Theo Kojiki (Cổ sự kí) và Nihonshoki (Nhật Bản thư kỉ) ghi chép thì Ameno-minakanushio-kami là vị thần đầu tiên được sinh ra trong cõi hỗn mang. Tiếp theo là hai vị thần Takami-musubino-mikoto, Kami-musubino-kami xuất hiện, cùng hợp nhất với ngài và biến mất. Cả ba vị được xem là thế hệ thần thứ nhất. Sau đó bảy thế hệ các cặp nam nữ thần khác lần lượt được sinh ra từ một cây lau sậy linh thiêng, đó là Umashi-ashikabi-hikoji và Ameno-tokotachi; Kuniotokotachi và Toyokumonu, Uhijini và Suhijini, Tonokui và Ikugui, Ootonoji và Ootonobe, Omodaru và Ayakashikone. Cuối cùng Izanagi (Chàng mời gọi) và Izanami (Nàng được mời) xuất hiện. Đây là cặp thần thứ tám, được cho là thủy tổ của dân tộc Nhật.




1. Câu chuyện về Izanagi và Izanami

Một hôm, các vị thần ngự nơi Đồng Trời Cao (Takamahara, Cao Thiên Nguyên) giao cho hai vị thần trẻ tuổi Izanagi và Izanami nhiệm vụ làm mặt đất sinh sôi nảy nở. Từ trên cao, hai vị thần dùng một cây mâu khuấy nước đại dương tạo dựng nên hòn đảo Onogoro. Sau đó cả hai bước qua Thiên Phù Kiều - cây cầu muôn đời nối giữa trời và đất - xuống nơi được gọi là Đồng Lau Sậy (Ashiharanokuni, tức nhân gian ngày nay). Do Izanami là nữ mà lại ngỏ lời trước nên bị các lão thần trách phạt, khiến người con đầu tiên của họ chỉ là một hài nhi xấu xí không mắt mũi tay chân tên Hiroko (Điệt tử, bé đĩa). Lần thứ hai, khi nam thần Izanagi đã "rút kinh nghiệm" mà chủ động cầu hôn với Izanami, họ mới có những đứa con xinh đẹp. Đó là những vị thần sông, suối, cây cỏ, những hòn đảo và những miền đất mới... Đến khi sinh ra thần lửa Kagutsuchi, nữ thần Izanami phỏng nặng lìa đời. Thần Izanagi vô cùng tức giận, tuốt gươm giết chết con mình. Tuy nhiên, thần lửa vẫn tái sinh và người dân Nhật Bản rất sợ hãi vị thần này.


Sau đó, thần Izanagi vì quá nhớ thương người vợ hiền mà tìm đến Yomi, âm phủ. Nhưng do sự thiếu kiên nhẫn của mình mà ông vô tình làm tổn thương người vợ và dẫn đến lời nguyền khủng khiếp từ Izanami. Hai vợ chồng từ đang hết lòng yêu thương nhau lại dẫn đến đối lập nhau gay gắt. Trên đường tháo chạy, Izanagi đã bẻ những cành đào ném về phía lũ quỷ, do đó mà ngày nay, gỗ đào được xem như một chất liệu xua đủa tà ma linh nghiệm.

Trở về từ địa phủ, Izanagi tắm rửa ở một dòng suối và từ cơ thể sinh ra một loạt các vị thần. Cuối cùng, khi rửa đến mặt thì từ mắt trái ngài sinh ra Nữ thần Mặt Trời Amaterasu-omikami (thiên chiếu đại ngự thần); mắt phải sinh ra Nam thần Mặt Trăng Tsukuyomi-no-mikoto. Đây là ba con người cao quý nhất, nổi tiếng nhất của người và được thờ phụng trên toàn cõi nước Nhật.


Meotowa - đá vợ chồng - tượng trưng cho Izanagi và Izanami

2. Câu chuyện về thần Susanoo

Sau khi sinh ra ba người con, thần Izanagi trao quyền kiểm soát ánh sáng cho nữ thần Amaterasu, bóng đêm cho thần Tsukuyomi và thần Susanoo cai quản biển cả. Tuy nhiên, thần Bão Tố lại có ý nguyện muốn ở bên mẹ mình là nữ thần Izanami khiến thần Izanagi vô cùng tức giận và để mặc ông đến bất cứ đâu ông muốn (xong rồi, giận rồi...). Trước khi xuống Yomi, Susanoo tìm đến chị mình là nữ thần Amaterasu để nói lời chia tay. Ngặt nỗi, chẳng hiểu từ đâu mà nữ thần Mặt trời lại nghĩ rằng em mình đến đây để tranh giành quyền kiểm soát ánh sáng của mình, thế là người tiếp Susanoo trong một chiến bào. Vừa nhìn thấy, thần Bão tố không khỏi thắc mắc:


- Sao đại tỉ lại ăn mặc như vậy?


