mật tương ưng tức Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh. Khi không còn vọng niệm, đạt đến trạng thái như như bất động thì làm gì còn phiền não. Sau cùng Thiền là phương pháp sử dụng trí tuệ bằng cách nhìn thẳng vào thực tánh của vạn pháp. Vì vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên trên đời nầy đâu có cái gì thật đâu mà phải quan tâm, bận lòng. Khi tâm không loạn động thì sẽ có Định. Mà có Định thì phiền não không còn, khổ đau tan biến. Tóm lại về mặt hình thức tuy có khác nhưng tựu trung ba phương pháp cũng đều quay về để diệt trừ vọng niệm, dứt sạch mọi phiền não để chấm dứt khổ đau và giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây chính là nhất chân pháp giới hay nguyên lý nhất như tức là một là tất cả và tất cả là một vậy.

Có một cư sĩ mới học Phật pháp, tới hỏi ngài Trí Tạng Tây Đường rằng:

* Bạch Hòa thượng có Phật không?

* Ngài trả lời:

* Có.

* Bạch Hòa thượng, có pháp không?

* Có.

* Bạch Hòa thượng, có thiên đường không?

* Có.

* Bạch Hòa thượng, có địa ngục không?

* Có.

* Hỏi cái gì ngài cũng đáp có. Ông cư sĩ thắc mắc hỏi lại:

* Hòa thượng trả lời “Có” thì có lầm chăng?

* Hòa thượng hỏi:

* Trước khi đến đây ông có hỏi ai những câu nầy không?

* Cư sĩ thưa:

* Dạ, con có hỏi Hòa thượng Cảnh Sơn.

* Vậy Hòa thượng đáp như thế nào?

* Câu nào ngài cũng đáp không, còn ở đây câu nào Hòa thượng cũng đáp có. Vậy ai đúng, ai sai?

* Ngài liền hỏi ông cư sĩ:

* Ông có vợ không?

* Dạ có.

* Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ không?

* Dạ không.

* Vì Hòa thượng Cảnh Sơn không có vợ nên ngài đáp câu nào cũng không, còn ông có vợ nên câu nào tôi cũng đáp có.

Ngài Cảnh Sơn không vợ là ý muốn nói ngài không còn ái nhiễm, ngài đã ngộ được các Pháp tự tánh là Không, nên ngài mới đáp không. Còn ông cư sĩ mới học đạo, tâm còn đầy ái nhiễm và mê chấp nên ngài Tây Đường đáp “Có” để ông ấy sợ mà lo tu hành. Đây là cách dùng phương tiện khéo léo để giáo hóa chúng sinh mà thôi vì người thông suốt lý đạo thì nói sao cũng được, không chấp trên văn tự ngôn ngữ nên nói là để phá chấp mà phù hợp với lý chân thật. Đối với người tu Tịnh độ thì tin “có” Phật A Di Đà, “có” cảnh Tây phương Cực Lạc. Còn người tu Thiền thì quán chiếu thấy rằng vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên tất cả là giả tạm tức là “không”. Thật ra “Có” và “Không” đều đúng cả vì nếu dựa theo sự Tướng bên ngoài thì Có. Còn theo Bản Thể Chân Như thanh tịnh bên trong thì tất cả đều là không. Nhưng Tâm kinh dạy rằng:”Sắc tức là Không và Không tức là Sắc” cho nên Có tức là Không và Không chính là Có tuy hai nhưng mà một tức là Bất nhị. Nói một cách khác Thiền tức là Tịnh và Tịnh tức là Thiền nghĩa là trong Thiền có Tịnh và dĩ nhiên trong Tịnh đã có Thiền rồi. Do đó “Có” hay “Không” chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh bởi vì Chân Tánh thì chẳng phải có mà cũng chẳng phải không.

Khi nói về cõi Tịnh độ, kinh Duy Ma Cật cũng có dạy rằng:

* Các Bồ-tát Chúng Hương hỏi:

* Bồ-tát ở thế giới Ta bà thực hành những pháp gì không bị thương tổn, không dính mắc để có thể sanh sang ở tịnh độ.

