HÌNH ẢNH THÀNH NHÀ HỒ - THANH HÓA .
Là công trình kiến trúc quân sự bằng đá kỳ vĩ, Kinh Ðô của nhà Hồ cuối thế kỷ XIV, thuộc địa phận 2 xã: Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 50 km.
Ðây là khu thành luỹ xây toàn bằng đá, những khối đá tảng xây đều được đục đẽo vuông thành sắc cạnh, trung bình dài 1,5m; rộng 1m; dày 0,8m. Thành Tây Ðô không chỉ là căn cứ quân sự thủ hiểm dựa vào thế núi, thế sông để bảo vệ và củng cố chính quyền mà còn là một công trình kiến trúc quy mô với những cửa xây cuốn ghép hình "múi cam" cùng hàng tường bao quanh xếp đá chồng nhau hình chữ cung thẳng đứng; lối ghép những khối đá tảng sát nhau và dùng lực nén của vật liệu để giữ thăng bằng ở trình độ thủ công mà vẫn tồn tại được bao thế kỷ. Thành Tây Ðô, một di sản văn hoá quý báu, một công trình kiến trúc kỳ vĩ cho thấy khả năng kiến trúc của dân tộc ta cách đây 6 thế kỷ.

dienbatn xin đăng lại một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trước đây .
http://www.vietnamgiapha.com/faq/?mnu=2&id=4&fid=1033

" Thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, từ thành phố Thanh Hóa, theo Quốc lộ 45 ngược lên phía Bắc, ngược con đường Thiên Lý xưa kia khoảng 2km là chúng ta đến thành Nhà Hồ. Được Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), thành Nhà Hồ còn có tên gọi khác là thành Tây Đô, hay còn gọi là thành An Tôn và chính thức được coi là kinh đô của đất nước ta thời đó.
Để đối phó với âm mưu xâm lược đang đe dọa, với cách nhìn của một nhà quân sự, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn - một nơi địa hình vùng núi, thế đất chật hẹp, hẻo lánh để xây thành. Thành được xây dựng ở khoảng giữa hai con sông - sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới.

Thành Nhà Hồ được xây dựng hết sức độc đáo - bên ngoài xây đá, còn bên trong chủ yếu là đắp đất. Được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam và Bắc của thành Nhà Hồ dài hơn 900m, Đông và Tây dài hơn 700m và tường thành bao quanh. Độ cao trung bình của thành Nhà Hồ từ 7 - 8m, có nơi như ở cửa Nam cao tới 10m - một bằng chứng về sức lao động và tài năng khéo léo của nhân dân ta lúc bấy giờ.

Thành Nhà Hồ được tạo lên bởi những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu, ít nhất cũng tạo được từ 4 đến 5 mặt phẳng, có tấm rất to ở cửa Tây dài tới 5,1m; rộng 1,59m; cao 1,30m, được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công. Những phiến đá to và nặng như thế được xếp chồng lên nhau, không cần chất kết dính mà vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua 600 năm thử thách, cơ bản phần ốp đá bên ngoài hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Thành Nhà Hồ có 4 cửa: Đông, Tây , Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam, có kích thước rất lớn. Với hai cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Xưa kia khi đóng, khi mở bởi những bộ cánh cửa gỗ có bánh xe lăn, then cài chốt ngang. Ba mặt Đông, Tây, Bắc đều được xây một cửa cuốn, vòm giữa xây to và cao hơn hai vòm bên. Thành Nhà Hồ - một công trình kiến trúc vững chắc, thể hiện rõ vai trò một trung tâm quân sự. Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà chỉ được xây trong vòng có 3 tháng.

Thành Nhà Hồ đã từng được coi là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội nước ta. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi 7 năm (1400-1407) dưới triều Hồ, nhưng đây là một kiến trúc độc đáo và thực sự là một di sản quý báu, một biểu hiện kiệt xuất của những công trình thành cổ, đồng thời di tích thành Nhà Hồ còn là một danh lam thắng cảnh, một tụ điểm du lịch đẹp mắt, hấp dẫn khách du lịch tới tham quan. "
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...4&ChannelID=10

Thành nhà Hồ - SOS!

Hơn 600 năm qua, thành nhà Hồ vẫn ngày đêm hứng nắng đội mưa "thi gan" cùng trời đất. Cách đây 3- 4 năm, công luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của di tích nhưng nay công luận lại vẫn tiếp tục cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng hơn của thành nhà Hồ.