- Vì ta nghe rằng đệ đến đây để đấu với ta. - Nữ thần trả lời thẳng thừng.


- Đời nào đệ có ý nghĩ đó!? Đệ đến chỉ để nói lời tạm biệt vì đệ sắp xuống Yomi.


- Vậy đệ có thể chứng minh không?


- Được rồi. Hãy đổi gươm của đệ và vòng ngọc trên cổ tỉ. Chúng ta sẽ tiến hành Ukei.



Trích:
Ukei là một nghi lễ thần thánh cổ xưa dùng để chứng minh sự thật

Thế là, nữ thần Amaterasu nuốt thanh gươm của thần Susanoo và từ miệng sinh ra ba nữ thần. Trong khi đó, thần Bão tố nhai chuỗi ngọc và nhả ra năm nam thần. Điều đó đã chứng minh những gì thần Susanoo nói là thật. Thế là hai vị thần cùng hòa giải và hứa sẽ chăm sóc con cái của nhau.


Nhưng sau đó, thần Bão tố lại trở nên kiêu ngạo. Ông phá hoại mùa màng, lấp hết các mương dẫn nước, lật đổ điện thờ...Ban đầu, nữ thần Mặt trời vẫn nhượng bộ em mình. Nhưng cho đến khi thần Susanoo đùa một trò đùa quá ác là lột da một con ngựa non ném vào chỗ chị mình đang cùng các nữ thần khác dệt vải khiến mọi người vô cùng hoảng loạn, một nữ thần ngã vật ra chết khiếp thì sự nhẫn nhịn đã đến đỉnh điểm (thôi rồi nữ quyền...) Amaterasu lánh mình vào Thiên Nham Động, nhất định không chịu ra ngoài khiến toàn bộ cõi thế gian trở nên tối tăm u ám, lũ ma quỷ được nước lộng hành.


Nữ thần Mặt Trời Amaterasu

Cuối cùng, nhờ mưu của thần Trí tuệ Omoikane cùng sự phối hợp chính xác với thần Sức mạnh Ameno Tajikarao và thần Nghệ thuật Ameno Uzume mà cuối cùng nữ thần Mặt trời cũng trở lại soi sáng thế gian (Còn mưu đó là gì thì đợi...hồi sau sẽ rõ )
Vì hành động ngông cuồng của mình, Susanoo bị các thần trừng phạt bằng cách cắt sạch tóc, râu, móng tay, tịch thu báu vật và đuổi khỏi Đồng Trời Cao đến Đồng Lau Sậy, tức nhân gian.

hời gian trôi đi. Susanoo vẫn muốn tìm đến mẹ mình ở Yomi và cuối cùng, ông dừng chân tại vùng đất Izumo. Tại đây ông gặp một vợ chồng già cùng một cô con gái xinh đẹp đang vô cùng sầu khổ. Đôi vợ chồng khóc lóc thưa với Susanoo rằng, mãng xà 8 đầu 8 đuôi, dài bằng 8 ngọn núi là Yamata-no-orochi đã ăn thịt tất cả bảy người con gái của họ và sắp ăn luôn cô út Kushinada-hime. Thế là vị thần Bão tố, với nụ cười kiêu hãnh trên môi, đã nói:


- Được rồi, ta sẽ tiêu diệt nó.