* Ông Duy Ma Cật đáp:

* Bồ-tát ở cõi này thành tựu được tám pháp thì không còn lầm lỗi và được sanh về cõi Tịnh độ:

1)Làm lợi ích chúng sinh mà không mong cầu đền đáp (vô cầu) . Thi ân bất cầu báo nghĩa là làm ơn mà không cầu đền ơn đáp nghĩa hay cho người vật gì mà không tiếc nuối.

2)Thay tất cả chúng sinh, gánh chịu những thiệt thòi khổ não (từ bi). Thông thường khi con mình bị đau bệnh hay chết chóc thì cha mẹ thường hay than thở muốn gánh chịu nổi khổ đau của con mình. Cái tâm này chính là tâm Bồ-tát khi thấy chúng sinh đau khổ, thiệt thòi. Đây là việc khó làm mà làm được mới gọi là Bồ-tát.

3)Bao nhiêu công đức mình làm đều ban hết cho tất cả chúng sinh (hỉ, xả, lợi tha). Ngay cả việc tu hành, gây dựng công đức thì Bồ-tát cũng cho hết tất cả chúng sinh. Gầy dựng công đức là việc khó làm mà có rồi lại đem cho hết là việc rất khó làm vì thế Bồ-tát mới thong dong tự tại là như vậy.

4)Dưới khiêm nhường chúng sinh, trên cung kính Bồ-tát. Cứ sống rất khiêm tốn, rất tầm thường miển sao mình giữ được phẩm chất đạo đức của con người thì sẽ không có tự ti hay tự phụ mà rất bình đẳng đối với chúng sinh. Cung kính Bồ-tát không có nghĩa là vái lạy để cầu xin điều nầy điều nọ. Mà cung kính là tán thán việc làm lợi ích cho chúng sinh và nguyện sẽ đi vào con đường mà Bồ-tát đã và đang làm.

5)Cầu học những điều chưa biết, không nghi ngờ. Phật pháp có cạn có sâu vì căn cơ chúng sinh cao thấp không đều cho nên rất nhiều kinh điển liễu nghĩa thượng thừa thì người sơ cơ khó thấu hiểu. Không hiểu không có nghĩa là kinh điển nói sai mà khả năng thu nhận của mình còn thấp. Ngày xưa khi Phật nói Kinh Pháp Hoa thì có trên năm ngàn đệ tử bỏ đi vì không đồng ý với lời Phật dạy.

6)Không chống trái với hàng Thanh văn (không khinh chê người tu kém mà phải dùng phương tiện hay để dẫn dắt họ tiến lên). Toàn bộ triết lý Đại thừa không ngoài mục đích khuyến khích hàng Thanh văn tiến tu mà hoàn thành Phật đạo chớ đừng tự mãn ở địa vị A La Hán. Nói một cách tổng quát là Bồ-tát luôn khuyến khích chúng sinh tiếp tục tu học để phát triển trí tuệ mà tự giải thoát cho mình chớ đừng ham vui ở những cảnh giả tạm của thế gian.

7)Không ganh ghét tật đố, không khoe mình chê người. Đây là muốn nhắc nhở chúng sinh phá chấp ngã, chấp pháp để mở rộng tâm Bồ-đề.

8)Thường xét lỗi mình, không nói đến lỗi của người, hằng nhất tâm cầu công đức. Ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng cũng nói rằng:”Nếu là người tu đạo chân thật thì không thấy lỗi lầm của người khác trong thế gian”. Cái khó trong thế gian là lúc nào con người cũng thấy lỗi của người mà không nhìn lại lỗi của mình. Luật nhân quả đã khẳng định là cho dù người khác có làm lỗi lầm gì chăng nửa thì chính họ phải nhận chịu quả nghiệp sau nầy. Nhân quả của người khác thì chúng ta không thể nhận chịu thay thế cho họ mà quan trọng nhất là chú ý đến nhân quả của mình. Không thấy lỗi của người mà luôn xét lỗi của mình để tu tâm dưỡng tánh thì công đức mới được vun bồi.