Chúng tôi tìm về di tích thành nhà Hồ vào một ngày cuối tháng 8-2004. Một số đoạn trên bức tường Thành ở phía sau đền Bình Khương đã bị đổ. Toàn bộ đoạn sông bao quanh Thành đã bị lấn chiếm gần hết. Cổng phía Đông của Thành có hai con rồng bằng đá đã bị chặt mất đầu, đuôi. Lại còn cảnh trong khu di tích vẫn còn 130 hộ dân sinh sống, ở các cổng vào Thành, tình trạng bán hàng, vứt rác bữa bãi, làm cống rãnh ứ đọng nước bẩn khiến quang cảnh di tích bị rơi vào thảm cảnh.

Thành nhà Hồ thuộc địa bàn hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Theo GS sử học Lê Văn Lan, thành nhà Hồ do ông Đỗ Tỉnh (Mẫn) là Lại bộ tượng thư của triều đình được Hồ Quý Ly cử đi xây dựng công trình này và chỉ trong 3 tháng đã hoàn thành (từ tháng 1-1397 đến tháng 3-1397).

Nhiều nhà khoa học lịch sử trong nước và quốc tế thống nhất nhận định: Thành nhà Hồ là một công trình đạt tiến độ thi công nhanh ở mức kỷ lục thời bấy giờ. Hồi ấy không có bê tông, sắt thép, phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng xe thô sơ mà những người thợ lại xây dựng được những bước tường thành chắn chắn, đồ sộ từ những phiến đá nặng hàng trăm kg.

Quan sát kỹ tường thành sẽ thấy lối kiến trúc rất khoa học của cha ông ta thời đó, các phiến đá được xếp đan xen theo hình múi cam để tránh động đất. Chiều cao của cổng thành là 10m, chiều dài 1km. Thành được xây dựng 4 cửa (Đông, Tây, Nam, Bắc), mỗi cửa có 2- 3 vòm, xung quanh Thành có đường sông bao quanh để bảo vệ.

Tương truyền rằng, Cống sinh Trần Công Sỹ được phân công xây dựng Thành nhưng không hiểu sao Thành cứ xây lên cao thì lại bị đổ. Hồ Quý Ly cho rằng Trần Công Sỹ có ý đồ xấu, cố tình phá dỡ công trình này nên đã chôn sống Trần Công Sỹ. Sau đó, nàng Bình Khương (vợ của Cống sinh Trần Công Sỹ) nghe tin chồng mất đã đập đầu vào đá tự tử. Hiện trong đền thờ bà Bình Khương vẫn còn phiến đá này.

Đặc biệt bên cạnh ngôi đền còn có một hồ nước nhỏ, dù trời mưa to hoặc nắng hạn thì quanh năm không bao giờ cạn. Sau ngôi đền này vẫn còn bia mộ của Cống sinh Trần Công Sỹ. GS sử học Lê Văn Lan cho biết: Câu chuyện truyền thuyết này chỉ là một sản phẩm của văn học dân gian như là một minh chứng về giá trị lịch sử và trình độ khoa học kỹ thuật của nhân dân ta thời nhà Hồ.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về sự chậm chễ trong bảo vệ và trùng tu di tích này, ông Hoàng Minh Tường- Phó Giám đốc Sở VHTT cho rằng: "Kinh phí tu bổ quá lớn, ngân sách địa phương không thể lo được. Ông còn cho biết "theo tôi tôn tạo lại toàn bộ di tích thì rất khó, giải pháp trước mắt là chống xuống cấp các bức tường thành, chọn từng hạng mục để làm, chứ không thể tham vọng phục hưng lại toàn bộ công trình".

Được biết các cơ quan chức năng đang chuẩn bị lập dự án cải tạo, tu bổ Thành nhà Hồ nhưng hiện nay mọi việc vẫn đang nằm trên giấy và chẳng biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Nếu không triển khai ngay biện pháp bảo vệ, trùng tu thành nhà Hồ thì chắc chắn di tích này sẽ biến mất trong tương lai hoặc sẽ bị hư hỏng nặng. Lúc đó kinh phí đầu tư cải tạo di tích càng nhiều hơn và việc tu bổ càng khó khăn hơn.