Lược giảng
kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo,
Phần 2

3. Di Lặc Bồ Tát nhân đó hỏi Bồ Tát đời mạt thành tựu mấy pháp để được an ổn độ thoát


Tiếp theo đây là đoạn thứ năm, kinh văn không dài, chỉ có một hàng rưỡi.


Chánh kinh:

Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát phục bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn! Nhược hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu kỷ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát trong đời mạt sau, trong năm trăm năm, khi pháp sắp diệt, phải thành tựu mấy pháp để an ổn, không phiền não hòng được giải thoát).



Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chúng ta quan tâm phi thường. “Ư mạt hậu thế, ngũ bách tuế trung” là nói đến năm trăm năm đầu tiên trong thời kỳ Mạt Pháp gọi là “ngũ bách tuế trung”. Trong pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni, Chánh Pháp tồn tại một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp là một vạn năm. Năm trăm năm đầu của thời kỳ Mạt Pháp, nói chính xác là hai ngàn năm trăm năm sau khi đức Phật diệt độ. Bởi thế, câu này chính là để giảng cho thời đại hiện tại của chúng ta.

“Pháp dục diệt thời”: Diệt ở đây không phải là thật diệt, mà là Phật pháp ngày càng suy thoái. Chúng ta xem thấy Phật pháp trong xã hội hiện đại, đúng là “pháp sắp diệt” như đức Phật đã nói. Đừng tưởng Phật pháp tại Đài Loan hưng thạnh phi thường, tướng hưng thạnh ấy là giả, chẳng thật đâu, chỉ có thể nói là Phật pháp tại Đài Loan náo nhiệt mà thôi! Xưa kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ (cụ chưa từng đến Đài Loan) giảng kinh thuyết pháp ở Bắc Kinh đã công khai bảo mọi người: “Phật pháp tại Đài Loan là giả, chẳng phải thật. Phật pháp chân chánh nằm ở Hoa Lục”. Tôi đến Bắc Kinh, thính chúng đem câu nói ấy hỏi tôi: “Phật pháp tại Đài Loan có phải là giả hay không?”

Chư vị hãy để tâm quan sát một phen: Phật pháp ở Đài Loan rốt cuộc là thật hay chỉ là giả? Phật pháp chân chánh dạy người liễu sanh tử, thoát tam giới, còn Phật pháp giả dạy người tiếp tục gây tạo lục đạo luân hồi. Người Đài Loan tu phước rất nhiều, người tu đạo rất ít. Người tu phước nhiều thì phước báo tu được ấy sẽ hưởng cách nào? Vấn đề này lớn lắm nghe!

Đời sau có lại được làm người nữa hay không là một vấn đề lớn. Đời sau nếu chẳng được làm thân người thì vẫn có phước báo. Trong đường súc sanh có rất nhiều phước báo đó chứ! Chúng ta chẳng cần phải tự hào mình phước báo rất lớn; thật ra, nghĩ lại, bọn ta phước báo không bằng súc sanh đó nghe! Quý vị có thấy người ngoại quốc nuôi các con thú cưng chưa? Không ít người phục dịch, chăm sóc chúng. Chúng ta đến những chỗ đó, có ai chiếu cố mình chăng? Nghĩ ra, mình phước báo chẳng bằng chúng! Quý vị thấy những con mèo nhỏ, con chó nhỏ đó được chăm sóc chu đáo thì phước báo của chúng do đâu mà có? Là do đời trước tu đấy. Quan sát nhiều sẽ hiểu rõ, quý vị phải nên thức tỉnh.

Đoạn kinh này nói trong thời đại Mạt Pháp, chúng ta cần phải thành tựu mấy pháp mới hòng đạt được “an ổn, không phiền não, đạt được giải thoát”. Ở đây, “giải thoát” là siêu thoát luân hồi lục đạo. Điều thứ hai là gì? Lại còn phải tiến lên, vượt khỏi mười pháp giới thì mới là giải thoát rốt ráo. Bởi lẽ siêu thoát lục đạo luân hồi vẫn chưa rốt ráo, nhất định phải siêu việt mười pháp giới. Pháp môn Tịnh Độ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là siêu thoát mười pháp giới, Tây Phương Tịnh Độ chẳng thuộc trong mười pháp giới.



4. Phật đáp: Dùng hai loại “bốn pháp” để được giải thoát



Chánh kinh:

Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:

- Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, đương thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

(Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:

- Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, nên thành tựu bốn pháp sẽ được an ổn, không phiền não, được giải thoát).