Nếu Bồ-tát thực hành đứng đắn tám phương thức ở trên hay nói một cách rộng rãi là cho tất cả những ai muốn tu theo hạnh Bồ-tát Đại thừa thì chính họ đã phá được chấp ngã, chấp pháp, phát triển tâm từ bi hỉ xả mà làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Không còn tánh tham tật đố, dưới cứu giúp chúng sinh trên mong viên thành Phật đạo. Không tán kỷ hủy tha, khen mình chê người. Chỉ nhìn lỗi mình mà không thấy lỗi người. Làm mà không chấp việc mình làm và nếu có được chút ít công đức gì thì ban hết cho chúng sinh cùng thành Phật đạo.

Khi thành tựu tám pháp ở trên thì Bồ-tát được sanh về cõi Tịnh độ, nhưng thật ra nếu Bồ-tát hay bất cứ chúng sinh nào thành tựu tám pháp ở trên thì chính họ đã được giải thoát rồi. Chính họ đang sống trong cõi Tịnh độ thế gian rồi chứ đâu cần phải sanh về cõi nào nữa. Đây chính là thâm ý của kinh vậy. Ngược lại nếu chúng sinh còn chấp ngã, chấp pháp, tánh tham tật đố không chừa thì cho dù có vào được cõi Tịnh độ thì cũng vẫn sống trong điên đảo khổ đau như thường. Nhắc lại muốn được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà thì chúng sinh phải niệm Phật đến chỗ Nhất Tâm Bất Loạn thì mới được Phật đến rước. Nhất tâm là tâm không còn vọng tưởng, không còn tạp niệm, tâm rỗng rang thì cái tâm nầy chính là Chơn tâm, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, là Phật tánh của tất cả mọi người. Có được cái tâm nầy thì chính mình đang sống trong cõi Tịnh độ rồi chớ còn tìm Tịnh độ ở nơi nào nữa. Đây mới là giáo lý tối thắng Đại thừa vậy.

Tới đây một số Phật tử vẫn còn thắc mắc về cảnh giới Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn một đoạn trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng, phẩm giải quyết nghi hoặc để quý vị tư duy quán chiếu:

Vị Sứ Quân đảnh lễ rồi nói:

* Đệ tử thấy Tăng chúng, đạo, tục, thường niệm A Di Đà và nguyện vãng sanh Tây phương. Xin hòa Thượng giải thích rõ cho đệ tử xem người ta có thật sự vãng sanh ở đó được không, ngỏ hầu để dẹp tan mối nghi ngờ của đệ tử?

Lục Tổ đáp:

* Sứ quân lắng nghe, Huệ Năng tôi sẽ giải thích cho ông. Thế Tôn lúc ở Xá Vệ quốc, thuyết giảng về Tây phương để dẫn hóa chúng sinh. Kinh văn nói rõ ràng rằng:”Tây phương cách đây không xa. Chỉ vì muốn dạy những người có căn cơ thấp mới nói là xa, còn nói gần là để dạy người có trí tuệ cao. Tuy con người có hai loại, Pháp chẳng hề có “bất đồng”. Giữa mê và ngộ có sự khác biệt, cũng như kiến giải có mau có chậm. Kẻ mê thì niệm Phật hy vọng vãng sanh Tây phương, người ngộ chỉ thanh tịnh tâm mình. Cho nên Phật nói:”Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

Sứ quân! người ở phương Đông (ám chỉ chúng sinh ở cõi Ta bà) nếu chỉ cần tịnh tâm là lập tức hết tội chướng. Người ở Tây phương Tịnh độ mà tâm không tịnh là lập tức có lỗi lầm. Kẻ mê nguyện vãng sanh Đông phương hay Tây phương, còn người ngộ thì bất cứ ở đâu cũng là Tịnh độ cả. Chỉ cần tâm không có bất tịnh thì cõi Tây phương chẳng cách xa đây. Còn như tâm mà khởi bất tịnh thì dù có niệm Phật để cầu vãng sanh cũng khó mà đạt được. Trừ được mười điều ác tức là đi được mười vạn dặm, không có tám điều tà là đã vượt qua được thêm ngàn dặm. Song nếu tu hành Chơn tâm, mình sẽ thấy Tây phương trong nháy mắt.

