Cô Nguyễn Thị Phương gọi vong
(Gửi vào: 7/23/2007 8:06:12 PM)

Hiện tượng về khả năng gọi vong của cô Nguyễn Thị Phương là có thật. Những thông tin quá khứ và hiện tại đều được các vong nói ra đúng 100%, đồng thời còn giúp cho người thân giải quyết được nhiều việc, trong số đó có vấn đề dự báo. Sau đây là bản báo cáo về trình tự tiến hành nghiên cứu khả năng đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương.




TTNCTN CỦA CON NGƯỜI

BỘ MÔN CẬN TÂM LÝ

ĐOÀN KHẢO SÁT

------------

Số: 23/TL-KS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------------------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2000





BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT ĐỢT I

Khả năng đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương - Hàm Rồng, Thanh Hóa
(từ 14/01/2000 đến 25/01/2000)





I. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ
1.1. Chuẩn bị cơ sở pháp lý sau khi có gợi ý của Ban Khoa giáo TW

- Ngày 7/4/1999, Lãnh đạo TTNCTNCN họp giao nhiệm vụ cho bộ môn Cận tâm lý.

- Ngày 16/4/1999, Đoàn cùng Ban Khoa giáo TƯ vào làm việc với cơ quan từ tỉnh, huyện và xã đến gia đình cô Phương. Được sự nhất trí của các thành phần trên, Đoàn đã có công văn số 9 TL/NC và 12 trang phụ lục ngày 17/4/1999 báo cáo cấp trên.

- Ngày 24/6/1999, TTNCTNCN có công văn số 15 NC/TN gửi Ban Khoa giáo TƯ, Bộ KHCN & MT, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

- Ngày 22/10/1999, TTNCTNCN có công văn số 16 NC/TN gửi tiếp 3 cơ quan trên.

Sau đó, TTNCTNCN nhận được công văn trả lời đồng ý và giao cho TTNCTNCN đảm nhiệm:

+ Công văn số 989 CV/KGTW ngày 26/10/1999 do GS. TS. Nguyễn Hữu Tăng, phó Ban Khoa giáo TƯ ký;

+ Công văn số 3182 Bộ KHCN & MT ngày 15/11/1999 do quyền Vụ trưởng KHXH và TN Vũ Huy Chương ký;

+ Ngày 27/10/1999, hồi 14 giờ 30, GS TS Vũ Tuyên Hoàng làm việc với lãnh đạo TTNCTNCN, trả lời đồng ý giao nhiệm vụ cho Trung tâm;

+ Ngày 25/11/1999, quyền Giám đốc TTNCTNCN có công văn số 26/CV gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa giới thiệu Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, Trưởng bộ môn Cận tâm lý chủ trì Đoàn khảo sát.

Trong khi chờ Quốc hội họp xong và sự phân công của tỉnh, thời gian này đoàn vào làm việc với các cơ quan chức năng như sở KHCN & MT, ban Tuyên giáo, ban Nội chính v.v...

Cuối tháng 12/1999, tỉnh phân công đồng chí Lôi Xuân Len - phó Chủ tịch UBND theo dõi vấn đề trên. Đầu tháng 01/2000, đồng chí Lôi Xuân Len phân công đồng chí Nguyễn Văn Thát - nguyên phó Chủ tịch UBND, nay là Chủ tịch các hội LHKHKT tỉnh Thanh Hóa trực tiếp theo dõi. Đồng chí Nguyễn Văn Thát phân công đồng chí Trần Ngọc Chấn, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa cùng Đoàn triển khai (giai đoạn này chúng tôi đã 6 lần đi vào Thanh Hóa làm việc và khảo sát).

1.2. Bộ phận trực tiếp khảo sát tại Thanh Hóa

Bà Quan Lệ Lan, nguyên cán bộ giảng dạy môn toán bậc đại học, ông Nguyễn Quang Thịnh, nguyên chuyên viên cao cấp Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia với sự cộng tác của ông Nguyễn Ngọc Nghinh (bố chồng cô Phương).

II. TIẾN HÀNH KHẢO SÁT
2.1. Giai đoạn thu thập thông tin tại “điện nhà cô Phương” từ 14/01 đến 25/01 năm 2000

Ông Nghinh cùng cán bộ thực hiện trắc nghiệm hàng ngày trước lúc làm việc thường giải thích và phổ biến một số điều cần thiết để các gia đình thông cảm, hợp tác với đoàn khảo sát.

Người đến đó không cần báo cho cô Phương tên mình và tên vong cần mời về, từng gia đình cần cúng mời vong đi từ nhà mình. Khi vong của gia đình nào về, cô Phương báo gia đình đó vào để vong nhận và nhận vong (vì có lúc hai, ba người trùng tên), sau đó ra ngoài làm thủ tục. Khi vong nhập vào cô Phương gọi ai thì người đó vào (hoặc vào cùng một lúc). Kết thúc, người nhà ra ngoài gặp nhóm trắc nghiệm tự ghi vào phiếu (cũng có khi ghi hộ), tự đánh giá kết quả và ký tên, nếu được gia đình đồng ý thì sang băng ghi âm (một số gia đình đề nghị được ghi cảm tưởng).

2.2. Giai đoạn thống kê, phân tích, tổng hợp từ 26/01 đến 22/02/2000

Trên cơ sở các phiếu trắc nghiệm, bộ phận này phải đọc lại các phiếu trắc nghiệm, thống nhất với băng ghi âm, nghe lại các băng ghi âm để ghi tóm tắt, tổng hợp phân tích, đưa vào máy vi tính.

III. KẾT QUẢ KHẢO SÁT
Gồm có báo cáo tóm tắt, thống kê số liệu, điểm nội dung chính, thống kê tổng hợp, báo cáo bổ sung của nhóm trực tiếp trắc nghiệm.

Trong báo cáo thống kê không có một số trường hợp mà đoàn đã theo dõi và một số trường hợp gia đình về ngay không ghi phiếu. Ví dụ, trường hợp Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân khu I; bà Mai Cương, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính; một Việt kiều ở Pháp...

Về đối tượng: Trong số 97 gia đình, có 49,48% là công nhân viên, còn lại là các nhà doanh nghiệp, nông dân, cán bộ hưu trí, bộ đội, sinh viên... trong đó có 56,7% nữ, 43,3% nam.

Về số lượt người đi vào “điện nhà cô Phương”: Có 50,52% đi một lần, còn lại đều từ 2 đến 9 lần hoặc có người đi nhiều hơn.

Về trình độ học vấn: Trình độ phổ thông chiếm 63,93%, đại học - 27,83%, trên đại học - 5,15% (trong đó có một số cán bộ cao cấp).

Về địa phương: Hà Nội chiếm 39,2%, Thanh Hóa - 25,5%, Nghệ An - 13,4%, còn lại là từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Đắc Lắc, Đồng Nai, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh và có một người Thái Lan (không biết tiếng Việt).

Về lứa tuổi: Có một người trên 80 tuổi, từ 49-59 có 45,4%, từ 60-79 có 28,9%, từ 29-39 có 24,7%.

Về hiệu quả giải quyết được: Giải tỏa tâm lý - 82,4%; quan hệ gia đình - 74,23%; giáo dục con cháu - 61,86%; mồ mả hài cốt - 47,42%; công việc làm ăn - 34,2%.

Đánh giá chung: Các thông tin đều đúng 100%.

Để minh họa cho báo cáo này, Tiến sĩ Kiều Oanh sẽ trình bày bảng thống kê phân tích; bà Quan Lệ Lan báo cáo bổ sung rút ra một số điểm có tính chất định tính.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG TIẾP TỤC ĐỢT 2 VÀ DỰ KIẾN TỔNG KẾT

4.1. Về khảo sát

Đợt 2 được tiến hành từ 25/2 đến 7/3/2000 tại Thanh Hóa.

Từ 9/3 đến 19/3/2000 làm việc tại Hà Nội.

Đợt này đề nghị bổ sung một cán bộ tỉnh Thanh Hóa và bà Nguyễn Thị Ngọc Trúc, PTS tâm lý giáo dục.

4.2. Về tổng kết

Bước 1: Thực hiện tại Thanh Hóa (để cán bộ Thanh Hóa được dự đông).

Bước 2: Thực hiện tại Hà Nội, mời một số cán bộ lãnh đạo, thủ trưởng, một số Bộ và Ban ngành có liên quan, đại biểu tỉnh Thanh Hóa và một số nhân chứng.

4.3. Có thể nêu kiến nghị

Nếu tiếp tục khảo sát thì nên thực hiện những nội dung gì, cơ quan nào chủ trì, vấn đề bảo đảm kinh phí và đi lại...

Đề nghị khen thưởng cô Phương và gia đình. Chỉ tính 5 năm gần đây, nếu mỗi ngày cô Phương giúp 10 người, mỗi tháng làm việc 25 ngày, một năm tính 10 tháng thì sẽ có con số bằng 2500 người ´ 5 (năm) = 12.5000 người được giải tỏa tâm lý và giúp đỡ nhiều mặt như đã nói ở trên.

Sau này, đề nghị Viện Con người nên tập hợp một số người (đã qua khảo sát) để khai thác những vấn đề cần thiết cho ích quốc, lợi dân.

Tóm lại, hiện tượng về khả năng đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương là có thật. Những thông tin quá khứ và hiện tại đều được nói ra đúng 100%, đồng thời còn giúp cho người thân giải quyết được nhiều việc, trong số đó có vấn đề dự báo.

Thay mặt nhóm khảo sát, xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương và Thanh Hóa đã nhiệt tình giúp đỡ việc khảo sát thành công của Đoàn.



T/M ĐOÀN KHẢO SÁT

Trưởng Bộ môn Cận tâm lý

Thiếu tướng, TS NGUYỄN CHU PHÁC
(Đã ký)