Hồ triều thật ngắn ngủi trong lịch sử Việt Nam. Ngắn, nhưng không phải là không để lại sự kiện trong lịch sử khiến không gợi nhớ về triều đại ấy:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận.
Giữa lúc Minh triều đương hồi cực thịnh, thì nước ta đương lâm vào cuộc khủng hoảng về nhiều mặt, nền móng họ Trần lung lay tận gốc rễ, và một nhân vật khác họ leo lên với binh quyền và chi phối, cuối cùng lật đổ nhà Trần tự lập làm vua.
Ý thức được rằng cần có một cải cách để đương đầu với Minh triều thời Hồng Vũ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đến Minh Thành Tổ Chu Đệ (Lệ), Hồ (Lê) Quý Li bước lên từ một Khu Mật Đại Sứ, rồi Đồng Binh Chương sự với quyền tể tướng khuynh loát cả triều cả. Khủng hoảng vẫn còn đó, bắt nguồn từ nội lực yếu kém của quốc gia Đại Việt đương kinh qua các trận chiến với Chiêm Thành mà có lần bị uy hiếp tận Thăng Long, cũng như những cuộc nổi dậy của dân chúng đói nghèo. Điều đó phản ánh được thực trạng yếu kém của Đại Việt và khiến cho Minh triều mạnh dạn hạch sách nước ta.
Một loạt cải cách triệt để lớn nhỏ ra đời trong suốt 10 năm tính từ khi Trần Nghệ Tông mất (1395). Trong số ấy có việc ban hành tiền giấy dưới tên gọi: Thông Bảo Hội Sao.
Lệnh dùng tiền giấy là một biến động lớn, một cuộc cách mạng kinh tế - tài chính không đến nơi đến chốn, được thúc đẩy từ những nguyên nhân thật khá đỗi bình thường, và cũng không đạt mấy hiệu quả như ý định ban đầu của những người đẻ ra cuộc cách mạng tiền giấy thay tiền đồng ấy.
Với ước mơ: “Làm sao để có được 100 vạn quân chống giặc phương Bắc ?”, đi kèm với việc bắt khai sổ hộ dẫn đến nhân đinh tăng 2, 3 lần, kéo theo việc trang bị cho quân đội là đúc vũ khí. Một luồng khí mới tưởng chừng như đang thổi về một sức sống mãnh liệt, khát khao như thưở hơn trăm năm trước chống giặc Mông Nguyên, nhưng nền kinh tế èo uột đương định hồi xuân ấy không có tiền đồng đủ cho chi tiêu!. Lật ngược lại vài trang sử, chúng ta thấy cảnh ông vua già Nghệ Tông bận rộn kéo xe chở tiền cất vào núi Thiên Kiện gần Thăng Long tháng chín năm 1379, và tháng sau lại tấp nập thu vén tiền cất vào núi Quẫn Mai – Lạng Sơn, để…tránh giặc Chiêm Thành!. Bỗng chốc cơn thiên tai giáng xuống, núi đá sập lở, khiến cho các thợ đá dù có cố gắng cũng không thể giải thoát cho kho tàng tiền đồng ấy thoát được, làm triều đình chợt túng quẫn.
Sự túng tiền, nỗi khao khát binh lực hùng mạnh cùng trang bị vũ khí đã là nguyên nhân thúc đẩy Hồ Quý Li mạnh dạn phát hành tiền giấy với ý muốn thay thế hẳn tiền đồng trong nước.
Hẳn nhiên, tiền giấy không mới tại Á Đông, tiền giấy cũng không phải là Ngân phiếu.
Các quốc gia như Liêu, Hạ, Mông Cổ, Kim có sử dụng tiền giấy, Nguyên, Minh cũng thế. Tiền giấy có giá trị pháp định, và để bảo đảm cho tờ tiền giấy đó thì ít ra phải có cái gì làm thế chân, hay khác hơn là tờ tiền giấy phải đại diện cho vật có giá trị gì đó (như vàng, bạc, đồng chẳng hạn!)
Tiền giấy của Trung Quốc đều có quý kim, quý vật để đảm bảo giá trị (vàng, bạc, ngọc), làm chuẩn để đo lường giá trị (tơ với Trung Thống Nguyên Bảo Sao năm 1267). Hưng Định Bảo Tuyền của Kim năm 1222 1 quan ăn nửa lạng bạc; Minh Thông Hành Bảo Sao năm 1375 1 quan ăn một phần tư lạng vàng. Nguyên, Minh đều áp dụng chính sách : tiền đồng và tiền giấy lưu hành song song với nhau, cho thấy họ cũng không gượng ép nhân dân phải sử dụng toàn bộ tiền giấy thay thế. Tinh hình ngược lại với họ Trần bên Đại Ngu, quyết chí thay thế tiền đồng bằng tiền giấy mà không định cho nó một cái gì để bảo đảm giá trị, cũng như không cho phép dân chúng trao đổi, buôn bán mà không sử dụng tiền giấy.
Các tấm giấy vẽ hình rong, sóng, mây, rùa, lân, phụng, rồng, được quy định là 1 quan tiền đồng đổi 1 quan 2 tiền giấy, nhưng sử liệu lại cho ta biết rằng dân chúng khổ sở vì nạn tiền giấy, chắc cũng có phần bởi nạn làm tiền giả, vì tiền mới khó bảo quản, bất tiện với đại đa số dân chúng là nông dân hay thợ thủ công, và cũng thật khó để trao đổi với thương nhân ngoại quốc.
Sử liệu không cho ta biết gì thêm ngoài việc dân chúng khổ sở, nhưng chúng ta có thể đoán ngầm dựa vào kiến thức hiện nay mà cho rằng nạn lạm phát thời đó đã từng xảy ra và làm đời sống thêm khổ cực.
Dân ta vốn “dĩ nông vi bản”, nếp sống tiểu nông với tiềm thức bảo thủ, chậm đổi mới, nên việc triển khai một cải cách lớn như thế, dẫu cho không mang trong nội tại những mầm mống của sự thất bại thì cũng vấp phải sự kháng cự của dân chúng, mà nếu đàn áp thì sẽ mất lòng dân còn không thì sẽ chấp nhận sự cải cách đã thất bại với kết quả điển hình là đời sống nhân dân cực khổ. Cả hai đều thể hiện trong triều đại nhà Hồ.
Trong hoàn cảnh bấy giờ, phía Bắc đối diện với nhà Minh đương cường thịnh, đúng như Hồ Hán Thương nói: Thần không sợ đánh, thần chỉ sợ mất lòng dân. Nhà Hồ đã mất lòng dân, và mất tất cả…