Sứ quân! chỉ nên lo tu thập thiện, cần gì phải nguyện vãng sanh. Nếu như ông không đoạn cái tâm làm mười điều ác, Phật nào đến đón ông đây? Nếu giác ngộ được giáo pháp đốn ngộ vô sanh, chỉ trong sát na là ông thấy Tây phương. Nếu như không ngộ giáo lý đốn ngộ của Đại thừa, con đường niệm Phật để mong vãng sanh quá xa vời, làm sao mà đạt đến được?

Lục Tổ nói tiếp:

* Để Huệ Năng tôi trong một sát na (một giây) dời Tây phương đến ngay trước mắt cho Sứ quân thấy. Sứ quân có muốn thấy chăng?

* Sứ quân cúi lạy nói:

* Nếu như đệ tử có thể thấy Tây phương ở đây, còn cần gì phải vãng sanh nữa. Xin Hòa Thượng từ bi làm cho Tây phương hiễn hiện trước mắt đệ tử thì tốt lắm thay.

Lục Tổ dạy:

Đại chúng! Xin hãy cẩn thận lắng nghe. Sắc thân của người đời là một thành phố. Mắt, mũi, tai, lưỡi là cửa thành. Bên ngoài có năm cửa, bên trong có cửa của ý thức. Tâm tức là đất, Tánh tức là vua. Tánh còn thì vua còn, Tánh đi thì vua không còn. Tánh còn thì thân tâm còn, Tánh đi thì thân tâm hoại. Phật là do tự Tánh mà ra, chớ nên hướng ra ngoài thân mà cầu. Mê mờ tự Tánh thì Phật là chúng sinh, giác ngộ tự Tánh thì chúng sinh tức là Phật. Từ bi là Quán Thế Âm, hỷ xả là Đại Thế Chí, năng tịnh là Thích Ca, bình đẳng chơn thực là Di Lặc, nhân ngã chấp là núi Tu Di, tà tâm là biển lớn, phiền não là sóng, tâm độc là rồng dữ, trần lao là cá rùa, hư vọng là thần quỷ, tam độc là địa ngục, ngu si là súc sanh, thập thiện là thiên đường. Nếu không chấp nhơn ngã, núi Tu Di tự lở, trừ tà tâm, nước biển lập tức cạn. Không có phiền não, sóng tự nhiên hết. Trừ độc hại, cá rồng sẽ hết. Hãy để giác Tánh Như Lai trên tâm địa của mình, phóng ánh sáng trí tuệ lớn, chiếu sáng sáu cửa và bằng ánh sáng thanh tịnh ấy chiếu phá sáu cõi trời của Dục giới. Nếu bên trong tự Tánh chiếu sáng, tam độc sẽ bị trừ và địa ngục sẽ lập tức tiêu diệt. Nếu trong ngoài gì đều trong sáng thấu suốt thì đây cũng chẳng khác gì Tây phương. Nếu như không tu hành pháp môn này, làm thế nào có thể đến bên ấy được?

Ý của Lục Tổ trong câu: Sắc thân của người đời là một thành phố nghĩa là sắc thân tứ đại có sinh có diệt, nay có mai không, không bền không chắc. Năm cửa thành là năm căn và cửa bên trong là căn thứ sáu. Đó là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tâm là đất bởi vì đất là do chữ địa nên đất là tâm. Tất cả muôn sinh vạn vật cũng từ đất mà ra và sau cùng cũng trở về với đất. Tâm thì cũng thế, con người có nghĩ thiện nghĩ ác cũng từ tâm và có làm việc tốt, việc xấu cũng phát xuất từ tâm. Tánh tức là vua nghĩa là tánh là chủ thể của con người bởi vì cho dù tâm có biến hiện thế nào đi chăng nửa nhưng tự Tánh vốn không sanh diệt, không thay đổi, luôn luôn tự tại. Tánh còn thì vua còn, Tánh đi thì vua không còn nghĩa là khi chúng sinh biết sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên, với chơn tâm hay Phật tánh của mình thì con người sẽ có thanh tịnh an vui tự tại. Ngược lại nếu chúng sinh quên bỏ tự tánh mà chạy theo vô minh phiền não thì chắc chắn đau khổ sẽ đeo mang. Tánh còn thì thân tâm còn, Tánh đi thì thân tâm hoại. Sống với tự Tánh thì mình làm chủ thân tâm của mình nghĩa là thân tâm được an vui tự tại. Ngược lại không sống với tự Tánh (Tánh đi) mà chạy theo vọng trần ô nhiễm thì chắc chắn thân tâm bất toại.