Vị thần yêu cầu 2 ông bà lão chuẩn bị sẵn 8 vại rượu sake đặt trên 8 cái bục bao quanh là một hàng rão 8 lỗ để trước nhà, đoạn biến Kushinada-hime thành một cái lược cài lên tóc mình Cuối cùng, con quái xà cũng đến. Trong đêm tối, 8 đôi mắt đỏ hiêẹ lên như màu lửa cùng hơi thở mang đầy tử khí và 8 cái đuôi phát ra những luồng sáng như ánh chớp trườn dần về phía ngôi nhà (á à có thằng định ăn trộm bà con ơi ) Ngửi thấy mùi thơm của rượu, con quái vật vục đầu vào uống và chẳng mấy chốc lờ đờ say. Lúc này thần Bão tố uy nghiêm xuất hiện chỉ với một thanh gươm trên tay xông vào tấn công con quát vật. ("Đục nước béo cò" - cách này không bao giờ thừa ) Trước vóc dáng bé nhỏ của đối thủ, duy nhất một đầu của Yamata no Orochi lao vào tấn công, còn những đầu khác chỉ nhìn mà cười man dại. Thần Bão tố nhanh chóng né đòn. Quái xà không thể bắt kịp. Chiếc đầu thứ hai lao vào gần như ngay lập tức. Cũng vẫn không bắt kịp. Lúc này, tất cả 8 đầu đồng loạt tấn công.


Sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt, cuối cùng cũng đúng như thần Bão tố dự đoán, quái xà bắt đầu say, một đầu đã không thể cử động. Chớp thời cơ, thần cắt phăng nó bằng một nhát. Mọi việc cứ thế tiếp diễn hết đầu này đến đầu khác. Cuối cùng, thần Bão tố cũng hạ được 8 đâu 7 đuôi con yêu quái. Đến đuôi thứ 8, gươm ông chạm phải vật gì cứng cứng, khi xẻ nó ra ông bắt gặp một thanh kiếm báu (bạn nào đọc Conan có nhớ đoạn này không nhỉ ). Vâng thưa quý vị và các bạn, đó chính là thanh Kusanagi - no -tsurugi (Thảo thế kiếm, kiếm...cắt cỏ ); tên đầy đủ là Ameno-murakumo-no-tsurugi (Thiên tùng vân kiếm, tạm dịch: thanh kiếm triệu tập các tầng mây nơi cõi trời). Thần Susanoo đã dùng thanh kiếm thần này tạ tội với nữ thần Amaterasu. Từ đó nó trở thành thanh kiếm huyền thoại trong lịch sử Nhật Bản, một trong ba bảo vật Hoàng Gia bên cạnh Yata-no-kagami (Bát chỉ kính) và Yasakani-no-magatama (chuỗi ngọc của Amaterasu). Ba bảo vật tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ và sự phồn vinh.


Lại nói về Susanoo. Trở về trong niềm vui sướng hân hoan, thần Bão tố đã cưới Kushinada-hime làm vợ. Ngài xây một ngôi nhà và sáng tác bài tanka nổi tiếng "Yakumo Tatsu" (huh, có nghe quen hông? ). Nơi dựng nên ngôi nhà đó giờ đây là điện thờ Suga xứ Izumo, một trong những điện thờ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng bên cạnh thần cung Ise thờ nữ thần Amaterasu và các đại thần điện khác.


3. Thần Inari

Inari là vị thần bảo hộ cho các thợ rèn. Chính xác hơn, đây là vị thần của nông nghiệp, công nghiệp, của thịnh vượng và thành công. Có thể nói đây là một trong những vị thần quan trọng và được thờ phụng rộng rãi trên toàn cõi nước Nhật. Hình tượng Inari phổ biến trong cả Shinto giáo và Phật giáo. Inari được xem là một nam thần, nhưng cũng có khi là nữ thần hoặc một vị thần lưỡng tính. Nếu là nữ thần, người Nhật Bản có xu hướng hòa trộn hình tượng Inari với Daikiniten hoặc với Benzaiten (một trong 7 vị phúc thần Shichifukujin). Bên cạnh đó, Inari là vị thần kết hợp từ ba hay năm vị thần khác nhau tùy tín ngưỡng mỗi vùng. Nếu kết hợp từ 3 vị thần ta có Inari-sanza, từ năm vị thần ta có Inari-goza.


Theo những tư liệu của đền Fushimi, đền thờ Inari cổ nhất tại Nhật Bản hiện đang tọa lạc tại Kyoto, thì Inari-goza bao gồm: Izanagi, Izanami, Ninigi, Wakumusubi và một vị thần bảo hộ lương thực. Sau này goza có sự thay đổi thành: Ukanomitama, Sadahiko, Omiyanome, Tanaka và Shi. Tại ngôi đền thờ Inari cổ thứ nhì là Takekoma, họ thờ Inari-sanza gồm: Ukanomitama, Ukemochi và Wakumusubi.


