Truyền thuyết về tàu ma xuất hiện từ đâu?
_Chúng ta ít nhiều đều đã từng nghe danh một con tàu đã đi vào truyền thuyết với tên gọi “Người Hà Lan bay”. Một con tàu ma không có bóng người. Bất kỳ ai chẳng may gặp nó đều sẽ phải hứng chịu những bất hạnh kinh khủng.



Theo những lời kể của những thủy thủ từng chạm trán con tàu ma, trong một cơn bão lớn, viên thuyền trưởng Van Staaten đã vô cùng khó khăn để điều khiển tàu vòng qua được mũi Hảo Vọng. Trong cơn hỗn loạn, toàn bộ thủy thủ trên tàu đều yêu cầu thuyền trưởng quay trở lại. Không thèm để ý đến đề nghị của đa số mọi người, Van Staaten trong cơn tức giận đã bắt đầu phỉ báng chúa trời và tuyên bố rằng sẽ đổ bộ vào mũi Hảo Vọng, thậm chí có phải bơi cho đến ngày chúa tái lâm. Ngay lập tức, một giọng nói khủng khiếp từ trên trời vang lên để đáp trả lời phỉ báng đó: “Được, vậy thì các người hãy bơi đi”. Kể từ đó, con tàu trở thành điềm gở cho bất kể ai vô tình hay cố ý nhìn thấy nó.
Giọng nói từ biển khơi
_Trong lịch sử ngành hàng hải, sự mất tích kỳ lạ của toàn bộ thuỷ thủ đoàn trên con tàu nổi tiếng Maria Chelesta luôn được nhắc đến như một bí ẩn vĩ đại nhất của đại dương. Vào tháng 12/1872, thuỷ thủ trên tàu Jea Grasia của Anh bất ngờ gặp một chiếc thuyền buồm di chuyển một cách không bình thường. Đến khi tiến lại gần, họ rất đỗi ngạc nhiên khi trên boong thuyền Chelesta không có bóng dáng của con người mà vô lăng lái lại không được cố định.

Một hoa tiêu và hai thuỷ thủ người Anh quyết định thâm nhập vào con thuyền này để tìm hiểu tình hình. Không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của con người. Vật giá trị nhất mà họ tìm được chính là cuốn nhật ký đi biển, trong đó ngày cuối cùng được đặt bút có đề ngày 24/11/1872 (con thuyền được tìm thấy vào ngày 02/12).



Con thuyền này được đưa về eo biển Gibraltar của Anh để các chuyên gia giàu kinh nghiệm điều tra bí ẩn đã xảy ra với nó, tuy nhiên mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng.



Năm 1937, nhà vật lý của Liên Xô là Vladimir Suleykin đã đưa ra một giả thuyết được cho là tương đối thuyết phục. Trong một hành trình trên biển Kaspi trên tàu thuỷ văn Taimưr, một nhà khoa học đi cùng Vladimir Suleykin đã thực hiện thí nghiệm với một quả cầu thám không chứa đầy khí hydro: khi quả cầu này được đưa đến gần ai thì người đó bỗng xuất hiện một cảm giác đau buốt trong màng nhĩ, còn khi đưa ra xa cảm giác đau đớn đó dần tan biến.



Vladimir Suleykin liền để ý tới hiện tượng lạ lùng này để rồi không lâu sau đó đưa ra nhận định của mình trên báo chí rằng, gió thổi qua các cơn sóng trong những ngày biển động đã tạo ra trong không khí các dao động sóng hạ âm mà tai con người không nghe thấy. Sóng hạ âm này rất có hại đối với con người. Trong dải tần thấp hơn 15 héc, sóng hạ âm không chỉ gây tổn thương cho màng nhĩ, mà còn gây rối loạn hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến thị giác. Ở dải tần dưới 7 héc, sóng hạ âm đôi khi gây tử vong đối với con người. Như vậy, nơi nào xuất hiện bão thì ở đó xuất hiện sóng hạ âm. Hiệu ứng này được Vladimir Suleikyn gọi là “âm thanh của biển cả”.