Lục Tổ dạy thêm rằng:

Này các thiện tri thức! Nếu như muốn tu hành, tại gia cũng được, không cần phải ở chùa. Nếu như ở chùa mà không tu thì có khác chi những người ở Tây phương Tịnh độ mà tâm địa độc ác. Còn ở tại gia mà tu hành thì cũng như người ở Đông phương mà tu thiện pháp. Chỉ cần ở tại gia mà tu thanh tịnh thì đó tức là Tây phương!

Hòa Thượng Tuyên Hóa trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng rằng:

"Chúng ta niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, đó là chúng ta bắt đầu trang nghiêm và thành tựu thế giới Cực Lạc của chính mình. Thế giới Cực Lạc dù nói là xa cách đến mười vạn ức cõi Phật, nhưng cũng chẳng phải nhứt định là xa cách đến mười vạn ức cõi Phật đâu, vì nó vẫn không ra ngoài một tâm niệm của chúng ta, cũng chính là nói thế giới Cực Lạc tức là ở trong tâm chúng ta vậy. Thế giới Cực Lạc tức là chơn tâm sẵn có của chính mình. Khi mình đến được chơn tâm sẵn có của mình thì sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu không rõ chơn tâm sẵn có của mình thì không thể nào đến cõi nước kia được. Thế giới Cực Lạc tức là ở trong tâm chúng ta chứ không phải ở ngoài tâm. Thế giới Cực Lạc thanh tịnh không ô nhiễm thì chúng ta một niệm Chơn tâm hiện tiền cũng thanh tịnh không ô nhiễm. Nếu từ bỏ được mọi chấp trước thì tức khắc là thế giới Cực Lạc, tức khắc thấy được Phật A Di Ðà. Phật A Di Ðà và chúng sanh không có phân biệt, cho nên nói thế giới Cực Lạc không phải là xa như thế đâu.

Một niệm hồi quang biết rằng mình vốn là Phật; vốn là Phật chính là thế giới Cực Lạc. Dứt trừ tâm ô nhiễm đi, cũng chính là dứt trừ tạp niệm tư dục không còn tâm đố kỵ, tâm chướng ngại, tâm tự lợi và tâm ích kỷ nữa. Lúc đó mình giống như Bồ-tát làm lợi ích cho người, giác ngộ tất cả chúng sanh. Không còn tạp niệm, vọng tưởng nữa, thế thì không phải là thế giới Cực Lạc sao? Cho nên không cần phải đi tìm ở đâu bên ngoài."

Hiện tại chúng tôi đã phát hành bốn bộ sách và CD: Phá Mê Khai Ngộ, Thanh Tịnh Tâm, Vô Thượng Niết Bàn và Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật. Kính mong quý Phật tử tìm xem và tìm đọc nhiều lần những bộ sách và CD nầy để gạn lọc tất cả những vọng thức mê lầm, đánh tan tâm phân biệt chấp trước và quay về sống với Chân tâm, với Phật tánh thanh tịnh vĩnh hằng trong tất cả chúng ta thì cuộc sống sẽ vô cùng an vui tự tại. Có biết đạo, có hiểu đạo và sống với đạo tâm thanh tịnh thì cũng như chúng ta đã:



“Thân tuy ở cõi Ta Bà

Mà lòng đã gửi bên tòa hoa sen.”

Kính chúc quý Phật tử được vô lượng an lạc, kiết tường như ý và sớm viên thành Phật đạo.

Nam Mô A Di Đà Phật



Lê Sỹ Minh Tùng



Download Thỉnh Chuông <
Chúng sinh vô-biên thệ nguyện độ, Phiền não vô-tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô-lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô-thượng thệ nguyện thành.