Hà Nội, ngộ quá ta!
(TT&VH Cuối tuần) - “Ngộ quá ta”- Drew Taylor đã thốt lên như thế khi khám phá ra những điều khác nhau thú vị giữa Hà Nội và TP.HCM. 36 tuổi, đến Việt Nam từ năm 2004, hiện Drew là giám đốc Trung tâm Anh ngữ ELS Language Centers tại TP.HCM




Drew Taylor.Ảnh: Hồ Huy Sơn

* Từng đi qua nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc…, lý do nào khiến anh quyết định chọn Việt Nam làm điểm dừng chân?

- Tôi thấy con người Việt Nam thật sự thân thiện và vui vẻ. Bên cạnh đó, thức ăn ở đây rất phong phú và đa dạng, không có gì có thể sánh được với văn hóa ẩm thực của người Việt. Ngoài ra, phần lớn nơi đây vẫn còn lưu giữ một môi trường không thay đổi cả về xã hội lẫn vật chất, là ước mơ của các nhiếp ảnh gia, trong đó có tôi.

* Vậy còn lựa chọn giữa Hà Nội và TP.HCM để sống?

- Tôi thích sống ở TP.HCM vì theo tôi thành phố này thể hiện một Việt Nam nhiều hơn, còn Hà Nội là một hình ảnh đẹp tượng trưng cho riêng Hà Nội mà thôi, không phải cho Việt Nam. TP.HCM là nơi hội tụ dân cư ba miền Bắc, Trung, Nam vì thế bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực cũng như về thời trang của từng vùng miền… Hơn nữa, đây là một thành phố lao động, được hình thành từ phần lớn là dân nhập cư, họ đến đây để học tập, làm việc, và cố gắng thành công bằng một cách nào đó. Nó thể hiện rõ bản chất cần cù, siêng năng của con người Việt Nam. Và quan trọng hơn, những người sống ở TP.HCM không cần phải khoe khoang, hay không cần ai đó nhận ra rằng họ rất quan trọng – người Sài Gòn sống để tận hưởng cuộc sống và họ thực hiện điều đó theo một cách rất hài hòa, điều này khó thấy được ở những thành phố lớn trên thế giới.

* Đọc bài anh viết Ngộ quá ta so sánh giữa Hà Nội và TP.HCM, không ít người Việt chúng tôi cũng phải kêu lên: Ngộ quá ta! Phải công nhận rằng, anh có những so sánh khá thú vị giữa hai thành phố này.

- Tôi không thể nhớ cụ thể mình đã đến Hà Nội bao nhiêu lần, nhưng cũng khá nhiều rồi. Cái nhìn của tôi về Hà Nội phụ thuộc vào những gì tôi tận mắt nhìn thấy về những con người sống ở Hà Nội, người Hà Nội sống ở Sài Gòn và cả những nơi khác nữa. Tôi không cho rằng những sự khác biệt này là tiêu cực, thay vào đó, tôi muốn chỉ ra những sự khác biệt rất rõ ràng (theo quan điểm của tôi) - nếu chúng không rõ ràng đến như vậy, là một người nước ngoài, tôi cũng không cần để ý làm gì. Một điều nhầm lẫn mà người nước ngoài thường hay mắc phải khi đến Việt Nam là họ cho rằng ở đất nước này, nơi nào cũng giống nhau.

Hà Nội trầm lặng hơn, và sự cần cù, siêng năng ở đây có xu hướng biểu hiện không rõ ràng như ở Sài Gòn. Thật dễ chịu khi bạn đi dạo vòng quanh các công viên, các hồ ở Hà Nội mà không bị giao thông và những thứ hỗn loạn khác cản trở - trong khi đó lại là “đặc trưng” ở Sài Gòn. Hà Nội cũng ít thay đổi về văn hóa gốc, nhiều thói quen và những chọn lựa trong đời sống vẫn không thay đổi sau một thời gian dài. Điều này bổ sung thêm cho ý tưởng rằng Hà Nội vẫn còn lưu giữ nhiều văn hóa của mình và tạo cơ hội tiến đến lễ kỷ niệm 1.000 năm. Điểm nổi bật này cho thấy rằng “người em” miền Nam của Hà Nội, TP.HCM không thể hiện được “bức tranh” lịch sử về lối sống của một thời đã qua. Thành phố này đã thay đổi quá nhiều đến nỗi để xác định được bản sắc văn hóa của Sài Gòn đòi hỏi bạn phải quay về quá khứ và tìm hiểu về từng nhóm người khác nhau sống tại Sài Gòn, truy tìm nguồn gốc của họ từ những nhóm văn hóa khác nhau và có thể bạn sẽ không thật sự nhận ra một nhóm văn hóa nào bởi vì tất cả hòa lẫn vào nhau để tạo nên một bản sắc văn hóa mới.




Hà Nội

* Thế còn sự khác nhau giữa người Hà Nội và người Sài Gòn thì sao?

