TỪ CUỐN GIA PHẢ DẤU KÍN TRONG HANG CHÚA
...ĐẾN KIỂU ĐẤT LƯỠNG NGƯU ẨM THỦY...


MẢ TỔ VI-VĂN-ĐỊNH Ở ĐÂU

(AnneNguyen)


Trong thời lệ thuộc, đồng bào Bắc Việt, và có khi ở cả Trung Nam phần, không mấy ai không biết đến cái tên Vi Văn Định : một quan đại thần được Triều đình Huế phong tới Hiệp Tá Đại Học Sỹ, thay họ Hoàng, làm Tổng Đốc tỉnh Hà Đông, một địa điểm kế cận cố đô Thăng Long, chỉ cách Hà Nội có 11 cây số.

Đối với thực dân, họ Vi tuy không được kính trọng bằng họ Hoàng, nhưng thục sự lại được tín nhiệm hơn nhiều, vì một lẽ rất dễ hiểu : Vi Văn Định trung thành tuyệt trần với... Mẫu Quốc, bất cứ trường hợp nào hay hoàn cảnh nào cũng đều hết lòng xả thân thờ nhà nước Bảo Hộ, để sẳn sàng diệt trừ tất cả mọi mầm mống, mà y gọi là phản loạn, muốn khuynh đảo... nước Mẹ !

Thiên hạ cho rằng : y sở dĩ bạo ngược, ác độc tới mức độ dã man, mọi rợ ăn xương, uống máu người Việt Nam không biết hôi tanh, không cần tiêu ớt, chỉ là vì y không có một chút máu huyết Lạc Hồng nào trong huyết quản, mà thực sự là con cháu người Thổ ở miền Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó...

Người ta đã trưng thêm bằng cớ : họ Vi hiện thời, còn có nhiều sản nghiệp dinh cơ ở đất Lạng Sơn gần sông Kỳ Cùng, để minh chứng cho lời kết tội trên là đúng !

Nhưng sự thực ra sao ? Vi Văn Định là người Việt hay là người Thổ ?

Đó là điều thắc mắc mà ai cũng muốn tìm cho ra lời giải.

Hồi ấy, tôi còn nhớ rõ về mùa hè năm 1941, nhờ có một người bạn học làm Tri Châu ở Bắc Quang, tôi đã lên thăm phong cảnh tỉnh Hà Giang và ở chơi Bắc Quang tới hơn ba tháng trời.
Một thầy Nho già, người giúp việc án từ rất đắc lực cho quan Châu huyện, tuy là dân miền suôi, nhưng vì lưu lạc lên mạn ngược từ thuở ấu thời, nên rất am hiểu phong tục, địa dư trong các thôn bản ở khắp tỉnh Hà Giang, đã thuật lại cho tôi nghe nhiều giai thoại cực kỳ huyền bí, quái dị, mà nếu ai không sống qua một thời gian nào đó với dân chúng miền sơn cước, hẳn cũng khó tin là chuyện thực.

Một hôm, đáp bè xuống Ngòi Xảo, nhìn thấy phong cảnh đẹp như tranh vẽ, núi non trùng điệp, vươn mình sừng sững trên dòng sông cuồn cuộn nước chảy về suôi, tôi hỏi thì thầy Nho già chỉ về phía một trái đồi ở ngay đầu bến Vạn, nơi các lái buôn gổ thường kết bè, thả cây về miền Việt Trì, Hà Nội mà nói rằng :

-Đấy kìa là đồi Tướng, trên đó có ngôi mả tổ của Vi Văn Định, lúc đó đang làm Tổng Đốc Hà Đông.

Nói rồi, thầy Nho bắt trạm phu phải ghé bè cho tôi lên bộ, đoạn hướng dẫn tôi lên đồi xem phong cảnh.

Dây leo chằng chịt, những cổ thụ lớn tay ôm, đa số là loại cây bồng sắc (gổ quý) sần sùi, cao vút, cành lá rậm rạp đan kết thành một vòm trời xanh thẳm, khiến cho khu đồi núi mát rượi, mặc dầu lúc đó đang là giữa mùa hè nóng bức.

Rẽ lau, vạch lá một cách khó khăn tới hơn nửa giờ, chúng tôi mới lên được tới đỉnh đồi.
Đến trước một ngôi mả lớn, cỏ mọc xanh um, thầy Nho nói :

- Mả tổ họ Vi này, theo lời bô lão thổ dân thuật lại thì đã được an táng từ đời nhà Lê Trung Hưng. Rồi bể dâu biến chuyển, họ Vi di cư qua đất Lạng Sơn, xưng hùng, xưng bá một cỏi giang sơn, không khác gì một vị tiểu vương quyền khuynh thiên hạ.

Thầy Nho điểm nụ cười nhạt nhẻo nói tiếp :

- Mà đúng thật ! Dù không được quyền khuynh thiên hạ thì họ Vi cũng là anh hùng một cõi, đúng với lời dân chúng sở tại vẫn còn truyền tụng cho đến bây giờ những lời đồng giao về kiểu đất quý báu, hiếm lạ này :

" Lưỡng Ngưu ẩm thủy,
Bột phát Công Khanh,
Huynh đệ hiển danh,
Anh hùng nhất Khoảnh..."

Nói xong, thầy Nho sợ tôi không hiểu, vội đưa tay chỉ qua hai gò đất, đứng cao sừng sửng ở hai phía tả hửu Ngòi Xảo giải thích thêm :

- Đấy ông coi, có phải hai cái gò ở bên bờ Ngòi bên kia giống hệt hai con trâu mộng, đang cúi đầu xuống dòng nước không ?

Đó là "lưỡng ngưu ẩm thủy" đấy !

Chỉ tay về đàng trước mặt, thầy nói tiếp lời :

Nếu đây là chánh huyệt, thì ngôi mả này trông thẳng ra trái Cao Sơn, một hòn núi cao ngất tới trời xanh mà thiên hạ đồn đải là có một làng Mèo sống biệt lập ở trên núi cao ấy từ đời nhà Trần, khi Chiêu văn Vương Trần Nhật Duật đem quân triều đình đến điều phạt mấy động chúa ở vùng Lĩnh Nam. Ngôi mả tổ của họ Vi trông thẳng ra ngọn núi Cao Sơn kia, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, tay long, tay hổ là hai dãy đồi thoai thoải chạy dài theo dòng sông Cả, tạo thành một kiểu đất kỳ thú vô cùng quý báu, mà theo lời thuật lại của các bô lão sở tại thì hình như Bà chúa Rừng đã cố ý để dành riêng cho dòng họ Vi vậy.

Rồi vừa dẫn tôi đi coi quanh khu đồi, thầy Nho vừa thuật lại giai thoại mà chính thầy đã được nghe thổ dân kể lại rất rõ ràng về những sự tình cờ kỳ dị xảy ra chung quanh ngôi mả dòng họ Vi, lúc đó đang là những nhân vật hét ra lửa ở đất Bắc Hà.

còn nữa
(AnneNguyen)