VIÊN DUNG ĐẠI PHẬT THẤT VIÊN MÃN
Hoà Thượng Tịnh Không


Kính thưa quý vị pháp sư
Kính thưa quý vị đồng tu,
Phật thất lần này sắp viên mãn, thật là vô cùng trang nghiêm và thù thắng, đây là dấu hiệu của một sự khởi đầu tốt đẹp. Chúng tôi ở đây tổ chức Phật thất trường kỳ để cống hiến cho quý vị về đây huân tu.

Mục đích tu học của chúng ta chẳng những vì muốn liễu thoát sanh tử, ra khỏi tam giới cầu sanh tịnh độ, thân cận Bổn sư A Di Đà Phật, càng quan trọng hơn là chúng ta vì chúng sanh trên toàn thế giới tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, xã hội an định, thế giới hòa bình. Đây là vấn đề cấp bách ở trước mắt cũng là sứ mạng của những người Phật tử chúng ta. Cho nên từ mỗi tiếng niệm Phật, chúng ta phải vì toàn thế giới đồng bào cầu phước mà niệm, chỉ cần tâm địa của chúng ta thanh tịnh, nhất định có cảm ứng, bởi thế tâm lượng của chúng ta phải rộng lớn, tâm lượng nhỏ hẹp thì không có phước báo.

Người Trung Quốc thời xưa thường nói: “Tâm lượng lớn thì phước báo lớn”, câu nói này nhiều người đã từng nghe và cũng biết nói như vậy, nhưng thực tế tâm lượng của họ vẫn còn nhỏ hẹp lắm. Khởi tâm động niệm chỉ nghĩ cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho đạo tràng nhỏ của mình, như vậy không thể giải quyết vấn đề.

Chúng ta cần phải biết Phật ở trong các kinh lớn thường chỉ dạy cho chúng ta rằng: nghiệp báo của chúng sanh có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Nếu biệt nghiệp của quý vị tốt mà cộng nghiệp xấu, quý vị vẫn phải chịu liên lụy. Ba mươi năm gần đây, nhân dân toàn thế giới đều biết năm 1999 và 2000 sẽ có tai nạn tận thế. Các nhà tiên tri của các nước Đông Phương và Tây Phương chỉ nói đến tai nạn của năm 2000 cho thấy tai nạn nầy là vô cùng nghiêm trọng.

Tuy nhiên năm 1999-2000 đã qua, bây giờ là 2002, hình như những lời tiên tri này không linh nghiệm, nên mọi người bắt đầu sanh tâm nghi ngờ cho đó là lời nói không may mắn không thèm để ý ghi nhớ trong lòng nữa. Do đó mà tiếp tục tùy thuận theo vọng tưởng phiền não, thói hư tật xấu của mình để cho tâm ích kỷ, tham, sân, si mỗi ngày không ngừng tăng trưởng.

Chúng ta tự hỏi vì sao người xưa nói không linh? Là người học Phật chúng ta phải tự biết, nhớ lại hai, ba năm về trước hầu như tất cả tín đồ của rất nhiều tôn giáo, những người không tin tôn giáo chúng ta không nói, hầu hết các tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào cũng đều tha thiết cầu nguyện, thật sự sám hối, mong được tai qua nạn khỏi.
Chúng tôi biết rất rõ trong cùng một lúc trên toàn thế giới có đông đảo người cùng chung sám hối cầu nguyện, lực lượng này vô cùng to lớn nên mới kéo dài được thời gian sống sót.

Tuy nhiên còn phải xem ở mỗi người giữ được tâm sám hối bao lâu thì thời gian sinh tồn này được kéo dài bấy lâu. Nếu như vĩnh viễn có thể giữ mãi tâm sám hối để sửa đổi hành vi sai lầm thì có thể kéo dài sự bình an vô hạn định. Một khi cái bịnh cũ của quý vị lại tái phát, không còn tin tưởng nữa thì tai nạn sẽ lập tức xuất hiện. Đây là điều mà Phật thường nói trong các kinh luận: “Tất cả pháp do tâm nghĩ tưởng mà sanh, chúng ta không thể sơ xuất. Tất cả pháp từ tâm nghĩ tưởng mà sanh, cảnh tùy tâm chuyển, cảnh là hòan cảnh sinh hoạt của chúng ta, thật sự nó từng giây từng phút tùy theo ý niệm của ta mà chuyển biến.

Nếu chúng ta luôn giữ ý niệm thiện lành, thật sự biết quay đầu trở lại tất nhiên là nạn qua phước đến còn như tâm và hành vi của chúng ta không tốt tai nạn quyết sẽ không thể tránh thoát được.