- Sự khác nhau giữa con người ở Hà Nội và Sài Gòn là điều hiển nhiên, nhưng đồng thời cũng không rõ ràng như bạn nghĩ đâu. Sự chọn lựa của họ về một số thứ như tiết kiệm tiền bạc, sử dụng thời gian rảnh rỗi, cách xã hội hóa, quan điểm về những nhóm văn hóa khác… đều khác nhau. Nhưng, bạn phải nhớ rằng hiện nay có rất nhiều người Hà Nội đang sống tại Sài Gòn, và việc tìm ra một người Sài Gòn chính gốc cũng rất khó. Vì thế, khi hỏi rằng người Sài Gòn khác người Hà Nội như thế nào thì cũng giống như hỏi về sự khác nhau giữa người Hà Nội với phần còn lại của đất nước - và điều này là một sai lầm mà tôi thường thấy người Hà Nội hay mắc phải.

* Tôi có nghe nói về dự án Sai Gon - The working city (Sài Gòn - Thành phố lao động). Đến nay dự án này đã thực hiện được đến đâu rồi?

- Thời gian trước tôi đã chụp rất nhiều ảnh cho dự án này, kết hợp với nhiều bài phỏng vấn những người tôi đã chụp ảnh. Tôi chụp hình và nói chuyện với những người lao động bình thường ở Sài Gòn, như một người se nhang, người sửa quạt máy cũ hay người bán than…, với mong muốn giúp họ “lên tiếng”, để mọi người nhận ra tầm quan trọng của những người này và công việc của họ đã góp phần cho Sài Gòn tiếp tục “sống”. Không có những con người như thế, không ai có thể hưởng thụ các tiện nghi mà họ đang có ở Sài Gòn. Bằng dự án này, tôi cũng thử quyên góp tiền thành lập một chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên nghèo ở Sài Gòn được đào tạo nghề để có thể tìm việc làm, giúp họ kiếm được tiền công cao hơn và có nhiều cơ hội tiến thân hơn.

Tiếc là dạo này tôi bận quá nên không dành được nhiều thời gian cho công việc này.

* Vậy có dự án nào với Hà Nội - nơi anh gọi là Thành phố du lịch không?

- Tôi cũng có một ý tưởng dự án tương tự như tuyển tập ảnh Sài Gòn, tuy nhiên mục đích là để hỗ trợ cho những chương trình đào tạo liên quan đến ngành du lịch. Hà Nội là một thành phố mang tính du lịch với một bề dày lịch sử và có nhiều bảo tàng. Tôi muốn qua dự án này tạo cơ hội cho giới trẻ làm việc trong ngành công nghiệp du lịch và giúp người nước ngoài, người du lịch trong nước có cái nhìn sâu sắc về Hà Nội. Hiện dự án này cũng bị chậm so với kế hoạch vì lịch làm việc của tôi dày đặc quá. Nhưng mùa Hè này, tôi hy vọng có thể hoàn tất phần hình ảnh và phỏng vấn để hoàn tất nội dung cuốn sách trước cuối năm nay.

* Cảm ơn anh và chúc cho những dự án của anh sớm trở thành hiện thực.


Ngộ quá ta


Ở Hà Nội, luật bất thành văn là một cuộc họp lúc mười giờ sáng thường sẽ bắt đầu vào lúc mười giờ ba mươi phút. Lòng kiên nhẫn của bạn sẽ được dịp thử thách. Tuy thế, khách đến họp ở Hà Nội rất dễ thương. Họ đến với nụ cười và những cái nhăn mặt, nhíu mày rất dễ thông cảm với hàng tá lý do khách quan, nào là giao thông tệ quá, người lái taxi không biết đường, nào con ở nhà bị sốt, đồng hồ tự nhiên chạy chậm, cầu thang bộ lên tầng cao quá...


Đi dọc các con đường và ngõ ngách của quán nhậu ở Hà Nội, bạn sẽ thấy cánh đàn ông chuyện trò rôm rả không thua gì các phiên chợ buổi sáng của các bà. Họ nói chuyện đùa, chuyện tếu, chuyện phiếm, chuyện mặn chuyện lạt một cách say sưa và tự nhiên như thể chỉ có đàn ông là công dân danh dự trên quả đất này. Sau vài tuần bia và rượu, cánh đàn ông không hề trở nên đáng yêu hơn với gương mặt đỏ kè, giọng nói lè nhè hoặc the thé. Rồi họ chuyển sang chuyện chính trị, chuyện đấu đá ở cơ quan, hoặc bắt đầu lên giọng triết lý về các vụ scandal nóng nhất.


Người Hà Nội sẵn sàng lùng sục các cửa hàng đồ cũ, các ngôi nhà xưa để tìm đồ cũ có giá trị như xe đạp, xe máy cổ, đồng hồ cổ, bàn gỗ cổ... Họ sẵn sàng chi tiền mua những món đồ hiếm ấy, mang chúng về nhà và để chúng nằm xếp xó ở góc nhà, dưới gầm cầu thang thêm... mươi, mười lăm năm nữa. Để đồ cổ chìm vào quên lãng cũng là một cách nâng giá trị đồ cổ - thâm trầm và công hiệu hiếm thấy. Ấy vậy mà nếu bạn chỉ vào món đồ bị bỏ quên và xin mua lại thì câu trả lời thường là: “Nó còn zin trăm phần trăm đấy! Giá khoảng bốn ngàn đô thôi!”


Drew Taylor


Còn 17 tuần nữa


Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã,hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.


Hồ Huy Sơn (thực hiện)