Đôi khi người ta thể hiện hình ảnh Inari trong lốt một cụ già, một con rắn hay con rồng, những phổ biến nhất là hình tượng con cáo Kitsune, vì cáo được xem là sứ giả của Inari. Những bức tượng Kitsune quàng một dải khăn đỏ, miệng ngậm thanh chìa khóa hoặc cuộn giấy có thể được tìm thấy ở khắp nơi tại Nhật Bản như nhà ga, trạm xe điện, những nơi đông người...Các bảo vật đi kèm Inari có thể kể đến như một viên ngọc ước, một cái liềm, bó lúa và tất nhiên, con cáo.


Tượng Kitsune ở Kyoto

Tín ngưỡng thờ Inari được biết đến sớm nhất từ năm 711 - thời điểm xây dựng đền thờ Inari tại Fushimi, nhưng nhiều học giả tin rằng nó bắt đầu sớm hơn hàng thế kỉ. Đến thời Heian, thần Inari chính thức được hoàng gia công nhận và tín ngưỡng này nhanh chóng phát triển mạnh mẽ tỏng đời sống người dân cũng như quý tộc. Năm 833, hoàng đế Soga cho xây Todaiji (Đông Đại Tự) và đã phong Inari làm thần bảo hộ cho ngôi chùa này. Năm 942, hoàng đế Suzaku phong ông là một trong những vị thần đứng đầu do có công phù hộ dẹp yên bạo loạn. Vào thời đó, đền Fushimi là một trong 22 ngôi đền được hoàng gia bảo trợ và là điểm hành hương của dân chúng.

Lịch sử thờ thần Inari

Ban đầu, Inari chỉ được thờ như một vị thần nông nghiệp. Sau khi tín ngưỡng lan rộng, Inari được các tướng quân (shogun), các lãnh chúa (damiyo) rồi đến các ngư dân, diễn viên, thợ rèn...thờ như vị thần bảo hộ của mình. Trong vở kịch Nô nổi tiếng Sanjo Kokaji, Inari đã giúp thợ rèn Munechika rèn nên thanh bảo kiếm Kogitsune-maru, tức "con cáo nhỏ". Ngoài ra, Inari còn được coi là vị thần mang lại may mắn và thịnh vượng, thỏa nguyện những mong ước của con người. Người Osaka có câu "Byou Kobo, yoku Inari" nghĩa là bệnh cầu đến thần Kobo, mong ước cầu đến thần Inari. Nhưng chính thần Inari cũng được xem là có khả năng bảo vệ con người khỏi bệnh tật, còn phụ nữ cầu nguyện thần phù hộ cho con mình mạnh khỏe.


Sang thời Tokugawa, khi tiền dần thay thế lúa gạo trong việc đo lường mức độ giàu có của người dân Nhật thì Inari đóng vai trò thần thịnh vượng kiêm bảo trợ tài chính, thương nghiệp.


Vào đầu thế kể XVIII, người ta bỏ lá bạc hà vào tiền đồng để dâng cúng thần. Gạo, rượu sake cũng được dùng để dâng lên kitsune - sứ giả của Inari - để mong nó sẽ tâu những điều tốt đẹp đến thần. Ngoài ra họ còn có món Inarizushi, một loại sushi có đậu hủ chiên thường được chọn để mang cầu nguyện vì người dân Nhật tin rằng Kitsune rất thích ăn đậu hủ chiên.



Tại sao chọn Kitsune làm sứ giả đại diện cho thần Inari?

Nguyên nhân là vị tại Nhật Bản, cáo là con vật thiêng ẩn chứa nhiều sức mạnh và có khả năng trấn áp tà khí. Vì thế họ đặt Kitsune tại hướng Đông Bắc, hướng đi của quỷ, để bảo vệ đền và con người. Bên cạnh đó, người ta quan niệm cáo nếu tu luyện 100 có thể biến thành người. Còn nếu tu luyện 1000 năm, những con mạnh nhất sẽ biến thành cửu vĩ hồ, lông chuyển sang màu bạc, trắng hoặc vàng và có sức mạnh vô cùng to lớn. Có lẽ vì thế mà Kitsune được xem là sứ giả của Inari vì có thể lắng nghe tâm tư tình cả, nguyện vọng của con người rồi sau đó trình tấu lại thần.


Tín ngưỡng thờ Inari phát triển trên khắp Nhật Bản. Theo cuộc điều tra năm 1989 có khoảng 32000 ngôi đền Shinto giáo thờ Inari, chiếm hơn 1/3 số đền ở Nhật. Nếu tính cả các chùa Phật giáo, các bệ thờ tại công sở, gia đình và những miếu thờ nhỏ...thì con số vô cùng lớn.

4. Shichifukujin - Bảy vị phúc thần

Shichifukujin là bảy vị thần may mắn hạnh phúc theo niềm tin của người dân Nhật Bản. Trong số này chỉ có Daikoku và Ebisu là thần bản địa, còn các vị thần khác là do du nhập từ các tôn giáo khác như Hindu, Phật giáo và Lão giáo. Nhóm thần này được tu sĩ Tenkai tập hợp lại vào thế kỉ XVII để tượng trưng cho may mắn, trường thọ, công bằng, độ lượng, chững chạc, bình dân, hòa nhã... nói chung là toàn điều tốt đẹp



Các vị thần này thường được mô tạ đang cùng du hành trên một chiếc thuyền báu vật tên Takarabune (ảnh trên/dưới), tương đương một chuyến tàu chuyên chở tất cả những điều may mắn mà bất cứ ai cũng mong đợi trong đời. Trên thuyền còn có các món hàng kì diệu khác: chiếc nón khiến người đội trở nên vô hình, chiếc túi không bao giờ cạn vàng...

Danh sách các vị thần trong "bộ bảy" Shichifukujin

1. Benten (!) hay Benzaiten: là vị nữ thần duy nhất trong số shichifukujin, bảo trợ cho văn học, nghệ thuật, khoa học, sắc đẹp và đặc biệt là âm nhạc. Benten vốn là em gái của vua âm phủ trong Phật giáo, nhưng về sau do có sự nhầm lẫn mà người ta gán cho bà những phẩm chất thiện tính và đưa bà vào hệ thống bảy vị phúc thần.



Tương truyền bà đã kết hôn với một con rồng để làm cho nó thuần tính hơn, nên đôi khi bà được thể hiện đang cưỡi trên một con rồng hay rắn biển. Bà cũng gắn liền với biển cả, do đó đền thờ bà thường được đặt trên biển hoặc trên một hòn đảo. Benten được xem là mẫu mực về những tài năng của phụ nữ và luôn xuất hiện với cây đàn Biwa trên tay. Benten còn được cho là vị thần mang lại may mắn trong hôn nhân và là vị thần bảo trợ cho các geisha.



2. Bishamon hay Bishamonten: là một chiến thần xuất thân từ vị thần Vaisharavana (Đa Văn Thiên), một trong những Hộ thần trong Phật giáo. Bishamon cũng như Vaisharavana nguyên là hộ thần phương Bắc trên thiên giới nhưng sau trở thành người bảo vệ Phật phát và canh giữ cho loài người khỏi bị bệnh tật, ma quỷ quấy nhiễu. Người Nhật Bản cho rằng Bishamon vô cùng giàu có và thường ban phát mười loại châu báu hoặc vận may, do đó ông được đưa vào danh sách Shichifukujin.


Bishamon là vị thần đại diện cho quyền lực chân chính nên thường được mô tả dưới dạng một chiến binh mặt xanh, giáp phục sẵn sàng, tay cầm giáo và tay nâng ngôi chùa nhỏ. Điều này tượng trưng cho tính cách song hành của ông: một người lính và một người truyền bá chánh pháp. Đôi khi ông được miêu tả đang đạp trên hai con quỷ. Vào thế kỉ VI, Thánh đức thái tử Shotoku thường khấn vái vị thần này trước mỗi trận chinh phạt các phần tử chống phát Phật giáo tại Nhật.



3. Daikoku hay Daikokuten: là vị thần của sự giàu sang, nông nghiệp và các việc nội trợ. Daikoku nguyên là thần Shiva, vị thần tượng trưng cho sức mạnh và sự hủy diệt của đạo Hindu , được du nhập vào Nhật Bản thông qua Trung Hoa vào thế kỉ thứ IX, sau đó được bản địa hóa và trở thành một trong các Shichifukujin. Đôi khi ông còn được đồng hóa với thần Okuninushi-no-Mikoto.



Ông thường được miêu tả với vẻ mặt tươi cười, đầu đội mũ mềm, mặc y phục thợ săn, đứng hoặc ngồi trên bao gạo bị chuột ăn, trên vai vác một bao khác, tay cầm một cái chày giã gạo để ban phát điều ước và làm cho tiền bạc tuôn ra. Đôi khi ông được xem là cha của thần Ebisu.