Trong Phật pháp thường nói: “Chẳng phải không bị quả báo mà vì ngày giờ chưa tới”, hy vọng quý vị đồng tu nhớ mãi câu nói này vì đây là sự thật, chân tướng của sự thật. Người thế gian họ có thể vĩnh viễn duy trì tâm sám hối không? Điều này thật khó nói, ít nhất mỗi cá nhân chúng ta phải vì xã hội đại chúng làm một tấm gương tốt.

Tất cả pháp từ tâm tưởng mà sanh; là từ ở ngay trong lòng của mỗi cá nhân chúng ta sanh ra, điều này rất quan trọng. Cho dù là cộng nghiệp không thể tránh khỏi, tai nạn đến cũng vẫn không sợ hãi, kinh hoàng bởi vì chúng ta sẽ có chỗ tốt đẹp hơn để đến.
Người sống ở thế gian có ai mà không chết, cho dù sống đến hai trăm tuổi vẫn phải chết. Sợ chết cũng không thể giải quyết được vấn đề ‘Sau khi chết đi về đâu’. Trong quá khứ, tôi sống ở Mỹ một thời gian khá lâu, tôi biết hiện nay ở Tây phương khắp nơi của các quốc gia có rất nhiều học giả đang hăng hái tập trung nghiên cứu về luân hồi.
Lịch sử nghiên cứu về luân hồi của họ có từ nửa thế kỷ nay, sau cùng họ khẳng định rằng: “Việc luân hồi là thật sự có”, nếu đã có luân hồi thì chứng minh rõ ràng mạng sống của con người có đời quá khứ và vị lai. Một khi hiểu rõ được đạo lý này, hiểu rõ được chân tướng của sự thật như vậy thì việc sanh tử đối với chúng ta sẽ nhẹ đi giống như chúng ta mặc áo vậy, chiếc áo này mặc dơ mặc cũ rồi, cởi nó ra thay áo mới, thân này của ta cũng vậy, dùng nó lâu ngày rồi nó bị già nua không còn linh hoạt nữa, không còn xử dụng được nữa, chúng ta bỏ đi để thay một tấm thân khác.

Như vậy việc xả thân và được thân người cũng giống như chúng ta thay áo, có gì phải lo sợ, phải kinh hoàng. Vấn đề then chốt là khi ta thay tấm thân cũ này có được tấm thân tốt đẹp hơn không? Đây mới là điều đáng cho chúng ta phải lo nghĩ, kiếp sau nhất định phải tốt đẹp hơn kiếp này. Nếu người có đại phước, đại thiện, kiếp sau sẽ không ở nhân gian này nữa, vì nhân gian không thể nhận quý vị, phước báo của quý vị quá lớn phải lên Trời để hưởng thiên phước.

Người thật sự thông minh, thật sự có trí tuệ họ sẽ không màng hưởng thiên phước. Vì sao? Vì Trời vẫn còn nằm trong lý niệm của luân hồi, chưa có thể thoát khỏi luân hồi, một khi thiên phước đã hưởng tận mà không biết tu tiếp, chắc chắn sẽ bị đọa lạc, hà huống Phật ở trong kinh Luận đã nói với chúng ta, từng lời nói của Ngài đều là sự thật, rất chân thật. Ngài nói: “Nếu còn ở trong lục đạo, chắc chắn thời gian ở trong ba đường ác nhiều hơn thời gian được sống ở trong ba đường lành”.

Chúng tôi học Phật đã hơn nửa thế kỷ đối với lời nói của ngài chúng tôi hoàn toàn tin tưởng không một chút nghi ngờ. Tin rồi thì phải làm sao? Phật dạy chúng ta : “Cầu sanh Tây phương tịnh độ thân cận Di Đà Như Lai”. Như thế, quý vị chẳng những thoát khỏi được lục đạo mà còn vượt ra ngoài thập pháp giới. Đây là điều mà chúng ta phải nỗ lực, cố gắng tranh thủ ngay trong một kiếp này. Ngay trong kiếp này, nhất định phải tranh thủ cho bằng được. Phật nói: “Đối với thế giới này phải thật sự buông xả, nếu không quý vị đối với lục đạo vẫn còn vọng tưởng, còn phân biệt, còn chấp trước mà hy vọng được sanh về thế giới Cực lạc, đó chỉ là vọng tưởng mơ mộng mà thôi, quý vị không thể đi được. Nếu quý vị thật sự muốn đi, trong sách Vãng sanh truyện của Tịnh độ tam kinh nhất luận có dạy chúng ta : “Phải biết buông xả thân tâm thế giới, phải biết đoạn ác tu thiện tích lũy công đức”. Như vậy mới có thể cảm ứng đạo giao với những người tốt lành bậc nhất của thế giới Tây phương Cực lạc. Quý vị nên nhớ, thế giới Cực Lạc là nơi hội tụ của những người tốt lành bậc nhất, nếu quý vị không có cái tâm tốt lành bậc nhất, hành vi tốt lành nhất thì làm sao quý vị có thể tới đó được?

Cho nên phải mở rộng tâm lượng, cuộc sống của chúng ta ở thế gian rất ngắn, phải biết lợi dụng thời gian ngắn ngủi này, mỗi khi khởi tâm động niệm đều phải vì tất cả chúng sanh mà tạo phước, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, quý vị mới có được cảm ứng đạo giao.

Tâm lượng nhỏ hẹp chỉ tự hại mình, hại người, cho nên khi bà Hàn Quán Trưởng vãng sanh, việc vãng sanh của bà là chuyện có thật. Hai ngày trước khi vãng sanh, bà hai lần liên tiếp thấy Phật A Di Đà và một lần thấy Liên trì Hải hội, bà nói với tôi: “Ao sen lớn lắm, rộng lắm”.

Đêm trước khi vãng sanh bà nói với tôi rất nhiều, tôi đem những điểm chính yếu ghi lại thành mười hai câu, đây cũng là tâm nguyện của bà, bà nói: “Hy vọng chúng ta, người xuất gia, phải giống người xuất gia, tại gia phải giống người học Phật tại gia”. Hai câu nói này rất quan trọng, ý nghĩa thật là vô cùng sâu sắc.

Người xuất gia phải giống người xuất gia. Thế nào mới gọi là giống người xuất gia? Phật Thích Ca Mâu Ni là hình dáng của người xuất gia, cư sĩ Duy Ma Cật là hình dáng của người tại gia. Khi Phật còn tại thế, hai vị này là tấm gương mẫu mực của chúng ta.

Phật Thích Ca, ngài thật sự là xuất gia, trong suốt một đời chẳng hề có nhà. Lúc bấy giờ các vị Quốc vương, Đại thần, Trưởng giả, Cư sĩ cúng dường Tinh xá, ngài rất tùy duyên mà nhận. Ngài nhận Tinh xá để làm gì? Để dùng làm nơi thuyết pháp dạy học, tuyệt đối không hề đòi hỏi chủ quyền tài sản. Quyền tài sản vẫn là của Vua nếu do Vua cúng dường, của Cư sĩ nếu do Cư sĩ cúng dường. Ngài tuyệt đối không dành quyền tài sản, nếu không ngài đã trở về nhà rồi chẳng phải là xuất gia nữa.

Khi nào không có người mời ngài về tinh xá, về giảng đường để thuyết pháp, dạy học, thì ngài ngồi ở dưới gốc cây, bên cạnh sông, suối trong rừng, trải một ít cỏ lên mặt đất để ngồi, học sinh ngồi chung quanh để nghe giảng. Trong quý vị có rất nhiều người đi hành hương qua Ấn độ thấy núi Linh Thứu, núi Linh Thứu vẫn còn đó, kinh Pháp Hoa là giảng tại đây, chỗ này không có nhà cửa đa số là hang động nên ngài thường ngồi dưới gốc cây để giảng pháp, thính chúng hơn mười ngàn người.

Đó là hình dáng của Phật, một đời của ngài sống vô cùng đơn giản, ba y một bát, cả đời ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây. Có Trưởng giả, Cư sĩ cúng dường Tinh xá, ngài chỉ ở trong một phòng thật nhỏ làm nơi nghỉ ngơi của mình. Chúng ta hãy nghĩ xem, đó là đức Bổn sư của chúng ta.

Bây giờ hãy nhìn lại cuộc sống của chúng ta hiện nay, có phải đã hưởng thụ quá đáng không? Đức Phật, một người xuất gia, cả đời của ngài chỉ có một việc duy nhất là giảng kinh, dạy học, hoằng pháp lợi sanh, tu pháp bố thí, giúp đỡ tất cả chúng sanh, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Còn chúng ta, ngày nay chúng ta đang làm những gì? Có giống đức Phật Thích Ca Mâu Ni không? Học sinh thì phải giống thầy chứ.

Về sau Phật pháp truyền sang Trung quốc, Quốc Vương hộ trì Phật pháp, tư tưởng lý niệm của người Trung quốc không giống người Ấn độ. Người Trung quốc nghĩ rằng, là thầy của vua không thể để thầy ngủ dưới gốc cây, để thầy đi ra ngoài thác bát xin ăn, như vậy sẽ làm mất thể diện của vua, cho nên Quốc vương cung kính cúng dường.

Quý vị nhất định phải biết Phật tùy duyên chứ không phan duyên, quý vị cúng dường, ta tiếp nhận để cho người cúng dường tu phước. Tam bảo là phước điền, thì có lý do nào không nhận sự cúng dường của quý vị, tuy nhiên quyết định không nhận sự cúng dường một cách quá đáng. Cho nên từ đó trở thành người xuất gia ở Trung quốc có đạo tràng thường trụ, tuy nhiên đạo tràng là thuộc về thập phương, thuộc về quốc gia chẳng phải riêng của một người nào, đương nhiên đạo tràng ngoài việc dạy học thuyết pháp, còn có rất nhiều công việc, người xuất gia cũng phải gánh vác một ít việc làm để bòn chút phước. Thời xưa tu phước là giảng kinh, giảng kinh thuộc về nội tài bố thí.

Người xuất gia ở trong đạo tràng làm công quả cũng gọi là tu nội tài bố thí, cho nên ở Trung quốc, người xuất gia có ba việc làm:

Thứ nhất: là giảng kinh thuyết pháp.

Thứ hai: là lãnh chúng tu hành, lãnh chúng tu hành phải làm gương mẫu cho đại chúng, cho nên người lãnh chúng còn được gọi là A Xà Lê, dịch sang tiếng Trung Hoa gọi là Quỉ Phạm Sư nghĩa là tư tưởng, hành vi, lời nói của họ là mô phạm, là tấm gương cho ta học hỏi, giống như xe lửa chạy trên đường rày, chúng ta theo đường rày mà đi.

Thứ ba: là những người xuất gia phát tâm ở thường trụ làm việc, đảm trách về mặt chấp sự. Nhà Phật xưng là nội hộ hoặc hộ pháp cho đạo tràng. Riêng Cư sĩ thì thuộc về ngoại hộ, bởi vì họ không ở trong đạo tràng mà ở nhà riêng của họ, chỉ đến đạo tràng để hộ trì, nên công việc hộ pháp chia làm nội hộ và ngoại hộ.Đây là ba việc làm của người xuất gia.

Nội hộ tu phước, tu phước với tâm thanh tịnh, không nhiễm một mảy trần và niệm Phật không gián đoạn, khẳng định sẽ được vãng sanh thế giới Cực lạc. Ở Trung quốc những điển hình này chúng ta thấy rất nhiều và tôi cũng thường nhắc lại trong những lúc giảng kinh.

Vào đầu năm Dân quốc, Tú Ngô Sĩ xuất gia tại chùa Cực lạc, Thầy đảm trách việc nội hộ, Thầy không thể lãnh chúng cũng không thể giảng kinh vì không có đi học, không biết chữ chỉ ở trong đạo tràng phát tâm làm công việc nặng nhọc. Quý vị xem Thầy vãng sanh tự tại biết bao, biết trước ngày giờ ra đi,

Cả đời chuyên tâm làm tốt công việc của mình, làm tròn bổn phận của mình, tâm địa thanh tịnh, không ô nhiễm một mảy trần, đó là gương mẫu nội hộ cho người xuất gia. Cho nên suốt một đời này của tôi, tôi hy vọng Phật giáo có thể đi trên con đường chánh quy.

Một thế kỷ gần đây, trong đạo Phật phát sinh ra rất nhiều điều không tốt, chúng ta cần phải tránh. Đạo tràng của chúng ta mới xây dựng, cần phải tránh những tập khí không tốt để noi theo gương chư tổ sư đại đức.

Thực tế mà nói, một mình tôi, tôi rất thanh tịnh, ngày nay sở dĩ phải đa đoan bận rộn như thế. Là do ân đức của Hàn Quán trưởng đối với tôi khi xưa nên tôi mới bị liên luỵ theo.
Trong một đời này của tôi, ngay từ lúc mới bắt đầu học Phật, khi chưa xuất gia, tôi vô cùng ngưỡng mộ Ấn Quang đại sư, tôi đi theo con đường của Ngài, học hỏi theo Ngài, trong đời của Ngài đã từng phát nguyện:

-Không nhận đệ tử xuất gia, ngài chẳng hề thế phát cho ai.
- Không làm trụ trì.
- Không truyền giới.

Quý vị hãy xem truyền ký của ngài vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Lúc Hàn Quán trưởng còn sống, tôi chẳng phải bận tâm lo lắng điều gì cả, chỉ lo giảng kinh dạy học. Khi xây dựng thư quán Hoa Tạng, có đạo tràng rồi đương nhiên cũng cần có người nội hộ, bởi vậy có người phát tâm muốn xuất gia, bà nhận đệ tử tôi thế bà mà xuất gia cho họ. Nhờ bà mà tôi được thành tựu, nên tôi phải đền ơn bà. Bà có đạo tràng, đạo tràng hy vọng là nơi có thể đào tạo nhân tài, đây là điều rất tốt nhưng không ngờ bà ra đi sớm như vậy.

Sau khi bà vãng sanh, cư sĩ Cao Quý Minh thâu lại, lúc đó tôi bị rơi vào hoàn cảnh thật khó khăn, nếu như cư sĩ Cao tiếp tục hộ trì thì tôi không phải lo lắng gì hết, bởi vì những người xuất gia mang dòng chữ ‘NGỘ’ như quý vị đây đã có sẵn đạo tràng của quý vị rồi, tôi chẳng phải bận tâm lo lắng cho quý vị nữa, vậy thì tôi cần đạo tràng để làm gì?
Những năm trước khi tôi còn ở Mỹ, cư sĩ Doanh Kiến Mỹ hỏi tôi có cần xây đạo tràng không? Lúc bấy giờ, tôi ở Dallas chỉ có một căn nhà nhỏ mang số 422 để giảng kinh thuyết pháp chưa có đạo tràng. Tôi trả lời với họ, ở Trung quốc có hơn ba trăm chỗ mời tôi qua đó giảng kinh thuyết pháp, như vậy nếu tôi đến mỗi chỗ giảng một tháng thôi, giảng đến lúc tôi một trăm tuổi cũng chưa hết ba trăm chỗ, bạn nghĩ xem tôi cần đạo tràng để làm gì? Nghe tôi nói xong họ phát lên cười to. Sự thật là như vậy, quý vị hãy xem mỗi một nơi đến giảng một tháng một bộ kinh cuộc sống như vậy tự tại vui vẻ biết chừng nào, đi đến đâu đều được tiếp đãi như thượng khách, chuyện gì cũng chẳng bận tâm đi hỏi, đi nghe.

Hiện nay sở dĩ tôi phải xây học viện ở Toowomba, là vì quý vị, những người trước kia xuất gia ở thư quán Hoa Tạng bên Mỹ hiện nay không nơi nương tựa. Tôi xây đạo tràng cho quý vị là để báo đền ân nghĩa của Hàn Quán Trưởng đối với tôi. Tôi thay bà tiếp tục chiếu cố quý vị, cho nên mới nói tôi bị liên lụy theo bà để phải chiếu cố cho quý vị, nếu không điều gì tôi cũng không cần, tôi sống thật là tự tại vui vẻ. Cho nên hiện nay quý vị, những người xuất gia ở trên núi và ở đây, quý vị cần phải biết rõ, có thể nói quý vị được trời ưu đãi, có một chỗ ổn định như vậy để tu hành, quý vị cần phải siêng năng nỗ lực mà học tập, phải đem hết tòan bộ những vọng tưởng, phân biệt chấp trước hoàn toàn buông xả hết.

Những việc quản lý của đạo tràng tôi nhờ cư sĩ tại gia đảm trách, không cần quý vị phải bận tâm, quý vị chỉ cần chuyên tâm để học, chuyên chú về mặt đức hạnh. Nếu không có phẩm đức cao thượng, không có học thức cao thâm, quý vị làm sao có thể gánh vác nổi việc giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa của Thế Tôn?

Đạo tràng tại đây, hội Tổng sự bàn giao cho tôi, tôi vẫn phải mời cư sĩ đến quản lý, họ chấp nhận lời mời của tôi, nên tôi đồng ý đảm nhận. Bởi vì sao? Vì đây cũng là nguyện vọng của Hàn Quán Trưởng. Chúng tôi hy vọng hai đạo tràng trên núi và tại đây có thể thật sự làm đến chỗ giải hành tương ưng. Học viện thuộc về giải môn, đào tạo nhân tài giảng kinh hoằng pháp, những ai phát tâm chọn con đường giảng kinh thì đến học viện để tu. Nếu không phát tâm giảng kinh, muốn lãnh chúng, thì đạo tràng tại đây của chúng tôi là đạo tràng quanh năm niệm Phật, vĩnh viễn là một đạo tràng chuyên niệm Phật.
Về kỷ luật niệm Phật chúng tôi hoàn toàn tuân theo tấm gương và phong thái của Ấn Quang Đại sư ở núi Linh Nghiêm. Đạo tràng tại đây không giảng kinh, không làm pháp hội, không truyền giới, chỉ có niệm Phật đường để niệm Phật mà thôi. Tín đồ Phật tử muốn cầu an, cầu siêu có thể đặt bài vị trong niệm Phật đường, chúng ta hoàn toàn học theo Ấn Tổ và tiếp tục xiễn dương rộng lớn đạo phong của Ngài.

Cho nên những người tự nguyện muốn ở niệm Phật đường dẫn chúng huân tu có thể ở lại đây. Bất cứ việc gì của thường trụ không cần quý vị phải lo lắng, chỉ cần chuyên tâm lãnh chúng. Những ai phát tâm làm nội hộ, hoặc những cư sĩ muốn hợp tác giúp đỡ đạo tràng chúng tôi có thể chấp nhận, tuy nhiên quý vị phải tuân thủ theo quy tắc kỷ luật của thường trụ để giúp đỡ nhau làm việc, ngõ hầu có thể chiếu cố tốt cho những người học kinh giáo và những người niệm Phật, như vậy công đức thật vô lượng.

Bao nhiêu năm qua đối với những việc này tuy tôi không hỏi không nghe, tuy nhiên tôi học kinh giáo dù sao cũng đã năm mươi năm rồi, đạo lý, sự thật chân tướng tôi biết rất rõ, tuy tôi không có kinh nghiệm làm việc nhưng tôi biết rất nhiều. Tôi là người lớn tuổi, dĩ nhiên việc làm của quý vị ở đây dù tôi không cần tìm hiểu tôi cũng biết và tôi có phương pháp chỉ dạy cho quý vị phải làm như thế nào khiến cho đạo tràng được như lý như pháp. Mỗi người phải mở rộng tâm lượng của mình như ngài Phổ Hiền. Quý vị nghe tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, thấy tâm lượng của Phổ Hiền Bồ tát cho dù là Bồ tát đại thừa cũng không thể bì với Ngài được. Bồ tát đại thừa là tâm bao thái hư lượng chu sa giới, tâm lượng của Phổ Hiền không biết còn lớn hơn bao nhiêu lần như vậy nữa, chẳng lẽ còn có thể lớn hơn như vậy sao? Vâng, vẫn còn. Vậy là như thế nào? Bởi vì thông thường Bồ tát đại thừa đã sơ sót không biết rằng ở trong vi trần, vi trần rất nhỏ, thế mà trong vi trần đó lại có thế giới hải vi trần số thế giới, mỗi một lỗ chân lông của chúng ta cũng có thế giới hải vi trần số chư Phật quốc độ ở bên trong, điều này không ai biết đến. Thế mà Phổ Hiền Bồ tát vẫn có thể khế nhập. Cho nên thế giới mà Hoa Nghiêm nói đến thật là trùng trùng vô tận, nó không phải là mặt phẳng mà là hình khối.

Trong thế giới có thế giới, trong thế giới có vi trần, trong vi trần có thế giới, trong thế giới lại có vi trần, trong vi trần lại tiếp tục có thế giới không cùng không tận, đây chính là pháp giới của ngài Phổ Hiền, nếu chúng ta không có tâm lượng như vậy thì không thể thành Phật được. Cho nên hôm nay chúng ta nhất định phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung, khởi tâm động niệm, phải vì tất cả chúng sanh mà suy nghĩ.

Ngày nay chúng ta có cơ duyên vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, đây là cơ hội may mắn cho chúng ta tích lũy công đức, lấy công đức này hồi hướng Tịnh độ, lấy công đức này cầu sanh thế giới Tây phương Cực lạc, thân cận Phật A Di Đà, như thế mới hy vọng chắc chắn vãng sanh, những việc trong thường trụ chớ bao giờ bận tâm lo nghĩ người ta làm đúng hay sai, chỉ cần ta làm đúng thì người khác làm đúng, nếu ta không đúng thì người khác sẽ không đúng. Nói vậy có nghĩa là nếu ta y theo pháp làm đúng, đạo tràng sẽ có chư Phật gia trì, long thiên hộ pháp thiện thần gia hộ.

Nếu những ai sống trong đạo tràng mà làm việc sai quấy, thần hộ pháp sẽ mời họ đi, chư Phật Bồ tát sẽ giúp đỡ họ khiến họ biết hối cải để đổi mới, giả như họ vẫn tiếp tục ngoan cố không biết sửa đổi thần Hộ pháp sẽ đuổi họ, không cần chúng ta phải bận lòng. Nếu quý vị mà bận tâm can dự vào việc làm của họ thì thần Hộ pháp sẽ không bận tâm nữa, các ngài sẽ về nhà nghỉ ngơi, đi chơi, chư Phật cũng không còn hộ niệm cho quý vị nữa, khi đó đạo tràng của quý vị sẽ là một đạo tràng không có đạo và cũng chẳng có đức.

Quý vị đi theo tôi bao nhiêu năm nay, mỗi ngày nghe tôi giảng kinh, chuyện nhỏ như vậy mà cũng không biết, hằng ngày vẫn tiếp tục vọng tưởng, lo nghĩ lăng xăng, làm chuyện sai quấy, như vậy phước báo của quý vị sẽ tiêu mất hết.

Quý vị phải biết sở dĩ quý vị được sống trong đạo tràng này là phúc đức nhân duyên của nhiều đời kiếp, nếu quý vị sống không đúng cách, không như pháp, chỉ trong vòng vài năm thôi, một khi phước báo tiêu hao hết rồi thần Hộ pháp sẽ đuổi quý vị đi, quý vị không thể cư trú ở đạo tràng nầy lâu dài được. Bởi vì quý vị sống ở đạo tràng nếu không bị bịnh thì cũng sẽ phát sanh nhiều phiền não, lúc đó chính quý vị tự nhiên sẽ không còn thích ở đây nữa mà tự bỏ ra đi.

Cho nên quý vị phải hiểu rõ sự và lý, phải biết trân quý phần nhân duyên khó gặp này. Thường trụ ở đây chính là những vị đồng tu phụ trách quản lý đạo tràng, bất luận họ là người tại gia hay xuất gia đều là người Phật tử chân chính không có ý niệm hành vi xấu ác, thật sự đang hộ trì đạo tràng, tuy nhiên đôi lúc về mặt kiến thức còn nhiều khiếm khuyết, còn nhiều đắn đo, e sợ có lỗi với người xuất gia, sợ bị nhân quả, nhưng thực tế cách suy nghĩ này là sai lầm.

Ngày hôm qua tôi đến đây gặp gỡ và cùng mọi người trao đổi, thấy rõ mọi sự đắn đo, lo sợ của quý vị đều là thừa. Bởi vì sao? Quyền chấp sự ở trong tay, quý vị không thể không quản lý, đừng cho rằng đối với người xuất gia ta không dám nói họ. Nếu vậy tôi thử hỏi quý vị lãnh tụ của một nước đối với người xuất gia cũng không dám quản lý hay sao? Giả sử trong nước đều là người xuất gia, quý vị thử nói xem cần có chính phủ hay không? Quyền chấp sự trong tay quý vị không thể không quản lý.

Đạo tràng như một trường hoc, câu nói này tôi đã nói qua không biết bao nhiêu lần. Người chấp sự là Hiệu trưởng, người xuất gia là học sinh, như vậy Hiệu trưởng có cần quản lý học sinh không? Nếu bảo không, đó chính là lỗi của Hiệu trưởng, trừ phi quý vị không nhận chức Hiệu trưởng, đã nhận chức thì nhất định phải quản lý.

Học sinh là người xuất gia, học sinh phạm kỷ luật có bị trừng phạt hay không? Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu quý vị không chịu quản lý thì phải từ chức, nếu không từ chức thì nhất định phải quản lý, lý lẽ đơn giản như vậy mà cũng không hiểu thì làm sao được!

Ở Đài Loan, khi Phật Quang sơn bắt đầu khởi công xây dựng, ngài Tinh Vân Pháp sư có đến nói với tôi rằng Ngài sẽ mở một Phật học viện tại đó, trong Phật học viện đa số là người xuất gia. Ngài hỏi tôi: Người tại gia có thể quản lý người xuất gia hay không?
Tôi hỏi lại: Người tại gia đó là như thế nào?.

Ngài nói: Người tại gia là thầy chủ nhiệm của Phật học viện, là một cư sĩ tại gia, trong số học sinh hai phần ba là người xuất gia.

Tôi nói: Đương nhiên phải quản lý.

Là thầy chủ nhiệm của một lớp, học sinh phạm lỗi thầy chủ nhiệm không dám nói vậy thì ai nói, người ta cần thầy chủ nhiệm để làm gì?

Pháp sư Tinh Vân khi đó mới hiểu rõ, không còn đắn đo lo sợ nữa. Nếu quý vị không có quyền uy và trách nhiệm, quý vị không cần biết, chẳng cần hỏi đó là lẽ đương nhiên. Ngày nay chức quyền là mời quý vị đến làm thầy chủ nhiệm, nếu quý vị không quản lý tốt học sinh, quý vị sẽ bị thất nghiệp.

Viện trưởng học viện là thầy Tinh Vân pháp sư, thầy mời quý vị đến làm giảng sư chủ nhiệm, ngài trả lương, quý vị nhận tiền là thay thế ngài để dạy và quản lý học sinh, cho nên quyền ở trong tay quý vị, đây là đạo lý rất bình thường. Nếu như người xuất gia tự cho mình là tài giỏi, là hay lắm, quyết định sẽ đọa địa ngục. Bởi vì sao? Vì xuất gia là phải siêng tu giới, định, tuệ, tiêu diệt tham, sân, si mà tham, sân, si của quý vị mỗi ngày mỗi tăng trưởng còn giới, định, tuệ mỗi ngày mỗi tiêu mất, quý vị không đọa địa ngục thì ai đọa địa ngục.

Điều này trong các kinh luận đại tiểu thừa đều nói rất nhiều, nói rất rõ. Người xuất gia nếu nghĩ rằng đạo tràng không thích hợp cho quý vị tu hành, quý vị có thể rời khỏi nơi đây, đó là điều hợp pháp. Sau khi rời khỏi không thể mang ác ý phê bình, hủy báng đạo tràng này. Nếu quý vị mang ý xấu phê bình hủy báng, quý vị sẽ mang tội phá hòa hợp tăng. Cho dù đạo tràng không tốt, không như pháp đi nữa, khi người ta hỏi đến không cần phải trả lời, ta không tán thán cũng không hủy báng, đây là điều mà Phật đã dạy chúng ta.

Phật không hề dạy người hủy báng kẻ khác hoặc nhiều chuyện thị phi. Phật dạy phải tôn trọng người khác, lễ kính người khác. Riêng về tán thán thì phải xem kỹ sự thật, nếu là việc tốt chúng ta tán thán, việc không tốt không tán thán nhưng quyết định không được hủy báng.

Chúng ta phải phải siêng năng nỗ lực học tập, phải thật sự lãnh hội nghĩa lý thâm áo mà Phật dạy chúng ta. Đối với người, việc làm hoặc hành vi xấu ác, chúng ta không tán thán nhưng tuyệt đối không hủy báng, còn đối với người tốt, việc làm, hành vi tốt nhất định phải tán thán, chỗ khác nhau là như vậy.

Riêng về việc lễ kính cúng dường thì bình đẳng không có sai biệt, đối với người tạo nghiệt xấu ác, gặp họ hôm nay không có cơm ăn, ta nên cúng dường họ một bữa ăn, gặp lúc trời lạnh bị rét, ta nên cúng dường thêm áo cho họ mặc, không thể nói họ là người xấu ta không thèm để ý giúp đỡ, không thể hành động như vậy. Được như thế mới thật sự là đại từ đại bi, thật sự là bình đẳng tiếp tế. Cho nên tất cả việc làm phải y theo lời chỉ dạy trong kinh luận, chúng ta mới không bị sai lầm, không đi nghịch lại với lời dạy dỗ của Phật.

Không thể thuận theo phiền não thói hư tật xấu của mình, không thể đem Phật pháp xem như chuyện tình cảm thế gian. Phật pháp là lý trí, Phật pháp không hoàn toàn dựa vào tình cảm. Đối với Phật pháp, trong tình cảm phải có trí tuệ, nhất định không thể mê hoặc.

Hy vọng quý vị đồng tu đều có thể hiểu rõ. Ở đây chúng ta đi theo con đường của Ấn Quang đại sư, là một niệm Phật đường như lý như pháp, công việc niệm Phật của chúng ta quanh năm không gián đoạn.

Đối với quý vị đồng tu bên ngoài, hằng năm chúng tôi sẽ tổ chức bốn lần Phật thất, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi một lần Phật thất không phải chỉ có bảy ngày, mà là đại Phật thất bảy mươi ngày, mỗi ba tháng tổ chức một lần. Như vậy, một năm bốn mùa nhân cho bảy mươi, tổng cộng là hai trăm tám mươi ngày dành cho quý vị đồng tu ở các nơi đến. Riêng những người thường trú trong đạo tràng thì quanh năm không gián đoạn.
Quý vị đến đây dự Phật thất tốt hơn hết là không nên nói chuyện. Nếu quý vị có thể không nói chuyện trong suốt bảy mươi ngày, chắc chắn quý vị sẽ được nhiều lợi ích, bởi vì tâm xen tạp, lời tán dóc sẽ phá hoại công đức của quý vị. Điều này rất quan trọng mong quý vị cần nên lưu ý.

Ngoài việc tiến tu và thành tựu cho bản thân mình, mỗi một ý niệm đều đem công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh đang bị khổ nạn trên toàn thế giới, nguyện cầu thế giới hòa bình, xã hội an ổn, nhân dân được phước lành.

Cám ơn quý vị.

A Di Đà Phật.