Trong đoạn này, Phật dạy chúng ta bốn nguyên tắc trọng yếu phi thường, ta cần phải tuân thủ. Chẳng cần biết là tu học pháp môn nào, nếu trái nghịch, vi phạm bốn nguyên tắc này thì quý vị đều chẳng thể tu học thành tựu.



Chánh kinh:

Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Ư chư chúng sanh, bất cầu kỳ quá.

(Những gì là bốn? Chính là: Với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ).



Chẳng những chỉ đối với các vị Đại Thừa Bồ Tát, mà đối với hết thảy chúng sanh đều chẳng nên bới tìm điều đáng bực, đều chẳng nên tìm lỗi lầm của họ. Câu này giống như câu Lục Tổ đã nói trong Đàn Kinh: “Nếu là người thật sự tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”. Người chân chánh tu đạo, trong mỗi một niệm chỉ quan tâm đến chánh niệm của chính mình, có thời gian đâu để thấy lỗi người khác cơ chứ! Chúng ta phải nhận rõ điểm này, thấy lỗi người khác tức là mình có lỗi sờ sờ. Nếu tâm quý vị thanh tịnh không có phiền não, làm sao quý vị thấy lỗi người khác được? Nếu một phen tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài mà trong tâm phiền não bèn hiện hành, thì đấy là do “thấy lỗi người khác”.

Bởi thế, Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát. Bọn ta là hạng nghiệp chướng sâu nặng, thấy chư Phật, Bồ Tát nghiệp chướng cũng sâu nặng luôn! Đấy chính là điều Phật dạy “tướng tùy tâm chuyển”. Bởi thế, quý vị thấy cảnh giới bên ngoài tướng trạng ra sao sẽ biết rõ tâm mình như thế nào. Quý vị thấy ai cũng có lỗi lầm nghĩa là chính mình lầm lỗi vô lượng vô biên. Khi nào thấy hết thảy chúng sanh đều chẳng có lầm lỗi thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi! Điều này rất khẩn yếu đấy! Vì thế mới nói “với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ” chính là điều thứ nhất người tu hành phải tuân thủ. Điều thứ hai là:



Chánh kinh:

Kiến chư Bồ Tát hữu sở vi phạm, chung bất cử lộ.

(Thấy các Bồ Tát có vi phạm gì, trọn chẳng nêu bày)



“Bồ Tát” ở đây là người hoằng dương chánh pháp. Bất luận là tại gia Bồ Tát hay xuất gia Bồ Tát, cũng chẳng cần biết người ấy là Bồ Tát thật hay Bồ Tát giả, chỉ cốt những điều người ấy giảng là chánh pháp, chẳng phải là tà pháp, dẫu cho người ấy có lầm lỗi chi, cũng chẳng nghe, chẳng hỏi đến, vẫn cứ sanh tín tâm thanh tịnh, tâm cung kính đối với người ấy. Điều này rất trọng yếu. Điều thứ ba là:



Chánh kinh:

Ư chư thân hữu, cập thí chủ gia, bất sanh chấp trước.

(Với các thân hữu, và hàng thí chủ, chẳng sanh chấp trước).



Đối với thân hữu, thí chủ cúng dường pháp sư, nếu chẳng chấp trước thì chẳng tạo thành chướng ngại. Điều thứ tư là:



Chánh kinh:

Vĩnh đoạn nhất thiết thô quánh chi ngôn.

(Vĩnh viễn dứt trừ hết thảy lời lẽ thô lỗ, hung tợn).



“Thô” là lời lẽ thô lỗ. “Quánh” là lời lẽ hung ác. Chẳng được có thái độ như thế.



Chánh kinh:

Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.

(Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp an ổn không phiền não mà được giải thoát).



Chỉ cần giữ đúng bốn pháp này mà hành theo thì đạo nghiệp của quý vị có thể thành tựu.



Chánh kinh:

Nhĩ thời Thế Tôn, dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng)



Thể lệ Phật dùng để thuyết kinh chẳng giống với cách mọi người chúng ta trước tác văn chương. Trong kinh Phật, có Trường Hàng (văn xuôi), có Kệ Tụng, có lúc còn có cả Chú Ngữ. Dụng ý Ngài rất sâu. Kệ Tụng gần giống như thi ca Trung Quốc, cũng có gieo vần, nhưng không câu nệ bằng trắc, mục đích là thuận tiện nhớ tụng. Nhân vì Phật khai thị điều gì rất trọng yếu xong, sợ bọn ta quên tuốt, kinh văn cũng có lúc chẳng nhớ kỹ hết, Ngài bèn dùng Kệ Tụng cho dễ thuộc, cho thường nhớ mãi trong tâm, để hết thảy lúc, hết thảy nơi đều y giáo phụng hành. Vì thế, Phật bèn nói bốn câu sau đây: